Ai trong chúng ta cũng có thể nhận thấy bệnh tật thể lý là một thực tại gây phiền nhiễu cho cuộc sống. Tuy nhiên, phản ứng của chúng ta đối với bệnh tật thể lý có thể biến thiên từ sự tăng trưởng mang tính xây dựng sang sự tủi thân mang tính huỷ hoại; từ điều tốt đẹp nhất của sự phó thác sang điều tồi tệ nhất của thất vọng; và từ việc được thánh hóa nhờ niềm tin sang việc bị suy sụp tâm hồn.
Các từ “mạnh mẽ”, “khỏe mạnh”, “yếu ớt” và “bệnh tật” gợi ý điều gì? Cách chúng ta nhận thức về những yếu tố này có thể cho thấy thái độ của chúng ta đối với giá trị của đau khổ và phẩm chất của người phải chịu đựng nó. Có một nghịch lý đó là, một người bị khuyết tật thể lý có thể ít bị hạn chế bởi sự khuyết tật hơn là thái độ của người khác đối với sự khuyết tật. Trong xã hội thế tục, sự đau đớn chẳng có giá trị hay ý nghĩa nào, nếu không muốn nói là nó trở thành gánh nặng. Nhưng đối với Kitô hữu, vì là thân thể của nhiệm thể Đức Kitô nên việc nhận ra ý nghĩa, mục đích, và phẩm giá trong đau khổ mang lại cho chúng ta cảm thức về tính liên đới như là dân của Chúa. Chẳng phải tất cả chúng ta đều liên kết trong một mối tương quan, và phụ thuộc lẫn nhau sao? Chẳng phải thánh Phaolô đã từng khuyên chúng ta “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Ðức Kitô” (Gl 6, 2) sao?
Sự khuyết tật thể lý đôi khi ẩn giấu phúc lành khi nó mở ra cánh cửa dẫn đến những thực tại thiêng liêng nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta. Một căn bệnh hoặc chấn thương làm thay đổi lối sống có thể mở ra những giá trị và ý nghĩa mới cho cuộc sống. Thánh Têrêsa of Lisieux nói, “Cuộc sống là con tàu chứ không phải là nhà của bạn” vì không có thành phố nào tồn tại vĩnh viễn trên trái đất này. Dưới ánh sáng vĩnh cửu, những điều từng có vẻ vĩ đại và quan trọng đối với chúng ta bị lu mờ trước ánh sáng chiếu toả của sự thánh thiện khi chúng ta biết thực hiện những việc đơn giản hàng ngày và dâng những đau khổ cho Thiên Chúa.
Một hành trình xuyên suốt cuộc đời được đánh dấu bằng sự yếu ớt thể lý có thể là một trải nghiệm trưởng thành tâm linh không gì thay thế được. Chẳng hạn như, khi một căn bệnh mãn tính được chẩn đoán, chúng ta cố gắng chấp nhận nó, đồng thời cũng chấp nhận thách đố trong việc tìm ra những cách thế để chữa trị. Nói cách khác, chúng ta sử dụng lý trí, và cố gắng bao nhiêu có thể để kiểm soát các triệu chứng và duy trì sức khỏe, nhưng chúng ta cũng sẵn sàng mở ra để đón nhận những rủi ro, thất bại trong việc chữa trị. Do đó, căn bệnh kinh niên có thể thúc đẩy chúng ta tin cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa, và khiêm tốn trước những gì xảy ra mà không phàn nàn là một dấu chứng của sự thánh thiện đích thực.
Câu chuyện của thày Vincent
Chia sẻ của cha Timothy Radcliffe, OP, nguyên Bề trên tổng quyền dòng Giảng Thuyết cho thấy một chứng tá sống động về ý nghĩa tròn đầy của sự khiếm khuyết thể lý:
Nhiều người đau khổ cần được giúp đỡ. Đây có thể là một sự bẽ bàng đau đớn, nhưng cũng có thể là một lời mời gọi tất cả chúng ta thoát ra khỏi ảo tưởng quái dị rằng bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều có khả năng tự lập và tự túc. Việc tôi cần người khác để có thể trở thành chính mình thực sự là một nét đẹp của phận người. Những người khuyết tật, những người cần sự trợ giúp để có thể đứng dậy vào buổi sáng, để tắm giặt hoặc để đi mua sắm, nhắc nhớ rằng, vì là con người, nên tôi cũng cần đến người khác. Tôi xin đan cử một ví dụ về một người anh em của tôi, tu sĩ Vincent, vừa qua đời một năm trước. Vincent bị mù từ khi mới sinh; anh chưa bao giờ nhìn thấy khuôn mặt người khác. Anh vào Dòng khi còn trẻ, và nhanh chóng trở thành một trong những thành viên được yêu mến nhất của tỉnh Dòng. Điều này một phần là bởi vì anh là một người hết sức đáng yêu, mạnh mẽ, hài hước, và hoàn toàn không hề tủi thân.
Khi tôi là Bề trên giám tỉnh, mọi cộng đoàn đều hỏi tôi liệu tôi có cắt đặt thày Vincent vào cộng đoàn của họ không. Không chỉ vì thày đáng yêu mà thày còn qui tụ được anh em xung quanh mình. Bạn chẳng thể trải nghiệm được việc có ai đó trong cộng đoàn bị mù trừ khi bạn thực sự là một cộng đoàn. Điều này có nghĩa là, bạn phải đảm bảo rằng không có gì chắn lối khi thày đang đi xuống hành lang, và sữa trong tủ lạnh phải luôn để ở cùng một vị trí để thày có thể lấy một cách dễ dàng. Tất cả những quyết định của chúng tôi về đời sống chung đều phải lưu tâm đến thày Vincent. Nhưng đây không phải là một gánh nặng mà là một niềm vui, vì khi ở bên cạnh thày, chúng tôi khám phá ra nhau. Thày mời gọi chúng tôi vượt ra ngoài ảo tưởng ngớ ngẩn của lối nghĩ phương Tây rằng bất cứ ai cũng có thể tự lập và tự túc. Trong nhu cầu của thày, chúng tôi nhận ra nhu cầu của chính mình đối với nhau. Thày giúp chúng tôi trở thành anh em, và phụ thuộc lẫn nhau.
Bởi vì bị mù, thày Vincent lệ thuộc vào thính giác của mình. Thày nghe thấy âm thanh dội lại từ các bức tường. Thày đi lại quanh các phòng bằng đôi tai của mình. Và điều này cho thấy là thày cực kỳ nhạy cảm với những gì các anh em khác nói. Thày được bổ nhiệm vào Nhóm Đào tạo, vì hơn tất cả chúng tôi, thày có thể nhận ra những gì đang xảy ra trong cuộc sống của những người trẻ, cũng như những điểm mạnh và điểm yếu của họ. Sự khuyết tật của thày là một hồng ân; thày đã thu lượm được những sắc thái của vấn đề mà người khác bỏ lỡ. Thày nghe thấy những nỗi sợ hãi và hy vọng thầm kín trong giọng nói của chúng tôi.
Theo một cách nào đó, tất cả chúng ta đều bị mù và điếc, và đôi khi người mù dạy chúng ta nghe, người điếc dạy chúng ta nhìn, và người què cho chúng ta can đảm để tiến thêm một bước nữa. (Timothy Radcliffe, OP, “A Spirituality of Suffering and Healing,” Religious Life Review, September – October 2012)
Sự quan trọng của Đau khổ
Theo cái nhìn của Kahlil Gibran,
Sự đau đớn của bạn là sự phá vỡ của lớp vỏ bao phủ nhận thức của bạn. Giống như quả hạch phải vỡ ra, thì cái nhân của nó mới có thể hiện diện dưới ánh nắng mặt trời, bạn cũng phải biết đau đớn như vậy. Và liệu bạn có thể giữ tâm hồn mình ngạc nhiên trước những điều kỳ diệu hàng ngày trong cuộc sống của bạn chăng, sự đau đớn của bạn dường như không ít kỳ diệu hơn niềm vui của bạn đâu; Bạn cần chấp nhận những mùa trong trái tim bạn, giống như bạn đã luôn chấp nhận những mùa trôi qua trên cánh đồng. Và bạn sẽ quan sát với sự thanh thản ngang qua những mùa đông đau buồn của bạn. (x. Kahlil Gibran, The Prophet)
Một cuộc sống không có đau đớn và đau khổ sẽ là một cuộc sống không có sự chữa lành và niềm vui. Sự đau đớn có thể là một vấn đề tái diễn, liên tục, và bí ẩn trong cuộc sống của chúng ta. Đau đớn thường có nhiều mức độ, mang tính chủ quan, và là một phần tất yếu của cuộc sống. Tuy nhiên, sự đau đớn cũng có thể là cơ hội để phát triển khi nó thúc đẩy chúng ta đương đầu, kiểm tra, và đổi mới những khuôn mẫu có hại trong lối sống của chúng ta. Chúng ta cố gắng để không coi thường nhưng cũng không phóng đại mức độ đau khổ của mình. Chúng ta có thể phủ nhận, chống đối, hoặc biến sự đau đớn thành trung tâm của cuộc đời mình, nhưng chúng ta cũng có thể chấp nhận đau khổ như một người thầy, và như một lộ trình dẫn đến Thiên Chúa.
- Nếu chúng ta từng bị ám ảnh về nỗi đau thì chúng ta cần phải thay đổi trọng tâm của mình, có nghĩa là, chúng ta cần ngừng nghĩ về bản thân và hãy bắt đầu nghĩ về người khác. Việc làm điều gì đó cho người khác kéo chúng ta ra khỏi chính mình. Vì thực, có rất nhiều việc thiện nhỏ bé mà chúng ta có thể làm ngay cả khi chúng ta phải nằm trên giường, và những hành động tử tế nho nhỏ đôi khi lại được đánh giá cao hơn cả.
- Chúng ta cần học để biết kiên trì ngay trong sự đau đớn. Khi không còn khả năng để làm việc này vẫn có thể dẫn chúng ta đến làm một việc khác. Một thanh niên thích ăn đồ ngọt khi bị chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường ở tuổi vị thành niên đã trở thành người ủng hộ việc ăn uống lành mạnh. Một người mẫu thời trang dễ bị kiệt sức vì căn bệnh lạ đã trở thành một nhà thiết kế thời trang. Một người cha bị viêm khớp không còn khả năng chơi ném bóng với con trai, đã trở thành thày dạy cả haiđểcùng chơi cờ vua. Ngoài ra, sự đau khổ cũng có thể sinh ra những tác phẩm của tình yêu. Một cặp vợ chồng bị mất đứa con nhỏ vì bệnh hiếm gặp đã thiết lập một trang web và tổ chức gây quỹ cho căn bệnh đó. Vì vậy, việc làm điều gì đó giúp chúng ta phấn chấn theo một phương cách khác không chỉ có nghĩa là chúng ta đơn thuần cam chịu mà còn là đang phát triển theo một cách thế mới.
- Khi sự đau đớn dẫn chúng ta vào sự thử thách mà chính chúng ta chẳng thể hình dung, thì lời cầu nguyện hằng ngày và việc áp dụng những phương pháptâm linhcó thể tăng thêm sức chịu đựng, và thúc đẩy chúng ta thực hiện những thay đổi tích cực. Chúng ta có thể vượt qua những thách đố với một nghị lực mạnh mẽ hơn, khả năng thích nghi tốt hơn, và niềm tin lớn hơn. Những cơn đau đớn hoặc những hạn chế thể lý khác, có thể thanh luyện chúng ta khỏi thái độ tự mãn, đưa ra cho chúng ta lý do chính đáng để sống chậm lại, và bước ra khỏi nhịp sống điên đảo của lối sống hiện đại. Chúng ta khám phá ra hạnh phúc đích thực từ những điều bình dị chứ không dựa trên những xu hướng hời hợt, chóng qua của nền văn hóa đương đại. Chúng ta biết dành thời gian cho những cuộc trò chuyện sâu sắc, ý nghĩa, và thân tình hơn. Những gì từng có vẻ quan trọng đối với chúng ta, chẳng hạn như xe hơi đắt tiền, vật dụng hàng hiệu, hoặc những kỳ nghỉ xa hoa, giờ đây không còn là dấu chứng cho thấy giá trị của chúng ta nữa. Vì, giá trị đích thực bản thân chúng ta không còn bị xác định bởi những gì chúng ta có, nhưng bắt nguồn từ việc chúng ta là con cái Thiên Chúa, và chúng ta sống theo Phúc âm như thế nào.
- Khi các phương pháp điều trị thích hợp không còn giúp giảm bớt đau đớn, chúng ta phải đón nhận sự đau đớn ấy và chấp nhận những gì chúng ta không thể thực hiện được. Chúng ta cần tránh những điều gây trầm trọng thêm nỗi đau, vốn đã vượt quá sức chịu đựng của chúng ta. Thời gian và sự kiên nhẫn dạy chúng ta rằng đau khổ không nhất thiết phải biến chúng ta thành nạn nhân hoặc điều khiển chúng ta. “Đau khổ trở nên tốt đẹp khi bất cứ ai gánh chịu những tai họa nặng nề với sự vui tươi, không phải bởi vì vô cảm mà nhờ tinh thần cao thượng” (Aristotle). Năng lượng có thể được chuyển hướng đến một điều tốt đẹp hơn. Chúng ta nhận ra rằng mình có thể được chữa lành ở mức độ sâu hơn mặc dù chúng ta không được chữa khỏi căn bệnh thể lý. Thật vậy, ân sủng giúp chúng ta trưởng thành qua những điều chúng ta không thể thay đổi hoặc không thể lĩnh hội.
Thập giá
- Thập giá là nguồn động lực giúp chúng ta chịu đựng những đau đớn thể xác với sự thanh thản của ân sủng. Thánh nữ Edith Stein vẫn thường tự nhủ rằng:“Xin Chúa Giêsu thương dẫn dắt chúng ta trên con đường thập giá…Con đường đau khổ là con đường chắc chắn nhất để kết hợp với Đức Chúa của chúng ta. Khi được chịu đựng một cách vui vẻ, đau khổ đem lại sức mạnh cứu độ, vốn đang rất cần trong thế giới của chúng ta ngày nay”. Bởi vì đau khổ là có thật, hiển nhiên, và rất đáng sợ. Tuy nhiên, chỉ cần ngắm nhìn, hoặc nâng cây thánh giá lên cũng có thể mang lại sự can đảm, và giúp tâm hồn chúng ta tràn đầy sức sống trong một cơ thể yếu ớt. Thánh Gioan Thánh giá đã viết, “Linh hồn không thể đạt đến sự giàu có và khôn ngoan của Thiên Chúa... mà không đi vào sự phong nhiêu của đau khổ... Cánh cổng dẫn vào sự khôn ngoan của Ngài là thập giá”.
- Chúng ta đừng nhìn Thập giá theo lối nhìn tiêu cực, u ám nhưng với lăng kính tinh ròng, bao hàm tính mầu nhiệm, và niềm hy vọng được đổi mới. Lời cầu nguyện dưới chân thập giá giúp chúng ta trở nên chu đáo hơn, nhạy cảm hơn, và tử tế hơn với những người xung quanh. Thánh Têrêsa Avila xác nhận rằng những người mắc bệnh mãn tính có thể cầu nguyện sốt sáng hơn. “Người ta đừng nghĩ rằng một người đang đau khổ thì không cầu nguyện. Thực ra, nếu người ấy biết dâng lên Thiên Chúa những đau khổ của mình, và đôi khi, với cả nước mắt là họ đang thực sự cầu nguyện hơn hẳn những người suy tư với đầu óc của mình”.
- Những thay đổi xảy ra do căn bệnh mãn tính nhiều khi đóng một số cánh cửa nhưng lại có thể mở ra những cánh cửa khác. Tác giả nổi tiếng Flannery O’Connor nói rằng bệnhlupus(ban đỏ) của cô ấy “truyền đạt cho cô ấy nhiều kiến thức hơn mọi chuyến thám hiểm dài ngày đến châu Âu”. Itzhak Perlman, một nghệ sĩ vĩ cầm huyền thoại, phải chống nạng vì bệnh bại liệt có kinh nghiệm rất rõ về điều này. Vào mùa thu năm 1995, khi anh đang biểu diễn trên sân khấu tại Trung tâm Lincoln, thì một sợi dây đàn bị đứt. Perlman liền sắp xếp lại bản nhạc trong đầu, và rồi, những âm thanh mới, đẹp, và sáng chưa từng nghe trước đây được phát ra từ ba dây còn lại của chiếc vĩ cầm. Sau đó, Perlman chia sẻ rằng, “Đôi khi, nhiệm vụ của người nghệ sĩ là tìm ra xem bạn vẫn có thể tạo ra âm nhạc như thế nào bằng những gì bạn còn lại trong tay”. Căn bệnh mãn tính có thể làm đứt những sợi dây của chúng ta, nhưng vấn đề là chúng ta cần phải khám phá ra kho báu nào từ trong sự đổ vỡ ấy?
- Dưới chân thập giá, chúng ta gần Chúa Giêsu hơn giống như trái tim nói với trái tim. Khi lặng yên bên thập giá, chúng ta sẽ dễ dàng đương đầu với những khó khăn, và có được sự bình tĩnh hơn giữa những hỗn loạn của cuộc sống. Giống như Chúa Giêsu trên thập giá, khi mọi thứ dường như tối tăm, bế tắc, và ảm đạm, chúng ta phó thác cho Thiên Chúa, bất chấp những nghi ngờ, tranh đấu, và phản kháng với đức tin của chúng ta. Những đau khổ đang diễn ra dẫn chúng ta tiến sâu hơn vào mầu nhiệm thập giá. Bởi vì đau đớn là một trải nghiệm mang tính cá vị và chúng ta chẳng thể dò thấu mầu nhiệm của đau khổ bằng lý trí hoặc trí năng, chúng ta phải nhìn vào Chúa Giêsu bị đóng đinh với đôi mắt tin tưởng. Chúa Giêsu không đề cao đau khổ, nhưng Người thánh hóa đau khổ qua cuộc khổ nạn và cái chết của Người. Chính nhờ Chúa Giêsu, trong Chúa Giêsu mà đau khổ không trở nên vô ích, vô nghĩa, và vô vọng. Thomas Kempis nhắc nhở chúng ta rằng, “Thập giá là đỉnh cao của nhân đức; thập giá là điểm tuyệt hảo của sự thánh thiện; và con người sẽ không có được sự vững mạnh của tâm hồn, hoặc niềm hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu nếu không có thập giá”.
Sự đau khổ cứu chuộc
- Đau khổ cứuchuộcnảy sinh từ những ước muốn sâu xa nhất của trái tim chúng ta và được gắn chặt với đau khổ của Đức Kitô. Có đau khổ cứu chuộc khi chúng ta dũng cảm áp dụng những phương thức điều trị thích hợp, nhưng đồng thời cũng sẵn sàng chấp nhận những bấp bênh, mơ hồ, và đôi khi thất bại. Để rồi, với sự phó thác, chúng ta dâng đau đớn của mình lên Thiên Chúa trong sự kết hợp với Chúa Kitô chịu đóng đinh, nhờ đó, chúng ta trở thành kênh chuyển trao tình yêu và ân sủng của Chúa Giêsu cho chính mình và cho người khác. Thánh tông đồ Phaolô từng khẳng định, “Nay tôi vui sướng trong các nỗi đau khổ chịu vì anh em; và trong thân xác tôi, tôi bù đắp những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Ðức Kitô phải chịu vì Thân mình Ngài, tức là Hội thánh” (Col 1, 24)
- Đau khổ cứuchuộclà một hành động phi thường của tình yêu. Chính cái chết của Chúa Kitô trên thập giá mang lại ơn cứu độ, và hoà giải nhân loại với Thiên Chúa. Về phần mình, vì là nhiệm thể của Đức Kitô, khi kiên nhẫn chịu đựng những đau đớn chúng ta trở thành phương tiện tái hiện cuộc khổ nạn của Người và là chứng tá sống động về sự hy sinh vượt thời gian mà Người dành cho nhân loại.
- Đau khổ cứu chuộc là một ân sủng không gì so sánh được, nó làm sáng tỏ những hoang mang, khó khăn, và thử thách mỗi ngày. Dưới ánh sáng của đau khổ cứu chuộc, chúng ta học cách chấp nhận sự yếu đuối, nhỏ bé, và thương tích của chính mình. Sự đau đớn một đàng giúp chúng ta nhận ra rằng chúng ta chẳng thể hoàn toàn kiểm soát cuộc sống của chính mình, và chúng ta lệ thuộc vào Thiên Chúa biết bao. Đàng khác, sự đau đớn giúp chúng ta nhận thức ý nghĩa và hy vọng của cuộc sống để hăng hái tiến về phía trước.
- Đau khổ cứu chuộc không chỉ giới hạn nơi bản thân người bị đau khổ mà còn được thể hiện qua lòng thương cảm của người khác. Thật thế, những người biết quan tâm, chăm sóc người đau khổ với lòng nhân ái, họ thiết lập mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa, nhờ đó, chính họ cũng phát triển khả năng để thấu hiểu, yêu mến, và chấp nhận những người mà họ chăm sóc. Điều này có nghĩa là, người chăm sóc bị nỗi đau của người mình chăm sóc thấm nhập và cùng chia sẻ chất lượng của sự đau khổ cứu chuộc. Qua sự chia sẻ độc đáo này, cả người chăm sóc lẫn người được chăm sóc đều tham gia và lãnh nhận nguồn ân sủng không bao giờ kết thúc của Thiên Chúa.
Nhãn quan mới
- Nhãn quan mới giúp chúng ta nhìn sự đau khổ trong ánh sáng của Thiên Chúa, nhờ đó, chúng ta mở lòng để đón nhận những điều tốt đẹp tiềm ẩn trong đau khổ. Theo cách diễn tả của Stephan Hoeller, “Ngọc trai là loại một trang sức tuyệt đẹp nhưng lại đã được tạo ra từ một cuộc sống bị thương tổn. Đó là kết quả của vết rách do chấn thương của con hàu! Cũng thế, kho báu của chúng ta trong thế giới này cũng được tạo ra bởi một cuộc sống bị tổn thương. Nếu chúng ta không bị tổn thương, không bị thương tích, thì sẽ không sinh ra ngọc quí”.
- Nhãn quan mới giúp chúng ta qui mọi sự về Thiên Chúa. Thánh Phanxicô Assisi giải thích rằng niềm vui trọn vẹn không đến từ tài năng và khả năng của chúng ta mà là ân ban đến từ Thiên Chúa. Thánh nhân cho biết, món quà đích thực và duy nhất mà chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa chính là những đau khổ của chúng ta. Thật vậy, đau khổ là món quà mà chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa, và Ngài dùng món quà này để kéo chúng ta và người khác đến gần Ngài hơn.
- Nhãn quan mới giúp chúng ta nhận rađau khổ là một thử thách, đôi khi rấtkhắc nghiệt, mà tất cả chúng ta đều phải trải qua lúc này hay lúc khác. Nhưng với đức tin, chúng ta khám phá ra rằng, đau khổ luôn mang một nội dung, một ý nghĩa, và có một giá trị đặc biệt, và nhất là, đau khổ cũng là lời mời gọi biểu lộ nét cao đẹp tinh thần của con người, tức là sự trưởng thành thiêng liêng của mình.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Lược dịch từ: hprweb.com (24. 6. 2022)
Sơ Carolyn Humphreys, OCDS thuộc dòng Cát Minh tại thế và là một nhà trị liệu tâm lý chuyên nghiệp.
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.