01.09.22
THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 5,1-11
RA KHỎI VÙNG AN TOÀN
“Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” (Lc 5,4)
Suy niệm: Yêu cầu của Chúa Giê-su “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”, có vẻ khó chấp nhận đối với một người có kinh nghiệm chài lưới nhiều năm lại còn “vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả”. Dù có thắc mắc về lệnh truyền kỳ lạ đó, Phê-rô vẫn vâng lời Thầy mà thả lưới, và điều kỳ diệu đã đến với kết quả là “hai thuyền đầy cá, đến gần chìm”. Đó là bài học đầu tiên cho các môn đệ để các ông tiếp tục đi ra khỏi vùng an toàn, tiến vào “chỗ nước sâu” của sứ mạng loan báo Nước Thiên Chúa: Các ông bỏ lưới, bỏ thuyền, “bỏ hết mọi sự mà theo Thầy”, đối diện với khó khăn, bách hại để trọn vẹn cho sứ mạng “lưới người như lưới cá”. Chúa Giê-su không hề ẩn nấp nơi an toàn, không trốn tránh sứ mạng nhưng với con tim mục tử hòa quyện cùng sự vâng phục Chúa Cha tuyệt đối, Ngài đã hoàn tất sứ mạng Chúa Cha trao phó, với đỉnh điểm là Cuộc Tử Nạn Phục Sinh.
Mời Bạn: Giữa bao thử thách của cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền, bổn phận gia đình, xã hội… lắm khi bạn muốn “ẩn mình đi” cho an toàn, xin được hai chữ bình an; và như thế, bạn không sẵn sàng tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng. Mời bạn kiểm điểm chính bản thân và gia đình mình: Bạn có tham gia vào sứ vụ nào để xây dựng Giáo hội nơi bạn đang sống? Bạn có viện cớ gì (bận rộn công việc, không thích không quen…) để thoái thác việc tham gia cộng tác vào những hoạt động của Giáo hội tại địa phương của bạn?
Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm dành thời gian để thăm viếng một gia đình lương dân, và tham gia vào một đoàn thể trong giáo xứ (nếu bạn chưa tham gia).
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.
02.09.22
THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 5,33-39
ĐỔI MỚI CÁI NHÌN
Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?” (Lc 5,35)
Suy niệm: Những người Pha-ri-sêu và luật sĩ hết chỉ trích Chúa Giê-su “ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi” (Lc 5,30) lại quay ra trách cứ các môn đệ Ngài không giữ chay. Đối lại, Đức Giê-su cũng nhiều lần lên án cách giữ luật của họ, dù rất tỉ mỉ, nhưng lại nặng hình thức mà bỏ qua điều quan trọng nhất của luật là “nhân ái, công bình và thành tín” (Mt 23,23). Hôm nay Chúa Giê-su cho biết việc ăn chay, và nói rộng ra việc giữ luật, phải nhắm mục đích là vì chính Chúa. Việc ăn chay sẽ không phù hợp khi mà Ngài là vị Thiên Chúa cứu độ, Chúa của nguồn an ủi, đang hiện diện ở giữa các môn đệ: lúc ấy, họ không có lý do gì để ăn chay với bộ mặt sầu thảm đưa đám. Hẳn nhiên các môn đệ của Chúa cũng sẽ ăn chay, nhưng là khi Ngài là chàng rể được đem đi.
Mời Bạn: Lời Chúa mời gọi chúng ta đổi mới cái nhìn trong cung cách sống đạo của mình. Tuân thủ giới răn của Chúa chỉ vì lòng yêu mến Ngài chứ không vì cái nhìn của người khác, kể cả khi vì danh Ngài mà “bị vu khống đủ điều xấu xa” (x.Mt 5,11). Đồng thời đối với tha nhân, cũng phải từ bỏ lối nhìn áp đặt, thành kiến, xét đoán, thay vào đó là cái nhìn chiều hướng tích cực, cảm thông và bao dung, để lan toả niềm vui của Tin Mừng.
Sống Lời Chúa: Bí quyết để đổi mới cách nhìn: nhìn thấy Chúa trong mọi người và nhìn thấy mọi người trong Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin biến đổi đời sống con, để con trở nên trung gian, nối kết mọi người sống yêu thương hạnh phúc và phù hợp với đường lối Chúa hơn. Amen.
03.09.22
THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Thánh Ghê-gô-ri-ô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ HộiThánh
Lc 6,1-5
CHÚA NHẬT, NGÀY CỦA CHÚA
Bấy giờ Đức Giê-su nói: “Con Người làm chủ ngày sa-bát.” (Lc 6,1-5)
Suy niệm: Việc thiết kế đô thị đòi hỏi sự đóng góp của nhiều nhà chuyên môn thuộc nhiều ngành. Nói riêng chuyện làm đường sá, nếu chỉ thiếu tầm nhìn ở một ngã rẽ, sai lệch độ dốc tại một khúc quanh, thậm chí giải phân cách đặt sai chỗ cũng có thể gây nên tai nạn chết người. Những chỗ sai cần phải được sửa đổi. Quan niệm của người Do Thái về ngày sa-bát cũng có nhiều chỗ sai lệch cần sửa đổi ngay: thay vì tăng cường đời sống gia đình, đào sâu hiểu biết về lịch sử, tôn giáo, và trên hết để làm mặn nồng hơn nữa mối tương quan giữa họ với Thiên Chúa, họ đã thêm thắt nhiều qui định tỉ mỉ, biến ngày sa-bát trở thành ngày của những điều cấm kỵ, ngày chịu gánh nặng của luật lệ. Ý nghĩa thánh thiêng của ngày lễ được Đức Giê-su phục hồi, bởi Ngài làm chủ ngày sa-bát và đến để kiện toàn chứ không phải để bãi bỏ.
Mời Bạn: Bạn có coi ngày Chúa Nhật là ngày của những luật lệ cứng nhắc như ngày sa-bát và bạn chỉ có mặt trong Thánh Lễ vì luật buộc không? Tâm tình và thái độ của bạn trong ngày mừng kính cuộc phục sinh có nói lên đức tin của bạn không?
Chia sẻ: Khi cử hành Thánh Lễ, Giáo Hội hoàn thành mầu nhiệm thánh mà nghi thức chứa đựng. Mầu nhiệm đó là mầu nhiệm gì vậy?
Sống Lời Chúa: Mỗi khi đi dự lễ, bạn vào nhà thờ sớm hơn giờ lễ để chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con chuẩn bị thật xứng đáng khi tham dự thánh lễ, vì đó là lúc con gặp Đấng tạo dựng nên con, lúc kẻ tội lỗi gặp Đấng Cứu Chuộc, lúc nghĩa tử gặp Cha của mình.
04.09.22
CHÚA NHẬT TUẦN 23 TN – C
Lc 14,25-33
TIÊU CHUẨN LÀM MÔN ĐỆ CHÚA
“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,26)
Suy niệm: Chất lượng cao, bền, đẹp, giá thành hạ là những tiêu chuẩn người ta thường dựa vào để đánh giá một sản phẩm. Cũng thế về con người, thế gian có những tiêu chuẩn để đánh giá. Tiền bạc, quyền chức, thành công, có nhà cửa vẫn luôn là tiêu chuẩn ưu thế. Đối với Thiên Chúa, tiêu chuẩn số một phải có nơi người muốn thuộc về Ngài là kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Đây là tiêu chuẩn không thể thay thế, dù trong hoàn cảnh nào, dù vì lý do gìn giữ mạng sống, nhưng nó thay thế cho mọi tiêu chuẩn đánh giá con người. Khi đòi hỏi như thế, Thiên Chúa biết rõ trong tâm trí của Ki-tô hữu không chỉ có tiếng của Thiên Chúa, mà còn có nhiều tiếng khác đang cạnh tranh tìm cách chi phối thánh ý Chúa. Bởi thế, là người cha đầy lòng yêu thương, Chúa nói những lời trên với ta như những người con trưởng thành, tin tưởng chúng luôn biết chọn lựa dựa vào tiêu chuẩn kính mến Chúa trên hết mọi sự.
Mời Bạn: Có quá nhiều tiêu chuẩn thiên hạ đưa ra để đánh giá con người. Nơi bạn đang sống, tiêu chuẩn nào đang được người ta chú trọng? Tiêu chuẩn đó có thay thế hay làm giảm giá tiêu chuẩn kính mến Chúa trên hết mọi sự không? Khi quyết định một việc, bạn dựa vào tiêu chuẩn nào?
Sống Lời Chúa: Khi sắp quyết định làm việc gì, bạn hãy nhớ đến Lời Chúa dạy mình làm gì trong việc này.
Cầu nguyện: Lạy Cha, Cha đã yêu thương chúng con đến nỗi thí ban Con Một yêu dấu của Cha là Đức Giê-su. Xin cho chúng con cũng biết mến yêu Cha trên hết mọi sự.
05.09.22
THỨ HAI TUẦN 23 TN
Thánh Tê-rê-xa Can-cút-ta, nữ tu
Lc 6,6-11
“HỌ RÌNH XEM…”
Các kinh sư và người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo người. (Lc 6,7)
Suy niệm: “Rình” được định nghĩa là hành động theo dõi một cách kín đáo từng cử chỉ, từng động tác nhưng không cho đối phương biết để tìm sơ hở, sai sót để công kích. Các kinh sư và người Pha-ri-sêu hôm nay cũng nín thở “rình xem” Chúa Giê-su có chữa lành cho người bị khô bại tay trong ngày sa-bát hay không, để họ có cớ tố cáo Ngài vi phạm luật Mô-sê. Chúa Giê-su thấu rõ hành vi rình mò với ý đồ xấu xa của họ nên đã chất vấn họ bằng một câu hỏi mà họ hoàn toàn có thể có câu trả lời đúng đắn nếu họ còn có lương tri: “Ngày sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?” Họ không trả lời được bởi vì họ chỉ chú ý đến hình thức của việc giữ luật hơn là chú ý đến tình yêu và nhân vị là trọng tâm của mọi thứ lề luật.
Mời Bạn: Chú ý quan sát để nhận định và rút kinh nghiệm nhờ đó sửa mình và kiện toàn bản thân, đó là việc tốt; nhưng rình xem, bới lông tìm vết để bắt bẻ, kết án lại là một việc làm tệ hại. Trong tương quan mỗi ngày, bạn được mời gọi hãy quan tâm đến những người anh chị em để giúp họ thăng tiến chứ không phải để phán xét hay bắt bẻ họ nếu như họ có làm điều gì sai lỗi.
Chia sẻ: Quan tâm và chăm sóc tha nhân khác rình mò tìm lỗi để kết án thế nào?
Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm quan tâm chăm sóc tha nhân với ý hướng làm điều tốt đẹp, tích cực cho họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin biết lắng nghe và cảm thông với tất cả những ai lầm lỡ và đang sống xa Chúa để họ có thể tìm về với Ngài. Amen.
06.09.22
THỨ BA TUẦN 23 TN
Lc 6,12-19
ĐƯỢC CHỌN ĐỂ NÊN MỘT
Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. (Lc 6,12-13)
Suy niệm: Đức Giê-su chọn các tông đồ nhưng không cất khỏi họ những yếu tố con người, cả những yếu đuối. Điều lạ lùng, dẫu có nhiều khác biệt, thậm chí trái nghịch nhau nữa, các tông đồ vẫn sống chung được với nhau và cùng thi hành sứ mệnh truyền giáo. Chẳng hạn, giữa Mát-thêu và Si-mon “nhiệt thành”: Mát-thêu làm nghề thu thuế, tiếp tay với người Rô-ma đô hộ; Si-mon chủ trương đối đầu với quân Rô-ma và những người làm tay sai. Ấy thế mà khi thuộc về Nhóm Mười Hai của Đức Giê-su, họ sống với nhau trong hòa bình và cùng chung lo công việc Chúa. Đúng như cha Teilhard de Chardin nói: “Đăng giả hội”, càng lên cao càng hội tụ lại. Các tông đồ càng vươn lên tới Đức Giê-su thì họ càng hiệp nhất với nhau trong Ngài. Và chính đời sống hiệp nhất ấy đã là một bài rao giảng sống động về một Thiên Chúa duy nhất là Cha mọi người.
Mời Bạn: Trong gia đình, trong nhóm hay trong cộng đoàn, bạn là tác nhân của sự hiệp nhất hay của sự chia rẽ?
Chia sẻ: Khi có những mâu thuẫn trong nhóm/cộng đoàn của bạn, bạn có tìm nguyên nhân và phương thế sửa chữa?
Sống Lời Chúa: Bạn gia nhập một nhóm hoạt động tông đồ giáo dân trong giáo xứ và cùng làm việc với anh chị em.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con muốn được cùng với Chúa mà thân thưa với Chúa Cha : “Lạy Cha, xin cho chúng con hiệp nhất nên một”, hầu giáo xứ chúng con trở nên cộng đoàn yêu thương, lánh xa những mưu mô chia rẽ, bè phái, hờn căm, để thế gian tin rằng chúng con thuộc về Chúa.
07.09.22
THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 23 TN
Lc 6,20-26
BIẾN HOẠ THÀNH PHÚC
“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.” (Lc 6,20)
Suy niệm: Người nghèo đói được Chúa chúc phúc không phải vì đó là công trạng của họ, mà vì Chúa đứng về phía họ, những người yếu thế, dễ bị tổn thương. Và điều đó càng rõ ràng hơn khi họ chọn đứng về phía Chúa, chịu khổ nhục “vì danh Ngài”. Ngược lại, những người giàu có, no đầy “phải khốn”, phải chuốc hoạ vào thân không phải vì họ nhiều của cải mà vì họ đã không đứng về phía Chúa – nghĩa là phía người nghèo, – để cảm thông chia sẻ; trái lại họ cậy dựa vào của cải mà hưởng thụ cách ích kỷ, đắm chìm trong đam mê lạc thú. Ông phú hộ trong dụ ngôn bị trầm luân chỉ vì đã không chia sẻ cho anh La-da-rô nghèo túng, là hình ảnh minh hoạ chân lý ấy (x.Lc 16,19-26).
Mời Bạn: Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay là chìa khóa để được chúc phúc, và hơn nữa, để biến hoạ thành phúc. Một khi bạn để những ham mê của cải và thú vui choán hết tâm hồn, ta không còn chỗ dành cho Chúa và tha nhân nữa. Nhưng nếu bạn “bán đi tất cả những gì bạn có mà cho người nghèo” (x.Lc 18,22), bạn biến mối hoạ thành mối phúc cho mình: bạn trở nên người nghèo của Thiên Chúa (anawim), và được Nước Trời làm gia nghiệp.
Sống Lời Chúa: Hy sinh tiết giảm những chi tiêu không thiết yếu để trợ giúp những người túng thiếu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, họa hay phúc là do chúng con tự tạo. Nghèo chúng con nương tựa vào Chúa. Giàu chúng con cũng phó thác trong tay Chúa và tương trợ anh em mình. Chúng con xin Chúa thêm ơn, để trong hoàn cảnh của mình, chúng con luôn biết tín thác vào Lời Chúa dạy. Amen.
08.09.22
THỨ NĂM TUẦN 23 TN
Sinh nhật Đức Ma-ri-a
Mt 1,1-16.18-23
ÂN SỦNG CÓ TỪ KHI NÀO?
Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: “Này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. (Mt 1,22-23)
Suy niệm: “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ơn sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Một lời chào vừa long trọng vừa lạ lùng: long trọng với một thôn nữ Na-da-rét, người diễm phúc được tuyển chọn; lạ lùng vì không gọi tên Ma-ri-a, thay vào đó bằng một danh xưng mới: Đấng đầy ân sủng. Thế nhưng, ân sủng ấy không do công trạng riêng của Mẹ, nhưng do lòng thương xót của Thiên Chúa. Với lòng tin và sự vâng phục, Đức Ma-ri-a đã thưa tiếng ‘xin vâng’ để trở nên E-va mới, cưu mang Đức Giê-su, Đấng là Ân sủng. Nhờ tước hiệu Mẹ Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a được ân sủng Vô nhiễm nguyên tội ngay trong dạ thân mẫu, rồi Mẹ trở thành “máng” thông ân sủng Chúa đến cho nhân loại. Trong cái nhìn đó, ngày sinh nhật của Mẹ là khoảnh khắc vĩ đại, mở ra chân trời hy vọng, niềm vui, bình an cho nhân loại lâu nay đang ngóng chờ.
Mời Bạn: Việc Mẹ Ma-ri-a chào đời đem niềm vui cho toàn nhân loại. Bạn có kinh nghiêm nào trong việc lan tỏa niềm vui, hạnh phúc cho người khác tại công ty, xí nghiệp hay môi trường bạn đang sống không? Kinh nghiệm đó có dẫn bạn đến chỗ dám hy sinh phần nào bản thân để mưu ích cho họ không?
Sống Lời Chúa: Hôm nay hãy chia sẻ niềm vui của bạn với ai đó bên cạnh.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Mẹ. Xin dạy con biết đem niềm vui cho người khác, can đảm sống như Mẹ, dám hy sinh, cho đi để phục vụ anh chị em mình trong đời sống thuờng ngày. Amen.
09.09.22
THỨ SÁU TUẦN 23 TN
Thánh Phê-rô Cla-ve, linh mục
Lc 6,39-42
PHẢN TỈNH VỚI CHÍNH MÌNH
Đức Giê-su nói: “Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!” (Lc 9,42)
Suy niệm: Chúa Giê-su nói những lời trên trong bối cảnh Ngài dạy các môn đệ đừng xét đoán: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán” (Lc 6,37). Chưa nói tới việc chúng ta không thể thấu hiểu hết tâm tư cũng như hoàn cảnh của người khác, chúng ta dừng xét đoán, không lên án người khác, bởi chính chúng ta vốn là kẻ yếu hèn lầm lỗi, và nói như thánh Gio-an tông đồ: “Ai bảo mình vô tội, thì tự lừa dối mình, và sự thật không có nơi người đó” (1Ga 1,8). Trong vụ án người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (x.Ga 8,1-11), để đáp trả những người đang chất vấn phải ném đá hay không ném đá người phụ nữ ấy, Chúa Giê-su đã yêu cầu họ phản tỉnh, nhìn lại chính mình: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7). Tội lỗi là những cái xà làm chúng ta ‘mờ mắt’. Vậy nên, hãy lấy cái xà trong con mắt của mình ra trước đã.
Mời Bạn: Để lấy được cái xà ra khỏi mắt mình, trước hết, ta cần nhận thức: nó đang hiện hữu trong mắt của ta. Cũng vậy, để giũ bỏ tội lỗi, tiên vàn, ta cần ý thức rằng: mình yếu hèn tội lỗi. Chính sự giác ngộ này sẽ giúp ta ‘buông bỏ những viên đá xuống’ thay vì ném chúng về phía tha nhân.
Sống Lời Chúa: Thường xuyên xét mình, để nhận biết sai lỗi của mình và cư xử bao dung với tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đến trần gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để giúp mọi người ăn năn sám hối để được sống. Xin cho con ý thức mình yếu hèn tội lỗi, để được Chúa xót thương. Amen.
10.09.22
THỨ BẢY TUẦN 23 TN
Lc 6,43-49
NGÔN HÀNH NHƯ NHẤT
“Tại sao anh em gọi Thầy: ‘Lạy Thầy! Lạy Thầy!’ mà anh em không làm điều Thầy dạy?” (Lc 6,46)
Suy niệm: Tục ngữ Việt Nam có câu: “Trăm voi không được bát nước sáo” có ý phê phán cái tật nói nhiều mà làm thì không được bao nhiêu, thậm chí không làm gì. Có những Ki-tô hữu có khi rất thuộc Lời Chúa, nhưng lại không hề thực hành; có người có tài bắt chước những trò hề diễn xuất hoặc những pha lâm li bi đát trong phim ảnh, nhưng lại không hề bắt chước hành vi bác ái phục vụ tha nhân của các thánh và những gương mẫu thánh thiện khác. Hãy nhìn lên tượng Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên cây thập giá mà suy gẫm. Hẳn là Đức Ki-tô trên cây khổ giá ấy muốn nói với chúng ta rằng đừng chỉ nói yêu suông mà hãy yêu bằng việc làm cụ thể; và đã làm thì đừng chỉ làm qua loa với mức độ “một bát nước sáo” mà là với mức độ triệt để của cây thập giá Chúa Ki-tô.
Mời Bạn: Còn có nhiều người chưa nhận biết Chúa Giê-su, bởi vì vẫn còn có người Ki-tô hữu ngôn hành bất nhất không phù hợp với tinh thần phúc âm của Chúa. Bạn nghĩ sao? Và phần bạn thì sao?
Chia sẻ lời thư thánh Gia-cô-bê: “Một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,26).
Sống Lời Chúa: Bạn hãy đúc kết năm phút cầu nguyện mỗi ngày với Lời Chúa bằng việc rút ra một quyết tâm cụ thể để thực hiện trong ngày sống của bạn. Và cuối ngày bạn kiểm điểm xem mình thực hành điều đó thế nào.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết thực hành lời Chúa, sống lời Chúa trước khi nói lời Chúa và kể cuộc đời Chúa cho người khác nghe.
11.09.22
CHÚA NHẬT TUẦN 24 TN – C
Lc 15,1-32
MỖI CON CHIÊN ĐỀU QUAN TRỌNG
Người nào trong các ông có một con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? (Lc 15,4)
Suy niệm: Dụ ngôn ‘Con chiên lạc’ diễn tả thật hàm súc lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người. Thiên Chúa là vị mục tử sẵn sàng bỏ 99 con chiên ngoài đồng để bươn bả đi tìm cho bằng được một con chiên lạc. Dưới cái nhìn thuần tự nhiên, đây là một hành động nhọc công không đáng, có nguy cơ mất cả chì lẫn chài, ăn cám trả vàng. Đó là chưa kể khi đi tìm như thế, người mục tử gặp nguy hiểm: bị thú dữ tấn công, bị trượt ngã nơi vách đá, vực sâu. Lý do sâu xa nhất giải thích cho hành động điên rồ này là vì con chiên đó của ông, là vì, đối với Chúa, từng con chiên đều vô cùng quan trọng và Ngài sẵn sàng thí mạng sống Con yêu dấu của Ngài để cứu mạng từng con chiên đó.
Mời Bạn: Mỗi người đều có thể là con chiên lạc theo những cách khác nhau. Chúa không quan tâm lý do tại sao đi lạc! Chúa chỉ có một mối bận tâm, đó là đi tìm chiên lạc; vì con người thuộc về Chúa và là công trình tay Chúa cứu độ. Do đó, vấn đề thực sự không nằm ở những tội lỗi, yếu đuối của chúng ta, nhưng nằm ở chỗ ta có cho phép Chúa tìm thấy mình, vác mình về đàn chiên để chữa lành và chăm sóc hay không.
Sống Lời Chúa: Mỗi khi sa ngã lỗi lầm tôi quyết mau mắn xưng tội chân thành để được Chúa tha thứ, chữa lành những vết thương tội lỗi.
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, mỗi lần chúng con bất trung, phạm tội là một lần chúng con đi lạc. Xin Chúa kéo chúng con về với nẻo chính đường ngay, vì chúng con là của Chúa. Amen.
12.09.22
THỨ HAI TUẦN 24 TN
Thánh Danh Đức Ma-ri-a
Lc 7,1-10
ĐỪNG VÔ TÂM
Khi nghe đồn về Đức Giê-su, ông cho mấy người kỳ mục của người Do Thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông. (Lc 7,3)
Suy niệm: Thời đế quốc Rô-ma, thân phận người nô lệ không hơn gì một món hàng mà người chủ có thể mua bán, thậm chí nắm quyền sinh sát trên mạng sống của họ. Là một quân nhân nằm trong guồng máy ấy, viên đại đội trưởng Rô-ma hẳn là đầy quyền uy này lại ra sức tìm phương chạy chữa cho tên nô lệ của ông đã trở thành vô dụng vì “đau nặng gần chết”. Ông đã không ngần ngại hạ mình “nhờ vả” các kỳ mục Do Thái đến cầu xin Đức Giê-su ra tay cứu chữa. Lòng nhân ái và khiêm tốn của ông như chất xúc tác xoá tan khoảng cách giữa ông, người của dân tộc thống trị, với các kỳ mục Do Thái, người của dân bị trị. Với những phẩm chất đáng quý đó, ông thốt lên lời tuyên xưng đức tin chân thật: “Tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi… Nhưng xin Ngài cứ nói một lời…”; lời tuyên xưng khiến Chúa Giê-su thán phục: “Tôi chưa thấy người nào có lòng tin như thế.”
Mời Bạn: Các nhà khoa học ra sức phát triển con chíp ‘tình cảm’ để rô-bốt ngày càng thật giống con người. Trong khi đó, con người thời nay như muốn ‘rô-bốt hóa’, trở nên ‘những cỗ máy vô tình’ trước nỗi đau của đồng loại. Người có lòng nhân ái và khiêm tốn giống như mảnh đất tốt cho hạt giống đức tin nảy nở và nhờ đó họ đạt tới đức ái vẹn toàn.
Sống Lời Chúa: Hằng ngày nhắc nhở mình luôn sẵn sàng quan tâm và thực tâm phục vụ tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đừng để con trở nên cỗ máy lạnh lùng vô cảm. Nhưng khơi dậy tình yêu Chúa trong con giúp con luôn sống nhân ái, liên đới và có trách nhiệm với tha nhân. Amen.
13.09.22
THỨ BA TUẦN 24 TN
Thánh Gio-an Kim Khẩu, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Lc 7,11-17
CHỈ NƠI CHÚA MỚI CÓ BÌNH AN
Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa.” (Lc 7,13)
Suy niệm: Goá phụ, lại chỉ có một đứa con trai độc nhất, người đàn bà thành Na-in này dường như mất đi tất cả, mất đi chỗ dựa tinh thần, mất đi niềm an ủi lớn lao khi cậu con trai này chết đi. Thấu hiểu được nỗi đau khổ của bà, Chúa Giê-su chạnh lòng xót thương, Ngài đã đến an ủi “Đừng khóc nữa” và với quyền năng, Ngài đã phục sinh sự sống trong tâm hồn bà bằng cách làm cho người thanh niên được sống lại.
Mời Bạn: Đau khổ, buồn phiền, thất vọng… luôn luôn hiện diện trong cuộc sống phận người. Chúng ta phải đối diện với những thử thách, khó khăn trong công việc làm ăn, những hiểu lầm chống đối trong tương giao xã hội, những chứng bệnh nan y nơi bản thân mình, hoặc phải chứng kiến sự ra đi của một người thân mà ta rất mực yêu thương… Trong Tin Mừng hôm nay, chính Chúa Giê-su đã đến và ngỏ lời trước đối với bà goá Na-in. Chúng ta có tin rằng những đau khổ mà chúng ta đang gặp phải, chính Chúa đã thấy và Ngài đang nâng đỡ chúng ta cách này cách khác không? Chúng ta có tin tưởng rằng chỉ duy một mình Ngài mới có thể đem lại sự ủi an thật sư không? Hay chúng ta chỉ vùi mình trong những khổ đau để than thân trách phận và loay hoay tìm kiếm sự nâng đỡ của những thế lực trần gian?
Chia sẻ: Những khi gặp đau khổ, thử thách trong cuộc sống, bạn thường làm gì? Hãy chia sẻ những kinh nghiệm đó với nhóm của bạn.
Sống Lời Chúa: Tập luôn hướng lòng về Chúa qua mọi hoàn cảnh sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa! Con tin rằng chỉ duy một mình Chúa mới khoả lấp những khổ đau và ban niềm bình an đích thực. Xin ban thêm ĐỨC TIN cho con.
14.09.22
THỨ TƯ TUẦN 24 TN
Suy tôn Thánh Giá
Ga 3,13-17
VÁC THÁNH GIÁ VỚI NIỀM VUI
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16)
Suy niệm: Thánh giá trên nóc nhà thờ, ở giữa gian cung thánh, thánh giá trên bia mộ, trên bàn thờ gia đình, trên đôi tai của quý bà quý cô… Ta làm dấu thánh giá trước mỗi cử hành đạo đức, trước và sau mỗi bữa ăn, cầu thủ làm dấu thánh giá khi bước ra hay rời sân cỏ… Dù ở đâu và lúc nào, thánh giá hay dấu thánh giá luôn được coi như một biểu tượng nói lên niềm tin vào Chúa Ki-tô, Đấng chịu treo trên thánh giá để cứu ta. Khi suy tôn, ca ngợi thánh giá, người Ki-tô hữu không ca ngợi đau khổ, nhưng ca ngợi tình yêu Thiên Chúa dành cho mình. Chúa Ki-tô không cứu ta bằng đau khổ, nhưng bằng tình yêu, tình yêu đi đến tận cùng, tình yêu hiến mạng. Cùng với thánh giá vàng, bạc, gỗ… hay dấu thánh giá ghi nơi thân xác, ta còn có một thánh giá vô hình khác đồng hành với ta suốt đường đời: thánh giá Chúa gởi đến mỗi ngày.
Mời Bạn: Vui vẻ vác thập giá theo Chúa mỗi ngày và nhận ra thập giá mỗi ngày ấy rất vừa khả năng của bạn. Bạn hãy ghi nhớ lời của thánh Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô: “Bánh xe ít dầu mỡ là bánh xe kêu to hơn hết. Người thiếu lòng nhân và đức nhẫn nại là người hay than vãn hơn cả.”
Chia sẻ: Tôi hay than vãn về loại thánh giá nào hơn cả?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ vui vẻ chu toàn việc bổn phận hằng ngày, coi đó như thánh giá Chúa thân ái gởi cho tôi.
Cầu nguyện: Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả, đó là nhận ra thánh giá của Con Cha trong mọi nỗi khổ đau của đời con, và ơn bước theo Con Cha trên đường thánh giá, bao lâu tuỳ ý Cha định liệu. Amen. (K. Rahner)
15.09.22
THỨ NĂM TUẦN 24 TN
Đức Mẹ sầu bi
Ga 19,25-27
ĐÓN MẸ VỀ NHÀ
Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19,27)
Suy niệm: Khi Đức Giê-su đã trải qua thời khắc đau khổ tột cùng trên thập giá, Mẹ Ma-ri-a cũng đứng không xa thập giá đó. Chắc chắn Mẹ cũng thông phần đau khổ với Con. Con bị người ta sỉ nhục, Mẹ cũng cảm thấy tủi nhục. Con bị hành hạ đau đớn, Mẹ cũng đau đớn với con. Có nỗi đau nào hơn nỗi đau của người Mẹ đứng bên thập giá treo xác con yêu dấu của mình. Con đã trút hơi thở cuối cùng mà con bị đâm thâu trái tim, dù không còn đau đớn gì, Mẹ đau đớn thay cho Con. Có thể nói, Mẹ đã vác thập giá và cùng chết với Chúa Giê-su, con Mẹ. Khi “đón Mẹ về nhà mình” người môn đệ thật diễm phúc vì có Mẹ thấu hiểu và đồng hành với những nỗi đau mà nhân loại đang phải chịu. Và hơn nữa, cùng với Mẹ, người môn đệ tiếp tục vác thập giá mình đi theo Đức Ki-tô, Con của Mẹ.
Mời Bạn: Thiên Chúa không để bạn bơ vơ, Ngài ban cho bạn một người Mẹ là Đức Ma-ri-a. Mẹ thấu biết tất cả những đau khổ, những mất mát, những thất vọng, những gục ngã của bạn. Vì Mẹ cũng đã từng trải qua những điều đó. Và Mẹ mong chờ bạn đón Mẹ về nhà, để Mẹ an ủi, nâng đỡ, dìu dắt, giúp bạn kiên trì trong những thời khắc đau khổ, khó khăn. Có Mẹ, bạn sẽ không bao giờ gục ngã. Có Mẹ, dù đau thương, bạn cũng không mất niềm hy vọng.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày, cùng cầu nguyện với Mẹ Ma-ri-a qua ít là 10 kinh Kính Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, đường đời lắm chông gai, lắm khổ đau. Nhưng cảm tạ Chúa đã cho chúng con có một người Mẹ luôn đồng hành, luôn thấu hiểu chúng ta. Xin cho chúng con đừng vì quá khổ đau mà quên Mẹ. Amen.
16.09.22
THỨ SÁU TUẦN 24 TN – C
Thánh Co-nê-li-ô, giáo hoàng và Xíp-ri-a-nô giám mục, tử đạo
Lc 8,1-3
CHÚA GIÊ-SU ĐỐI VỚI PHỤ NỮ
Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh… (Lc 8,1-2)
Suy niệm: Thật là lạ! Trong bối cảnh xã hội Do Thái lúc đó vẫn quan niệm “thập nữ viết vô” hay tệ hơn, một loại “cấm kỵ”, thánh Lu-ca lại kể rõ “lý lịch trích ngang” của các phụ nữ cùng đi theo Chúa Giê-su trên đường truyền giáo: “… bà Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-sa, quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa.” Mà công việc cũng chẳng có gì to tát! Các bà chỉ “lấy của cải mình” để lo đời sống hằng ngày cho Chúa Giê-su và các môn đệ. Công việc “năng khiếu” của các bà ấy mà! Và lạ hơn nữa! Trong khi Chúa Giê-su bị chỉ trích quá nhiều về ba cái vụ giao tiếp, ăn uống với những người tội lỗi, thì chẳng ai thấy sự hiện diện của mấy bà bên cạnh Chúa có gì bất tiện cả. Mà cũng không thấy có điều chi tai tiếng!
Mời Bạn: Quả thật Đức Giê-su đã giải phóng hoàn toàn người phụ nữ! Đối với Đức Giê-su, mọi người đều được mời gọi loan báo Tin Mừng trong cung cách cũng như trong giới tính của mình. Vâng, công việc của các bà rất đơn sơ và tầm thường! Nhưng trong thực tế, lại rất cần thiết để Đức Giê-su và các môn đệ có thể thanh thản mà lo việc rao giảng Tin Mừng.
Sống Lời Chúa: Truyền giáo bằng cách khám phá ra và làm những việc đơn sơ và tầm thường trong bổn phận hằng ngày với tâm tình mến Chúa.
Cầu nguyện: Chúa ơi, tạ ơn Chúa đã cho chúng con nhận ra phẩm giá đích thực của nữ giới trong chương trình của Chúa. Xin cho con luôn biết kính trọng nhau và cộng tác với nhau xây dựng Hội Thánh Chúa.
17.09.22
THỨ BẢY TUẦN 24 TN
Thánh Rô-be-tô Ben-la-mi-nô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Lc 8,4-15
KIÊN TRÌ GIEO HẠT
“Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.” (Lc 8,15)
Suy niệm: Kể dụ ngôn này với các môn đệ, Chúa Giê-su bị giới lãnh đạo Do Thái chống đối ra mặt. Nhưng Người vẫn kiên trì tiếp tục sứ vụ của mình: rao giảng, dạy dỗ, chữa bệnh, trừ quỉ… Người làm việc như một người gieo hạt cần mẫn. Dẫu biết rằng có những hạt giống rơi trên vệ đường, trong bụi gai, trên đá sỏi sẽ không sống được nhưng người gieo vẫn cứ gieo vì biết có rất nhiều hạt khác rơi trên đất tốt, hứa hẹn một mùa gặt chắc chắn sẽ đến.
Mời Bạn: Bức tranh thế giới hôm nay thật ảm đạm: ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính, khoảng cách giàu nghèo, nguy cơ khủng bố và chiến tranh hạt nhân,… Thêm vào đó là: tham nhũng hối lộ, đạo đức suy thoái, cơ chế bất công, nội chiến triền miên, thất nghiệp, giáo phái lộng hành… Dù vậy người môn đệ Đức Ki-tô vẫn tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng của Nước Thiên Chúa. Cùng với Chúa Giê-su họ tham gia vào cuộc chiến chống lại ác thần, không coi thường cũng không để mình bị bóp nghẹt bởi thế lực của tội lỗi.
Sống Lời Chúa: Biết bao người đang dấn thân xây dựng xã hội công bằng bác ái. Họ là những mảnh đất tốt đang đón nhận hạt giống Lời Chúa và đang sinh hoa kết trái. Tôi vui mừng tạ ơn Chúa và quyết tâm kiên trì dấn thân cho Nước Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, dù cuộc sống không luôn mỉm cười với con, nhưng xin cho con luôn sống vui tươi và tín thác nơi Chúa. Khi con bị cám dỗ chùn bước hay buông thả, xin cho con biết nắm chặt bàn tay Chúa để Chúa sẽ dìu con lên. Amen.
18.09.22
CHÚA NHẬT TUẦN 25 TN – C
Lc 16,1-13
ĐIỀU NHỎ BÉ
“Ai trung tín trong việc nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn. Ai bất lương trong việc rất nhỏ thì cũng bất lương trong việc lớn.” (Lc 16,10)
Suy niệm: Một sợi tơ mỏng manh nhỏ bé dường như chẳng làm nên tích sự gì. Nhưng bạn nên nhớ rằng tấm lụa mượt mà kia được dệt bằng những sợi tơ như thế. Cuộc đời chúng ta được kết dệt bằng biết bao việc nho nhỏ được trải trong khắp cả đời sống thường ngày. Từng giây, từng phút trong đời, những cử chỉ yêu thương, một lời nói dịu dàng, một hy sinh kín đáo, một cái nhìn cảm thông, một ý tưởng ngay lành, tất cả những điều đó, từng chút, từng chút một, sẽ dệt nên cuộc sống tươi đẹp, hào hùng nhuốm đầy ơn phúc của Thiên Chúa. Chính Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn, ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.”
Mời Bạn: Hãy nhìn ngắm Chúa Giê-su tại Na-da-rét, Chúa đã trung tín với bổn phận hằng ngày để chu toàn thánh ý Chúa Cha. Chúa cũng mời bạn hôm nay và trong cả cuộc đời hãy làm những việc tầm thường của bổn phận với lòng yêu mến Chúa.
Chia sẻ: Bạn có cảm nhận được niềm hạnh phúc cao thượng khi bạn có một việc giúp ích nho nhỏ để đem lại niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân?
Sống Lời Chúa: Để sống Lời Chúa mời gọi hôm nay tôi sẽ cố gắng chu toàn bổn phận hằng ngày, bổn phận đối với Chúa và đối với những người thân yêu của tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng mến, xin cho con biết trung thành với Chúa khi làm những việc tầm thường nhỏ mọn trong đời sống hằng ngày của con để chứng tỏ lòng con yêu mến Chúa.
19.09.22
THỨ HAI TUẦN 25 TN
Thánh Gia-nu-a-ri-ô, giám mục, tử đạo
Lc 8,16-18
CHIẾU GIÃI ÁNH SÁNG
‘‘Chẳng ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm gường, nhưng đặt trên đế để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng.” (Lc 8,16)
Suy niệm: Nơi nhiều đền thờ Ấn giáo người ta đặt những cái giá treo lồng đèn. Mỗi sáng, tín đồ cầm đèn dầu đi lễ. Khi tới đền thờ, họ đặt đèn của mình vào giá treo lồng đèn, nhờ đó ngôi đền sáng rực lên cách lung linh huyền ảo. Ngọn đèn soi đường cho từng cá nhân tín đồ giờ đây thành chùm đèn thắp sáng cho cả cộng đoàn. Chúa Giê-su dạy chúng ta: Nếu ta đã được ánh sáng chân lý của Chúa soi sáng, đến lượt mình, chúng ta cũng phải cùng với anh chị em chiếu giãi ánh sáng đó ra để đẩy lùi bóng tối tội lỗi lầm lạc. Một đức tin không giãi sáng bằng đời sống chứng nhân thì chẳng khác nào “thắp đèn rồi lấy hũ che lại hay đem đặt dưới gầm gường”, sẽ không còn là ánh sáng nữa.
Mời Bạn: Các thánh đã thực hiện mệnh lệnh ‘chiếu giãi ánh sáng’ khi làm sáng lên một nét đẹp trong giáo huấn Tin Mừng, từ đó khai sáng nên những linh đạo, những con đường nên thánh: thánh Phan-xi-cô Át-xi-di cho thấy sự hấp dẫn của nếp sống khó nghèo; thánh Tê-rê-xa cho thấy nét đơn sơ đáng yêu của con đường thơ ấu thiêng liêng… Nét đẹp Tin Mừng nào hấp dẫn bạn để bạn toả sáng ra chung quanh bằng cuộc sống chứng nhân của mình?
Sống Lời Chúa: Trong các lời mời gọi của Đức Ki-tô, trong các lời khuyên Tin Mừng, bạn chọn một điều đánh động bạn nhất để thực hiện.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là ‘sự sáng thế gian và ai theo Chúa sẽ không bước đi trong bóng tối’. Xin giữ gìn con luôn được sống trong ánh sáng chân lý của Chúa và chiếu toả ánh sáng đó cho mọi người chung quanh.
20.09.22
THỨ BA TUẦN 25 TN
Thánh An-rê Kim Tê-gon, Phao-lô Chung Ha-san và các bạn tử đạo
Lc 8,19-21
ĐEM RA THỰC HÀNH
“Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.” (Lc 8,21)
Suy niệm: Có người dí dỏm rằng Chúa Giêsu chỉ có một bài giảng trên núi, còn thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II thì có một ‘núi’ bài giảng. Mà không chỉ Đức Gio-an Phao-lô II mới giảng và viết khỏe như thế. Rất nhiều người khác – giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân – ngày nay cũng giảng và viết rất khỏe. Chúng ta đang choáng ngợp trong một rừng sách vở văn liệu Công Giáo, đến nỗi những văn kiện thật dày công (chẳng hạn Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu) mới kịp trình làng thì hầu như đã bị quên lãng. Nhiều thông điệp, sứ điệp giáo hoàng hay các thư mục vụ của hội đồng giám mục xem ra cũng cùng chung số phận; chưa nói đến rất nhiều bản văn của Công Đồng Vatican II. Về khả năng ăn nói và viết lách, Giáo Hội ngày nay rất giàu chứ không nghèo tí nào. Tạ ơn Chúa. Có điều, để trở thành “mẹ và anh em” của Chúa Giê-su, chúng ta chỉ giàu phần ‘thuyết’ thôi chưa đủ, còn phải “đem ra thực hành” nữa.
Mời Bạn: Kitô giáo là đạo thực hành, đạo sống. Thánh Gia-cô-bê tuyên bố đức tin không có việc làm là đức tin chết! Có người nói rằng Kitô giáo không chỉ gói trong Kinh Tin Kính mà còn trong Kinh Hòa Bình – và không chỉ ở chỗ đọc kinh đó mà nhất là ở chỗ làm kinh đó. Bạn nghĩ sao?
Sống Lời Chúa: Bạn chỉ mất 5 phút để lắng nghe Lời Chúa, dựa theo bài suy niệm này. Nhưng bạn hãy dành ra 24 giờ để SỐNG Lời Chúa hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con muốn thuộc vào số anh em của Chúa. Xin cho con biết lắng nghe và sống Lời Chúa mỗi ngày.
21.09.22
THỨ TƯ TUẦN 25 TN
Thánh Mát-thêu, tông đồ
Mt 9,9-13
KHÔNG NGẠI DẤN THÂN
“Tại sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” (Mt 9,11)
Suy niệm: Câu hỏi của người Pha-ri-sêu chất chứa sự cao ngạo, lòng khinh miệt người khác, phản ánh tâm thức xếp loại trước khi đối thoại. Thái độ này không bao giờ đưa đến kết cục có hậu, giúp người khác hoán cải đổi đời, ngược lại là đằng khác. Đối diện với những đầu óc chai cứng như sỏi đá, đầy thành kiến của người Pha-ri-sêu, Chúa Giê-su không lùi bước, cũng chẳng ngại dấn thân đứng về phía người bị chụp cho cái mũ tội lỗi. Nghĩa cử cao đẹp ấy vừa cho thấy Chúa đến để giơ tay cứu vớt những người bị loại bỏ, vừa nói lên cái nhìn tràn trề hy vọng của Ngài về thiện chí làm mới cuộc đời của người thu thuế và “tội lỗi,” mà Mát-thêu là một minh chứng hùng hồn. Từ một người bị người Do Thái loại trừ, Mát-thêu trở thành sứ giả Tin Mừng cho đồng bào của mình. Ông đã sử dụng phương pháp độc đáo là trình bày Đức Giê-su như Đấng Mê-si-a hiện thực tất cả các lời tiên báo của Cựu ước, vốn rất quen thuộc với đồng bào Do Thái.
Mời Bạn: Đến với người tội lỗi, đồng bàn, chia sẻ tình thân, đưa họ vào Nước Trời là mục tiêu của Chúa Giê-su. Còn bạn, bạn có muốn hiệp thông, tham gia vào sứ vụ ấy không? Bạn có bao giờ quan tâm đến số phận của những anh em, chị em đang sống xa tình Chúa như vậy chưa?
Sống Lời Chúa: Hãy tỏ lòng khoan dung với người có tội, vì chính bạn cũng là người như thế, “nhân vô thập toàn” mà bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin lỗi vì bao lần con cũng xử sự như một Pha-ri-sêu: coi thường người hèn kém hơn mình. Xin dạy con sự nhân từ của Chúa, giúp con can đảm đến với những ai cần sự nâng đỡ của con. Amen.
22.09.22
THỨ NĂM TUẦN 24 TN
Lc 9,7-9
NGƯỜI NÀY LÀ AI?
Vua Hê-rô-đê nói: “Ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Rồi vua tìm gặp Chúa Giê-su.” (Lc 9,7-9)
Suy niệm: Chỉ một giây phút vui chơi bốc đồng, Hê-rô-đê đã cho chém đầu Gio-an Tẩy giả dù lương tâm không cho phép. Chắc chắn Hê-rô-đê biết rõ những điều đúng sai. Ông biết rõ không được phép chung sống với người đàn bà không phải là vợ mình, biết rõ không nên chiều theo những sai trái của bạn bè. Ông biết rõ không được giết người vì sự sống con người là thánh thiêng. Nhưng ông đã làm những điều xấu đó, đã làm nghịch lại tiếng lương tâm vì áp lực của xã hội và danh dự hão huyền. Sự xuất hiện của Chúa Giê-su đã đánh động lương tâm ông khiến ông áy náy, đã buộc ông phải đối diện lại với toà án lương tâm dù ông không muốn. Chúa Giê-su đang muốn giúp ông chữa bệnh.
Mời Bạn: Căn bệnh của Hê-rô-đê có thể cũng tiếp tục là căn bệnh của bạn. Đã nhiều lúc bạn đã hành động nghịch lại tiếng lương tâm. Đã nhiều lần bạn biết rõ điều gì nên làm nhưng lại không làm vì sợ người khác. Lương tâm thúc bạn sống liêm chính, lương thiện nhưng bạn vẫn cứ gian dối, lừa gạt. Điều đáng sợ nhất cho bạn là sau khi đã hành động nghịch lại tiếng lương tâm, bạn che đậy căn bệnh bằng miếng băng cứu thương giả đò như mọi sự đều bình thường tốt đẹp.
Sống Lời Chúa: Hê-rô-đê muốn gặp Chúa Giê-su nhưng cuộc gặp đã không giúp ông thay đổi cuộc sống vì ông quá yếu đuối, những điều trần tục và niềm đam mê đã bóp chết lương tâm ông. Đó là một bài học cho bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin cho con biết lắng nghe và thực hành những điều lương tâm chỉ dạy. Amen.
23.09.22
THỨ SÁU TUẦN 25 TN
Thánh Pi-ô Pi-ét-ren-xi-na, linh mục
Lc 9,18-22
ĐỐI VỚI BẠN, ĐỨC GIÊ-SU LÀ AI?
“Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” (Lc 9,20)
Suy niệm: Nếu có người nói yêu bạn chỉ vì bạn giông giống một ai đó, và bạn chỉ được yêu như một người thay thế cho người kia thì không biết bạn thất vọng đến chừng nào, và hẳn bạn đâu muốn được yêu trong vai “người đóng thế”. Từ kinh nghiệm đó chúng ta có thể hiểu được tâm tình của Chúa Giê-su đâu có muốn các tông đồ chỉ biết “người ta bảo Đức Giê-su là ai” rồi thôi! Quả thật các tông đồ có thể nêu rất nhiều “thông tin” về Thầy là Ê-li-a, là Gio-an Tẩy Giả, hay là một tiên tri nào đó. Dù người ta xếp Chúa vào hạng những người đáng kính trọng… thì cũng mới gần đúng thôi, nghĩa là chưa đúng một tí nào! Chúa Giê-su gọi Phê-rô là người có phúc (Mt 16,17) chẳng những bởi ông được Chúa Cha mạc khải để nói rất chính xác, mà còn vì ông nói lên lời tuyên xưng của chính mình và với tất cả xác tín: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.”
Mời Bạn: Bạn là một trong số hơn một tỷ người được mệnh danh là Ki-tô hữu, bạn có thể trả lời câu hỏi: “Đối với bạn, Đức Giê-su là ai?” một cách chính xác và xác tín như thánh Phê-rô chưa? Bạn nhớ, Chúa không thích bạn trả lời trong vai “người đóng thế” mà thích chính bạn trả lời bằng lời tuyên xưng cũng của chính bạn.
Chia sẻ : Sống đời Ki-tô hữu cách gương mẫu là làm chứng cách mạnh mẽ nhất về niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô.
Sống Lời Chúa: Năng đọc suy gẫm Lời Chúa và học hỏi Lời Chúa để biết và yêu mến Đức Giê-su.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết theo Chúa, sống cho Chúa và đặt Chúa trên mọi sự của đời con để con đạt tới hạnh phúc đích thực. Amen.
24.09.22
THỨ BẢY TUẦN 25 TN
Lc 9,43b-45
SAO KHÔNG DÁM HỎI?
Các ông không hiểu lời đó… Nhưng các ông sợ không dám hỏi Người về điều ấy. (Lc 9,45)
Suy niệm: Chúa Giê-su vừa cho các môn đệ biết Ngài sẽ phải chịu đau khổ và chịu chết. Tất nhiên các ông hiểu Chúa nói những gì. Nhưng các ông không hiểu tại sao Thầy lại phải chết như thế, tại sao với biết bao quyền năng trổi vượt, Thầy không trở thành một vị vua bách thắng, bá chủ thiên hạ. Là học trò, không hiểu bài cũng là chuyện bình thường. Điều bất thường là các ông đã sợ và không dám hỏi Chúa. Phải chăng mối quan hệ thầy trò, dĩ nhiên là từ phía các ông, vẫn chưa đạt tới mức thân tình để các ông có thể chia sẻ tâm sự cách cởi mở với Thầy mình? Điều đáng sợ hơn: không dám hỏi vì các ông không đồng quan điểm với Thầy mình. Trong khi Thầy dạy sống khiêm nhường phục vụ, các ông bận tâm tranh cãi xem ai làm lớn hơn. Trong khi Thầy theo đuổi con đường cứu thế bằng thập giá, các ông lại tìm kiếm vinh quang và quyền lực. Chưa từ bỏ mọi sự để theo Thầy, các ông sẽ vẫn còn sợ Thầy.
Mời Bạn: Bạn có dám hỏi Chúa mỗi khi bạn gặp những vấn nạn, cuộc đời bạn gặp phải bế tắc? Hay bạn không dám hỏi vì thấy trước Chúa sẽ đặt ra cho bạn những đòi hỏi mới? Bạn cứ đến bộc lộ với Thầy Giê-su tất cả nỗi niềm của bạn đi. Thầy sẽ dắt bạn theo con đường thập giá như Ngài đã đi, nhưng bạn nhớ con đường đó sẽ dẫn bạn tới vinh quang phục sinh đấy.
Chia sẻ: Đã có lần bạn tìm kiếm và chọn theo ý Chúa. Mời bạn chia sẻ kinh nghiệm đó.
Sống Lời Chúa: Ôn lại một biến cố trong đời bạn để nghiệm ra ý Chúa qua biến cố đó.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con, lối bước của Ngài.”
25.09.22
CHÚA NHẬT TUẦN 26 TN – C
Lc 16,19-31
LẤP ĐẦY VỰC THẲM
“Con ơi, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.” (Lc 16,26)
Suy niệm: Điểm đáng lưu ý trong dụ ngôn ông nhà giàu và La-da-rô không phải sự khác biệt mà là điểm tương đồng trong thân phận của hai người: đó là cả hai người cuối cùng đều chết; và tiếp đến nếu những thức ăn thừa mứa rớt xuống từ bàn ăn của ông nhà giàu không thể đến được tay La-da-rô thì ngược lại một giọt nước mát từ ngón tay La-da-rô đang ngồi trong lòng Áp-ra-ham cũng không thể nhỏ xuống đầu lưỡi của ông nhà giàu trong âm phủ. Trong xã hội văn minh hiện đại vẫn tồn tại thứ vực thẳm ngăn cách ấy nhưng lớn hơn nhiều: bờ bên này vực thẳm là những người ăn một tô súp giá hằng trăm đô với những thìa muỗng mạ vàng, bờ bên kia là những người bới móc trong các núi rác tìm kiếm những mảnh thức ăn thừa. Nếu như ngay trong thế giới này không san lấp được vực thẳm ấy, thì nó sẽ vẫn tiếp tục tồn tại trong thế giới bên kia với số phận đôi bên bị đảo ngược; lúc ấy “bên này muốn qua bên đó” cũng không thể được nữa.
Mời Bạn: Dù bạn chưa phải là tỷ phú, bạn cũng có thể vô tình hay hữu ý đào ra những hố ngăn cách kiểu đó giữa bạn với tha nhân do lối sống hưởng thụ ích kỷ của mình. Bạn hãy san lấp những hố ngăn cách đó bằng một lối sống biết chia sẻ với tha nhân vì theo lời thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, “người giàu không phải là người sở hữu nhiều của cải mà là người có khả năng cho đi.”
Sống Lời Chúa: Trích một phần thu nhập của mình để dành vào việc chia sẻ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết sẵn sàng chia sẻ để con trở nên giống Đức Giê-su, Con Chí Ái Chúa hơn.
26.09.22
THỨ HAI TUẦN 26 TN
Thánh Cốt-ma và Đa-mi-a-nô, tử đạo
Lc 9,46-50
NHÂN ĐỨC ĐƠN SƠ
“Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.” (Lc 9,48)
Suy niệm: Nói đến trẻ em là nói đến tính cách nổi bật của chúng: sự đơn sơ. Trẻ em luôn bày tỏ lòng yêu mến cha mẹ cách chân thành chỉ vì đó là cha mẹ của chúng; chúng luôn đặt một sự tin tưởng tuyệt đối vào cha mẹ: mọi sự lý giải chỉ có giá trị nhờ vào thế giá của cha mẹ chúng; với chúng chỉ cần có cha mẹ bên cạnh là đủ. Người có tinh thần đơn sơ như trẻ nhỏ chính là người biết đặt niềm tin và hoàn toàn phó thác mọi sự trong tay Chúa vì lòng mến yêu và tin tưởng tuyệt đối nơi Ngài. Họ nhìn thấy Thiên Chúa đang hoạt động nơi họ và trong thế giới này và hết lòng tin tưởng rằng Ngài sẽ làm cho tất cả trở nên tốt đẹp hoàn hảo. Nơi họ chỉ có kế hoạch của Chúa, chỉ có bận tâm tìm điều Chúa muốn nơi mình và làm theo điều ấy mà thôi, đó chính là nhân đức đơn sơ theo tinh thần của Tin Mừng.
Mời Bạn: Thiên Chúa mời gọi chúng ta biết sống chân thành đơn sơ với Ngài: biết bỏ qua những bận tâm để không quá quay quắt với những lo toan và đau khổ thường ngày, nhưng hết lòng tin tưởng rằng Người luôn yêu thương hết mực và luôn ban điều tốt đẹp nhất cho chúng ta. Bạn có sẵn sàng để sống sự đơn sơ như Chúa muốn không?
Chia sẻ: Chia sẻ một trải nghiệm của mình về một lần được Chúa yêu thương và xếp đặt những khó khăn, làm cho nó trở nên kết thúc tốt đẹp như thế nào?
Sống Lời Chúa: Đọc và suy gẫm: “Trước tiên hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban thêm lòng mến cho con, để con dám can đảm tin tưởng và phó thác hoàn toàn cuộc đời con trong tay Ngài. Amen.
27.09.22
THỨ BA TUẦN 26 TN
Thánh Vinh-sơn Phao-lô, linh mục
Lc 9,51-56
ĐỪNG PHẢN ỨNG THIẾU KHÔN NGOAN
“Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?” (Lc 9,54)
Suy niệm: Dân chúng một làng xứ Sa-ma-ri lạnh lùng không đón tiếp thầy trò Đức Giê-su cũng là điều dễ hiểu vì giữa họ với người Do Thái vốn đã có mối hiềm khích truyền kiếp; hơn nữa, Ngài đi lên Giê-ra-sa-lem chứ đâu có dừng lại ở đền thờ Ga-ri-dim của họ. Thế nhưng, thái độ “cáo mượn oai hùm” của Gia-cô-bê và Gio-an mới là đáng trách. Chứng kiến các dấu lạ mà Thầy Giê-su đã làm, các ông tưởng rằng mình là môn đệ của Ngài thì mình có quyền dựa hơi Thầy thi thố quyền năng để trả thù vặt những người Sa-ma-ri. Thái độ cậy quyền thế đầy tính thế tục đó hoàn toàn trái ngược với tính cách hiền lành, khiêm nhường của Thầy Giê-su, Người “đến để phục vụ chứ không phải để được người ta phục vụ” (x. Mc 10,45)
Mời Bạn: Cứu thế là hy sinh quên mình, cho đi cả sự sống mình, chứ không phải dùng quyền uy thống trị và hủy diệt. Nhiều bạo chúa độc tài đã sử dụng quyền lực để củng cố địa vị cá nhân, đàn áp dân nghèo, khử diệt người chống đối, gây bao gây khổ đau cho đồng bào mình cũng như các dân tộc khác. Bạn học được bài học cơ bản ấy để rồi noi gương Chúa Giê-su, bạn dùng khả năng, quyền lực… để phục vụ người thân, người lân cận, không đè nén họ.
Sống Lời Chúa: Chiêm ngắm Đức Giê-su, Đấng “không nỡ bẻ gãy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói” và làm một việc thể hiện lòng nhân ái và tinh thần phục vụ với người thân cận trong gia đình và trong cộng đoàn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con làm chủ được sự nóng nảy của con để có thể sống tình bác ái. Amen.
28.09.22
THỨ TƯ TUẦN 26 TN
Thánh Lô-ren-xô Ru-y và các bạn tử đạo
Lc 9,57-62
THEO THẦY GIÊ-SU
“Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” (Lc 9,57)
Suy niệm: Tin Mừng hôm nay trình bày cho ta về ba loại ứng viên môn đệ của Thầy Giê-su: – tự nguyện xin theo; – được chính Thầy Giê-su gọi; – đi theo với điều kiện. Thầy Giê-su có câu trả lời rất riêng với từng loại người, tựu trung đòi hỏi ba điều kiện: (1) chấp nhận đời sống phiêu lưu, nghèo khó; (2) đặt Nước Trời ở vị trí ưu tiên cao nhất; (3) dứt khoát và hy sinh. Theo Thầy Giê-su, trở thành môn đệ của Ngài, là “Một sự lựa chọn tự do và có ý thức, xuất phát từ tình yêu thương, để đáp lại ân sủng vô giá của Thiên Chúa, chứ không phải là đánh bóng bản thân” (Đức Phanxicô). Theo Thầy Giê-su là cùng mơ, hiện thực ước mơ của Ngài: lửa mến bùng cháy. Theo Thầy Giê-su là cùng Ngài “lên Giê-ru-sa-lem” (c.51).
Mời bạn: “Sequela Christi” (theo Đức Ki-tô) là việc họa lại nếp sống tại thế của Ngài, tận hiến cho sứ vụ phục vụ Nước Thiên Chúa, thông dự vào mầu nhiệm Vượt Qua. Lời mời gọi này không phải lúc nào cũng dễ đáp trả, đòi hỏi người môn đệ luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường, làm chứng cho các giá trị Tin Mừng. Bạn có muốn và sẵn sàng đáp lại, bước theo Thầy Giê-su chưa?
Sống Lời Chúa: Quan tâm, nghiêm túc “xem xét” tiếng gọi Theo Thầy Giê-su trong lòng bạn, trong bậc sống, để dấn thân cho Ngài cách cụ thể, hiệu quả hơn: sống ơn gọi tu trì hay gia đình, làm chứng trong hoàn cảnh, môi trường riêng của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, lời mời gọi của Ngài luôn mới mẻ, đang khi cách chúng con đáp trả chẳng luôn dứt khoát và sẵn sàng. Xin cho chúng con nghiệm thấy tình thương của Chúa trong đời mình và dấn thân hơn nữa cho tình yêu ấy.
29.09.22
THỨ NĂM TUẦN 26 TN
Các tổng lãnh thiên thần Mi-ca-en, Gáp-ri-en và Ra-pha-en
Ga 1,47-51
PHỤNG SỰ VÀ PHỤC VỤ
Các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người. ” (Ga 1,51)
Suy niệm: Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Chúa là ‘Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình.’ Các thiên thần chính là những tạo vật vô hình đó. Sứ mạng của các ngài là phụng sự Thiên Chúa (Mi-ca-en, Gáp-ri-en; bài đọc I, Tin Mừng) và phục vụ con người (Ra-pha-en). Các ngài cũng bị thử thách để tỏ lòng trung tín với Chúa, và một số thiên thần bội phản bị phạt là ma quỉ (GLCG số 311; 391; cf bài đọc II). Tuy thiêng liêng, các ngài lại rất gần gũi với chúng ta như bạn hữu để giúp đỡ chúng ta trong cuộc chiến thiêng liêng. Giáo Hội muốn chúng ta sống thân mật với các thiên thần, nhất là thiên thần bản mệnh của mỗi người.
Mời Bạn: Các thiên thần là gạch nối giữa Thiên Chúa và con người: “Các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.” Học gương của các thiên thần trong việc phụng sự Thiên Chúa. Đừng nói “Non serviam” (Tôi bất tuân phục) như Sa-tan, nhưng mau mắn thực hiện ý Chúa như Gáp-ri-en. Cũng học gương các ngài để tận tình phục vụ anh chị em như Ra-pha-en (cf. truyện Tô-bi-a).
Sống Lời Chúa: Tin Mừng kể lại rằng khi Chúa giáng sinh, các thiên thần ca hát chúc tụng Chúa (cf.Lc 2,13); khi Đức Giê-su chịu cám dỗ, các thiên thần đến hầu hạ Người (cf.Mt 4,11), và trong cơn hấp hối ở Vườn Cây Dầu, Đức Giê-su cũng được các thiên thần đến an ủi (cf.Lc 22,43). Bạn hãy là một ‘thiên thần’ chia vui sẻ buồn với anh chị em xung quanh.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, giữa chư vị thiên thần, con xin đàn ca kính Chúa” (Tv 137,1).
30.09.22
THỨ SÁU TUẦN 26 TN
Thánh Giê-rô-ni-mô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Lc 10,13-16
DỬNG DƯNG HAY HOÁN CẢI?
“… thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi.” (Lc 10,13)
Suy niệm: Kẻ thù đáng sợ của luân lý là sự dửng dưng; đối thủ của đức tin không phải là bè rối, nhưng là sự dửng dưng; điều đáng sợ với sự sống không phải là sự chết, mà là sự dửng dưng… Ta có thể tìm thấy vô vàn câu nói tương tự của các danh nhân cảnh báo về mối nguy của lòng dửng dưng, sự lãnh đạm trong đời sống hằng ngày, mối nguy tác hại hơn ta tưởng nhiều. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su cũng cho thấy do sự dửng dưng, lãnh đạm, người dân các thành quanh bờ hồ Ga-li-lê đã phớt lờ, không chú tâm đến các phép lạ kỳ diệu, cũng chẳng quan tâm gì đến lời rao giảng ấn tượng của Ngài. Hậu quả là họ không hoán cải, chẳng thay đổi đời sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng, và vì thế, bị chúc dữ.
Mời Bạn: “Khi đời bạn dửng dưng với Đức Ki-tô phục sinh, chỉ quan tâm nửa vời tới vài điều răn thì có ngày bạn sẽ… khóc than vì đã không thay đổi” (D. Akin). Cảnh báo trên đây có thể hợp với bạn –dù bạn là môn đệ Chúa Ki-tô– khi bạn chưa dành cho Đức Ki-tô phục sinh vị trí cao nhất trong đời mình, cũng chẳng xác tín sống điều răn mến Chúa yêu người tóm tắt tất cả cách hành xử của một môn đệ Chúa Ki-tô như bạn.
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ cố gắng đọc giờ kinh tối tại gia đình, quan tâm ghi nhớ Lời Chúa đọc trong giờ kinh tối, cũng như trong bài Tin Mừng trong thánh lễ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con xin lỗi Chúa vì nhiều lúc làm cho Chúa buồn sầu, thương tiếc khi con vô cảm, lãnh đạm, dửng dưng trước Lời Chúa mời gọi hay chểnh mảng không thực hành điều răn mến Chúa yêu người. Xin giúp con thật sự hoán cải, thay đổi lối nghĩ, cách sống của mình. Amen.
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.