Khi Đấng đáng kính là những tu sĩ khuyết tật

Ngày 18.02.2022 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn sắc lệnh của Bộ Phong Thánh về việc nhìn nhận phép lạ để tiến hành phong chân phước cho Đấng đáng kính là nữ tu Maria Costanza Panas; và tuyên dương nhân đức anh hùng của 4 Tôi tớ Chúa để trở thành Đấng Đáng kính, là Đức Hồng y Edoardo Francesco Pironio, và 3 Tu sĩ. Điều rất đặc biệt là 3 vị Tu sĩ này đều là những người khuyết tật trong hành trình dương thế của mình.

  1. Thầy Immacolato Giuseppe di Gesù(Aldo Brienza, 1922-1989), một tu sĩ Dòng Cát Minh, người Ý, người đã nằm liệt giường trong phần lớn cuộc đời nhưng luôn biết cách biến giường bệnh thành nơi “hành hương” để tiến về quê trời với niềm tin yêu, phó thác.

Hình ảnh Thầy Immacolato Giuseppe di Gesù

Bị mắc chứng viêm tủy xương, một bệnh nhiễm trùng xương gây đau đớn và suy nhược ngay từ khi còn rất trẻ, cậu Brienza chỉ được nhận vào Dòng với sự can thiệp đặc biệt của Tòa Thánh. Để rồi, suốt 50 năm trên giường bệnh, Thầy Immacolato đã học được lẽ khôn ngoan của đau khổ và đã dâng hiến những sự đau đớn ấy “kết hợp với Chúa Giêsu” để cầu nguyện cho Giáo hội, cho Đức Giáo hoàng, cho Dòng, và cho ơn cứu độ muôn người.

  1. Nữ tu Juana Méndez Romero, cũng được gọi là “Juanita” (1937-1990), người Tây Ban Nha, thuộc Dòng Chị em công nhân của Trái tim Chúa Giêsu, cũng đánh dấu cuộc đời mình qua 40 năm trên giường bệnh, nhưng đã để lại một chứng từ mạnh mẽ về sự phục vụ và cống hiến, cũng như về tình yêu và hy vọng.

Sơ Juanita khi tuyên khấn lần nhất

Năm 13 tuổi, Juanita bị bệnh sốt phát ban và hậu quả của căn bệnh này là bị liệt giường, nhưng thật là một hồng ân, khi sau đó, Juanita vẫn được đặc cách gia nhập Dòng. Trong suốt 27 năm, Sơ Juanita đã sống trọn vẹn ơn gọi thánh hiến của mình, đảm nhận đầy đủ và sâu sắc đặc sủng tông đồ và truyền giáo của Hội Dòng. Và nhất là, dù chỉ có thể sử dụng đầu và tay một cách rất giới hạn, Sơ Juanita vẫn đảm nhận việc dạy giáo lý các nhóm Rước lễ lần đầu tại Trường học và Giáo xứ. Ngoài ra, Sơ còn phụ trách việc trao đổi thư từ với mật độ dày đặc các lá thư dành cho các nhà truyền giáo. Sơ Juanita luôn quan tâm đến giới trẻ, nhiệt thành giúp củng cố đức tin cho họ bằng sự vui tươi, bình an, như là dấu chỉ của tình yêu đối với Chúa Giêsu chịu đóng đinh.

  1. Nữ tu Benigna Victima de Jesus(Maria Concetta Santos, 1907-1981) thuộc Dòng Nữ tì Đức Mẹ Nhân ái, người Brazil, đã sống trọn vẹn đời thánh hiến với trái tim đôn hậu và nhiệt thành cho dù bị sỉ nhục vì màu da, vì ngoại hình, cũng như đau khổ vì tình trạng bệnh tật của mình.

Hình ảnh Sơ Benigna Victima de Jesus

Lớn lên trong một gia đình Công giáo đạo hạnh, ngay từ thời thơ ấu, cô bé Santos đã chuyên chăm tham dự Thánh lễ, các buổi rước kiệu, lần hạt Mân côi, và tỏ ra rất yêu mến ơn gọi sống tu trì. Lớn lên, Santos đã học khóa sơ cấp về y tá, biết chơi nhiều loại nhạc cụ khác nhau và rất nhiệt thành truyền giáo cho trẻ em và người lớn.

Dù đã có lần bị từ chối gia nhập một Hội dòng vì màu da và vì gia cảnh nghèo túng, nhưng với sự kiên trì, Santos đã được chấp nhận và trở thành phần tử của Dòng các Nữ tì Đức Mẹ Nhân ái.

Trong suốt hành trình tu trì và sứ vụ của mình, Sơ Benigna luôn phải đối mặt với sự bị phân biệt đối xử, bị vu khống, bị chế giễu vì bị chứng béo phì do bệnh rối loạn nội tiết tố. Dù thế, Sơ Benigna luôn có tính cách nổi bật không chỉ với khiếu hài hước, mà còn vì sự tận tâm và tình yêu thương dành cho mọi người, nhất là các trẻ em mồ côi, và những người khốn khó, bị khinh khi, loại trừ.

Vào năm 1981, sau một đời hiến tặng và chia sẻ, trái tim vĩ đại của người Nữ tì Đức Mẹ đã ngừng đập, Sơ Benigna hoàn thành sứ vụ đời mình trong sự thanh thản, bình an và thánh thiện.

Chỉ với đôi nét phác hoạ về 3 vị tu sĩ, giờ đây trở thành các Đấng Đáng kính, có lẽ, chúng ta không chỉ ngưỡng mộ khi nhận ra rằng mỗi vị đã theo đuổi sự thánh thiện và đã “sống các nhân đức một cách anh hùng” theo cách rất riêng bất chấp những giằng co, thách đố, đớn đau vì sự khuyết tật của mình như thế nào. Mà, hơn thế, chúng ta cũng được gợi hứng và mời gọi để sống thực tại cuộc đời mình một cách cụ thể nhất:

– Để như thầy Immacolato, chúng ta học được rằng: dù sức khỏe là vốn quí, nhưng tình trạng sức khoẻ không phải là lẽ sống duy nhất của cuộc đời. Cho nên, ngay cả những khi thân xác mình có yếu đuối nhất, đến độ bất động thì trong sự tín thác, chúng ta vẫn có thể trở thành của lễ sống động hiến dâng cho Thiên Chúa và anh chị em;

– Để như Sơ Juanita, chúng ta học được rằng: dù phận người có mong manh đến đâu, thì chúng ta vẫn có thể can đảm chấp nhận những rủi ro, tận dụng và dâng hiến những đau đớn, bệnh tật để mang lại cho mình cũng như người bên cạnh sự bình an, niềm vui và hy vọng về sự sống vĩnh cửu;

– Để như Sơ Benigna, chúng ta học được rằng: dù mình có khiếm khuyết về bất cứ phương diện gì, thì sự lạc quan sẽ thêm sức mạnh giúp can đảm vượt qua mọi trở ngại; trái tim vị tha sẽ thêm nhiệt huyết giúp hoá giải mọi oán hận; và nhất là, lời cầu nguyện sẽ luôn là nguồn mạch ân sủng giúp chúng ta khiêm tốn đón nhận mình như mình “là” để sống trọn vẹn từng khoảnh khắc cuộc đời;

Và trên tất cả, phải chăng,

Để như những Kitô hữu, chúng ta xác tín rằng: cuộc đời mỗi chúng ta đã là một ân ban? Do đó, dù hoàn cảnh sống của mình có bất hạnh đến đâu nhưng không bao giờ là vô nghĩa; có bất toàn đến đâu nhưng không bao giờ là vô ích; có bất trắc đến đâu nhưng không bao giờ là vô vọng. Vì, chính phẩm giá làm người đã là bất khả nhượng, và mỗi chúng ta luôn là vô giá trong tình yêu và chương trình của Thiên Chúa!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Theo: press.vatican.va (18.02.2022)  aleteia.org (22.02.2022)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi