Con Hổ còn được gọi bằng nhiều cái tên khác như: Cọp, hùm, khái, dần, chúa sơn lâm hay ông ba mươi. Hổ là con vật có sức mạnh và tinh khôn,nó thường sống ở trong rừng sâu nhưng đôi khi thiếu thức ăn nó cùng mò vào các buôn làng mà săn bắt thú vật người ta nuôi để ăn, thậm chí chúng còn xơi cả thịt người!
Ngày nay, vì bộ da của nó rất quý, xương của nó nấu cao và móng vuốt của nó làm đồ trang sức, vì vậy nó bị người ta săn lùng giết chết, thế nên nó đã được ghi vào cuốn sách đỏ. Nó là một trong những động vật đang có nguy cơ bị tuyệt chủng! Hổ là con vật dù rằng rất khoẻ, song không phải là “kẻ bất khả chiến bại”. Sử sách ghi lại, tại Việt-Nam thì có Lê-Văn-Khôi tay không “đả hổ”,còn ở Trung Quốc thì có Võ-Tòng diệt cọp.
Hổ là một con vật rất đáng sợ vì sự hung hãn và tàn bạo của nó. Nó được người xưa cho là một con vật linh thiêng, thế nên người ta thường gọi hổ bằng ông. Tuy rằng nó gây khiếp đảm cho con người, song nó lại hiện diệntrong nhiều lãnh vực như thơ ca, hội hoạ, điêu khắc, trước đây nó còn được người ta in hình trên tờgiấy bạc. Đặc biệt, trong dân gian có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ nói về con hổ hoặc liên quan đến nó. Chẳng hạn như; Vuốt râu hùm; Cáo mượn oai hùm; Không vào hang hùm sao bắt được cọp; Chui vào hang hùm; Diệu hổ ly sơn; Hổ phụ sinh hổ tử; Hùm tha ma bắt; Miệng hùm gan sứa; Thả hổ về rừng; Leo lên lưng cọp; Hùm chết để da, người ta chết để tiếng; Hùm dữ không ăn thịt con. Hoạ hổ hoạ bì nan hoạ cốt, tri âm tri diện bất tri tâm v.v… ( vẽ hổ vẽ ngoại hình thì dễ, không vễ được xương cốt bên trong của nó, biết người, biết mặt chứ không thể biết được lòng dạ người ta).
Có câu truyện cổ tích về con hổ nội dung tóm tắt như sau. Thuở xưa khi loài vật còn nghe và nói được tiếng người, thì một hôm có con hổ đang đi kiếm ăn, nó tình cờ nhìn thấy cảnh một bác nông dân đang dắt trâu cày ruộng. Trong khi con trâu phải kéo cày vất vả , nó còn bị người ấy đánh đòn và chửi mắng liên tục, thấy vậy hổ ngạc nhiên và thắc mắc lắm. Hổ đợi đến khi trâu được nghỉ trưa, chủ thả ra cho ăn cỏ, lúc này nó mới lại gần và tò mò hỏi:
– Này con trâu kia. Sao mày lớn xác như vậy mà lại để cho cái thằng người nhỏ thó kia bắt làm việc nặng nhọc, đã vậy nó còn chửi bới đánh đập mày nữa?
Con trâu vừa nhai cỏ vừa thong thả trả lời:
– Thằng người tuy nó bé nhưng nó lại có trí khôn!
Con hổ mon men đi lại hỏi bác nông phu.
– Con trâu nó bảo ông có trí khôn, vậy ông có thể cho tôi xem trí khôn của ông được không?
Bác nông dân đáp:
– Trí khôn tao để ở nhà, mày muốn xem tao về lấy cho mà xem, còn nếu mày thích tao sẽ chia cho mày một ít mà sài! Nói xong bác nông dân đứng lên vội vã đi về, song đi được mươi bước như sực nhớ ra điều gì, bác quay lại nói với hổ:
Khi tao đi khỏi,thừa lúc tao không có ở đây mày ăn thịt con trâu của tao thì sao? Con hổ nói;
– Tôi hứa sẽ không đụng chạm gì đến con trâu của ông đâu!
– Tao không tin.- Bác nông dân đáp – Nhưng nếu mày để tao trói vào thân cây kia thì tao sẽ yên tâm.
Vì nóng lòng muốn xem trí khôn nên con hổ đồng ý ngay.
– Sau khi đã trói chặt con hổ vào gốc cây rồi, bác nông dân mới bện dây thừng lại làm roi, quất túi bụi vào thân con hổ, vừa đánh ông ta vừa la lớn:
– Trí khôn của tao đây. Trí khôn của tao đây!
Khi đánh đã mệt, ông ta bèn đi kiếm rơm khô, chất chung quanh con hổ rồi nổi lửa. Bị đốt nóng quá, con hổ gào thét,lấy hết sức vùng vẫy. Cuối cùng lửa cháy đứt dây thừng nên hổ sổng ra được. Nó liền chạy biến vào rừng.
(Vì vậy người đời giải thích rằng, sở dĩ bộ lông của con hổ vằn vện là do nó bị người nông dân đốt cháy sém, còn con trâu thì khi chứng kiến “màn kịch” đó đã cười nghiêng ngả, để rồi va miệng vào vách đá, rụng hết hàm răng trên, thế nên bây giờ loài trâu chỉ có một hàm răng dưới mà thôi!).
Tất nhiên câu chuyện trên đây chỉ là hư cấu, chỉ là sản phẩm do óc tưởng tượng của người xưa nghĩ ra mà thôi, song nó lại bộc lộ một tâm địa xấu vàsự ngộ nhận!Chẳng lẽ, con người là một thụ tạo cao cấp, được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa,( x St 1, 26-27) được Thiên Chúa ban cho quyền làm chủ trái đất và mọi muông thú,(x.St 1, 29-31). Ấy vậy mà lẽ nào không thể đường đường chính chính chứng minh cho con hổ biết tài năng thực sự của mình, để rồi lại dùng cách lừa lọc, dối trá và đểu cáng mà thể hiện cái gọi là trí khôn của mình đối với một con vật như thế sao?. Đã thế, bác nông dân còn tỏ ra hả hê, đắc chí nữa!Sự tích này lại được đưa vào sách giáo khoa để cho các em học sinh tiểu học“hấp thụ”. ( sách in trước 1975). Như vậy, phải chăng người ta đã gián tiếp dạy cho các em học sinh biết cách gian dối, lừa đảo và lưu manh?
Câu thành ngữ; “Hổ chết để da, người ta chết để tiếng”, khiến cho người viết liên tưởng đến cụ già Êlêazar trong sách Macabê. Ông cụ bị nhà vua Antiochus bắt phải ăn thịt heo mà lề luật cấm, có kẻ thương ông nên bàn với ông rằng: “Ông chỉ giả vờ ăn thôi chứ thịt người ta đưa cho ông ăn là loại thịt ông được phép dùng”. Thế nhưng ông đã nhất mực từ chối và nói rằng: “Tôi đã già rồi, chằng còn sống được bao lâu, không nên giả vờ vì như thế sẽ làm cho người khác hiểu lầm mà nghĩ rằng tôi đã 90 tuổi đầu mà còn tham sống sợ chết, tôi quyết chịu chết để tỏ ra xứng đáng với tuổi già của mình và để lại cho hậu thế, cho các thanh thiếu niên một tấm gương sáng là can đảm chịu chết vì trung thành giữ Lề Luật đáng kính và thánh thiện”. (x 2 Mcb 6, 18-31). Nhìn vào xã hội ngày nay, chúng ta thấy không ít những quan chức, tướng tá. Thay vì nắm quyền hành trong tay thì họ phải lo phục vụ nhân dân, phụng sự đất nước, đàng này họ lại ăn hối lộ, tham nhũng, tiếp tay cho kẻ xấu làm băng hoại xã hội, để rồi khi phải ra trước vành móng ngựa thì tỏ ra hèn hạ, bi luỵ, quanh co đổ tội…Họ chẳng những không để lại cho đời được hình ảnh đẹp, mà trái lại còn làm cho bức tranh xã hội có thêm nhiều gam mầu đen tối!
“Hổ dữ không ăn thịt con”. Câu tục ngữ này khiến chúng ta không thể không cảm thấy xót xa, nhức nhối. Vì có biết bao trẻ em còn đang bị bạo hành bởi cha mẹ. Câu chuyện của em bé V.A là một điển hình. Mới 8 tuổi đời mà bị mẹ kế đánh đập dã man cho đến chết, người cha ruột thì lạnh lùng vô cảm, vô tâm, làm ngơ cho tình nhân hành hạ con ruột, với thái độ đó thì ông ta cũng đã gián tiếp giết hại con mình. Rồi còn không biết bao nhiêu thai nhi đã bị những người mà xã hội trân trọng gọi bằng một danh từ rất cao đẹp, đó là Thiên Chức làm cha làm mẹ, những người đó vì một lý do nào đó đã không để cho con mình có được cơ hội hiện diện trên cuộc đời này!
Đọc quyển sách: Lạc quan trên miền Thượng của Lm: Gs. Phùng Thanh Quang. Cha có viết về những con hổ giết hại dân lành: Ngày đó nơi núi rừng xa xôi thuộc tỉnh Lâm Đồng, số lượng hổ còn rất nhiều nên khi Đức Cha Jean Cassaigne về Di-linh để lập trại cùi thì hổ thường xuyên về bắt vật nuôi của dân làng, nhiều khi hổ còn vồ cả người mang đi ăn thịt…Đức Cha. Jean Cassaigne kể: “Sau 14 năm coi sóc người cùi ở đây, tôi đã mất 7 em học trò vì bị hổ vồ đi ăn thịt”. (không kể đến nhiều người lớn khác). Có một con hổ cái ba chân rất tinh ranh, thường xuyên về bắt người ăn thịt. Một bà nọ đi múc nước, địu theo sau lưng đứa con ba tháng tuổi, đến suối bất ngờ bà phát hiện ra con cọp đang rình rập gần đấy, hoảng hồn bà bỏ chạy về, không may rơi lại đứa con, bà vào làng kêu mọi người đi cứu nó,khi mọi người cùng với vũ khí trên tay đến nơi thì thấy một sự lạ xảy ra: Con cọp đã bỏ đi, và đứa bé vẫn còn nằm đó vui vẻ mút tay, không hề hấn gì! Chung quanh em bé thì đầy những dấu vết chân của cọp. Người ta suy luận rằng: Có lẽ con cọp này biết tôn trọng tình mẫu tử nên nó đã không lỡ ăn thịt một đứa bé còn đang bú sữa! Thấy sự việc xảy ra như vậy bà mẹ biết rằng có bàn tay can thiệp của Thượng Đế nên về sau cả hai mẹ con bà đã xin gia nhập đạo.
Như đã nói. Con hổ ngoài sức mạnh thể xác ra nó còn rất tinh khôn, khi người ta có vũ khí vây bắn nó, nó biết tìm cách bắt một người trong bọn để làm bia đỡ đạn, các người kia vì thế không dám bắn vì sợ lạc đạn trúng phải bạn mình, do vậy mà họ đã phải để cho con cọp được thoát thân. Tương tự như thế, khi bị vướng bẫy, nó dùng miệng để cắn đứt lìa cái chân bị dính vào bẫy, nó biết phải hy sinh một phần thân thể để tự cứu lấy mạng sống của mình!
Mừng năm mới, đón Xuân Nhâm Dần về, ước mong đây sẽ là dịp nhắc nhở cho mỗi người chúng ta biết sống sao cho xứng đáng với địa vị của mình để lưu danh thơm tiếng tốt sau này cho con cháu. Các bậc làm cha mẹ biết hy sinh, chu toàn bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với con cái mà Thiên Chúa trao ban cho mình. Nói tóm lại, mỗi người chúng ta hãy biết loại trừ, cắt bỏ đi những gì cản trở hoặc không cần thiết để chúng ta được sống, không phải chỉ là sự sốngtạm bợ về phần thể xác ở đời này mà là đạt được sự sống vĩnh cửu đời sau: “ Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì anh hãy chặtbỏ nó đi, vì thà rằng mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn còn đủ hai chân mà phải quăng vào hoả ngục.” ( Mc 9,44).
Đaminh Trần-Văn-Chính
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.