Mười lời của Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng nhắn gửi các ca đoàn

MƯỜI LỜI CỦA ĐỨC TỔNG GIUSE NGUYỄN NĂNG NHẮN GỬI CÁC CA ĐOÀN
(Trong Ngày Hội Thánh Nhạc 14/5/2022 tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn)

Md. Phạm Thúy tổng hợp

  1. MỤC VỤ THÁNH NHẠC

Việc hát Thánh ca không phải là việc hát vu vơ… mà là một Mục vụ Thánh Nhạc. Chính vì thế ca đoàn có vai trò quan trọng trong phụng vụ; và ca viên là Thừa tác viên ca hát/ Tác viên trong Phụng vụ, mặc dù chưa phải là cơ chế chính thức được thiết lập trong Giáo Hội như các thừa tác viên đọc sách, thừa tác viên giúp lễ, dạy giáo lý… Như vậy, khi hát thánh ca trong phụng vụ, các ca viên phải ý thức: TÔI ĐANG CỬ HÀNH PHỤNG VỤ TRONG PHẦN VIỆC CỦA TÔI, điều này đòi hỏi ca viên phải tham gia hát trong phụng vụ cách chủ động và tích cực.

  1. TINH THẦN VÀ SỨC SỐNG ĐỨC TIN – LÒNG YÊU MẾN CHÚA ĐÍCH THỰC

Để có thể cử hành như một tác viên trong phụng vụ, ca viên cần có tinh thần đức tin, sức sống đức tin, một lòng yêu mến Chúa đích thực từ bên trong… (x. Tv 137 – Tâm tình của dân Do Thái trong thời lưu đày bên Babylon).

* Mỗi ca viên phải tự hỏi: TRƯỚC KHI CA HÁT, TÔI CÓ DỌN MÌNH ĐỂ CỬ HÀNH VIỆC CA HÁT TRONG PHỤNG VỤ KHÔNG?

  1. Về TÍNH THÁNH THIÊNG TRONG THÁNH CA

Thánh ca nhắm đến mục đích: tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa cộng đoàn phụng vụ; vì thế, khi hát thánh ca phải toát ra được tính thánh thiêng, và bớt tính trần tục, phô diễn (lưu ý khi hát solo và việc tự chế tiết điệu không phù hợp tính chất bài hát và ý tác giả, ví dụ: chế tiết điệu trong bộ lễ Seraphim).

  1. Về ÂM THANH, ÂM LƯỢNG

Nhà thờ là nơi thánh thiêng, trầm tĩnh… nơi mà người ta muốn tìm đến để gặp Chúa trong sự thanh thoát, bình lặng. Vì thế, khi sử dụng âm thanh trong việc hát thánh ca cũng cần lưu ý đến âm lượng, sao cho người tham dự phụng vụ cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát.

  1. Về THẨM MỸ ÂM NHẠC

Thánh ca có quy luật riêng của nó.

Bình ca là đỉnh cao của nhạc thánh ca… và ca viên cũng như cộng đoàn cần nâng lên trình độ thẩm nhận âm nhạc bình ca trong phụng vụ (ca viên cần được đào tạo thẩm mỹ âm nhạc thánh).

  1. NHẠC TRẺ TRONG PHỤNG VỤ

Nhạc trẻ nên cân nhắc sử dụng trong những trường hợp sau:

+ Đối tượng là người trẻ;

+ Xem xét kỹ nội dung có phù hợp với yêu cầu Thánh nhạc phụng vụ không.

+ Chỉ thỉnh thoảng mới hát (không nên thường xuyên hát)

  1. SỐNG TINH THẦN HIỆP HÀNH TRONG VIỆC PHỤC VỤ HÁT THÁNH CA

+ Cần lưu tâm và ưu tiên cho sự HIỆP THÔNG – HÀI HÒA, nghĩa là không quá mức, nhưng phải đúng mực, đúng chỗ.

Cụ thể, cần ý thức: ca đoàn là quan trọng nhưng không phải là duy nhất và là thứ nhất trong cộng đoàn.

+ Cần có sự hiệp thông hài hòa giữa các thành phần trong xứ: cha xứ, Hội đồng Mục vụ, nội bộ ca đoàn, giữa các ca đoàn, giữa các đoàn thể…

+ Phát triển thì tốt, nhưng nếu quá mức sẽ gây tổn hại cho sự hiệp thông…

  1. CẢM THÔNG ĐỂ HIỆP THÔNG

Không phải tất cả các linh mục đều có trình độ âm nhạc, thánh nhạc như nhau, vì thế cần có sự cảm thông lẫn nhau, không nên để cho tương quan giữa cha xứ với ca đoàn trở nên căng thẳng… Nếu cha hoặc ca đoàn có sai một chút cũng không sao, điều cần là nhẹ nhàng góp ý…

  1. MỘT VÀI GỢI Ý VÀ LƯU TÂM TRONG MỤC VỤ THÁNH NHẠC

+ Luôn thăng tiến trong đời sống đức tin;

+ Luôn ý thức việc loan báo Tin Mừng trong ca hát: hát “tốt” là bề nổi của một tâm hồn có chiều sâu nội tâm; hát tốt + sống tốt, sẽ gây âm hưởng tốt… đó cũng là cách loan báo Tin Mừng qua việc tiếp xúc, gặp gỡ những người chung quanh, nhất là những người không cùng tôn giáo…

  1. CẦU CHÚC ƠN THÁNH THẦN

+ Chúc anh chị em tràn đầy “THẦN HỨNG” = Thần khí – Hứng khởi để chu toàn sứ vụ của người ca hát/thừa tác vụ ca hát.

+ Chúc anh chị em có sức khỏe để có thể hát tốt mà loan “Tin tốt lành”.

WHĐ (16.5.2022)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi