Dẫn nhập
Hơn 350.000 người đã đến quay quần bên Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI trong dịp Đại hội Gia đình Thế giới năm 2012 diễn ra tại Milan, nước Ý. Vào buổi gặp gỡ tối ngày 2 tháng 6, một bé gái người Việt đi cùng gia đình em đã cảm động xin Đức Thánh cha nhắc lại thời niên thiếu của ngài nơi quê hương Bavaria yêu dấu. Với một chút hoài niệm, vì lúc đó ngài chỉ còn người anh cả là Đức Ông Georg, và cũng như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, ngài không có đứa cháu nào cả, ngài kể về sự dịu dàng, hòa thuận và niềm tin đã gắn kết gia đình này: “Chỉ một từ ngắn gọn thôi, chúng tôi đã là một con tim và một tấm lòng, với rất nhiều kinh nghiệm chung, ngay cả trong những thời điểm rất khó khăn, bởi vì đó là thời kỳ chiến tranh, trước hết là chế độ độc tài, sau đó là sự đói nghèo. […] Lòng nhân hậu của Thiên Chúa được phản chiếu qua cha mẹ và các anh em cha”, Đức Thánh cha Bênêđictô XVI nói tiếp. Đứng trước các gia đình đến từ khắp nơi trên thế giới và khi trả lời cho câu hỏi của bé gái người Á Châu, vị kế nhiệm thánh Phêrô đã không tôn vinh tính siêu việt thần linh cũng như không nhắc tới một trong những viên đá nền tảng mà cách đây hơn nửa thập kỷ đã là thiên đàng đối với ngài: bí tích Hôn phối mà cha mẹ ngài đã lãnh nhận và đã sống, đã mở ra và truyền lại sự sống là chính Chúa Giêsu Kitô vượt ra ngoài mái ấm gia đình mình. Chính trong Thiên Chúa mà tất cả mọi người đã tìm thấy sức mạnh để vượt qua các nghịch cảnh của thế chiến thứ hai, và là điều mà Đức hồng y Ratzinger đã nhắc lại trong quyển Ma vie: Souvenirs (Đời tôi: Những kỷ niệm) được xuất bản vào dịp sinh nhật lần thứ 70 của ngài.
Vào đầu thế kỷ XX, Bavaria là một trong những vùng đất rất sùng đạo ở Âu Châu, rất tự hào về truyền thống văn hóa và tôn giáo, không quay mặt với trung tâm của Giáo hội là Rôma và vang dội niềm tin công giáo trong Chúa Giêsu thành Nadaret. Ghi nhận ấy về Giáo hội vẫn còn chất vấn chúng ta hôm nay: làm thế nào để kinh nghiệm riêng của cặp vợ chồng Ratzinger đã uốn nắn ba đứa con của họ là Georg, Giuse và Maria, và tiếp theo đó là nuôi dưỡng hành trình sự sống của bé gái người Việt đến tỏ lòng kính mến vị kế nhiệm thánh Phêrô này? Đó chính là một trong những đặc tính của mầu nhiệm đức tin: tính công giáo được vang xa “cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8), quy tụ “một đoàn người đông đảo, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9) tới cử hành hôn lễ của Con Chiên (x. 19, 8), và thúc đẩy nhiều ơn gọi dấn thân ra đi tới tận Việt Nam để loan báo rằng chỉ có “một Thiên Chúa, một đức tin, một phép rửa” (Ep 4, 4) dẫn đưa chúng ta về Trời. Mở đầu phần đóng góp này, chúng tôi chọn tôn vinh chìa khóa của sự đối thoại hữu hiệu giữa niềm tin vào Cứu Chúa duy nhất và tính đa dạng của các nền văn hóa. Cuộc đối thoại này, được xác nhận là đã có từ lâu và sẽ mãi đi cùng với sứ vụ truyền giáo của Giáo hội, hợp thức hóa câu hỏi sau đây: văn hóa Việt Nam giúp thể hiện nét đẹp và sự phong phú của bí tích Hôn phối Kitô giáo như thế nào?
Trước khi phác thảo câu trả lời cho đề tài này, cần lưu ý bốn điểm. Điểm thứ nhất, ngay từ bây giờ chúng tôi xin độc giả tỏ lòng bao dung đối với chúng tôi. Ngạn ngữ Pháp có câu đã trở nên quá quen thuộc rằng dịch thuật là phản bội. Những đóng góp của chúng tôi là những đóng góp của một nhà truyền giáo Tây phương mà lối đọc của người Việt còn cần nhiều giả thiết hỗ trợ để có thể hiểu.
Điểm thứ hai, viết bài cho một tập san mang tên “Logos – Lời”, được cưu mang và điều hành bởi Ủy ban Giáo lý đức tin, một Ủy ban luôn nỗ lực làm sáng rõ Lời Chúa (x. 1P 3,15) trong môi trường Việt Nam, đòi hỏi phải luôn tôn trọng các nguồn thần học, và đặc biệt hơn là chú trọng đến Kitô học, cho các vấn đề được đặt ra. Do đó, dưới nhãn quan của Ngôi Lời nhập thể, yêu thương và phục vụ, chúng tôi mong muốn nêu rõ hai yếu tố cấu thành tiêu đề của tập san mới nhất này trong chương chính giữa. Mặc dù chúng tôi đã đưa ra giới hạn cho chủ đề quá rộng lớn này, nhưng chúng tôi dám khẳng định rằng hôn nhân là căn cốt thể chế và bí tích được ẩn chứa đằng sau liên từ “và”, một liên từ cưu mang tính liên hệ cấp thiết giữa “giới trẻ” và “gia đình”.
Điểm thứ ba, chủ đề vô cùng rộng lớn này là mối quan tâm của nhiều thần học gia nổi tiếng cũng như đông đảo mục tử dấn thân trong sứ vụ đồng hành các cặp vợ chồng, giới trẻ và gia đình, đồng thời nó tạo nên một nhịp cầu giữa các chân lý vượt thời gian, thường được mặc khải – ví dụ như về Giáo hội, Thân mình Chúa Kitô, sẽ không bao giờ biện hộ cho hôn nhân giữa hai người đồng tính – và đó là một câu trả lời mục vụ cho các thách đố mà từng thời đại phải đưa ra. Các tài liệu tham khảo hiện có, nhất là trong các ngôn ngữ Tây phương, xứng tầm với giáo huấn phong phú của Giáo hội, mà hiện giờ chúng tôi chỉ giới thiệu những đóng góp cuối cùng của Đức Thánh cha Phanxicô – chúng tôi nghĩ tới tông huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Tình Yêu) – và những điều mà George Weigel, người viết tiểu sử của thánh Gioan Phaolô II với uy tín, đã đánh giá là “quả bom thần học nổ chậm”: Cách đây 40 năm, vào đầu triều đại của vị giáo hoàng Ba Lan đầu tiên trong lịch sử, mà người kế nhiệm của ngài là vị giáo hoàng người Argentina đã gọi dưới cụm từ “Giáo hoàng của gia đình”, thánh Gioan Phaolô II đã trình bày dưới dạng các bài giáo lý hàng tuần, một nền thần học tuyệt vời về thân xác. Đây thực sự là một kho tàng mà chúng ta chỉ mới bắt đầu khai thác mà thôi.
Điểm thứ tư, và cũng là hệ quả của ba điểm trước, không đưa ra những luận điểm chung chung về một chủ đề đã được nghiên cứu kỹ hơn trong rất nhiều tài liệu chuyên biệt đã được xuất bản, chúng tôi muốn suy tư cách cụ thể về điều mà thần học hiện nay gọi là hội nhập văn hóa.
Chúng tôi sẽ triển khai đề tài này qua ba phần không đồng nhất về kích cỡ cũng như đa dạng về cấp độ. Trước tiên chúng tôi chỉ ra một vài yếu tố rõ ràng về hôn nhân Kitô giáo; trong phần này, chúng tôi sẽ nhìn lướt qua phía các anh em Tin Lành, cũng hiện diện trên đất Việt với đầy màu sắc, sẽ làm nổi bật vẻ đẹp của bí tích đã được Chúa Kitô thiết lập. Sau đó, từ cách nhìn của một người ngoại quốc, chúng tôi sẽ dừng lại trên nền văn hóa, truyền thống, tập quán… của Việt Nam với sự phong phú của nó, để hướng đến việc xây dựng những cuộc hôn nhân bền vững và trổ sinh nhiều hoa trái cho lợi ích của toàn thể dân tộc. Trong phần thứ ba, chúng tôi sẽ đan xen những gì đã lãnh hội được từ hai phần trước cho mục đích truyền giáo: dưới mọi khía cạnh, đời sống hôn nhân là một trong những ngọn hải đăng sáng nhất trên con đường nên thánh, con đường mà mỗi người được mời gọi tiến bước, nhất là trong sự năng động của Công đồng cuối cùng.
I. Những yếu tố rõ ràng về hôn nhân Kitô giáo
Phần lớn các tôn giáo hiện diện trên đất Việt ngày nay đều đến từ ngoại quốc. Nếu Kitô giáo không nằm ngoài quy luật này vì nó luôn đón nhận từ một nước khác, chúng ta có thể ghi nhận rằng ở Việt Nam trong số các tín hữu đặt niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất là Thiên Chúa của Đức Kitô, đạo Công giáo có đông tín hữu nhất. Số lượng tín hữu Anh giáo và Chính Thống giáo rất ít ở Việt Nam và ít năng động hơn so với các nhánh của Tin lành. Dưới lăng kính hôn nhân, các cộng đoàn đức tin, mà nỗ lực đại kết dạy ta phải biết và yêu mến, thực tế ít được nhắc đến trong các Giáo huấn Công giáo, ngay cả trong các tài liệu gần đây: dù quan tâm xem xét Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes của Công đồng Vaticanô II, Tông huấn Familiaris consortio (1981) của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Tông huấn Amoris Laetitia (2016) của Đức Giáo hoàng Phanxicô; hay tài liệu Rửa tội, Thánh thể, chức thánh năm 1982 của Ủy ban Đại kết của Giáo hội, chúng tôi đều thấy có rất ít chi tiết lưu tâm đến cái nhìn “Kitô giáo” về hôn nhân – chứ không chỉ là cái nhìn “Công giáo” hay “hỗn hợp”. Chúng ta biết, điều đó có nghĩa rằng, vượt lên trên sự khác biệt lớn lao của các cộng đoàn Tin lành, việc làm sáng tỏ những yếu tố chung sẽ ích lợi hơn việc đề cao nét đặc thù của hôn nhân theo giáo huấn Công giáo. Nhìn cách tổng thể, Thế giới Tin lành không nói tới “bí tích”: theo cách nhìn của Tin lành, khác với bí tích Rửa tội và Bàn tiệc thánh, hôn nhân không được Chúa Kitô thiết lập. Sự kết hợp hôn nhân chỉ là một sự chúc lành, qua nghi thức này đôi tân hôn được trao một quyển Kinh Thánh để nhắc nhớ họ rằng Lời Chúa hiện diện ở trung tâm của nghi thức chúc lành, cũng như của đời sống vợ chồng và gia đình. Trong thực tế, được xem trước tiên như một vụ việc dân sự hay một khế ước do việc tổ chức xã hội quy định, hôn nhân theo cách nhìn của Tin lành không bị ràng buộc bởi khái niệm bất khả phân ly. Họ được phép lãnh nhận một lần nữa lời chúc lành này sau khi ly dị, nếu họ kết hợp với người phối ngẫu mới. Chúng ta cũng nêu lên một sự khác biệt quan trọng: các mục sư Tin lành có thể cưới hỏi và gầy dựng gia đình, không có bất cứ luật lệ nào bắt họ phải sống tiết dục hay độc thân, ngược với hàng giáo sĩ Công giáo sống độc thân khiết tịnh, mà việc tìm kiếm Nước Trời là động lực dẫn đến quyết định như thế của Rôma, ngoại trừ các phó tế vĩnh viễn được tái lập theo Công đồng Vaticanô II.
Tuy nhiên cũng có nhiều điểm chung giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Tin lành khi nói về hôn nhân: trước mặt Thiên Chúa trong sự tin tưởng vào ân sủng của Ngài, một người nam và một người nữ cam kết sống chung thủy trong tình yêu mà họ đã nhận lãnh từ Đấng Tối Cao, nâng đỡ nhau cũng như cùng nhau xây dựng đời sống chung với cột trụ là Chúa Kitô, và làm triển nở nguồn hạnh phúc bất tận này, nhất là bằng việc xây dựng gia đình và giáo dục con cái mà Chúa ban cho họ. Chúng ta hãy tiếp tục đào sâu. Thiên Chúa mời gọi mọi người nên thánh khi bước theo Ngài; Để đạt đến ơn gọi nên thánh, Ngài ban cho mỗi người những ơn cần thiết để vượt qua những khó khăn thử thách; Và Công đồng Vaticanô II đã làm nổi bật ơn gọi nên thánh như thế; Ơn gọi này không được giản lược vào việc chấp nhận một vài hình thức độc thân đã được công nhận hay làm mới lại, như thể mỗi người không nên ký kết giao ước với một người khác, để dấn thân cách trọn vẹn hơn cho việc phục vụ Thiên Chúa. Hôn nhân là hình thức thánh hóa các môn đệ của Chúa chung nhất, bình thường nhất và phổ biến nhất. Không nên gán cho ba tính từ này ý nghĩa tiêu cực, dù trong thực tế thật đáng tiếc, chúng ta vẫn rất thường gán như thế một cách thiếu ý thức. Theo hướng này, chúng ta nhận thấy những vị kế nhiệm thánh Phêrô gần đây đã nâng lên bàn thánh ngày càng nhiều giáo dân và ban cho toàn thể dân Chúa, ít nhất là một cặp vợ chồng đã được phong thánh vì đời sống hôn nhân của họ: hai thánh Louis và Zélie Martin, những người “đã sống đời Kitô hữu phục vụ trong gia đình, khi xây dựng ngày qua ngày một bầu khí đầy niềm tin và tình yêu”, theo lời của Đức Thánh cha Phanxicô trong ngày phong thánh tháng 10 năm 2015. Như vậy cần phải đặt ra câu hỏi: chúng ta không nên coi thường đời sống hôn nhân theo cách nào? Đúng hơn, điều gì làm cho bí tích này trở nên tuyệt đẹp trong chương trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa? Chúng ta nêu ra một vài đặc điểm, nhưng hoàn toàn không đánh giá những đặc điểm này từ nền thần học nặng tính phẩm trật của Giáo hội.
Hôn nhân là một thể chế thánh thiêng được Thiên Chúa thiết lập – trước khi các Nhà Nước qui định hôn nhân như một khế ước, và thông thường khế ước này cần phải ký kết trước, rồi mới có thể đến trước bàn thờ cử hành nghi thức tôn giáo. Trở về với Thiên Chúa là điều luôn luôn cần thiết, cho dù khẳng định này quá hiển nhiên, vì sự bề bộn của đời thường dễ làm ta quên điều thiết yếu ấy. Thiên Chúa là nguồn mạch và là cùng đích của mọi sự. Ngài là cùng đích của mọi người và của toàn thể con người: Ngài sáp nhập tất cả, giáo sĩ và giáo dân, trong lịch sử cứu độ, mà chỉ mình Ngài là chủ và là Chúa. Từ nguyên lý này dẫn đến việc xin và chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Hôn phối trước tiên hệ tại ở việc nhận biết và tạ ơn Chúa về ơn gọi Ngài ban cho ta, và chính Ngài là cội nguồn của tình yêu được ban tặng cho người chồng người vợ tương lai, và trong tình yêu của Ngài họ chọn lựa cách dứt khoát và trong sự khiêm tốn, hầu đón nhận các ân huệ cần thiết để tiến bước trên hành trình và vượt qua mọi khó khăn thử thách. Đón nhận một tình trạng sống mới và mang tính quyết định như thế này – tính bất khả phân ly – là bước vào trong dung nhan duy nhất của Giao ước Mới đã được chính Đức Kitô ký kết bằng máu từ Thập giá. Mầu nhiệm cao cả trong Ep 5 nói đến sự sinh sôi bất tận của cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, nhằm phục vụ ơn gọi nên thánh của toàn thể nhân loại đang trên đường lữ hành tới tham dự tiệc cưới vĩnh cửu của Con Chiên, đồng thời mầu nhiệm ấy cưu mang vẻ đẹp và chân lý của Bí tích Hôn phối, vốn được mời gọi tăng trưởng cho đến ngày Đức Lang Quân trở lại trong vinh quang. Cử hành và sống bí tích này chính là xác nhận ấn tín do chính Chúa Kitô đã đóng trong máu Giao ước; và làm cho bí tích này trở thành nền tảng cho hành trình tìm kiếm Nước Trời trong đời sống thường nhật, nghĩa là để cho mình được uốn nắn từng ngày bởi Đấng đã không do dự hiến tặng chính mình cho Hiền thê yêu dấu của Ngài. Thật vậy, chúng ta biết rõ mối liên hệ mật thiết giữa Bí tích Hôn phối và Bí tích Thánh Thể: tâm hồn và thân xác hoàn toàn được trao tặng cho người phối ngẫu trong sự hiệp thông hoàn hảo và trong tâm tình tạ ơn, để người phối ngẫu được lớn lên trong sự thánh thiện cho đến khi có sự kết hiệp trọn hảo vào thời cánh chung.
Cùng với những nghiên cứu trước đây về mối liên hệ giữa Kitô học và thần học về hôn nhân, dựa trên việc chính Chúa Kitô đã thiết lập bảy bí tích, một khía cạnh khác được thêm vào: Giáo hội đang chú tâm liên kết mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và bí tích Hôn phối, thường khởi đi từ hai đặc tính khác biệt và bổ túc. Chắc chắn là khi xác tín cội nguồn và cùng đích thần linh của tình yêu và hôn nhân, chúng ta sẽ suy tư về nó với Thiên Chúa và trong Thiên Chúa. Chính Ngài đã dựng nên và cứu độ người nam và người nữ, và cả hai mãi mãi là hình ảnh của Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (x. St1). Giữa bản hợp tấu các ơn gọi thần linh vốn quy hướng về khát vọng nên thánh phổ quát, tình yêu và ước muốn vợ chồng, cũng như đời sống gia đình, chứa đựng trong Hôn nhân, làm cho tình yêu vĩnh cửu của Ba Ngôi Thiên Chúa được chiếu sáng trong công trình tạo dựng. Một cách nào đó, đời sống vợ chồng và gia đình làm nên hình ảnh sống động và phong phú của tình yêu của Thiên Chúa giữa lòng thế giới. Chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa là Duy Nhất và Ba Ngôi. Thiên Chúa không bị phân chia, và muôn đời Ngài là Duy Nhất: mầu nhiệm hiệp nhất và duy nhất này là khuôn mẫu cho sự hiệp nhất mà mỗi cặp vợ chồng hay mỗi gia đình đang kiên trì xây dựng, được uốn nắn và trợ lực bởi ân sủng của Đấng Tối Cao, và vượt ra khỏi giới hạn của một cộng đoàn sống đơn thuần với của cải vật chất và các dự án… “Xin cho họ nên một” (Ga 17,1): lời nguyện này của Chúa Giêsu trước cuộc Khổ nạn cũng được diễn tả trong bí tích Hôn phối. Cũng vậy, Thiên Chúa mãi mãi là sự hiệp thông: mầu nhiệm siêu việt về tính khác biệt thúc đẩy hai người phối ngẫu trao hiến cho nhau và cho mỗi thành viên của gia đình mình, để làm vinh danh Thiên Chúa và cứu độ thế giới. Từ kinh nghiệm hôn nhân, mỗi người kết hôn đều hiểu rõ sự yếu đuối của con người trong tình yêu cũng như các khó khăn thử thách phải vượt qua nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Vì thế, họ mong muốn nhận được sức mạnh tình yêu từ Thiên Chúa để tiến bước với Ngài và trong Ngài. Hơn nữa, nhờ ân sủng Bí tích Hôn phối, đôi vợ chồng, qua việc cùng nhau xây dựng và tăng trưởng trong sự tha thứ, sẽ làm chứng cho sức mạnh hiệp nhất và hòa giải của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là những nguồn mạch để suy tư về tính bất khả phân ly của bí tích đã lãnh nhận và để khuyến khích lòng trung tín đã được ký kết trong một tình yêu không ngừng bén rễ sâu trong ân sủng bí tích mà Thiên Chúa ban tặng.
Như vậy, nhân danh Thiên Chúa, đôi vợ chồng cùng hướng nhìn Đấng đã liên kết hai người lại trong ba chiều kích phục vụ: phục vụ Chúa, phục vụ Giáo hội và phục vụ tha nhân. Sứ vụ ở đây và bây giờ (hic et nunc) mà Thiên Chúa định liệu cho các cặp vợ chồng thường được diễn giải dưới hạn từ sinh sản – là một trong bốn trụ cột của Bí tích Hôn phối – hoặc là mở ra với sự sống trong sự bổ túc cho cách diễn giải này. Dĩ nhiên là không nên giới hạn hôn nhân trong việc sinh sản – con cái là quà tặng của Thiên Chúa dành cho đôi vợ chồng và gia đình, mà việc giáo dục, trên hết là giáo dục trong đức tin, xây dựng đời sống tương lai, cũng không nên giới hạn hôn nhân trong việc nhận con nuôi đối với những cặp vợ chồng không thể sinh con cái cách tự nhiên. Con người, hình ảnh của Thiên Chúa, chỉ có thể cho đi và trưởng thành khi đời sống nội tâm dưỡng nuôi đời sống thể lý. Nói cách khác, đó là khi sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa trở nên nguồn sinh lực cho việc tìm kiếm Nước Trời của con người: như vậy, con người cần sống trọn vẹn thực tại con người là một hữu thể tương quan và trong các mối tương quan. Một cách cụ thể, đời sống hôn nhân phá bỏ tất cả mọi ích kỷ, khép kín, và phá bỏ ngay cả việc chỉ tìm kiếm cái lợi cho người phối ngẫu. Đời sống hôn nhân mở rộng tâm trí đôi vợ chồng tới một sứ vụ rộng lớn mà Thiên Chúa trao phó cho họ, qua việc phục vụ công ích, tình bác ái, đời sống xã hội, những người nghèo và người bé mọn theo Tin Mừng… Mối liên kết hôn nhân là sự ưng thuận từ đầu và là đại cuộc nền tảng, mà nếu thường xuyên nhìn lại, đôi vợ chồng sẽ càng biết đón nhận nhau, và hơn nữa sẽ tìm thấy sức mạnh và lòng nhiệt huyết để phục vụ Thiên Chúa, trong cũng như ngoài phạm vi gia đình. Thế giới đang cần những cặp vợ chồng bền vững, cũng như những gia đình tốt lành bén rễ sâu trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi và sẵn sàng làm chứng cho đức ái thần linh trong những nơi mà Chúa đặt để họ. Giáo hội không thể không cổ vũ những tín hữu này kín múc sức mạnh nơi Giáo hội và nơi Thiên Chúa, để mãi biết “đi ra” như lời mời gọi liên lỉ của Đức Thánh cha Phanxicô.
II. Nền văn hóa Việt Nam – một mảnh đất màu mỡ
Niềm tin Kitô giáo – mà trước hết tính theo thứ tự thời gian là niềm tin Công giáo – thực chất chỉ đến Việt Nam vào thế kỷ XVI. Các nhà truyền giáo dòng Đa Minh, dòng Phanxicô và dòng Tên đã đưa nghi thức Rôma, nền thần học và những tập tục mục vụ Tây phương vào đất nước này, những điều vốn đã nắn đúc họ qua nhiều thế hệ và họ đã cố gắng thích nghi với truyền thống văn hóa phong phú của Việt Nam mà họ cần phải lĩnh hội. Thật vậy, cũng như Ngôi Lời đã làm người và ở lại trong sự thinh lặng khoảng ba mươi năm ở Nadarét, mỗi nhà truyền giáo đều kinh nghiệm rằng quá trình quan sát, đón tiếp và lắng nghe mang tính quyết định trước khi dấn thân loan báo Tin Mừng. Đây là tâm thế cần thiết mà chúng tôi muốn đề cao trong phần thứ hai này: đó là chỉ ra những nét cơ bản về gia đình, tính dục và hôn nhân trong nền văn hóa Việt Nam, theo truyền thống cũng như lối sống hiện nay. Thật vậy, chúng ta biết rõ rằng giáo luật, thần học và các hướng dẫn của Giáo hội hoàn vũ liên quan đến các lãnh vực thực hành vừa nêu, dù một phần bắt nguồn từ Mặc Khải, vẫn luôn giữ một mối dây liên kết chặt chẽ với các nền văn hóa, các xã hội và các tất định thuyết… dù không nhất thiết phải phụ thuộc vào những yếu tố này.
Khi đến khám phá Việt Nam, các nhà truyền giáo đầu tiên tiếp xúc với một gia sản văn hóa, đạo đức và xã hội được bén rễ sâu từ nhiều thế kỷ và mang nhiều nét đẹp tương đồng với Tin Mừng: chính Thiên Chúa đã dọn chỗ trước. Vậy, những nhà truyền giáo Âu Châu đã đặc biệt chú ý đến những điểm nào của nền văn hóa Việt, nhất là khi so sánh với những nền văn hóa của riêng họ? Đối với họ, những điểm nào đáng chú ý nhất khi nói về Bí tích Hôn phối trong nền văn hóa Việt Nam? Không có tham vọng trình bày toàn bộ vấn đề, chúng tôi chỉ nêu lên một vài điểm điển hình thực tế, và cách chung xuất phát từ sự vượt trội của tập thể trên cá nhân.
Trước khi xuất hiện các thành phố lớn, chúng ta biết tầm quan trọng của làng xã. Đó là sân khấu của một cuộc sống đầy năng động mà các mối quan hệ gia đình trộn lẫn với các mối quan hệ láng giềng, thị tộc. Vì thế, ở Việt Nam thật khó gọi tên các thứ bậc họ hàng bằng tiếng Việt, và thông thường họ quy chiếu về quê hương, nơi đó có thể là nơi họ được sinh ra hay nơi đó là cội nguồn của tổ tiên họ. Ít nhất sau đây là hai ví dụ nói lên mối tương quan này với miền đất mẹ: Những người Việt ở Bắc vào Nam những năm 1950 nhớ rõ ngôi làng đã chứng kiến người thân của họ sinh ra và lớn lên ở miền Bắc; và trong Giáo hội Công giáo, những thiệp báo khấn dòng hay truyền chức thánh luôn nhắc tới mảnh đất mà ứng sinh đã lãnh nhận đức tin vào Chúa Giêsu Kitô.
Cuộc sống của mỗi gia đình cũng đặt nền móng trên những tập tục rõ ràng. Đời sống gia đình là nền tảng của các mối tương quan khăng khít giúp họ dễ dàng vượt qua khó khăn thử thách trong bình an. Người Việt rất gắn bó với khuôn mặt người mẹ, vì thế khi tuyên xưng niềm tin công giáo, họ rất gắn bó với Mẹ Maria. Cũng vậy, họ không bao giờ coi thường người lớn tuổi cả. Đó chắc chắn là hệ quả quan trọng ảnh hưởng từ Khổng giáo trên nền văn hóa Việt, đặc biệt là về lòng hiếu thảo. Cách riêng, cách xưng hô cho thấy những người lớn tuổi được đón tiếp và được tôn trọng, dù họ còn sống hay đã qua đời. Chẳng hạn, thông thường ba thế hệ cùng sống chung dưới một mái nhà: ông bà không sống tuổi già một mình cũng như không phải chết một mình, họ thường giúp đỡ việc dạy dỗ các cháu cũng như phụ giúp các bà mẹ phải đi làm ngoài đồng hoặc trong thành phố như hiện nay. Một cách rộng hơn, đạo thờ cúng ông bà tổ tiên gắn liền với truyền thống Việt Nam, thế mà trong một thời gian dài đã bị xem như một trở ngại với Tin Mừng. Cũng vậy, họ gọi bố mẹ vợ hay bố mẹ chồng giống như bố mẹ ruột của mình vậy, và cô con dâu mới cưới có thể sống chung với gia đình chồng.
Người Tây phương chỉ ra thêm một thói quen nữa của người Việt gần với giáo huấn của Giáo hội Công giáo, đó là: sự tôn trọng, khoảng cách lành mạnh và phép lịch sự trong các mối tương quan vốn luôn được hướng dẫn bởi vấn đề sĩ diện. Các xưng hô đặt mọi người vào đúng vị trí của mình, và việc ăn mặc kín đáo không chỉ nhằm mục đích bảo vệ bản thân, đặc biệt là bảo vệ khỏi nắng nóng. Nếu sự kín đáo đang có xu hướng giảm trong các thành phố, cũng như việc thể hiện ra bên ngoài các cử chỉ trìu mến đang tăng lên, thì vấn đề về sĩ diện vẫn làm cho người ta ít nói đến những gì liên quan đến thế giới riêng tư, trả sự thân mật về vị trí qui định của nó, và thường còn che giấu những gì có thể giúp để giải quyết dễ dàng một tình huống phức tạp.
Đất nước Việt Nam hôm nay minh họa quy tắc này: mỗi nền văn minh đều ít nhiều tiếp nhận những thay đổi của xã hội. Ở Đông Nam Á, vào đầu thế kỷ XXI, tính công giáo của Giáo hội phải đối diện với những cơ hội cũng như những thách đố do việc toàn cầu hóa mang lại. Trong bối cảnh này, những ghi nhận và những thách đố đã được các Nghị phụ Thượng Hội đồng Giám mục Á Châu đưa ra và được Đức Gioan Phaolô II ghi nhận vào tông huấn Ecclesia in Asia vẫn còn hợp thời sau hơn 20 năm: “Những khía cạnh tiêu cực của truyền thông và những công nghệ giải trí đang đe doạ các giá trị truyền thống và cách riêng, đe doạ sự thánh thiêng của hôn nhân và sự vững bền của gia đình. Tác động của những hình ảnh bạo lực, duy khoái lạc, duy cá nhân và duy vật chất vô độ “đánh thẳng vào trung tâm những nền văn hoá Á Châu, vào tình cảm tôn giáo của dân chúng, gia đình và toàn thể xã hội”2. Không muốn chỉ mang cái nhìn bi quan về những năm vừa qua, nhưng hai câu vừa trích được viết ra ở buổi đầu của năm 2000 đã tóm lại những từ khóa diễn tả càng ngày càng rõ hơn cuộc sống hiện nay của người Việt, trong các thành phố lớn, cũng như ngày càng phổ biến ở các vùng xa trung tâm thành phố. Không khó để kê ra những hậu quả tác động lên tính bền vững và những chứng tá phong phú từ các gia đình. Vì thế, sứ vụ đồng hành và an ủi của Giáo hội, theo gương Đấng đã đồng hành các môn đệ trên đường Emmau, là một đáp án thiết yếu cho những tác hại vừa nêu, những tác hại cách đây không lâu vốn được xem là đặc thù ở Tây phương, thì nay được gặp thấy ở hầu hết các nước Châu Á. Thách đố thật lớn lao, và vấn đề đặt ra mà hàng giáo sĩ, trong sự hiệp thông với giáo dân, phải nắm bắt kịp thời, đó là: trên hành trình nên thánh và thực thi sứ vụ, các nền mục vụ gia đình hiện nay có được những yếu tố cụ thể nào có thể giúp các cặp vợ chồng và các gia đình không bị chao đảo, nhưng luôn vững vàng ở lại trong ân sủng Bí tích Hôn phối mà họ đã lãnh nhận? Chúng ta có thể làm nổi bật tính khẩn thiết của một đề án như thế bằng việc chứng tỏ nhân đức thủy chung – một trong bốn trụ cột của hôn nhân Công giáo – đang ngày càng gặp khó khăn như thế nào.
Như vậy, dưới sự hướng dẫn của các mục tử và được bồi thêm sinh lực nhờ Bí tích Hôn phối, các Kitô hữu phải làm chứng cho Tin Mừng trong một bối cảnh phức tạp, bối cảnh mà trong đó người ta khó phân biệt nguồn gốc cá nhân và cộng đồng, và nền tảng truyền thống thường thích ứng với một thời kỳ lý tưởng, nhưng lại khó tái tạo và cũng là nơi mà thông điệp của Giáo hội ít được đón nhận, nên không thể trổ sinh hoa trái. “Vẫn trông cậy mặc dù không còn gì để cậy trông” (Rm 4,18) theo gương tổ phụ Ápraham, các cặp vợ chồng Kitô hữu đón nhận sứ vụ trở nên những tấm gương cần thiết phản chiếu Ánh Sáng của Chúa Kitô Cứu Thế trong các quốc gia như Việt Nam, nơi mà vấn đề toàn cầu hóa hiện nay đang nở rộ, với ít nhất là bốn đặc tính. Thứ nhất, Bí tích Hôn phối phải đối diện với hiện tượng phổ biến liên quan đến chủ nghĩa vật chất hay chủ nghĩa thế tục: làm thế nào để mỗi cặp vợ chồng hay mỗi gia đình xây dựng được điều mà Thánh Giáo hoàng Phaolô VI gọi là “nền văn minh tình yêu” khi mà đôi mắt họ luôn hướng về thế giới vật chất và coi thường nguồn gốc thần linh của chính mình? Điểm thứ hai, Việt Nam đón tiếp rất ít người nước ngoài so với lượng người di dân trong nước: hiện nay, những đợt di dân chủ yếu tập trung đến các thành phố lớn đã tạo nên sự chia cắt và khiến nhiều gia đình rơi vào tình trạng căng thẳng, làm họ xa rời bối cảnh quen thuộc của đời sống hôn nhân. Về vấn đề này, một hiện tượng mới và phiền lòng đang xuất hiện, đó là một số người làm việc ở thành phố, nhưng gia đình vẫn ở quê, và họ không còn về thăm gia đình vào dịp Tết nguyên đán. Điểm thứ ba, người thời đại chúng ta không ngại giữ khoảng cách với các giá trị truyền thống Á Châu cũng như các giáo huấn luân lý của Giáo hội Công giáo: làm thế nào để tránh sự đối kháng, gần như mỉa mai, giữa những gia đình quá lo lắng bảo vệ kho tàng đức tin, có khi rất anh hùng, và rất nhiều người đương thời lại cổ võ đời sống chung trước hôn nhân, phương pháp tránh thai hóa học, nạo phá thai cũng như việc xã hội càng ngày càng công nhận sự đồng tính luyến ái…? Cách đây hơn 60 năm, các Nghị phụ Công đồng Vaticanô II đã liệt kê nhiều tệ nạn giống như vậy (x. MV 47,2), và đối lại điều đó Công đồng đã nhấn mạnh việc phải không ngừng tìm kiếm sự hiệp thông. Điểm thứ tư, theo gương Chúa Kitô, Đấng Hằng Sống, Giáo hội không ngừng kêu gọi mở ra với sự sống. Lời gọi này cần liên kết với tình trạng cụ thể của nhiều gia đình với số con cái giảm thiểu. Một trong những hệ quả rõ ràng của việc thay đổi dân số là sự giảm sút số lượng người trẻ dấn thân theo Chúa Kitô.
III. Hôn nhân, một ngọn hải đăng chiếu sáng trên con đường nên thánh
Trên hành trình miệt mài tìm kiếm nước Chúa mà mỗi Kitô hữu được mời gọi, số lượng giáo dân tiếp xúc với các thực tại trong thế giới này đông hơn hàng giáo sĩ và tu sĩ (x. GH 31). Nếu việc loan báo Tin Mừng của các môn đệ Chúa Giêsu Kitô phải gắn liền với bối cảnh mà Thiên Chúa kêu mời họ sống, thì cách đặc thù hôn nhân được nhìn nhận như một bí tích truyền giáo. Trong phần tổng hợp và khai mở này, chúng tôi muốn hỗ trợ cuộc gặp gỡ giữa những hiểu biết vốn luôn cần đổi mới nhờ Tin Mừng và bối cảnh văn hóa xã hội Việt Nam đầy biến động: chúng tôi cố gắng chỉ rõ điều làm cho Bí tích Hôn phối trở thành nguồn sống lãnh nhận từ Thiên Chúa và Giáo hội, không chỉ cho người trẻ và các gia đình, nhưng cũng cho mỗi xã hội, cách riêng cho xã hội Việt Nam, để dấn thân theo Chúa Kitô.
Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay Gaudium et Spes nhận ra hoa trái đầu tiên của Bí tích Hôn phối: “Nhờ sức mạnh của bí tích này, khi chu toàn bổn phận hôn nhân và gia đình, […] vợ chồng Kitô hữu càng ngày càng tiến gần hơn tới sự trọn lành riêng biệt của họ và sự thánh hóa lẫn nhau” (MV 48,2). Các Nghị phụ Công đồng thiết lập tiêu chí vợ chồng là trụ cột của việc truyền sinh với nhiều dáng dấp khác nhau. Nếu tất cả các bí tích đều làm nên Giáo hội, theo lối suy tư của Đức Hồng y De Lubac và của thánh Gioan Phaolô II, cũng như theo truyền thống Giáo hội, thì bí tích Hôn phối và bí tích Truyền chức là một trong hai bí tích hiệp thông được thiết lập với mục đích xây dựng Giáo hội. Cách riêng, bí tích Hôn phối giúp phát huy đời sống tôn giáo và tín ngưỡng của người trẻ cũng như của các gia đình, vốn là “trung tâm của việc Phúc âm hóa” theo cách diễn tả của thánh Gioan Phaolô II, và theo dự án của tập san Logos số thứ 6 này. Mở ra với sự sống, cho dù đó là sự sống thể lý hay sự sống được diễn tả qua việc trao ban chính mình trong các hoạt động ngoài môi trường gia đình, đều là hoa trái của tình yêu lan tỏa và hướng ngoại: cũng như tình yêu qua lại giữa Chúa Cha và Chúa Con đã trổ sinh hoa trái là Chúa Thánh Thần, theo lối diễn tả của trường phái Saint-Victor thời Trung Cổ, cũng vậy và theo phương thức tương tự mà thần học bắt đầu khai triển, mỗi cặp vợ chồng nhận lãnh bí tích Hôn phối sẽ mang lại nhiều điều tốt lành cho môi trường chung quanh họ. Như vậy, thần học Chúa Ba Ngôi trở nên nguồn mạch quý giá cho công tác mục vụ gia đình, theo cách mà Ba Ngôi Thiên Chúa, trong sự hiệp thông bền vững và trong quyền năng ân sủng của bí tích, nâng đỡ và thúc đẩy việc tìm kiếm sự thánh thiện và làm chứng cho đức ái. Trong gia đình cũng như ngoài phạm vi gia đình, đời sống hôn nhân phúc âm hóa người Kitô hữu cũng như người ngoại giáo; khi họ cố gắng tạo nên hình hài cho những giá trị tốt đẹp chung của Tin Mừng cũng như của kho tàng văn hóa Việt Nam, thì họ đang chứng tỏ rằng bí tích họ đã lãnh nhận và sống ở Viễn Đông làm phong phú cho Giáo hội hoàn vũ, cũng như giúp Giáo hội làm giàu thêm sự hiểu biết sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô.
Nhấn mạnh đến đặc tính truyền giáo của Bí tích Hôn phối chất vấn vai trò hiền mẫu của Giáo hội. Giáo hội – Hiền thê của Chúa Kitô – cổ vũ và nâng đỡ, bảo vệ và dẫn dắt con cái mình, cách riêng là những người làm vợ làm chồng. Tất cả các văn kiện của Giáo hoàng liên quan đến gia đình, đặc biệt là các Tông huấn và Các thư gởi cho gia đình, cho thấy sự quan tâm ưu ái của những người kế vị thánh Phêrô, cách riêng là từ nhiều thập niên qua, các ngài thích tham dự các đại hội thế giới về gia đình. Điều đó nói lên rằng chứng tá của các cặp vợ chồng vẫn còn ít trong lục địa chưa được phúc âm hóa này, cách riêng ở Á Châu, nơi có sự hiện diện ít ỏi của các môn đệ Chúa Kitô. Tin Mừng nhắm vào các cặp vợ chồng chưa chạm nhiều tới các con tim. Hơn bao giờ hết, Giáo hội, Mater et Magistra theo phương thức cải cách Gregoria và được đề cao qua thông điệp nổi tiếng của thánh Gioan XXIII (1961), có trách nhiệm trở nên men trong bột, mạnh dạn đi gieo và để cho người khác gặt, rao giảng nhưng không áp đặt theo cách của chị thánh Bernadetta, và trở nên ánh sáng cho thế giới, nhưng không được trở nên máy chiếu chĩa vào người khác hay vào tội lỗi của họ. Tình yêu Thiên Chúa gắn kết và thánh hóa các cặp vợ chồng Kitô hữu, và cũng chính đức ái lan tỏa này kết nối các mối tương quan trong Giáo hội, cũng như chia sẻ vớ tha nhân vẻ đẹp và chân lý của tình yêu mà họ nhận được từ Đấng Tình Yêu. Đức Thánh cha Phanxicô thường nhấn mạnh tới sức mạnh của chứng tá sống động bắt nguồn từ sự “lan tỏa”, điều mà đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói trong chuyến tông du năm 2009 tại Cộng hòa Séc, dưới tên gọi “thiểu số sáng tạo”. Với cách diễn tả riêng của mình, trong chuyến đi cuối cùng ở Thái Lan, vị giáo hoàng người Argentina kế nhiệm ngài hình như cũng đặt Giáo hội Á Châu trong sự năng động này và giúp chúng ta rút ra nhiều định hướng rõ ràng cho tương lai về vấn đề hôn nhân. Trong các quốc gia mà đạo Kitô giáo mới được thiết lập, so sánh với Tây Âu, và Bí tích Hôn phối chưa được thấm nhuần hoàn toàn trong não trạng cũng như trong nền văn hóa nước đó, thì ngang qua các gia đình Kitô hữu, Giáo hội có sứ mạng liên kết việc tìm kiếm chân lý hướng đến sự tự do. Dần dần với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, người công giáo cho người khác thấy Thiên Chúa Chân Thật trong Giáo hội và giúp người đương thời khám phá ra nét đẹp của hôn nhân Kitô giáo mà Ngài thiết lập.
Suy tư về sứ vụ truyền giáo của Giáo hội, một cách nào đó dẫn chúng ta đến việc đào sâu tính tương thông giữa Giáo hội và Bí tích Hôn phối, trong sứ vụ truyền giáo. Chúng ta tuyên xưng Hiền thê của Chúa Kitô tự bản chất là thánh thiện, mặc dù Giáo hội được làm nên từ những con người tội lỗi mà đa phần có ơn gọi tiến tới sự thánh thiện thông qua Bí tích Hôn phối. Mối liên hệ mật thiết giữa những gì có thể đại diện cho “gia đình của các gia đình” và mỗi tế bào của xã hội được đề cập trong một chủ đề nghiên cứu mang tính thời sự, mà cách diễn tả của Tòa Thánh gần đây mở ra nhiều tiếng vọng mục vụ tuyệt đẹp: gia đình như một “Giáo hội tại gia”, và Giáo hội như một gia đình. Đây là một chủ đề được người dân Phi Châu yêu mến đón nhận cách đặc biệt. Bí tích Hôn phối được lãnh duy nhất một lần nhưng kéo dài cho tới khi người vợ hoặc người chồng qua đời, là nền tảng của sự tự do, của lòng chung thủy và của sự bổ túc cho nhau trong ơn gọi sống đời vợ chồng. Họ xây dựng ngày qua ngày tế bào của Hội Thánh, mang tính chất địa phương hay hoàn vũ, và cũng là một Hội Thánh tại gia. Chúng ta biết ơn Đức cha Pietro Fiordelli, giám mục Prato, ở Toscana (Ý) về thành ngữ này, đã gây ảnh hưởng cho Công đồng Vaticanô II về chủ đề hôn nhân gia đình. Hiến chế tín lý về Giáo hội Lumen Gentium (1964), được lặp lại một năm sau trong Sắc lệnh về Tông Đồ Giáo dân Apostolicam Actuositatem, xem gia đình sinh ra từ Bí tích Hôn phối, không chỉ như một hình ảnh của Giáo hội, nhưng còn hơn thế nữa, “gia đình” giống như một “kiểu Hội Thánh” (GH 11) và gia đình “như cung thánh của Giáo Hội tại gia” (TĐ 11). Công đồng cuối cùng đã giữ lại hạn từ Hội Thánh tại gia (domestica ecclesia), nhưng ĐGM Fiordelli có thể thích hạn từ Hội Thánh thu nhỏ hơn (minuscula ecclesia), dựa trên nền tảng giáo huấn của các Giáo phụ, đặc biệt là của thánh Gioan Kim Khẩu và thánh Augustinô. Vị giám mục người Ý này còn đi xa hơn khi nhìn nhận cha mẹ như những ngọn đèn soi chiếu của con cái họ, giống như các vị mục tử trong các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Họ có trách nhiệm giáo dục đức tin, sự tăng trưởng và thánh hóa con cái họ qua việc chăm chú lắng nghe và phân định. Cũng trong cùng ý tưởng đó, chúng tôi chỉ gợi ra đây hướng nghiên cứu thần học và kinh nghiệm mục vụ phong phú trong bức thư mà các giám mục Việt Nam đã gửi cho dân Chúa tại Việt Nam: mỗi gia đình là một đền thờ của Thiên Chúa. Như vậy gia đình là không gian tuyệt vời và không thể thiếu để lớn lên trong ơn thánh của Chúa Thánh Thần. Đây là một mệnh lệnh sẽ được hiểu sâu sắc khi chúng ta biết để cho những nhận thức quý giá bắt nguồn trong Kinh Thánh được vang dội: cả thân xác thể lý của chúng ta lẫn thân mình Chúa Kitô, hiểu là Giáo hội nhiệm thể (corpus mysticum), đều là đền thờ của Chúa Thánh Thần.
Trong bối cảnh gần đây, với những thích nghi mà Tòa Thánh mời gọi mỗi Hội đồng Giám mục suy ngẫm, Giáo hội Việt Nam đã đón nhận sự cởi mở này trong một tiến trình hội nhập văn hóa có cân nhắc. Đặc biệt, khác với nước láng giềng Campuchia hay một số Giáo hội tại Phi Châu, nghi thức phụng vụ và cách riêng là nghi thức hôn phối có rất ít khác biệt so với các nghi thức phụng vụ Rôma. Ở Việt Nam, chúng ta chỉ thấy tập tục trao nhẫn cưới rất nghiêm trang, và tập tục sử dụng các đồ dùng phụng vụ màu hồng để diễn tả niềm vui của buổi cử hành và sự chúc phúc cho đôi tân hôn, quy chiếu tới hai chúa nhật Gaudete và Laetare. Ngược lại, một lãnh vực nghiên cứu phong phú là mối liên hệ với tổ tiên: trong đời sống Kitô hữu, các ngài là những chỗ dựa siêu nhiên bền vững trên con đường nên thánh. Bí tích Hôn phối trao cho cha mẹ quyền và ân sủng để đảm nhận sứ vụ giáo dục và truyền đạt, đặc biệt là trong lãnh vực đức tin. Như vậy, con cái là người hưởng lợi trước hết và quan trọng nhất hoa trái của bí tích này khi trung thành và hiếu thảo như điều răn thứ tư dạy, mà chúng ta nhớ rằng việc hiểu biết chính xác và áp dụng đúng đắn là trọng tâm của cuộc tranh cãi nổi tiếng về tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên trong thế giới Trung Hoa. Ngay từ lúc còn nhỏ, nhờ vào việc dạy và học giáo lý cách nghiêm khắc mà người công giáo Việt Nam thuộc lòng và cố gắng sống nội dung luật Môsê, được Giáo hội xem như là luật tự nhiên mà mọi người thiện chí có thể và phải tuân thủ. Lòng kính trọng người cao niên, người có thẩm quyền, tổ tiên, những người khôn ngoan thông thái… không chỉ là một giá trị cần vun trồng, mà còn là một điều kỳ vọng trong nền văn minh Nho giáo phong phú hay một mảnh đất màu mỡ đã được ban tặng cho con người, để tiếp cận Mặc Khải và cách riêng để sống tính sâu sắc của bí tích hôn nhân. Thật vậy, bày tỏ lòng biết ơn và hơn nữa yêu mến những vĩ nhân khiêm nhường ấy, dù đã được tuyên phong hay chưa đều là những vị thánh hướng lòng chúng ta về trời, là một cách thực hành đúng đắn giới răn thứ tư. Việc làm này tự nhiên dẫn đưa chúng ta tới Đấng là Alpha: Chính Thiên Chúa, Đấng ba lần Thánh, là nguồn cội nguyên thủy và duy nhất của mọi sự. Những người lập gia đình chấp thuận tiếp tục làm phát triển giống nòi đã được tiền nhân khởi sự trong Chúa Kitô, và họ không ngừng được dẫn dắt và được sai đi bởi Đấng là nguồn gốc và là đích điểm, là Alpha và Omega, là Đấng Emmanuel. Lòng gắn bó hiếu thảo với tổ tiên trong đức tin được hình thành trong sự phó thác hoàn toàn vào Đấng Cứu Thế, Đấng không ngừng đồng hành dân Người từ lúc đầu. Các thánh tử đạo Việt Nam đã sống sự phó thác này cách trọn vẹn đến nỗi đã đổ máu mình ra. Trong số họ, có rất nhiều giáo dân, được liên kết với hàng ngàn tín hữu cũng đã chết vì đức tin cách anh hùng, đã kín múc vô vàn ân huệ mà Bí tích Hôn phối ban tặng cho họ, cho đến khi được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa.
Kết luận
Văn hóa Việt Nam giúp thể hiện nét đẹp và sự phong phú của Bí tích Hôn phối Kitô giáo như thế nào? Đây là câu hỏi lớn mà nghiên cứu khiêm tốn này phần nào cố gắng đưa ra câu trả lời. Thật vậy, chúng tôi có thể cống hiến một công trình nghiên cứu rộng lớn theo kiểu đại học, để chỉ tập trung vào việc xem xét cách mà rất nhiều gia đình Kitô giáo Việt Nam đã sống bí tích hôn nhân từ gần 500 năm nay. Vì thế, xin thứ lỗi cho chúng tôi trước về tính cục bộ, về những trình bày quá chung chung và về những thiếu sót trong phần nghiên cứu của chúng tôi! Điều đó nói lên rằng, mặc dù có những hạn chế và cách chọn lựa triển khai vấn đề, những đóng góp của chúng tôi đã phác thảo ra câu trả lời với ba phần. Hai phần đầu mang những yếu tố nền tảng, cơ bản: chúng tôi đã liệt kê dưới dạng nhắc lại một vài đặc tính trọng yếu của hôn nhân Kitô giáo, sau đó chúng tôi đã phác họa ra bức tranh văn hóa và xã hội Việt Nam, cả truyền thống lẫn hiện tại. Phần thứ ba là phác thảo một cách tổng hợp, nhìn bí tích Hôn phối dưới góc độ truyền giáo của ơn gọi nên thánh phổ quát.
Đức Lang Quân của Giáo hội duy nhất và công giáo là Chúa Kitô yêu mến Giáo hội đến nỗi đã đổ máu ra vì Giáo hội (x. Ep 5, 25-27), và Ngài ban tặng cho các vợ chồng Kitô hữu sức mạnh cũng như ân sủng, cách riêng trong bối cảnh Đông Nam Á, để họ làm mới tính năng động của các gia đình mà họ tìm thấy trong mối liên kết tuyệt vời và tốt đẹp với tổ tiên họ. Cuộc gặp gỡ này đã bắt đầu từ gần năm thế kỷ qua giữa truyền thống Công giáo và phong tục tập quán của văn hóa Viễn Đông là một lý do tuyệt vời để dâng lời tạ ơn, đồng thời đặt nền tảng chắc chắn cho tương lai của Giáo hội Việt Nam cũng như làm chứng tá giữa lòng xã hội. Phần lớn, các gia đình công giáo từ thế hệ này sang thế hệ khác đã cống hiến nhiều mục tử cần thiết cho Giáo hội và cho thế giới, và đến lượt họ các cặp vợ chồng cũng làm chứng cho Tin Mừng.
“Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12, 46), Chúa Giêsu đã nói như vậy với các môn đệ lúc Mẹ Maria đang đứng gần bên. Chúng ta cám ơn Đức Giáo hoàng Phanxicô đã thiết lập lễ nhớ “Đức Maria, Mẹ Giáo hội” ngay sau ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Thật vậy, Giáo hội không thể được thu gọn trong phạm vi gia đình, nếu như Giáo hội vượt trội và bao gồm gia đình, nhưng cả hai học hỏi lẫn nhau. Nhờ vào sự trao đổi qua lại này, Hiền thê của Chúa Kitô có thể kín múc sức mạnh từ những gì diễn ra trong lịch sử loài người ngang qua các Giáo hội tại gia là các gia đình; cũng vậy, các gia đình cần quan sát kỹ các mối tương quan trong tình huynh đệ, phụ tử, mẫu tử và sự hiếu thuận trong Chúa Kitô vốn là đặc tính của các cộng đoàn Giáo hội.
Tác giả: Lm. Laurent GATINOIS, MEP.
Chuyển ngữ: Sr. Anna Phạm Thị Thùy Dung, OA.
Nguồn: ubmvgiadinh.org (18.01.2022)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.