Ukraine: Những chia sẻ của một linh mục

Kể từ khi chiến sự bùng nổ tại Ukraine, nước Ba Lan đã mở cửa chào đón hơn 1 triệu người tị nạn Ukraine. Cha Patrick Mary Briscoe, OP, Tổng biên tập của trang Công giáo trực tuyến Aleteia, đang ở Ba Lan, cùng với các Hiệp sĩ Columbus trong việc hỗ trợ và đón tiếp những người tị nạn Ukraine khi cuộc chiến tại đất nước họ tiếp tục leo thang.

Trên hành trình đầy gian nan, khó khăn này, cha Briscoe đã thấy, đã nghe và chia sẻ về những con người, những câu chuyện mà, trong cuộc sống đời thường, không phải lúc nào cũng có thể xảy ra.

  1. Túihành lý của cô Natalia

Tôi đang đi cùng với cha Jonathan Kalisch, OP tuyên úy của Hiệp sĩ Columbus. Vì cả hai chúng tôi đều là linh mục dòng Đa Minh nên chúng tôi nghĩ tốt nhất là nên đến Warsaw, với hy vọng là sẽ trú ngụ tại trụ sở tỉnh của tỉnh Dòng Đa Minh Ba Lan tại Freta, Warsaw.

Dòng Đa Minh đã hoạt động rất tích cực ở Ukraine trong nhiều thế kỷ. Vào thời điểm này, 800 năm trước, thánh Hyacinth, vị thiết lập dòng Đa Minh ở Ba Lan, đã thành lập tu viện Đa Minh đầu tiên tại Ukraine. Hiện giờ, 15 anh em Đa Minh vẫn đang hoạt động tại Ukraine để giúp đỡ người dân trong hoàn cảnh bi đát của họ.

Tuy nhiên, điều chúng tôi hy vọng đã không thực hiện được, vì các anh em Đa Minh tại Warsaw đã nhường tất cả các phòng trống trong tu viện cho những người tị nạn Ukraine rồi!

Sau đó, chúng tôi đã xin được phòng nghỉ tại một cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế, thuộc Giáo xứ thánh Clement, nhà chính của các Hiệp sĩ Columbus tại Warsaw.

Khi cha xứ dẫn chúng tôi về phòng, chúng tôi gặp một số người tị nạn Ukraine đang trọ tại đây. Hiện đang có 3 gia đình sống tại cộng đoàn này vô thời hạn và các linh mục đang tích cực để tìm chỗ học cho trẻ em và việc làm cho các bà mẹ. Vấn đề này xem ra rất đơn giản, vì, một người đã tìm được một công việc tạm thời là dọn dẹp, lau chùi tại một tiệm thuốc; những người khác thì đang phụ việc cho cộng đoàn và giáo xứ.

Cha Jacek, Bề trên cộng đoàn, đã kể một vài chi tiết câu chuyện của một trong những người phụ nữ đang trọ ở đây: cô Natalia.

Natalia và cậu con trai độ tuổi thiếu niên đã đi bộ suốt 3 ngày, không chợp mắt chút nào, để đến được biên giới Ba Lan-Ukraine.

Khi vừa đến nơi, Natalia nói rằng cô muốn cho cha Jacek xem một cái gì đó. Và, cô đã chỉ cho cha những đồ vật trong chiếc balô nhỏ của cô: Khi dọn đồ để đi tị nạn, trong số tài sản ít ỏi của mình, cô đã chọn mang theo: một chiếc huy chương được làm phép của Đức Giáo hoàng (thực sự chiếc huy chương thuộc về ông của cô), một cỗ tràng hạt, và một cây thánh giá mạ vàng.

Hai mẹ con Natalia đã mang theo cây thánh và đi bộ hơn 50 cây số. Khi chạy trốn khỏi quê hương, đây là tất cả những tài sản họ đã chọn để giữ lại: Natalia đã vác ​​thập giá của mình theo đúng nghĩa đen!

  1. NhữngHiệp sĩ Columbus dấn thân

Sau 12 ngày sống trong giá lạnh, căn lều cứu trợ Hrebenne đã được sưởi ấm do hội Hiệp sĩ Columbus tài trợ.

Hrebenne là một ngôi làng của Ba Lan, nằm cách Lviv khoảng 70 km, hiện đang tiếp đón khoảng 20.000 người tị nạn Ukraine qua lại hàng ngày. Đoàn người tị nạn đến đây bằng xe buýt hoặc xe tải, cũng có những người tự lái xe hơi của gia đình, và cũng có những người đi bộ. Nếu đi bộ thì từ Lviv tới Hrebenne sẽ mất hơn 1 ngày trong thời tiết lạnh giá.

Các Hiệp sĩ Columbus đang ở tiền tuyến, giúp các gia đình băng qua biên giới Ba Lan-Ukraine. Làm việc hết sức lực để đáp ứng nhu cầu thực tế, các Hiệp sĩ Columbus đã hợp tác với nhóm các nhân viên chăm sóc y tế, dựng lên một chiếc lều để quản lý, cung cấp việc chăm sóc y tế khẩn cấp. Tôi đã nhìn thấy nhân viên y tế bế một em bé khoảng 8 ngày tuổi, đi lại trong chiếc lều, điều này có nghĩa là, em bé đã được sinh ra trong chiến tranh bởi người mẹ đi di tản một mình!

Vì lệnh tổng động viên trên toàn lãnh thổ Ukraine, nên trong đoàn người tị nạn, chỉ có một số ít là những ông lớn tuổi, còn phần lớn là các bà mẹ và trẻ em. Các Hiệp sĩ Columbus đã chuẩn bị kỹ lưỡng để chào đón họ với đủ mọi thứ mà một người mẹ có thể cần: xe đẩy, giá đỡ, tã, khăn lau em bé, sữa công thức và hơn thế nữa, còn có đồ chơi và sôcôla cho trẻ em.

Một gia đình sau khi đến được trạm cứu trợ Hrebenne, người bà đã rưng rưng nước mắt, vì họ vừa trải qua 12 ngày trong sự lạnh cóng ở ngoại ô Kyiv. Gia đình họ đã trú ẩn trong căn nhà gỗ của mình bên ngoài thành phố, nhưng vì giao tranh ác liệt, điện bị cúp trong nhiều ngày và hết nguồn cung cấp, họ đã liều mình bỏ trốn. Giờ đây, dù chẳng biết ngày mai sẽ thế nào, họ rõ ràng cảm thấy rất nhẹ nhõm vì đã đến Ba Lan và thoát khỏi vòng chiến ở Ukraine.

  1. Cha Wieslawvà nhómthiện nguyện viên Caritas

Các thiện nguyện viên người Ukraina và Ba Lan chuẩn bị phân phối nhiều nhu yếu phẩm cần thiết cho người tị nạn trong nỗ lực lặp lại những hành động từ thiện vĩ đại trong lịch sử đáng tự hào của Ba Lan. Một trong những tổ chức từ thiện có uy tín nhất là Caritas.

Chuyến thăm của chúng tôi đến Caritas Radom là một phần trong nỗ lực của các Hiệp sĩ Columbus. Các Hiệp sĩ hợp tác với Caritas để gửi vật tư y tế qua biên giới vào Ukraine. Caritas có các nguồn lực để đảm bảo nguồn cung cấp y tế và hỗ trợ việc vận chuyển của họ.

Caritas Radom, do cha Damian Drabikowski điều hành, với sự cộng tác của các tình nguyện viên Ukraine và Ba Lan, đã giúp thành phố giải quyết hơn 1.300 người tị nạn. Vào ngày 11.3 sắp tới, sẽ có 500 người nữa đến.

Từ Caritas Radom, chúng tôi đến Nhà thờ Giáo xứ Đức Mẹ Częstochowa, nơi có Hội đồng Hiệp sĩ Columbus (Hội đồng # 14004) đang hoạt động để thu gom hàng hóa cho Ukraine.

Khi đến giáo xứ, chúng tôi gặp gặp Szymom Czyzek, Giám đốc Phát triển Quốc tế ở Châu Âu của Hiệp sĩ Columbus và linh mục Wieslaw Lenartowicz, cha xứ của giáo xứ Đức Mẹ Częstochowa. Chúng tôi thấy các thiện nguyên viên đang xếp những thùng đồ lên chiếc xe tải bán tải thứ hai để chuyển tới Lviv, Ukraine.

Cha Wieslaw, vốn là giáo sư chủng viện, hiện coi sóc giáo xứ sôi động hơn 5.000 giáo dân với sự cộng tác của 2 cha phó.

Cha Wieslaw đã từng thực hiện một chuyến hành hương dài 23.000 cây số từ Ba Lan đến Moscow, qua Trung Quốc, Kazahkstan, Iraq, tới Rome, rồi về lại nhà. Trên đường đi, cha dừng chân tại các nghĩa trang Ba Lan cầu nguyện cho những người đồng hương đã khuất.

Mùa thu năm ngoái, Fr. Wieslaw đã đi thăm biên giới Ukraine, bắt đầu lên kế hoạch về nơi có thể đặt các trung tâm hỗ trợ tiềm năng để cung cấp viện trợ nhân đạo khi cần.

Mỗi người một tay, việc bốc hàng lên xe trở nên nhẹ nhàng và nhanh chóng. Sau đó, chúng tôi tập trung tại hội trường để nghe Cha Wieslaw thuyết trình. Căn phòng vẫn chật ních hàng hóa dành cho 500 người tị nạn sắp đến.

Bầu khí rất thanh thản và thân thiện. Tất cả những thiện nguyện viên ở đây, họ không chỉ biết nhau, mà còn là những người bạn sâu sắc và phục vụ là niềm vui của họ. Tuy thế, cha Wieslaw lưu ý rằng: mọi sự sẽ trở nên khó khăn, thực sự khó khăn. Do đó, họ phải sẵn sàng với sự nhiệt tâm và ý chí kiên cường. Và trên tất cả, họ phải cầu nguyện.

…. Mắt tôi rưng rưng khi chúng tôi rời đi.

***

Khi đọc được những chia sẻ của cha Briscoe, OP, chúng ta có thể thầm nghĩ: Cha Briscoe thật sự may mắn, vì cha đã đi, đã nghe, đã thấy, đã cảm…  được nhiều điều thực tế, mà chúng ta chưa từng trải nghiệm.

Nhưng, ở một góc cạnh nào đó, chúng ta vẫn thấy như thật gần gũi, và hơn thế, như là những kinh nghiệm của chính mình, khi chúng ta mở lòng để liên đới, để nên một với anh chị em của mình.

Chiến tranh phá đổ tất cả!

Đau khổ thách đố tất cả!

Nhưng, niềm tin, niềm hy vọng, và tình yêu thương, vẫn luôn có đó: mạnh mẽ, sống động, và cụ thể. Khi mà,

– những người tị nạn, bất chấp mọi hiểm nguy phía sau để sẵn sàng đối đầu với sự bấp bênh phía trước, miễn là thoát khỏi làn bom đạn;

– những hiệp sĩ Columbus và thiện nguyện viên Caritas ngày đêm dấn thân trong những điều kiện khắc nghiệt để giúp đỡ những anh chị em Ukraine đang thiếu thốn trên đường lánh nạn;

– những cộng đoàn dòng tu sẵn sàng mở cửa khu nội vi của Tu viện để dành chỗ cho những người tị nạn, bao nhiêu có thể;

– những linh mục như cha Drabikowski, cha Wieslaw, cha Briscoe, OP…  chẳng quản mệt nhọc, chẳng nề hà khó khăn, đi tới từng ngõ ngách, đến tận vùng biên để tiếp cận, để chia sẻ và nâng đỡ những mảnh đời khổ đau;

Và, nhất là hai mẹ con cô Natalia, khi phải chọn lựa để giữ lại những gì quí giá nhất, đã bỏ lại tất cả, để chỉ mang theo bên mình vật “nặng ký” nhất, chẳng thể đong đếm bằng tiền bạc: cây Thánh giá!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Theo: Lm. Patrick Mary Briscoe, OP, aleteia.org ; (11. 3. 2022) ; (12. 3. 2022)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi