Suy niệm Tuần Thánh

Cơn hấp hối của Chúa

Chúa Giêsu hấp hối trong vườn Ghetsemani

Khi kể lại việc Chúa Giêsu cầu nguyện tại núi Ôliu trước khi bị bắt, thánh Luca viết: “Et factus in agonia prolixius orabat – Và trong cơn hấp hối Người cầu nguyện khẩn thiết” (Lc 22,44). Trong thực tế, các tín hữu Việt Nam vẫn thường nói “Chúa Giêsu hấp hối trong Vườn Cây Dầu”. “Hấp hối” thường được hiểu là những giây phút trước khi chết, nhưng ý nghĩa nguyên thủy của từ agonia là tranh đấu (đấu tranh sinh tử giữa sự sống và sự chết). Từ “tranh đấu” ở đây muốn diễn tả việc cầu nguyện của Chúa Giêsu trở thành một cuộc tranh đấu và là tranh đấu với thánh ý Thiên Chúa. Điều này xảy ra khi Thiên Chúa yêu cầu một điều gì đó mà chúng ta không sẵn sàng đón nhận, hoặc chúng ta cảm thấy ngỡ ngàng, khó hiểu.

Kinh Thánh cũng trình bày một trường hợp đấu tranh khác với Thiên Chúa khi cầu nguyện. Đó là trường hợp tổ phụ Giacóp vật lộn với Chúa (x. St 32,23-32). So sánh với Chúa Giêsu cầu nguyện tại núi Ôliu, có thể thấy nhiều điều giống nhau. Cuộc vật lộn của tổ phụ Giacop diễn ra vào ban đêm, phía bên kia con sông Jabbok, Chúa Giêsu cũng cầu nguyện ban đêm, bên kia sông Kedron. Tổ phụ Giacop tách ra khỏi vợ con và các tôi tớ để ở một mình, Chúa Giêsu cũng tách khỏi ba môn đệ thân tín để đi cầu nguyện.

Thế nhưng có sự khác biệt quan trọng giữa hai trình thuật. Tại sao Giacop vật lộn với Thiên Chúa? Theo Sách Sáng Thế, Giacop nói với vị thiên sứ: “Tôi sẽ không buông Ngài ra nếu Ngài không chúc phúc cho tôi” (32,27), tức là cho đến khi Giacop đạt được điều ông mong muốn. Giacop cũng nói với vị thiên sứ: “Xin cho tôi biết tên Ngài” (32,29) vì ông nghĩ rằng nếu ông biết Danh Chúa, ông sẽ mạnh mẽ hơn Esau là người anh ông sắp gặp. Thiên Chúa đã chúc phúc cho ông nhưng không mặc khải Danh Ngài.

Như thế, Giacop vật lộn, đấu tranh với Chúa là để Chúa phải chiều theo ý muốn của ông, còn Chúa Giêsu cầu nguyện (đấu tranh) là để ý chí nhân loại nơi Ngài quy phục thánh ý Thiên Chúa. Ngài phải đấu tranh vì “tinh thần thì nhanh nhẹn, nhưng xác thịt thì yếu đuối” (Mc 14,38).

Câu hỏi đặt ra là: chúng ta giống ai khi cầu nguyện trong những lúc khó khăn, thử thách? Có lẽ chúng ta giống như Giacop, cầu nguyện để thuyết phục Chúa thay đổi ý muốn của Ngài hơn là cầu nguyện để chính chúng ta thay đổi và đón nhận thánh ý Thiên Chúa; chúng ta cầu nguyện để xin Chúa cất thánh giá khỏi mình hơn là để có sức vác thánh giá với Chúa. Ngược lại, chúng ta sẽ giống như Chúa Giêsu nếu trong những thử thách, chúng ta chấp nhận quy phục thánh ý Chúa. Kết quả của hai cách cầu nguyện sẽ rất khác nhau. Thiên Chúa đã không cho Tổ phụ Giacop biết Danh Ngài, nhưng Ngài đã ban cho Chúa Giêsu một Danh vượt trên mọi danh (x. Phil 2,9-11).

Đôi lúc khi cầu nguyện, có một điều gì đó khác thường xảy ra mà chúng ta nên biết để không đánh mất đi cơ hội quý giá. Ấy là khi có sự đảo lộn: Thiên Chúa trở thành người nài nỉ, còn chúng ta thành người được nài nỉ! Bạn cầu nguyện và xin Chúa điều gì đó nhưng khi cầu nguyện, dần dần bạn nhận ra là chính Chúa đang xin bạn điều gì đó. Bạn đến xin Chúa cất khỏi bạn cái dằm trong thân xác, hoặc một thánh giá nào đó, hoặc cho bạn thoát khỏi một công việc, một hoàn cảnh, một ai đó… nhưng rồi bạn khám phá ra chính Chúa đang xin bạn đón nhận thánh giá đó, công việc đó, con người đó.

Một bài thơ của Rabindranath Tagore có thể giúp chúng ta hiểu được phần nào. Có người ăn xin đi gõ cửa từng nhà dọc theo con đường làng. Bỗng xa giá nhà vua xuất hiện ở đàng xa. Người ăn xin nghĩ bụng đây là cơ may cả đời. Anh ta ngồi xuống vệ đường, mở túi ăn xin ra, hi vọng của bố thí sẽ vứt xuống đầy túi. Nhưng rất bất ngờ, xa giá ngừng lại, nhà vua chìa tay ra hỏi: “Ngươi có cái gì cho ta chăng?” Hết sức ngỡ ngàng và bối rối, người ăn xin lục túi, lấy một hạt thóc và trao cho nhà vua. Thật tiếc biết chừng nào vì tối hôm ấy, khi lục lại túi ăn xin, anh ta thấy một hạt thóc bằng vàng! Và khóc tức tưởi vì mình đã không dám cho đi tất cả.

Tại núi Ôliu, Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha cất chén đắng này xa con, nhưng Chúa Cha lại xin Ngài hãy uống cho trọn vì phần rỗi thế gian. Chúa Giêsu đã cho đi, không chỉ một giọt máu nhưng là tất cả, và Chúa Cha đã ban lại cho Ngài một Danh vượt trên mọi danh: “Đức Giêsu Kitô là Chúa – kurios”: Một giọt máu của Ngài cứu cả thế gian.

Cuộc sống của chúng ta cũng có những cơn “hấp hối” nho nhỏ: một cơn bạo bệnh, sự hiểu lầm của người thân, nỗi sợ hãi vì uy tín và danh dự bị đe dọa. Trong tất cả những tình huống ấy, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải cầu nguyện. Trong Vườn Cây Dầu, Ngài muốn có các môn đệ thân tín bên cạnh để làm gì? Phải chăng để được nghe những lời an ủi? Không, Ngài muốn họ cùng cầu nguyện với Ngài: “Simon, anh ngủ à? Anh không thức nổi một giờ sao? Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mc 14,37-38).

Nếu đã cầu nguyện mà không được nhận lời thì sao? Hãy cầu nguyện tha thiết hơn nữa! ““Et factus in agonia prolixius orabat – Và trong cơn hấp hối Người cầu nguyện khẩn thiết” (Lc 22,44). Chúng ta có thể lý sự: Chúa Giêsu cầu nguyện nhưng Chúa Cha không nhận lời! Thưa, có đấy. Câu trả lời của Chúa Cha là sự phục sinh của Chúa Giêsu từ cõi chết, và nhờ đó, cả nhân loại được đón nhận sự sống mới.

Cuộc khổ nạn thiêng liêng của Chúa

Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá

“Họ đóng đinh Người vào thập giá” (Mc 15,25; Mt 27,35; Lc 23,33). Với phạm nhân bị khổ hình thập giá, có hai cách thực hiện: hoặc dùng dây cột cổ tay vào thập giá hoặc đóng đinh. Các vết thương trên tay và chân của Chúa Giêsu cho chúng ta biết người ta đã đóng đinh Chúa và chúng ta có thể hình dung Chúa phải chịu đau khổ khủng khiếp ra sao.

Đã có nhiều giả thuyết đưa ra để giải thích lý do dẫn đến việc Chúa Giêsu chết trên thập giá: ngạt thở, đột quỵ. Lý do thuyết phục nhất về mặt y học là mất nước và mất máu. Thế nhưng từ cặp mắt đức tin, chúng ta có thể nói đến đau khổ lớn hơn nhiều mà Chúa Giêsu phải trải qua, đó là nỗi đau thiêng liêng, cuộc khổ nạn trong linh hồn Đấng Cứu thế. Có nhiều nguyên nhân.

Trước hết là sự cô đơn. Các sách Tin Mừng nói đến việc Chúa Giêsu bị bỏ rơi: đám đông bỏ rơi, các môn đệ cũng bỏ Ngài mà chạy trốn (x. Ga 16,23; Mt 26,56; Mc 14,50). Nỗi cô đơn ấy đạt đến đỉnh điểm trên thập giá khi Chúa Giêsu, trong nhân tính của Người, cảm nhận như chính Chúa Cha cũng bỏ rơi Ngài: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ con?” (Mt 27,46). Đây không phải là tiếng kêu tuyệt vọng như một vài người nghĩ. Nếu các tác giả sách Tin Mừng nghĩ như thế, hẳn các ngài đã không kể lại lời tuyên xưng đức tin của viên bách quản: “Quả thật, ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54; Mc 15,39). Đúng hơn, nên nghe lại tiếng kêu của Chúa Giêsu trong ánh sáng Thánh vịnh 22 để hiểu tiếng kêu ấy là sự diễn tả nỗi cô đơn cùng cực của Chúa trong giây phút ấy.

Chúa Giêsu đã trải nghiệm điều mà thánh Phaolô diễn tả sau này là “bị nguyền rủa và xa lìa Đức Kitô vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống” (Rm 9,3). Chúa Giêsu trở thành người bị tách lìa khỏi Thiên Chúa để nhân loại được trở về với Chúa. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, Chúa Giêsu bị trở thành kẻ vô thần! Có thứ vô thần chủ ý và có tội vì cố tình chối bỏ Thiên Chúa, nhưng cũng có thứ vô thần “thụ động” phát xuất từ cảm nhận bị Thiên Chúa ruồng bỏ, và hết sức đau đớn. Ở đây có lẽ chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm của các nhà thần bí để hiểu phần nào cảm nghiệm đau khổ này.

Một khía cạnh khác của cuộc khổ nạn nội tâm này là sự nhục mạ và khinh bỉ. “Người bị đời khinh khi ruồng rẫy…bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới” (Is 53,3). Tiên tri Isaia đã tiên báo về Người Tôi tớ đau khổ và điều ấy đã xảy ra với Chúa Giêsu. Từ lúc Chúa bị bắt đến khi họ đóng đinh Ngài vào thập giá, sự khinh miệt, nhục mạ càng lúc càng tăng: “Chúng khoác cho Người một tấm áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người. Rồi chúng bái chào Người: Vạn tuế Đức Vua dân Do Thái! Chúng lấy cây sậy đập lên đầu Người, khạc nhổ vào Người, và quỳ gối bái lạy. Chế giễu chán, chúng lột áo điều ra và cho Người mặc áo lại như trước. Sau đó chúng dẫn Người đi để đóng đinh vào thập giá” (Mc 15,17-20). Dưới chân thập giá, các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người: “Nó đã cứu những người khác nhưng không cứu nổi chính mình” (Mt 27,41-42). Chúa Giêsu bị đánh gục, để  tất cả những ai bị đánh gục trong đời có được một Đấng an ủi và cứu giúp họ.

Thế nhưng cuộc khổ nạn thiêng liêng của Chúa Giêsu còn có nguyên nhân sâu xa hơn cả sự khinh miệt và nhục mạ Ngài phải chịu. Trong Vườn Cây Dầu, Chúa đã xin Chúa Cha cất chén đắng (x. Mc 14,36). Hình ảnh “chén” trong Kinh Thánh thường diễn tả cơn thịnh nộ của Thiên Chúa chống lại tội lỗi (x. Is 51,22; Tv 75,8; Kh 14,10). Khởi đầu Thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô đã nêu lên một điều được coi như nguyên lý phổ quát: “Từ trời, Thiên Chúa mặc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô luân và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý” (Rm 1,18). Tội lỗi ở đâu thì án xử của Thiên Chúa cũng chống lại, nếu không người ta sẽ hiểu là Thiên Chúa thỏa hiệp với tội lỗi và sự phân biệt thiện-ác sẽ không còn nữa. Hiểu như thế, cơn thịnh nộ của Thiên Chúa cũng đồng nghĩa với sự thánh thiện. Trong Vườn Cây Dầu và trên Thánh Giá, Chúa Giêsu mang trên mình Ngài sự vô luân và bất chính của cả thế gian, hoặc nói như thánh Phaolô, Thiên Chúa đã làm cho Chúa Giêsu thành “hiện thân của tội lỗi” (2Cr 5,21). Vì thế, cơn thịnh nộ của Thiên Chúa “đổ xuống” trên Chúa Giêsu. Hấp lực vô cùng từ thuở đời đời giữa Chúa Cha và Chúa Con nay bị thay thế bằng sự ruồng bỏ đến vô cùng giữa sự thánh thiện của Thiên Chúa và tội lỗi của thế gian, đó chính là điều mà lời cầu xin của Chúa Giêsu diễn tả: Xin cất chén đắng này xa con! Đây là mầu nhiệm khôn dò mà chúng ta chỉ có thể thoáng thấy từ xa chứ không thể hiểu thấu.

“Lạy Chúa, từ lòng mẹ, chúng con đã mang án tử do tội Ađam truyền lại, nhưng nhờ mầu nhiệm Con Chúa chịu khổ hình, Chúa đã tiêu diệt sự chết. Xin Chúa ban ơn thánh hóa biến đổi chúng con nên giống hình ảnh Ađam mới là Đức Kitô, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời”.

In dấu cuộc thương khó của Chúa

Khăn liệm Turino

Chắc chắn cuộc khổ nạn của Chúa là chủ đề lớn trong nghệ thuật Tây phương. Biết bao nhiêu tác phẩm hội họa và điêu khắc nổi tiếng về Chúa Giêsu hấp hối trong Vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu vác thánh giá, Chúa Giêsu chịu đóng đinh thập giá, pieta… Tuy nhiên không có tác phẩm nào thu hút cho bằng Khăn liệm Turino. Ở đây chúng ta không bàn đến chuyện tấm khăn liệm này có “chính thực” không, là tự nhiên hay nhân tạo, thánh tích hay chỉ là tượng ảnh. Điều muốn nói ở đây là Khăn liệm Turino là sự thể hiện trang trọng và cao cả nhất về sự chết mà cặp mắt nhân loại chúng ta có thể chiêm ngắm được.

Chiêm ngắm Khăn liệm Turino không làm cho chúng ta nghĩ đến một người chết nhưng là một người đang chìm trong suy tưởng trầm lặng và sâu xa. Hình ảnh ấy như diễn tả lời thánh thi Thứ Bảy Tuần thánh: “Thân xác tôi nghỉ ngơi trong an bình – Caro mea requiescet in pace”, và trong Giờ Kinh Sách, chúng ta đọc: “Một điều gì đó lạ thường đang diễn ra, hôm nay sự thinh lặng bao trùm trái đất. Toàn thể địa cầu tĩnh lặng vì Vua đang ngủ”.

Thần học nói với chúng ta rằng khi chết, linh hồn Chúa Kitô tách ra khỏi thân xác, cũng như mọi người chết, thế nhưng thần tính của Người vẫn kết hợp với cả linh hồn và thân xác của Người. Khăn liệm Turino là sự diễn tả tuyệt hảo về mầu nhiệm Kitô học này. Thân xác đã tách ra khỏi linh hồn nhưng không tách khỏi thần tính. Chiêm ngắm Khăn liệm, chúng ta thấy tính thần thánh tỏa trên khuôn mặt Chúa Kitô, Đấng dù bị cực hình nhưng vẫn uy nghi.

Khuôn mặt Chúa Kitô trên khăn liệm giống như một lằn ranh, một bức tường ngăn cách hai thế giới: thế giới người đời với đầy rẫy những âu lo, bạo lực, tội lỗi, và thế giới của Thiên Chúa mà sự dữ không thể bén mảng tới. Đó là bãi biển ở đó mọi làn sóng tan dần. Cứ như thể nơi Chúa Kitô, Thiên Chúa nói với sức mạnh của sự dữ bằng những lời trong sách Gióp: “Ngươi chỉ tới đây thôi, chứ không được tiến xa hơn nữa, đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành” (38,11).

“Lạy Chúa, xin làm cho con nên tấm khăn liệm xác Chúa. Khi Chúa được đưa xuống khỏi thập giá và đến với con trong Bí tích Mình và Máu Thánh Chúa, xin để con lấy tấm áo đức tin và đức mến của con bọc lấy Chúa, để Chúa in vào linh hồn con một dấu ấn không phai mờ. Lạy Chúa, xin làm cho tấm áo nhân loại thô ráp của con nên khăn liệm của Chúa”.

Thiên Triệu

Nguồn: giaophanmytho.net(09.04.2022)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi