Bóng dáng của Phêrô, Tôma và Giuđa trong mỗi chúng ta

Phêrô, Tôma và Giuđa (ở đây là Giuđa Iscariot) là 3 trong số 12 tông tồ đầu tiên được Đức Giêsu tuyển chọn. Cuộc sống của họ cách đây 2.000 năm, tất nhiên, rất khác với chúng ta ngày nay. Nhưng ở nhiều góc cạnh, lựa chọn của họ, quyết định của họ, hành động của họ, không phải là quá khác biệt so với chúng ta ở đây và lúc này. Nói cách khác, mỗi chúng ta đều có thể thấy ẩn khuất bóng dáng của Phêrô, Tôma và Giuđa trong chính những lựa chọn, quyết định, cũng như hành động của chúng ta. Có thật thế không?

Bức tranh khảm Bữa Tiệc Ly của Leonardo da Vinci

Phêrô, tảng đá bị vỡ tan

Đôi khi, giống như thánh Phêrô, chúng ta có thể tuyên xưng không chút nghi nan: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Và thực, có rất nhiều khi, không phải chúng ta chỉ tuyên xưng trên môi miệng, mà còn thể hiện sự xác tín này ngay trong những hành động trong cuộc sống đời thường của mình.

Giống như Phêrô, cũng có những lần chúng ta dẫn người khác đến với Chúa Giêsu bằng lối sống đạo tốt lành, nhiệt tâm của mình. Cũng có những lần chúng ta nghe được tiếng Chúa, để chấp nhận một sự thay đổi trong cuộc sống; quyết định mạnh mẽ khi phải đứng trước một ngã ba đường với những biến cố bất ngờ; hoặc dọc dài năm tháng, chúng ta phải đối diện với nhiều thử thách. Và chúng ta, dưới nhiều hình thức, đã can đảm “bỏ lưới” và đi theo Chúa.

Nhưng giống như chúng ta, Phêrô không hoàn hảo. Phêrô cần được chỉ dạy, cần được sửa đổi, cần được học cách để đối phó với tình hình rối ren.

Chúng ta biết Phêrô đã làm như thế. Đúng, Phêrô là “tảng đá” ngay từ đầu được chọn để lãnh đạo Giáo hội nhưng Phêrô cũng là….

Vị tông đồ tự mãn, người đã từng đoan chắc là mình sẽ không bao giờ, không bao giờ chối bỏ Thầy, Đức Giêsu! Phêrô đã khẳng định điều này trong trong Bữa Tiệc Ly “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã” (Mt 26, 33). Nhưng rồi, chỉ vài giờ sau đó, Phêrô đã làm điều này, không phải trong tình huống quá nghiêm trọng, mà chỉ với câu hỏi bâng quơ của người tớ gái trong dinh, và không phải chỉ làm 1 lần, mà là đến 3 lần!

Có lẽ, cũng vì điều này, Chúa Kitô Phục Sinh đã 3 lần hỏi trực tiếp Phêrô: “Con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21, 15-17).

Chúng ta đều quen thuộc với 2 câu chuyện này của Phêrô. Nhưng đã có khi nào chúng ta tự hỏi: Những câu chuyện ấy liên quan gì đến tôi? Chúng ta có bao giờ nhận ra rằng, lúc này lúc khác, ở mức độ này hay mức độ khác, câu chuyện đó cũng là của chính chúng ta?

Không, chúng ta không nói với người khác, hoặc một nhóm người nào đó chúng ta vô tình gặp rằng “Tôi không biết con người Giêsu này”. Không, chúng ta chẳng bao giờ chối Chúa cách công khai cả.

Nhưng, có những điều chúng ta làm là tội lỗi. Đôi khi riêng tư, đôi khi công khai hơn… Mỗi lần, qua hành động của mình, chúng ta phủ nhận mối tương quan với Đức Kitô. Chắc hẳn, không chỉ 3 lần, mà rất nhiều lần hơn thế!

Và rồi, khi chúng ta được đánh động bởi những gì mình đã làm, một lần nữa, giống như Phêrô, chúng ta đã không ít tần “đi ra ngoài và khóc lóc thảm thiết” (Mt 26, 75).

Giống như câu chuyện của Phêrô không kết thúc ở đó, câu chuyện của chúng ta cũng không kết thúc. Chúa Giêsu không bao giờ từ chối chúng ta, không bao giờ ngừng yêu thương chúng ta.

Thiên Chúa đặt niềm tin vào chúng ta rằng chúng ta sẽ thực hiện một bước đầu tiên rất nhỏ để trở lại với Ngài. Qua Bí tích Hòa giải, Thiên Chúa cho chúng ta cơ hội để xưng thú tội lỗi và xin ơn tha thứ. Đó là một hành động quá đơn giản nhưng lại mang lại kết quả thâm sâu, tuyệt vời.

Cứ thế, giống như Phêrô, chúng ta đi vào chu kỳ: Tội lỗi, ăn năn, tha thứ, thương xót, ân sủng. Luôn luôn là một sự khởi đầu lại. Thiên Chúa biết đôi khi Phêrô trong chúng ta thường xuyên cần điều đó: sự lặp đi lặp lại.

Tôma, một sự gắn mác oan uổng!

Thật là xấu hổ, thánh Tôma bị gắn mác là “Tôma hoài nghi“. Thậm chí, ngay cả những người ngoại đạo, mặc dù họ có thể không biết chi tiết cụ thể về nguồn gốc của câu chuyện, cũng quen thuộc với cụm từ này. Thực sự, Tôma có thể được mệnh danh là “Tôma can đảm” hoặc “Tôma tràn đầy đức tin”, nhưng cái mác “Tôma hoài nghi” đã là như vậy, lúc đó và hiện nay, vẫn thế!

Chúng ta có còn nhớ chi tiết về câu chuyện “Tôma hoài nghi” này không? Tôma đã không có mặt khi Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các tông đồ, và sau đó khi các tông đồ kể lại cho Tôma sự thể câu chuyện, thì ông liền phản ứng “Nếu tôi không thấy, tôi chẳng có tin”. Một phản ứng rất tự nhiên, trước một sự kiện siêu nhiên.

Nhưng cũng có một câu nói khác của Tôma đưa ngài vào một góc nhìn hoàn toàn khác. Chúa Giêsu nói với các tông đồ rằng Người đang đi lên Giê-ru-sa-lem, và họ nhận ra rằng ngài sắp chết ở đó. Tất cả các môn đệ đều im lặng, trừ Tôma dõng dạc nói: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!” (Ga 11, 16).

Đó là lúc, dường như, tất cả những người khác đều hoài nghi.

Đã có bao giờ chúng ta gặp phải tình huống như vậy ở bên trong chúng ta chưa? Đôi khi chúng ta cảm thấy không chắc chắn. Chúng ta muốn biết thêm thông tin. Chúng ta muốn thấy vấn đề rõ ràng hơn. Đây không phải là một điều xấu. Thật là an toàn khi nói rằng Chúa Giêsu Phục sinh đã nghĩ đến chúng ta, khi Người hiện ra với Tôma và nói: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20, 29).

Chúng ta thấy – chúng ta tiếp nhận – Chúa Kitô dưới hình bánh và rượu, nhưng không phải như Tôma đã thấy Người. Ngay sau đó, chính đức tin của chúng ta cho chúng ta biết đúng là như thế. Và chính lòng can đảm đã thúc đẩy chúng ta dùng ân sủng Thánh Thể đó để thực hiện những gì Ngài muốn chúng ta chu toàn trong cuộc sống hằng ngày.

Giuđa, từng đồng xu nhỏ

Và tất cả chúng ta đều biết chi tiết về câu chuyện của Giuđa Iscariot. Ông là một người trong Nhóm Mười Hai. Ông phụ trách giữ túi tiền của nhóm. Ông đồng ý ngã giá bán Chúa Giêsu với 30 đồng bạc. Ông dùng nụ hôn để chỉ điểm Thầy. Sau đó, ông hối hận, tự kết liễu mạng sống của mình.

Chúng ta có thấy những gì Giuđa đã làm, rất nhiều khi cũng phù hợp với những gì chúng ta thường làm không? Liệu chúng ta có thấy mình giống Giuđa chút nào không?

Giuđa đã bắt đầu từng chút một. Từng bước một. Ngày càng lún sâu hơn. Từ những tội lỗi nhỏ. Cho đến khi …

Vị thánh sử đã không bỏ qua chi tiết sự thật là Giuđa được trao nhiệm vụ trông coi túi tiền, và chính ông đã lấy trộm từ túi tiền ấy.

Giuda ăn cắp khởi đi từ đồng xu nhỏ. Quá dễ. Không ai biết. Thực sự thì tác hại của nó là gì?

Tích tiểu thành đại!” là câu nói khởi đi từ những kinh nghiệm thực tế của các vị tiền nhân. Ai trong chúng ta cũng biết là mình chẳng thể đột nhiên trở nên siêu nhân đức trong một sớm một chiều. Đối với những việc làm sai trái, thì cũng vậy.

Những việc thiện và ác trong cuộc đời chúng ta – giống như bức tường được xây bằng những viên gạch nhỏ xíu – cũng được kết thành bởi những quyết định nhỏ, những bước nhỏ.

Túi tiền” mà Thiên Chúa đã giao phó để chúng ta quản lý, chính là mạng sống của mỗi chúng ta. Và cũng giống như Giuđa đối với túi tiền, Thiên Chúa để chúng ta tự quyết định xem mình sẽ làm gì với “túi tiền” đó, chúng ta sẽ chọn lựa để sử dụng chúng, từng đồng một, như thế nào.

Phêrô, Tôma và Giuda. Ba con người, ba cuộc đời, với rất nhiều cảnh huống, rất nhiều lựa chọn, rất nhiều quyết định…

Và, chúng ta cũng thế!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: osvnews.com 14.3.2022

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi