Chúa Nhật 01/5/2022, vào lúc 12:00 giờ trưa, Đức Thánh Cha xuất hiện tại cửa sổ Dinh Tông tòa để đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các tín hữu và khách hành hương hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha nói: Trong cuộc sống có những lúc lưới của chúng ta trống rỗng như trường hợp của các tông đồ, nhưng đó không phải là lúc để than khóc, thất vọng, trái lại cần can đảm đến bên bờ hồ để bắt đầu lại với Chúa Giêsu”.
Đức Thánh Cha bắt đầu bài huấn dụ như sau:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin Mừng phụng vụ hôm nay (Ga 21,1-19) thuật lại lần hiện ra thứ ba của Chúa Giêsu Phục Sinh với các tông đồ. Cuộc gặp gỡ diễn ra bên bờ hồ Galilê và trước hết dành cho Simon Phêrô. Tất cả bắt đầu với Thánh Phêrô khi ông nói: “Tôi đi đánh cá đây” (câu 3). Điều này chẳng có gì lạ, vì ông là một ngư dân, nhưng đã bỏ nghề này một thời gian, chính ở bờ hồ này, ông đã để lưới lại và theo Chúa Giêsu. Và giờ đây, trong lúc Đấng Phục Sinh bắt các ông chờ đợi, thì Thánh Phêrô có lẽ có chút thất vọng, đề nghị các tông đồ khác trở lại cuộc sống trước đây. Và các môn đệ chấp nhận điều này: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Nhưng “Đêm đó họ không bắt được gì cả” (câu 3)
Điều này cũng có thể xảy ra với chúng ta, vì mệt mỏi, thất vọng, và có lẽ lười biếng, chúng ta quên Thiên Chúa và bỏ bê những chọn lựa tốt đẹp mà chúng ta đã thực hiện, để bằng lòng với điều khác. Ví dụ, trong gia đình, chúng ta không dành giờ để nói chuyện với nhau, thích dành thời gian cho chính mình; quên cầu nguyện, chỉ quan tâm cho nhu cầu riêng; không thực thi bác ái, viện cớ cần phải làm những việc cấp bách hàng ngày. Nhưng khi làm như thế, chúng ta thất vọng: với mẻ lưới trống rỗng, như Thánh Phêrô. Đây là con đường đưa anh chị em lùi lại phía sau và không làm cho anh chị em hài lòng.
Và Chúa Giêsu đã làm gì với Phêrô? Chúa trở lại bờ hồ nơi Người đã chọn Phêrô, Anrê và Gioan. Chúa không khiển trách, nhưng gọi các môn đệ với sự dịu dàng: “Này các chú” (câu 5). Rồi như trước đây, Chúa mời các ông can đảm thả lưới. Và một lần nữa lưới đầy cá không thể tin được. Anh chị em thân mến, trong cuộc sống có những lúc lưới của chúng ta trống rỗng, nhưng đó không phải là lúc để than khóc, lơ đãng, trở lại thú tiêu khiển cũ. Đây là lúc bắt đầu lại với Chúa Giêsu, tìm lại can đảm để bắt đầu lại, để đến bên bờ hồ với Người. Khi đối diện với sự thất vọng hoặc cảm thấy cuộc sống không có ý nghĩa. Chúng ta hãy luôn: khởi hành lại, bắt đầu lại, ra khơi.
Thánh Phêrô cần “cú sốc” đó. Khi ông nghe Thánh Gioan kêu lên “Chúa đó!” (câu 7), ngay lập tức ông nhảy xuống nước và đến với Chúa Giêsu. Đây là một hành động của tình yêu, vì tình yêu vượt lên trên ích lợi, thuận tiện và bổn phận; tình yêu tạo ra sự ngạc nhiên, truyền cảm hứng cho những sáng tạo, biết ơn. Như thế, trong lúc Thánh Gioan – người trẻ hơn, nhận ra Chúa, còn Thánh Phêrô lớn tuổi hơn nhảy xuống nước để gặp Chúa. Trong hành động này có tất cả sự nhiệt thành được tìm lại của Simon, được gọi là Phêrô.
Anh chị em thân mến, hôm nay, Chúa Kitô Phục Sinh mời chúng ta một sự nhiệt thành mới, dấn thân vào điều tốt và không sợ mất điều gì đó, không tính toán quá nhiều, không chờ đợi người khác bắt đầu. Vì để đi gặp Chúa Giêsu cần phải liều mình. Chúng ta hãy tự hỏi: tôi có khả năng biểu lộ lòng quảng đại, hay tôi kiềm hãm sự thôi thúc trong tâm hồn và đóng mình trong những thói quen, trong sợ hãi? Hãy liều mình, hãy nhảy xuống nước.
Cuối cùng, Chúa Giêsu hướng về Thánh Phêrô, ba lần hỏi ông “Con có yêu mến Thầy không?” (câu 15, 16). Đấng Phục Sinh hỏi Thánh Phêrô và hôm nay Người cũng hỏi chúng ta: Con có yêu Thầy không? Bởi vì trong mùa Phục Sinh, Chúa Giêsu muốn tâm hồn chúng ta cũng được phục sinh; vì đức tin không phải là vấn đề của sự hiểu biết, nhưng là tình yêu. Con có yêu Thầy không? Chúa Giêsu hỏi anh chị em, những người đang có lưới trống rỗng và lo ngại bắt đầu lại. Chúa Giêsu hỏi Con có yêu Thầy không? Từ lúc đó, Thánh Phêrô ngừng đánh cá và dành trọn cuộc sống để phục vụ Chúa và anh chị em, đến mức hiến mạng sống tại đây. Và chúng ta, chúng ta có muốn yêu mến Chúa Giêsu không?
Xin Đức Mẹ, Đấng đã sẵn sàng thưa “xin vâng” với Chúa, giúp chúng ta tìm lại được sự nhiệt thành để làm điều tốt lành.
Ngọc Yến
Nguồn: vaticannews.va/vi/
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.