Chi tiết từ “Đóng đinh Thánh Phêrô” (1601) của Caravaggio
Douglas Bushman
Khi nhìn thấy mẻ lưới lớn, Simôn Phêrô sấp mặt dưới chân Ðức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5, 8)
Phêrô đã chứng kiến việc Đức Giêsu chữa lành bệnh cho mẹ vợ (Lc 4, 38–39). Giống như tất cả những ai chứng kiến mẻ cá lớn, ông rất kinh ngạc (Lc 5, 9). Phêrô nhận ra rằng Thiên Chúa đang hành động thông qua Đức Giêsu, và ông tôn vinh Thiên Chúa qua một hành động khiêm nhường, điều này cho thấy văn hóa tôn giáo mà ông đã sống. Nền văn hóa đó cho rằng tội lỗi là không xứng hợp với Thiên Chúa, Đấng thánh thiện. Nhận thức về sự thánh thiện và sự hiện diện của Thiên Chúa làm cho con người ý thức được tội lỗi của mình, và sau đó con người trở nên căng thẳng, thậm chí không thể nuốt trôi nước miếng trước sự hiện diện của Thiên Chúa (G 7, 19). Kinh thánh truyền đạt điều này bằng cách miêu tả Ađam và Êva sợ hãi che chắn thân mình khỏi cái nhìn xuyên thấu của Thiên Chúa bằng cách che thân, và sau đó cố gắng trốn khỏi Ngài. Gióp đã cất thành lời: “Xin cứ để mặc con” (G 7, 16). Phêrô cho thấy rằng ông đã thừa hưởng nền thần học và tu đức này khi nói với Chúa Giêsu, “Xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”.
Liệu có điều gì có thể đối lập trực tiếp hơn với sứ mệnh của Chúa Giêsu, Đấng đã nói: “Tôi đến để kêu gọi những người tội lỗi” (Mt 9, 13); “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!” (Mt 9, 2); “Tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha” (Lc 7, 47); “đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26, 28) chăng? Trong cuộc gặp gỡ này với Chúa Giêsu, Phêrô đã cho thấy mình là người mà Chúa Giêsu sẽ nói sau này, tức là “người cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16, 23); tuy nhiên Chúa nói điều đó vẫn trong bối cảnh sứ mệnh của Ngài là tha tội. Nhưng Chúa Giêsu không quở trách Phêrô vào lúc đánh bắt được nhiều cá. Người biết rằng Phêrô có rất nhiều điều cần học hỏi!
Trái ngược với Phêrô, “những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Ðức Giêsu mà nghe Người” (Lc 15, 1). Trên thực tế, Chúa Giêsu — chính Thiên Chúa trở thành người — bắt đầu sứ vụ công khai bằng cách đến gần cuộc tập hợp lớn nhất của những người tự nhận mình là tội nhân: “Mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan” (Mc 1, 5). Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đang tìm kiếm tội nhân. “Trong Đức Kitô, tôn giáo không còn là ‘sự tìm kiếm Thiên Chúa một cách mù quáng’ (x. Cv 17, 27) mà là sự đáp lại của đức tin đối với Thiên Chúa [Đấng] đi tìm kiếm con người… vì Ngài yêu thương con người đời đời trong Ngôi Lời” (Gioan Phaolo II, Tertio millennio adosysteme, 6–7). Phêrô sẽ đạt đến đức tin trọn vẹn này, nhưng chỉ sau khi ông phát hiện ra rằng tội lỗi của mình không khiến cho Thiên Chúa ngừng tìm kiếm ông.
Bằng cách nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”, Phêrô cho thấy ông cần một cách sâu xa như thế nào về sự “đổi mới tâm thần” tuyệt vời mà đức tin mang lại (Rm 12, 2; Ep 4, 23). Trong Đức Giêsu Kitô, chính Thiên Chúa sẽ chịu đau khổ và chịu chết để mang lại sự đổi mới tâm thần này liên quan đến việc Thiên Chúa đến gần tội nhân — chính xác là để tha thứ cho họ và hoà giải họ với chính Ngài. Mầu nhiệm là Ngài đến gần tội nhân trong sự đau khổ của họ qua sự đau khổ của chính Ngài.
Ông Phêrô theo Người xa xa. (Mt 26, 58)
Matthêu, Marco và Luca đều ghi lại rằng khi Chúa Giêsu bị bắt, Phêrô đi theo Ngài, nhưng ở một khoảng cách xa xa. Khi bước theo Ngài, Phêrô thể hiện tình yêu của mình đối với Chúa Giêsu, như ông đã tuyên bố trước đó: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã. […] Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26, 33–35). Không có lý do gì để nghi ngờ sự chân thành của Phêrô. Tuy nhiên, không lâu sau, Phêrô vẫn giữ một khoảng cách kín đáo. Theo cách này, Phêrô thể hiện tình yêu của mình dành cho bản thân. Ông đang giữ an toàn, đề phòng cho mình một lối thoát khi hữu sự. Sự căng thẳng này giữa tình yêu bản thân và tình yêu của Phêrô dành cho Chúa Giêsu sẽ bộc lộ rõ ràng khi ông có 3 cơ hội để tuyên xưng tình yêu của mình dành cho Chúa Giêsu, nhưng lại thất bại trong cuộc thử thách.
Mùa Chay là mùa đền tội trong đó các môn đệ của Đức Kitô cố gắng để xác định những cách thức chúng ta vẫn theo Chúa Giêsu nhưng xa xa — để chúng ta có thể theo Ngài cách hoàn hảo hơn trong mầu nhiệm Vượt qua của Ngài trong Tam nhật thánh. Chúng ta sẽ khôn ngoan một cách khiêm tốn làm theo lời của Vua Đavít, sau khi vua hoán cải: “Nhưng nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình? Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay” (Tv 19, 13). Ai có thể cầu nguyện những lời như vậy? Ai nhận ra rằng có những tội lỗi tiềm ẩn? Thưa đó là người giống như Đavít, bất ngờ khám phá ra mình bị giam cầm bởi một dục vọng đáng lẽ phải được thanh tẩy trước đó rồi; vì, nó luôn ở đó, chờ thời, như thể ở chế độ ẩn, chờ đợi cơ hội đến giữa Đavít và Thiên Chúa của Đavít. Một người nào đó, giống như Đavít, người đã cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa và do đó được khuyến khích không còn che giấu tội lỗi của mình nữa mà muốn săn lùng chúng, giống như một con chó săn lao vào con chim cút đang ẩn nấp.
Trên thực tế, một trong những hoa quả tuyệt vời của sự hoán cải và đức tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa chính là nỗi sợ hãi rằng tội lỗi của mình không được kiểm soát. Như nhà thông thái đã nói:
Tư tưởng con, ai sẽ lấy roi sửa trị, tâm can con, ai sẽ dùng khôn ngoan dạy dỗ, để đừng dung thứ những lầm lỗi của con, cũng đừng làm ngơ trước tội con đã phạm? Bằng không, lỗi lầm của con cứ gia tăng mãi, tội lỗi của con chồng chất thêm nhiều, con sẽ quỵ ngã trước mặt đối phương và kẻ thù con đắc chí nhạo cười (Hc 23, 2–3).
Vì điều này, chúng ta cần phải được lời Chúa đối chất, như Nathan đối chất với Đavít, như Phêrô được Lời của Chúa đối chất, khi gà gáy sáng, ông nhớ lại những lời của Chúa Giêsu tiên báo sự chối Thầy của ông. Nhưng trên tất cả, chúng ta cần đối chất với lời của tình yêu thương xót của Thiên Chúa, vốn là điều duy nhất mang lại hy vọng rằng tội lỗi không có lời nói cuối cùng. Đây là sự thật hai mặt về tội lỗi và về lòng thương xót của Thiên Chúa, mà Giáo Hội đặt trên môi chúng ta ngay trước khi rước Mình Thánh: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh”.
Mùa Chay là mùa để tìm kiếm sự đối chất hữu ích một cách có chủ ý hơn với lời Chúa. Đó là thời gian để hợp tác với Lời xuyên thấu và tách bạch của Thiên Chúa; một thời gian có chủ đích là trở nên trần trụi và phơi bày về mặt thiêng liêng trước Lời Chúa, phù hợp với những lời của Sách Giáo Lý nói về mục tiêu của việc suy niệm “là để cho điều đã suy tư trong đức tin trở nên của riêng mình, qua việc đối chiếu với thực trạng cuộc đời của mình”(GLCG, 2723).
Và Chúa quay lại và nhìn Phêrô. Và Phêrô nhớ lại lời của Đức Chúa, lời mà Người đã nói với ông ra sao: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần” (Lc 22, 61).
Thật khó để tưởng tượng khoảnh khắc mãnh liệt hơn về sự trần trụi và phơi bày trước sự thật! Phêrô đã 2 lần nói: “Tôi không biết người ấy” (Mt 26, 72. 74). Động từ Hy Lạp ở đây mời chúng ta dịch điều này là: “Ông ấy chẳng có nghĩa lý gì đối với tôi“. Với điều này, Phêrô phải chịu trách nhiệm về cùng tội danh mà Nathan đã đưa ra để chống lại Đavit “Tại sao ngươi lại khinh dể lời Ðức Chúa?” (2Sm 12, 9). Thiên Chúa đúng khi hỏi: Sau tất cả những gì Ta đã làm cho ngươi, làm sao ngươi có thể gạt ký ức về những hành động yêu thương tuyệt vời của Ta sang một bên bằng sự khinh miệt như vậy?
Đavít và Phêrô nhân cách hóa tội lỗi của Israel, khi dân chúng không lắng nghe tiếng Chúa “dù đã thấy những việc Ngài làm” (Tv 95, 9). Trong Cựu ước, những công việc này là những việc làm vĩ đại của Thiên Chúa: mười bệnh dịch; sự rẽ nước biển; nước từ tảng đá; con rắn đồng; manna. Tuy nhiên, sứ mệnh của các ngôn sứ là buộc tội dân chúng thường xuyên quên những hành động vĩ đại này của tình yêu thương cứu độ của Thiên Chúa và sa ngã vào tội lỗi. Trong mọi tội, có sự khinh miệt ý thức hoặc vô thức đối với lời nói và hành động mặc khải của Thiên Chúa. Trong mọi tội, kẻ phạm tội nói: Lời nói của Ngài, những việc làm vĩ đại và những hành động yêu thương của Ngài chẳng có nghĩa lý gì đối với tôi cả.
Nhưng có một sự khác biệt lớn giữa tội lỗi của Israel và Đavít, những người tỏ ra khinh thường lời của Thiên Chúa, và sự khinh miệt của Phêrô, vốn dành cho Lời Nhập thể của Thiên Chúa. Thư gửi Do thái mô tả một cách sâu sắc sức mạnh của Lời Thiên Chúa và việc Lời Chúa đối chất một người với sự thật:
Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Ðấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ. (Dt 4, 12–13)
Cái nhìn của Chúa Giêsu đối với Phêrô là cái nhìn của sự thật và của tình yêu, vì Chúa Giêsu vừa là sự thật vừa là tình yêu. Sự thật phơi bày tội lỗi của Phêrô, trong khi tình yêu khiến ông có thể rơi lệ ăn năn.
“Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” (Ga 21, 16)
Chúa Giêsu đặt câu hỏi này với Phêrô 3 lần. Các Giáo phụ và Tiến sĩ Giáo hội nhận thấy sự phù hợp về điều này; vì Phêrô đã chối Chúa Giêsu 3 lần, và do đó đã không yêu mến Người, nên Chúa Giêsu muốn đem điều tốt lành từ điều xấu xa, và Người muốn sự hợp tác của Phêrô bằng việc thể hiện một lời tuyên xưng gấp 3 lần về tình yêu của mình dành cho Người. Đó là những gì lòng thương xót thể hiện: lấp đầy khoảng trống của tình yêu bằng tình yêu.
Chúa Giêsu thể hiện sự kiên nhẫn, thận trọng và thương xót tuyệt vời trong thời điểm của câu hỏi này. Chúa Giêsu là Thiên Chúa và Thiên Chúa là “sự trao đổi tình yêu vĩnh cửu: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (GLCG, 221). Điều Thiên Chúa Con đã sống đời đời, Người hằng ao ước được sống như một phàm nhân trên thế gian này. Chúa Giêsu kiên nhẫn biết bao khi Người chờ đợi rất lâu trước khi nghe Phêrô nói: “Con yêu mến Thầy”!
Không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giêsu không đặt ra câu hỏi về tình yêu của Phêrô trước 3 lần chối Thầy của ông và trước cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người. Vì, Người biết rằng nếu làm điều đó trước thì sẽ là một câu hỏi không công bằng. Chúa Giêsu biết Phêrô đã đặt sự tự tin sai chỗ vào tình yêu của ông dành cho Chúa Giêsu, điều mà ông thể hiện qua lời tuyên bố tự tin rằng ông sẵn sàng chết với Chúa Giêsu: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26, 35). Chúa Giêsu đã biết sự thật, khi Người nói với Phêrô: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được” (Ga 13, 36).
Vì vậy, Chúa Giêsu không hỏi Phêrô về tình yêu của ông đối với Người cho đến khi lời tuyên xưng về tình yêu của ông phù hợp với sự thật. Và Người biết rằng điều này không thể xảy ra cho đến khi Phêrô cảm nghiệm được sự tha thứ tội lỗi của mình. Chúa Giêsu biết rằng trước mầu nhiệm vượt qua, Phêrô sẽ bày tỏ sự kiêu căng của một người mới bắt đầu trước những đêm đen. Xét cho cùng, Phêrô đã bỏ tất cả để theo Chúa Giêsu. Ông đã chứng kiến những phép lạ của Người, tiếp thu những giáo huấn của Người, tuyên xưng đức tin của mình, quan sát sự khôn ngoan của Người khi tiếp xúc với những người Pharisiêu và Kinh sư, và thấy những người tin vào Chúa Giêsu ngày càng đông. Trong thực tế, mối tương quan của Phêrô với Chúa Giêsu phần lớn vẫn dựa trên những niềm an ủi này, vốn là sự tự hiến một phần và có tính chuẩn bị của Chúa Giêsu. Trái ngược với Phêrô, tại một thời điểm nào đó, Chúa Giêsu để lại thời gian của những an ủi lại đàng sau, khi Người kiên quyết đón nhận sự cần thiết huyền nhiệm theo sự khôn ngoan của Chúa Cha, là Đấng Kitô phải chịu đau khổ và chịu chết, để hoàn thành sứ mệnh của Người: “Người đang đi về hướng Giêrusalem” (Lc 9, 53).
Vào thời điểm mà Phêrô tuyên bố rằng ông sẵn sàng chết vì Chúa Giêsu, Phêrô nghĩ rằng ông “toàn tâm toàn ý”. Nhưng Phêrô chưa hoàn toàn chấp nhận ý tưởng về một Đấng Mêsia đau khổ. Trước mầu nhiệm vượt qua và trước khi hoán cải, Phêrô rất giống Đavít, khi ông mô tả sự chuyển đổi từ niềm an ủi khi thịnh vượng sang sự hoang tàn vì dường như bị Thiên Chúa bỏ rơi:
Trong sự thịnh vượng, tôi đã tự nhủ:
“Mình sẽ chẳng bao giờ nao núng!
Lạy CHÚA, vì yêu thương, Ngài đã đặt con trên núi an toàn.
Nhưng khi Ngài vừa ẩn mặt đi, con liền thấy bàng hoàng sợ hãi” (Tv 30, 6–7).
Thánh Tôma Aquinô nhận xét rằng những lời trong câu 6 được nói với một “tâm hồn tự phụ”, nghĩa là “sự tự phụ của một người tin tưởng vào chính mình.” Tự phụ là một tội ngược lại niềm trông cậy. Nó “hệ tại ở chỗ trở lại với Thiên Chúa nhưng là sự trở lại vô trật tự” — vô trật tự vì nó dựa vào quyết tâm của con người hơn là dựa vào ân sủng của Thiên Chúa. Đó là “niềm hy vọng thiếu chừng mực… theo đó người ta dựa vào sức riêng mình… khi hướng đến điều tốt lành như thể mình có thể đạt được, trong khi nó vượt quá năng lực của mình.”
Phêrô không hề hai mặt khi tuyên bố sẵn sàng chết vì Chúa Giêsu như là dấu chỉ tình yêu của ông dành cho Ngài. Phêrô chỉ đơn thuần là người ngây thơ về mặt thiêng liêng, không nhận thức được “những tội lỗi tiềm ẩn” (Tv 19, 12) vốn chưa được thanh luyện. Nghĩa là Phêrô không ý thức được chiều sâu của sự vô trật tự vì yêu mình đến mức khinh dể Thiên Chúa (Augustinô). Nhưng, còn hơn thế. Việc Phêrô khăng khăng rằng ông sẵn sàng chết vì Chúa Giêsu xuất hiện trong bối cảnh Chúa Giêsu đã tiên báo: “Ðêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy” (Mt 26, 31), và Phêrô thẳng thừng phủ nhận điều này: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã” (Mt 26, 33).
Phân tích của thánh Tôma Aquinô về sự tự phụ bắt nguồn từ hư vinh là điều thích hợp: “Sự tự phụ như vậy rõ ràng xuất phát từ hư vinh; vì người ta có lòng ham muốn vinh quang lớn lao, nên người ta cố gắng những việc vượt quá khả năng của mình, và nhất là những điều mới lạ đòi hỏi sự ngưỡng mộ nhiều hơn”. Phêrô có thể chấp nhận rằng các tông đồ khác sẽ xa lìa Chúa Giêsu. Ông không thể chấp nhận là mình ông sẽ làm như thế. Điều này sẽ khiến ông khác biệt với những người khác. Phêrô sẽ học biết rằng trong mắt Thiên Chúa, điều đáng được ngưỡng mộ hơn chính là sự hoán cải lớn hơn. Có một thực tế thật là buồn cười, thậm chí siêu phàm, trớ trêu là lời tuyên bố đầy tự phụ về tình yêu của Phêrô dành cho Chúa Giêsu sẽ khiến ông trở nên khác biệt với những người khác, những người đã không chối Chúa Giêsu một cách tự phụ như ông đã làm. Chỉ có Phêrô đã công khai chối Chúa 3 lần!
“Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 15. 16).
Cách trả lời của Phêrô trước câu hỏi của Chúa Giêsu, “Anh có yêu mến Thầy không?” nhằm thu hút sự chú ý của chúng ta. Câu trả lời của Phêrô cho lần thứ ba mà Chúa Giêsu hỏi, “Anh có yêu mến Thầy không?” xác nhận rằng điều đó có ý nghĩa đối với Thánh sử Gioan, “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 17). Thánh Tôma Aquinô nhận xét rằng sự chất vấn gấp ba của Chúa Giêsu về tình yêu của Phêrô khiến ông nhớ lại rằng trước đó “ông đã nhanh nhẹn khẳng định rằng ông yêu Ngài”. Thấy rõ mình đã tự phụ thế nào khi chối Chúa, “ông sợ mình sẽ bị quở trách một lần nữa và trở nên buồn bã”.
Vì vậy, Phêrô nói, “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy“. Phêrô thực sự đang nói: “Con yêu mến Thầy, trong chừng mực mà con có thể biết được tình yêu của con dành cho Thầy. Nhưng Thầy biết mọi sự, và có lẽ Thầy biết điều gì đó khác sẽ xảy ra”.
Tội lỗi của Phêrô đã dạy ông tin tưởng vào những gì Chúa Giêsu biết hơn là những gì ông biết về tình yêu của mình dành cho Người. Với điều này, sự tự phụ của Phêrô hoàn toàn bị trừ diệt. Nơi Phêrô, tiên đề của Thánh Gioan, “Chúng ta yêu vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4, 19), đã được xác minh. Điều này củng cố quan điểm trước đó về sự khôn ngoan của Chúa Giêsu trong việc không hỏi Phêrô về tình yêu của ông dành cho Người trước mầu nhiệm vượt qua. Bởi vì, chỉ khi tình yêu đối với Chúa Giêsu là sự đáp lại việc Ngài đã yêu chúng ta “cho đến cùng” (Ga 13, 1) – không chỉ dựa trên tình yêu mà Người thể hiện qua các phép lạ và giáo huấn của Người – thì tình yêu của chúng ta dành cho Người mới đủ mạnh để làm một cuộc hành trình qua đêm đen.
Chỉ sau khi cảm nghiện được sự tha thứ tội lỗi Phêrô mới có thể tuyên xưng tình yêu của mình đối với Chúa Giêsu với sự tự tin được bén rễ từ những lời của Chúa Giêsu về tình yêu của Maria Mađalêna (Người phụ nữ sám hối): “Vì vậy, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít” (Lc 7, 47). Yêu mến Chúa Giêsu vì được Người tha tội là yêu mến Người trong sự thật của mầu nhiệm vượt qua của Người. Chỉ có một tình yêu như thế mới là nền tảng vững chắc cho việc sùng kính Thánh Thể như là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu. Chỉ sau cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu và sự hoán cải của Phêrô, thì những lời của Chúa Giêsu mới được ứng nghiệm: “nhưng sau này anh sẽ đi theo” (Ga 13, 36).
“Hãy chăm sóc chiên của Thầy”. (Ga 21, 17)
Tương ứng với 3 lời tuyên xưng về tình yêu của Phêrô dành cho Người, Chúa Giêsu đưa ra một mệnh lệnh gấp ba, “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy… Hãy chăn dắt chiên của Thầy… Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21, 15. 16. 17). Thánh Tôma Aquinô nhận xét: “Theo cách này, cuối cùng Giáo hội được trao phó cho một Phêrô khiêm nhường.” Một cách trau chuốt hơn:
“Đức Chúa của chúng ta đã cho phép Phêrô chối bỏ Người vì Người muốn chính vị đứng đầu toàn thể Giáo hội biết thương cảm hơn đối với những người yếu đuối và tội lỗi, vì đã trải nghiệm sự yếu đuối của chính mình khi đối diện với tội lỗi: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Ðấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, chỉ trừ tội lỗi” (Dt 4, 15). Điều này đúng về Đức Kitô, và điều này cũng có thể được nói về Phêrô, với những tội lỗi của ông”.
Phêrô xứng đáng được Chúa trao cho Giáo hội của các tội nhân vì đức tin, tình yêu và sự khiêm nhường của ngài là kết quả của kinh nghiệm về tội lỗi và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với ngài. Tại thời điểm này, cách duy nhất để Phêrô hoàn thành luật mới để yêu thương người khác như ngài đã được Chúa Kitô yêu thương (Ga 13, 34) đó là thi hành “chức vụ hòa giải” (2Cr 5, 18). Không còn một Phêrô khác nữa, một Phêrô vẫn giữ phần nào đó trong đời cho một ý nghĩa khác. Cuộc tử đạo của Phêrô sẽ xác nhận điều đó. Phêrô đã trở thành một Đức Kitô khác nhờ kinh nghiệm của ngài về lòng thương xót của Thiên Chúa được mặc khải cách dứt khoát trong mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu Kitô.
Tất cả những điều này đều đúng cho tất cả những ai mà Đức Chúa kêu gọi nhận Chức Thánh để tiếp tục sứ mệnh thương xót của Người. Một lần nữa, Thánh Tôma Aquinô diễn giải một cách trung thực ý định của Chúa Giêsu khi hỏi Phêrô về tình yêu của ông đối với Người.
Cách đặt câu hỏi này cũng phù hợp với chức vụ vì nhiều người đảm nhận chức vụ mục vụ nhưng lại sử dụng nó như những người chỉ yêu bản thân. “Vào những ngày sau hết sẽ có những lúc gay go. Quả thế, người ta sẽ ra ích kỷ” (2Tm 3, 1). Ai không yêu mến Chúa thì không phù hợp để làm giám mục. Một giám mục phù hợp là người không tìm kiếm lợi ích riêng mình, nhưng tìm lợi ích của Đức Kitô; và làm điều này vì tình yêu: “Tình yêu Ðức Kitô thôi thúc chúng tôi” (2Cr 5, 14). Tình yêu cũng trở thành tác vụ vì nó mang lại lợi ích cho người khác: vì tình yêu dồi dào mà những ai yêu mến Chúa Giêsu sẽ có lúc từ bỏ sự tìm kiếm chiêm niệm của riêng mình để giúp đỡ người lân cận. Mặc dù vị Tông đồ nói, “cho dầu là sự chết hay sự sống, … không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa” (Rm 8, 39), ông nói thêm, “giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Ðức Kitô, thì tôi cũng cam lòng” (Rm 9, 3). Vì vậy, một giám mục nên tự vấn về tình yêu của mình.
Hành động giao phó Giáo hội của Chúa Giêsu cho Phêrô sẽ không có cơ sở, sẽ không hoàn toàn nhân bản và hợp lý, nếu ngài đã không sống điều có thể được coi là Lời Tuyên xưng Đức tin và Lời thề Trung thành đầu tiên — mỗi điều mà Phêrô chấp nhận trong sự khiêm nhường và tình yêu đó là kết quả của sự hoán cải của ngài.
“Hãy theo Thầy” (Ga 21, 19)
Ngay sau lời tuyên xưng về tình yêu lần thứ ba của Phêrô và sự uỷ thác lần thứ ba của Chúa Giêsu là chăm sóc chiên của Người, Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn“. Thánh sử Gioan cho chúng ta biết những lời này có nghĩa là gì: “Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa”. Tất nhiên, điều này đề cập đến sự tử đạo của Phêrô. “Thế rồi, Người bảo ông: ‘Hãy theo Thầy’” (Ga 21, 18–19). Giờ đây, Phêrô biết rằng sự thật đầy đủ về ơn gọi theo Chúa Giêsu của ông là để ông tiếp tục sứ mệnh thương xót của Đức Kitô bằng cách tham dự vào mầu nhiệm vượt qua của Người.
Một sự đối xứng giờ đây đã rõ giữa một đàng là những lời khích lệ “Hãy theo Thầy” và đàng khác là cảm giác tội lỗi của Phêrô trước Vượt qua và sau Vượt qua. Trong biến cố bắt được mẻ cá thần kỳ, Phêrô đã thú nhận tội lỗi của mình. Ông cho rằng mình không đủ tư cách để được gần gũi với Chúa Giêsu. Nhưng đối với Chúa Giêsu, việc người ta nhận thức về tội lỗi của mình là một điều kiện cần thiết, và do đó Chúa Giêsu đưa ra lời mời gọi hãy theo Người và tham gia vào sứ mệnh của Người: “Ðừng sợ, từ nay anh sẽ bắt người như bắt cá” (Lc 5, 10). Chắc chắn, Chúa Giêsu biết rằng Phêrô có nhiều điều để học về tội lỗi của ông và về lòng thương xót của Thiên Chúa. Người biết rằng cảm thức về tội lỗi và sự hiểu biết của Phêrô về độ dài mà tình yêu của Thiên Chúa sẽ đi thì không sâu thẳm như Ngài, và vì lý do này Phêrô chưa thể hiểu được sự khôn ngoan về “sự cần thiết mầu nhiệm là Đức Kitô phải chịu đau khổ và chết để đi vào vinh quang của Người”. Nhưng, Chúa Giêsu cũng có một kế hoạch để đưa Phêrô đến đó bằng cách mạc khải bản chất vượt qua của tình yêu của Người như sự hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa để tha thứ tội lỗi. Cuối cùng, tội lỗi là sự phủ nhận tình yêu Thiên Chúa được mạc khải trọn vẹn qua hy lễ vượt qua của Đức Kitô, điều này cho thấy Thiên Chúa yêu thương “cho đến cùng” (Ga 13,1), nghĩa là, đến sự hoàn hảo tuyệt đối của tình yêu mà không có tình yêu nào lớn hơn, bằng cách thí mạng sống vì bạn hữu (Ga 15, 13).
Phêrô xưng thú tội lỗi trước Vượt qua bằng lời nói mà không có nước mắt, lời thú tội sau Vượt qua bằng nước mắt mà không cần lời nói. Nếu Phêrô đặt lời cho sự xưng thú, chắc chắn sẽ là những lời giống như của thánh Phaolô, người đã gọi Đức Giêsu Kitô là “Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20). Các Giáo Phụ gọi lời xưng thú sau Vượt qua bằng nước mắt của Phêrô như một phép rửa lần thứ hai hoặc “phép rửa trong nước mắt” (Thánh Clement thành Alexandria). Thánh Éphraim Syria nói về đôi mắt khóc trong sự sám hối thánh thiện như “hai nguồn của sự xá tội”. St. Ambrose nói về hai cuộc hoán cải trong Giáo Hội, “có nước và nước mắt: nước của Phép Rửa và nước mắt của sự ăn năn” (GLCG, 1429). Qua những giọt nước mắt sám hối của mình, Phêrô tham dự vào chức tư tế và những giọt nước mắt của Chúa Kitô, Đấng đã khóc thương thành Giêrusalem (Lc 19, 41) và với “những tiếng kêu van và những giọt nước mắt” của Người (Dt 5, 7), được nên thập toàn như một tư tế qua đau khổ. (Dt 2, 10).
Sự đối xứng giữa việc xưng thú tội lỗi của Phêrô trước và sau Vượt qua kéo theo một sự đối xứng khác, sự đối xứng này giữa việc Chúa Giêsu giao phó Giáo hội lần đầu cho Phêrô trước Vượt qua, và sự giao phó cuối cùng, sau Vượt qua của Người. Lần đầu là để đáp lại lời tuyên xưng đức tin của Phêrô vào Chúa Giêsu: “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Lần thứ hai, mà Thánh Tôma Aquinô gọi là “sự giao phó Giáo hội cuối cùng” lần Chúa Kitô “thực hiện cho một Phêrô khiêm nhường” là để đáp lại lời tuyên xưng tình yêu của Phêrô dành cho Người. Với nền tảng đức tin và tình yêu của Phêrô này, chúng ta có thể hiểu được đầy đủ về độ vững chắc gấp đôi của tảng đá mà trên đó Chúa Giêsu tiếp tục xây dựng Giáo hội của Người.
Để có thể xứng đáng được giao phó Giáo hội cuối cùng, Phêrô phải học, không phải như một bài học trên lớp nhưng về mặt hiện sinh, cá nhân, rằng tội lỗi là sự chối bỏ tình yêu của Thiên Chúa được mạc khải trọn vẹn trong Chúa Giêsu Kitô. Tương tự, Phêrô sẽ học được rằng hy lễ vượt qua của Chúa Giêsu Kitô để tha thứ tội lỗi là sự hoàn thành mọi lời hứa của Thiên Chúa. Giờ đây, với sự đào tạo của Phêrô đã hoàn tất như là kết quả của sự hoán cải, như được minh chứng trong lời tuyên xưng sau Vượt qua về tình yêu của ông đối với Người, Chúa Giêsu nhắc lại lời kêu gọi đi theo Người. Với điều này, lời của Chúa Giêsu, “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo” (Ga 13, 36), được ứng nghiệm.
Với mỗi giai đoạn mới của hành trình thiêng liêng, những lời này của Chúa Giêsu cũng được ứng nghiệm trong đời sống của mỗi người môn đệ. Những ân sủng của việc theo Chúa Giêsu hôm nay là lời hứa về những ân sủng trong tương lai mà qua đó chúng ta có thể theo Người ngày càng gần hơn, giúp giảm bớt khoảng cách giữa chúng ta và Người cách chính xác thông qua nhận thức sâu sắc hơn về khoảng cách đó và sự ăn năn và hoán cải sâu hơn tương ứng, nghĩa là tham gia đầy đủ hơn vào mầu nhiệm vượt qua của Người. Với mỗi lần hoán cải khỏi tội lỗi, tức là trải nghiệm của việc không theo Chúa Giêsu bây giờ, rồi sau đó chúng ta theo Người, và do đó chúng ta sẵn sàng đáp lại như Phêrô đã làm khi Chúa lặp lại câu hỏi, “Anh có mến Thầy không?” và trả lời, thành thật hơn, có ý nghĩa hơn trước, “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy!”
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: The Catholic World Report (27. 3. 2022)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.