Các Giáo hội Châu Âu ủng hộ lời ĐTC kêu gọi tiếp nhận người di dân và tị nạn

Một số giám mục châu Âu

 Hồng Thủy

Các Giáo hội, dòng tu và tổ chức Công giáo ở Châu Âu đã lên tiếng ủng hộ lời Đức Thánh Cha kêu gọi các Quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu tiếp đón và tái định cư những người tị nạn trong tình liên đới cụ thể.

Cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 21/12/2021 Đức Thánh Cha đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Châu Âu cùng hành động và tìm ra các giải pháp để bảo vệ và thăng tiến người di cư và người tị nạn đến lục địa này.

Hội đồng Giám mục của Liên minh Châu Âu

Hiệp với lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Chủ tịch Ủy ban Hội đồng Giám mục của Liên minh Châu Âu (COMECE), đã đưa ra một tuyên bố yêu cầu các nhà chức trách của Liên minh Châu Âu “cho phép những người tị nạn đang mắc kẹt trong các lãnh thổ tiếp nhận đầu tiên, như trong trường hợp của Sýp và Hy Lạp, sẽ được chuyển đến các quốc gia khác của Liên mình, đảm bảo cho họ sự bảo vệ và thăng tiến mà họ cần.”

Đức Hồng y Hollerich cũng yêu cầu toàn thể Giáo hội ở Châu Âu, gồm các giáo xứ, cộng đoàn và tín hữu, để họ có thể trở thành “chứng nhân của Chúa Kitô”, đặc biệt là trong mùa Giáng Sinh này, chào đón với tinh thần phục vụ, những người đến tìm kiếm sự bảo vệ.

Slovenia

Các Giám mục Slovenia cũng đưa ra một sứ điệp nêu bật thách đố mà các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu cần phải giải quyết. Các ngài viết: “Các quốc gia và công dân được kêu gọi liên đới với những người gõ cửa của chúng ta để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn”, đồng thời lưu ý rằng “Sự hiếu khách và chào đón người nước ngoài từ lâu đã là biểu hiện của tình yêu và sự tôn trọng phẩm giá của mỗi con người”.

Hiện tượng di cư cũng giúp cho chúng ta cơ hội suy tư về gốc rễ và nguyên nhân của nó. Các Giám mục Slovenia nhấn mạnh đến chiến tranh, buôn bán vũ khí, các chính sách kinh tế bất công, nghèo đói và tham nhũng.

Pháp

Trong một thông cáo, các mục Pháp nhắc lại sự cần thiết phải có “sự hợp tác chặt chẽ” giữa các Kitô hữu và các cơ quan chính trị trong việc chào đón những người di cư, nếu không có nó, thì sự chào đón là không thể”.  Các ngài nhắc lại một danh sách các dự án trong những năm gần đây, đã được nhân rộng tại các Giáo phận Pháp ủng hộ người di cư và người tị nạn, đồng thời canh tân sự cam kết của họ “đóng góp” và thêm tiếng nói của họ vào cuộc đối thoại đang diễn ra với chính phủ Pháp.

Áo

Các Giám mục Áo hoàn toàn hoàn ủng hộ lời kêu gọi của Đức Thánh Cha và kêu gọi chính phủ Liên bang cùng họ giải quyết “số phận bi thảm” của những người tị nạn trong Liên minh Châu Âu. Các ngài yêu cầu các nhà lãnh đạo chính trị thực hiện một “dấu hiệu liên đới và nhân văn” cụ thể và đón nhận một trăm gia đình” từ các trại tiếp nhận Châu Âu đã được công nhận tình trạng tị nạn.”

Đức

Về phía các Giám mục Đức, thông qua một tuyên bố do Đức Tổng Giám mục Stefan Hesse của Hamburg ký, các ngài cũng đưa ra phản ứng tích cực đối với lời kêu gọi của Đức Thánh Cha về việc phân phối công bằng các cam kết và trách nhiệm đối với những người tìm kiếm nơi trú ẩn ở Châu Âu.

Đức cha Hesse không chỉ lưu ý đến tình hình của những người tị nạn ở Địa Trung Hải, mà cả các tình huống nguy cấp ở các khu vực khác nhau, đặc biệt là ở biên giới phía Đông của Liên minh Châu Âu và ở Balkan. Trong bối cảnh này, Giáo hội ở Đức kêu gọi mở rộng các chương trình tiếp nhận và nỗ lực nhiều hơn để vượt qua cuộc khủng hoảng nhân đạo tại các biên giới bên ngoài của Châu Âu, đồng thời, nhắc lại sự sẵn sàng cộng tác với giới lãnh đạo chính trị mới của đất nước.

Tây Ban Nha

Tại Tây Ban Nha, trong một tuyên bố, Ủy ban Chăm sóc Mục vụ Xã hội và Thăng tiến Con người của Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận người di cư tại các Giáo phận nước này. Ủy ban cũng cam kết phối hợp với Nhà nước – ở tất cả các cấp – để thúc đẩy việc tạo ra các hành lang nhân đạo và các giải pháp ổn định và bao gồm.

Cơ quan Tị nạn Dòng Tên

Ủng hộ lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, trong một tuyên bố Cơ quan Tị nạn Dòng Tên (JRS), tổ chức lo việc chào đón, bảo vệ, thăng tiến và hòa nhập những người di cư, nói rằng “Chúng tôi nghĩ rằng, tận sâu trong lòng chúng ta ẩn chứa khả năng mở rộng cửa với những người xung quanh: là con người, chúng ta được thúc đẩy để chào đón những người xa lạ và xây dựng các mối quan hệ mới. Các cộng đoàn đón tiếp của chúng tôi ở khắp Châu Âu như những không gian gặp gỡ thực sự và là lời mời trở thành nhân chứng của hy vọng. Tất cả chúng ta đều chiến thắng khi lòng nhân đạo trở thành lòng hiếu khách, bởi vì khi đó, lòng hiếu khách trở thành lòng nhân đạo.”

Nguồn: vaticannews.va/vi/

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi