Ngọc Yến
Trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí “50 ngàn khuôn mặt” của Hiệp hội các nhà điều hành y tế Ý , Đức Thánh Cha khuyến khích tổ chức này với các hoạt động đang thực hiện, giúp nhiều người “vượt qua bóng tối và không cảm thấy cô đơn”.
Hiệp hội các nhà điều hành y tế Ý hoạt động tích cực trong việc hỗ trợ tại nhà và tại cơ sở y tế cho những người có nhu cầu, phục hồi chức năng, dịch vụ bệnh viện và các dịch vụ phúc lợi xã hội, và có một tạp chí “50 ngàn khuôn mặt” cung cấp thông tin cho độc giả, kể câu chuyện của những người mà tổ chức này hỗ trợ. Chính trên những trang này, Đức Thánh Cha đã đưa ra một suy tư và một lời mời gọi quảng bá một nền văn hóa chăm sóc.
Trong cuộc phỏng vấn, đề cao khả năng và sự cần thiết của “sự dịu dàng”, Đức Thánh Cha nói rằng, sự dịu dàng không chỉ thể hiện sự gần gũi, mà còn mời gọi tham gia vào cuộc sống cụ thể của con người. Ngài nói: “Sự gần gũi được hiểu như là sự chia sẻ, gần gũi, quan tâm và yêu thương. Tôi hy vọng thử thách lớn mà chúng ta đã trải qua trong đại dịch làm cho chúng ta mong mỏi sự gần gũi mới giữa chúng ta. Một sự dịu dàng mới”.
Sau đó, Đức Thánh Cha chú ý đến trẻ em và người già, “những công dân chính của các vùng ngoại vi hiện sinh” của một xã hội tập trung vào hiệu suất. Ngài nói: “Cuộc sống của họ bị coi là vô dụng. Tuy nhiên, tôi tin rằng cuộc gặp gỡ thế hệ giữa trẻ em và người già phải được lấp đầy bởi một văn hóa biết cách gắn kết và hòa nhập loại hình mong manh này. Đây là một vấn đề của nhân loại”.
Ngài nói thêm: “Chỉ khi chúng ta quay lại chăm sóc những người bị loại ra bên lề thì chúng ta mới thấy dấu hiệu của sự thay đổi thực sự. Chỉ khi chúng ta làm việc để không còn xung đột thế hệ, can đảm gắn kết những người nhỏ và lớn, trẻ em và người già lại với nhau, thì khi đó chúng ta mới trải nghiệm một chất lượng sống mới trong xã hội”.
Tổ chức này hỗ trợ mọi người tại nhà, một chiều kích chăm sóc tình cảm. Đối với Đức Thánh Cha, nhà “không chỉ đơn giản là một nơi trú ngụ, nhưng trên hết, là một mối quan hệ mang lại năng lực mới để đối diện với thử thách. Điều này không có nghĩa là các cơ sở y tế trở nên vô dụng, nhưng chúng phải trở thành phương sách cuối cùng trong để trải qua căn bệnh và đau khổ”.
Dựa trên kinh nghiệm gần đây của ngài tại bệnh viện, Đức Thánh Cha đề xuất các quy tắc đơn giản cho nhân viên y tế nhưng về bản chất, liên quan đến những người sống phục vụ và làm việc một cách nhân bản: “Nhìn vào mắt bệnh nhân, trong nỗi đau khổ của họ, không bao giờ coi thường họ, rồi lắng nghe để họ có thể trao phó những đau khổ họ đang phải trải qua”.
Câu hỏi cuối cùng liên quan đến nỗi đau và cái chết, Đức Thánh Cha khuyên mọi người không bỏ chạy nhưng hãy ở gần bệnh nhân trong giây phút họ đang phải chiến đấu. Ngài khẳng định: “Thiên Chúa luôn tìm cách hiện diện trong cuộc sống chúng ta, ngay cả khi chúng ta cảm nhận Người xa cách hoặc bị bỏ rơi. Đây là sức mạnh của chúng ta. Và ngay cả khi chúng ta không nhận ra, thì trong đêm tối, sự Phục Sinh vẫn hoạt động. Chỉ với thời gian, chúng ta mới nhận ra rằng, ngay cả trong đêm tối sâu thẳm vẫn có một ánh sáng hiện diện. Trong lúc chờ đợi để nhận ra điều này, chúng ta chỉ có thể tiếp tục giúp đỡ lẫn nhau”.
Nguồn: vaticannews.va/vi/
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.