Về Nguyên tắc Công ích – Lời Chủ Chăn Giáo phận Vĩnh Long

LỜI CHỦ CHĂN GIÁO PHẬN VĨNH LONG
THÁNG 
9/2022 

VỀ NGUYÊN TẮC CÔNG ÍCH

Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long.

Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa theo chủ đề mục vụ năm 2021 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo Hội và Xã hội. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần IX, sẽ nói về Nguyên tắc Công ích, được trích trong Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công GiáoHiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium et Spes)DOCAT và Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.

Nguồn gốc công ích. Trước khi nói đến nguyên tắc công ích, chúng ta nên bắt đầu ngắn gọn việc sử dụng từ ngữ “công ích” bắt đầu từ đâu ? Nếu cụm từ “lợi ích chung” được sử dụng nhiều nhất, đó là vì nó phù hợp với tầm nhìn thống trị lúc đó mà theo đó nền kinh tế thị trường là alpha và omega của xã hội loài người. Đóng góp của xã hội về kinh tế. Bản thân tầm nhìn này đã được hình thành từ từ và lan tỏa trong thế giới phương Tây từ đầu thế kỷ 14. Riêng Thánh Tôma Aquinô, trung thành với triết gia Aristote, trong truyền thống triết học, cho rằng con người là một con vật xã hội hay trạng thái xã hội là trạng thái tự nhiên của con người. Trong những điều kiện này, điều tốt của mỗi người chỉ có thể được thực hiện trong tương quan với công ích. Vì vậy, công ích không thể bị thu hẹp thành lợi ích chung mang tính kinh tế, nhưng công ích liên quan đến con người toàn diện chớ không chỉ liên quan đến những gì họ có về mặt kinh tế. Thánh Tôma Aquinô còn tóm lược công ích trong sự an hòa, tức thuận hòa giữa các công dân. Và trong thần học Kitô giáo, Thánh nhân phát họa khuynh hướng tự nhiên của sự Sáng tạo nói chung (bao gồm cả cộng đồng nhân loại) hướng về Sự Thiện là Thiên Chúa : Thiên Chúa là công ích đặc biệt mà tất cả mọi người phải hướng tới để được lợi ích cho từng cá nhân hướng tới (x. Lencyclopeùdie libre).

Công ích là gì ? để làm gì ? Công ích là lợi ích chung của nhiều người, của xã hội và cộng đồng. Định nghĩa tham chiếu Công đồng Vatican II: “ […] Công ích, tức là toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép những tập thể hay những phần tử riêng rẽ có thể đạt tới sự hoàn hảo riêng một cách đầy đủ và dễ dàng hơn” (Gaudium et Spes, số 26) (x. DOCAT, số 87).

Công ích nội tại là toàn bộ những điều kiện vật chất và tinh thần, mang lại cho một cộng đồng nhân loại một tình trạng giúp ích cho sự phát triển hài hòa của những người trong cộng đồng đó: mỗi người trong những người này đều có trách nhiệm về công ích, và được hưởng phần của mình” (x. Tự Điển Đức Tin Kitô Giáo). Trong phạm vi liên quan đến đời sống của con người, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1906… định nghĩa “Công ích chỉ có thể được định nghĩa trong tương quan với nhân vị… Phải hiểu công ích là “toàn thể những điều kiện của đời sống xã hội giúp cả những tập thể, cả những phần tử riêng rẽ, đạt tới sự hoàn hảo riêng của mình một cách đầy đủ và dễ dàng hơn”. Công ích gồm ba yếu tố căn bản: – Trước hết, công ích giả thiết phải tôn trọng cá vị theo đúng nghĩa. – Thứ hai, công ích đòi hỏi sự thịnh vượng xã hội và sự phát triển của chính tập thể. – Cuối cùng, công ích bao hàm hòa bình, nghĩa là, sự bền vững và sự an ninh của một trật tự chính đáng.

Nguyên tắc công ích ? – Nguyên tắc đầu tiên của công ích là mọi khía cạnh trong đời sống xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa, tôn giáo, một cách nào đó đều liên hệ đến công ích, mãi mãi vẫn là “lợi ích chung”. – Từ nguyên tắc đó đến nguyên tắc thứ hai đó là trách nhiệm của mọi người. Công ích nhắm đến từng người : mỗi người đều cộng tác và mỗi người đều hưởng dùng ngang nhau : “Công ích có liên quan tới mọi thành phần trong xã hội, không ai được miễn trừ cộng tác vào việc thực hiện và phát huy công ích, tùy theo khả năng của mỗi người… và Mỗi người cũng quyền hưởng những điều kiện của đời sống xã hội do việc tìm kiếm công ích đem lại”. – Nguyên tắc thứ ba liên quan đến nhiệm vụ của cộng đồng chính trị : “Những ai có trách nhiệm lãnh đạo đất nước đều phải biết thể hiện công ích của quốc gia, không chỉ theo hướng đi của đa số mà còn theo ích lợi thật sự của mọi thành phần trong cộng đồng, kể cả những nhóm thiểu số” (x. TLHTXH, 166-170). Điều này muốn mọi người quan tâm đến mọi thành phần xã hội, cho dù họ là ai, nhóm thiểu số, hay những người nghèo, những người vô gia cư, những người tị nạn,những người di cư… sống bác ái với nhau, giúp đỡ lẫn nhau theo lẽ công bằng : “Tình yêu đối với người nghèo cũng là một trong những động lực thúc đẩy bổn phận làm việc để có gì chia sẻ với những người túng thiếu”. (GLHTCG 2444).

Làm thế nào để quản lý công ích ? Công ích được thực hiện một cách cụ thể qua của cải tập thể. Tuy nhiên, vai trò của công ích trong xã hội loài người thường bị đánh giá thấp, bao lâu tài sản thị trường vật chất chiếm vị trí trung tâm. Bởi vì, không chỉ có kinh tế mà thôi, chúng ta còn thấy có vô số và đa dạng tài sản chung bao gồm từ vật chất nhất (cống rãnh, đường xá, nước uống, v.v.) đến tài sản phi vật chất nhất (lòng tin, kiến thức) được nhận thấy trong thể chế, giáo dục, các hình thức xã hội hóa (đặc biệt là giữa các thế hệ), sức khỏe, Internet, sự khéo léo, nghệ thuật và các tài sản văn hóa và tinh thần khác. Tất cả các thứ đó có lợi ích cho con người toàn diện.

Để quản lý công ích cách hiệu quả, ngoài việc sống tinh thần phúc âm của Chúa : Kính mến Chúa và yêu thương tha nhân, thì cũng cần phải có những luật pháp nhất định, bởi vì vẫn luôn luôn hiện diện những hình thức không tốt cho công ích. Công ích bị đe dọa bởi các hành vi chiếm đoạt tài sản (hành vi chiếm đoạt cá nhân tài sản của người khác) và bởi các hành vi lấy cách kín đáo, nếu tài sản được tự do sử dụng mà chúng ta thường hay gọi tên là biển thủ công ích, công ích bị đe dọa. Biển thủ công dưới nhiều hình thức khác nhau : cách kín đáo, hoặc dùng quyền lực cá nhân, dùng những mánh khóe qua mặt nhiều người trong cộng đồng.

Do đó, toàn bộ vấn đề về sự chuyển động, việc sử dụng các công ích trước hết là làm sao cho mọi người có thể thấy được việc sử dụng công ích này. Nhờ đó mọi người có thể cung cấp, cộng tác cho công ích, làm cho công ích có một giá trị nhất định trong mắt chúng ta, cho thấy sự hữu ích, sự tồn tại, ngay cả sự mong manh của công ích và trên hết là sự phụ thuộc của chúng ta vào công ích.

Trong Xã hội và trong Giáo Hội mà chúng ta đang sống, chúng ta cùng nhau chúc mọi sự thành công để bảo vệ công ích và các nguyên tắc công ích.

Vĩnh Long, ngày 20 tháng 8 năm 2022

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám Mục Gp. Vĩnh Long

Nguồn: giaophanvinhlong.net (05.9.2022)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi