Gm. Phêrô Nguyễn Văn Viên
Trong tiếng Do-thái danh từ ‘công chính’ là צְדָקָה/tzedaqah (righteousness); tính từ ‘công chính’ là צַדִיק/tsadaq (righteous), và động từ là צדק/tsiddeq (justify, to be righteous). Còn trong tiếng Hy-lạp, danh từ ‘công chính’ là δικαιοσύνη/dikaiosune (righteousness); tính từ ‘công chính’ là δίκαιος/dikaios (righteous), động từ là δικαιόω/dikaioô (justify, to be righteous). Tuy nhiên, từ công chính trong tiếng Do-thái có nghĩa rộng hơn trong tiếng Hy-lạp. Theo đó, công chính liên quan đến lẽ phải, công bằng, công minh, chính trực, ngay thẳng, thỏa đáng, đúng đắn, thẳng thắn, thành thật, chính xác, đơn sơ, khiêm tốn, thanh cao. Chẳng hạn, người công chính là người sống ngay thẳng, ăn ở tốt lành theo lề luật của Thiên Chúa và thương yêu anh chị em mình như giáo huấn của Người. Công chính là một trong những đặc tính căn bản khi nói về Thiên Chúa. Đối với con người, công chính liên quan đến cách hành xử phù hợp với luân thường đạo lý (Lv 19,36; Đnl 25,1; Cn 8,20). Người công chính là người biết kiềm chế bản thân và hành xử theo lẽ phải, lẽ công minh, chính trực (Ed 18,5-9). Trong nhãn quan Kinh Thánh, công chính vừa là món quà của Thiên Chúa vừa là tác vụ của người lãnh nhận.
Theo nội dung đức tin Ki-tô Giáo, từ công chính gần nghĩa với từ thánh thiện. Trong một số trường hợp, từ công chính và từ thánh thiện được dùng gần như nhau, chẳng hạn, nói rằng thánh Gio-an Tẩy Giả là người thánh thiện cũng tương tự như nói rằng thánh Gio-an Tẩy Giả là người công chính. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt cách dùng hai từ này: Thánh thiện thường dùng để chỉ con người, sự vật, hiện tượng được dành riêng, được tuyển chọn, được tách ra, được thánh hiến. Trước hết, thánh thiện được dùng để chỉ những gì được dâng hiến cho Thiên Chúa hoặc phục vụ chương trình của Người. Kế đến, thánh thiện cũng nhằm chỉ một người nào đó thay vì để đời sống mình ‘trôi nổi theo dòng đời’ lại tự hiến, đặt mình trong tình trạng luôn cộng tác với Thiên Chúa để được biến đổi không ngừng hầu ngày càng thánh thiện hơn. Công chính liên quan nhiều tới việc làm của con người, còn thánh thiện liên quan nhiều tới tình trạng của con người. Như thế, công chính liên quan nhiều hơn tới hành động hay cách thức hành xử (behaviour), còn thánh thiện liên quan nhiều hơn tới đặc tính hay tính cách (character). Công chính thiên về nghĩa nhân học, còn thánh thiện thiên về nghĩa thần học. Đối với Thiên Chúa, sự công chính của Người cũng là sự thánh thiện của Người và ngược lại.
Sách Sáng Thế cho chúng ta biết rằng A-đam và E-và có hai người con là Ca-in và A-ben (em của Ca-in). A-ben được mệnh danh là người công chính bởi vì A-ben làm những việc tốt lành theo thánh ý Thiên Chúa, còn Ca-in thì không (St 4,1-12). Trong hành trình loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su cũng gọi A-ben là người công chính (Mt 23,35). Khi viết thư cho các tín hữu, thánh Gio-an Tông Đồ căn dặn: “Chúng ta đừng bắt chước Ca-in: Nó là người của Ác thần, nên đã giết em mình. Tại sao nó đã giết em? Bởi vì các việc nó làm thì xấu xa, còn các việc em nó làm thì công chính” (1 Ga 3,12). Sau A-ben, Nô-ê cũng được gọi là người công chính. Theo sách Sáng Thế, sau khi Nguyên Tổ nhân loại sa ngã, sự gian ác của con người ngày càng gia tăng trên mặt đất. Nô-ê đã không theo vết chân của những người đương thời nhưng theo thánh ý Thiên Chúa: “Ông Nô-ê là người công chính, hoàn hảo giữa những người đồng thời, và ông đi với Thiên Chúa” (St 6,9). Nô-ê ‘hoàn hảo giữa những người đồng thời’ có nghĩa rằng ông luôn sống và hành động cách đúng đắn, đẹp lòng Thiên Chúa. Đặc biệt, ‘Nô-ê đi với Thiên Chúa’ có nghĩa rằng ông luôn gần gũi với Người, nhờ đó tất cả những gì phát xuất từ ông đều sinh hoa kết quả tốt đẹp. Trong khi mọi xác phàm có sinh khí và mọi loài trên mặt đất bị tiêu diệt, Thiên Chúa đã lập giao ước với Nô-ê cũng như các thành viên trong gia đình ông. Thiên Chúa còn căn dặn ông đem theo những gì cần thiết cho sự sống của gia đình trong khoảng thời gian đại hồng thủy cũng như tương lai mai ngày. Theo tác giả sách Huấn Ca: “Ông Nô-ê được xem là người công chính vẹn toàn; trong thời thịnh nộ, ông đã trở thành một chồi non: Nhờ có ông, mặt đất còn lại một số sót, khi hồng thuỷ xảy ra” (Hc 44,17).
Lịch sử Dân Thiên Chúa trong Cựu Ước bắt đầu với Áp-ra-ham, người công chính. Ông luôn tin vào lời hứa và giao ước của Thiên Chúa. Theo tác giả sách Sáng Thế: “Ông tin Đức Chúa, và vì thế, Đức Chúa kể ông là người công chính” (St 15,6). Trong hành trình về miền đất Thiên Chúa hứa ban, Áp-ra-ham phải đương đầu với bao nghịch cảnh nhưng ông luôn phó thác mọi sự cho Thiên Chúa và sống công chính trước mặt Người. Sau khi thắng trận, trên đường trở về, Áp-ra-ham gặp Men-ki-xê-đê (tên của ông có nghĩa là ‘vua công chính’; ông cai trị thành Sa-lem, nghĩa là bình an, do đó, ông cũng được gọi ‘vua bình an’) và được Men-ki-xê-đê chúc phúc. Áp-ra-ham đã chia cho Men-ki-xê-đê một phần mười chiến lợi phẩm. Tên tuổi của Áp-ra-ham và Men-ki-xê-đê tiếp tục được đề cập trong các sách Kinh Thánh khác như là những mẫu gương cho mọi người.
Để chuẩn bị cho sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su giữa lòng nhân thế, Thiên Chúa đã kêu gọi và tuyển chọn những người công chính. Người đầu tiên đáng để chúng ta quan tâm đó là thánh Giu-se. Các sách Tân Ước không cho chúng ta nhiều thông tin về thánh nhân. Tuy nhiên, thánh nhân được diễn tả là ‘người công chính’ (Mt 1,19). Cuộc đời của thánh nhân là cuộc đời thinh lặng, kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Nhờ thinh lặng nội tâm, thánh nhân biết rõ hơn về chương trình của Thiên Chúa đối với bản thân ngài cũng như toàn thể gia đình nhân loại. Chúng ta nhận thức rằng thinh lặng là ngôn ngữ của Thiên Chúa và cũng là ngôn ngữ của những người công chính. Khi con người không có đủ thinh lặng cần thiết thì khó có thể nhận ra thánh ý Thiên Chúa. Bối rối trước sự kiện người bạn đời Ma-ri-a mang thai và đó không phải là con ruột mình, thánh nhân quyết định lìa bỏ Đức Ma-ri-a cách kín đáo. Tuy nhiên, sứ thần của Thiên Chúa hiện ra với thánh nhân trong giấc mơ và bảo: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại [đừng sợ] đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,20-21). Sứ thần đã trấn an thánh Giu-se ‘đừng sợ/ μὴ φοβηθῇς’; lời này cho biết ngài là người công chính. Trong Kinh Thánh, người công chính thường sợ hãi trước chương trình của Thiên Chúa dành cho mình, chẳng hạn như Áp-ra-ham (St 15,1), I-sa-ác (St 26,24), Gia-cóp (St 28,13: LXX; x. 46,3), I-sa-i-a (Is 7,4), Đức Ma-ri-a (Lc 1,30). Thánh Giu-se là người công chính nên đã vâng phục mặc khải của Thiên Chúa như lời sứ thần truyền và thể hiện đức công chính của mình qua việc tin tưởng và chu toàn thánh ý Thiên Chúa.
Thánh Gio-an Tẩy Giả cũng là người công chính gắn bó với chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Thánh Lu-ca cho chúng ta biết về Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét (song thân của thánh Gio-an Tẩy Giả): “Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì” (Lc 1,6). Thánh nhân đóng vai trò như là người dọn đường cho Đức Giê-su. Vai trò tiền trạm của thánh nhân đã được loan báo trong Cựu Ước: “Công lý đi tiền phong trước mặt Người, mở lối cho Người đặt bước chân” (Tv 85,14). Cuộc đời của thánh Gio-an Tẩy Giả minh chứng về sự công chính của ngài. Đặc biệt, thánh nhân đã trung thành diễn tả đức công chính bằng mạng sống mình. Ngoài những người công chính mà chúng ta đã đề cập, trong Kinh Thánh, chúng ta còn gặp những khuôn mặt công chính khác, chẳng hạn như ông Lót (2 Pr 2,7), Giô-xếp (Lc 23,50), Si-mê-ôn (Lc 2,25), Co-nê-li-ô (Cv 10,22). Tất cả những người công chính trong Kinh Thánh là những hình ảnh loan báo hoặc diễn tả Đức Giê-su là Đường Công Chính của Thiên Chúa.
Sau quãng đời thơ ấu thinh lặng, đặc biệt những năm tháng dài ở làng quê Na-da-rét, lúc ba mươi tuổi, Đức Giê-su bắt đầu sứ mệnh công khai với việc tới sông Gio-đan xin thánh Gio-an Tẩy Giả làm phép rửa. Sự kiện này thật khó hiểu đối với mọi người bởi vì Đức Giê-su không bao giờ phạm tội, Người không cần hoán cải để đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao khi thấy Đức Giê-su xin chịu phép rửa, thánh Gio-an Tẩy Giả thốt lên rằng: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” (Mt 3,14). Đức Giê-su nói với thánh nhân: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3,15). Lời Đức Giê-su ‘chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính’ có nghĩa rằng cả Đức Giê-su và thánh Gio-an Tẩy Giả cần phải thực thi ý định của Thiên Chúa để làm cho sự công chính được kiện toàn. Hình ảnh Đức Giê-su chịu phép rửa là hình ảnh diễn tả sự chết và sống lại của Người hầu giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết. Đó là lý do tại sao khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong thì trời mở ra và Thần Khí Thiên Chúa như chim bồ câu đậu xuống trên Người và có tiếng từ trời minh chứng Người là Con yêu dấu của Thiên Chúa (Mt 3,16-17). Mối tương quan giữa việc Đức Giê-su chịu phép rửa và chủ đề ‘công chính’ cho phép chúng ta phân biệt rõ hơn phép rửa Đức Giê-su truyền lại cho các môn đệ thực thi và phép rửa của Gio-an Tẩy Giả trong Tin Mừng (Mt 3,11; Cv 18,25; Cv 19,3-6; Lc 3,16; Mt 28,16-20).
Trong bốn tác giả Tin Mừng (Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca và Gio-an), chúng ta gặp từ công chính ở các trình thuật của thánh Mát-thêu nhiều nhất. Với Bài Giảng Trên Núi, Đức Giê-su năm lần sử dụng từ công chính và từ này có thể xem như ‘từ khóa’ của Bài Giảng Trên Núi (Mt 5,6.10.20.45; 6,33). Trong Tám Mối Phúc của Bài Giảng Trên Núi thì có hai mối phúc liên quan đến chủ đề ‘công chính’, đó là: (1) “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng” [Μακάριοι οἱ πεινῶντες καὶ διψῶντες τὴν δικαιοσύνην, ὅτι αὐτοὶ χορτασθήσονται] (Mt 5,6) và (2) “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” [Μακάριοι οἱ δεδιωγμένοι ἕνεκεν δικαιοσύνης, ὅτι αὐτῶν ἐστιν ἡ βασιλεία τῶν οὐρανῶν] (Mt 5,10). Hai mối phúc thứ tư và thứ tám này liên kết với nhau, chia tám mối phúc này thành hai nhóm cân đối. Trong bốn mối phúc đầu tiên, các đối tượng được chúc phúc đều bắt đầu bằng chữ ‘π-‘ (πτωχοὶ: nghèo khó; πραεῖς: hiền lành; πενθοῦντες: sầu khổ; πεινῶντες: khát khao) liên quan đến tình trạng hay thái độ, thì bốn phúc sau liên quan đến các hành động cụ thể của người được chúc phúc. Nếu ‘thánh thiện’ được dùng để chỉ tình trạng và ‘công chính’ để chỉ hành động, thì tám mối phúc này giúp con người nên ‘thánh thiện và công chính’. Khi khai triển các mối phúc, nhất là giới răn yêu thương, Đức Giê-su mời gọi những ai theo Người phải yêu kẻ thù để minh chứng rằng họ là con cái Thiên Chúa, Đấng “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45). Đặc biệt, Đức Giê-su dạy các môn đệ biết quan tâm hơn đến Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người trong cuộc sống mình (Mt 6,33).
Cũng trong bối cảnh Bài Giảng Trên Núi, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng nếu họ không công chính hơn các kinh sư và những người Pha-ri-sêu thì họ sẽ không được vào Nước Thiên Chúa (Mt 5,20). Quả thực, trong hành trình rao giảng, nhiều lần Đức Giê-su khiển trách các kinh sư và những người Pha-ri-sêu, chẳng hạn: “Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!” (Mt 23,28). Họ cố gắng xây mồ, tô mả cho các ngôn sứ và những người công chính trong quá khứ. Tuy nhiên, họ lại ‘mù lòa’ đến nỗi không nhận ra Đức Giê-su là Đấng Công Chính đang hiện diện và hoạt động giữa họ. Đức Giê-su cho các môn đệ biết rằng sự công chính của họ phải vượt qua sự công chính hình thức bên ngoài của những người Pha-ri-sêu và các kinh sư trong xã hội Do-thái đương thời. Để có thể đạt được sự công chính đó, họ cần dõi theo Đức Giê-su và giáo huấn của Người trong mọi hoàn cảnh của đời mình.
Đức Giê-su giới thiệu dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế cầu nguyện trong đền thờ hầu giúp mọi người nhận ra ai là người công chính đúng nghĩa. Người Pha-ri-sêu đứng thẳng và thầm thì rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18,11-12). Người Pha-ri-sêu tự tin lượng định, đánh giá và đưa ra kết luận cách mặc nhiên rằng mình là người công chính dựa trên công đức mình làm. Ông kể lại công lao tuân giữ lề luật và khinh chê người khác, cụ thể là người thu thuế ở cuối đền thờ đang cúi mình, đấm ngực ăn năn hối cải. Tâm tình của người thu thuế khi ông khiêm tốn cậy dựa vào Thiên Chúa hoàn toàn đối nghịch với tâm tình của người Pha-ri-sêu kiêu ngạo tự đắc. Trong đền thờ, người thu thuế đã diễn tả được ba điều quan trọng: (1) Khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa, (2) nhận thức rằng mình là người tội lỗi và (3) cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa. Đức Giê-su nói với những người đang lắng nghe rằng người thu thuế trở thành người công chính còn người Pha-ri-sêu thì không. Bởi vì, người Pha-ri-sêu tới đền thờ để ‘biểu diễn công đức’ chứ không phải cầu nguyện. Hơn nữa, người Pha-ri-sêu còn thiếu bác ái đối với người thu thuế là đồng hương của mình và kết án ‘người thân cận’ ngay trong đền thờ của Thiên Chúa. Do đó, ‘việc cầu nguyện’ của người Pha-ri-sêu ‘chẳng được ích gì mà còn thêm tội nặng lắm’.
Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng công chính không chỉ là một trong những đặc tính của Đức Giê-su, mà chính Đức Giê-su là Đấng Công Chính. Lời của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a diễn tả điều đó: “Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đa-vít một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh” (Gr 23,5). Trong Tân Ước, thánh Gio-an Tông Đồ, người môn đệ được Đức Giê-su yêu mến đã viết: “Nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: Đó là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính. Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (1 Ga 2,1-2). Thánh nhân đã tựa đầu vào trái tim Đức Giê-su trong Bữa Tiệc Ly và đã lắng nghe nhịp đập của trái tim Đấng Công Chính. Nhờ đó, ngài có được cảm thức sâu rộng về mối tương quan giữa Đức Giê-su, Đấng Công Chính và những ai sống theo giáo huấn của Người: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, đừng để ai làm cho anh em đi lạc đường. Ai sống công chính, kẻ ấy là người công chính, như Đức Giê-su là Đấng Công Chính” (1 Ga 3,7). Trong Giáo Hội sơ khai, khi giảng dạy cho dân Do-thái, thánh Phê-rô cũng nói với họ về Đức Giê-su là Đấng Công Chính (Cv 3,14).
Không chỉ các ngôn sứ hay môn đệ Đức Giê-su minh chứng rằng Người là Đấng Công Chính, những người không biết nhiều về Đức Giê-su hay truyền thống Do-thái Giáo cũng nhìn nhận như vậy. Chẳng hạn, trong cuộc khổ nạn của Đức Giê-su, thánh Mát-thêu trình thuật: “Lúc tổng trấn [Phi-la-tô] đang ngồi xử án, thì bà vợ sai người đến nói với ông: Ông đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này, vì hôm nay, tôi chiêm bao thấy mình phải khổ nhiều vì ông ấy” (Mt 27,19). Còn thánh Lu-ca thì trình thuật rằng sau khi Đức Giê-su tắt thở, “thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: Người này đích thực là người công chính!” (Lc 23,47). Vợ của Phi-la-tô hay viên đại đội trưởng là ‘những người xa lạ’ đã chứng kiến Đức Giê-su là Đấng Công Chính chịu đau khổ, chịu chết cách bất công bởi bàn tay của những người ngoại bang Rô-ma dưới áp lực của dân Do-thái, nhất là giới lãnh đạo. Như vậy, vợ của Phi-la-tô và viên đại đội trưởng là những người có cảm thức sâu xa về sự công chính mà Đức Giê-su đã sống và diễn tả. Phải chăng họ là những người đang trở về với Đường Công Chính!
Đức Giê-su là Tôi Tớ Công Chính của Thiên Chúa đã được loan báo trong Cựu Ước (Is 52,13-53,12). Người đã hạ mình gánh lấy muôn vàn khổ nhục hầu làm cho mọi người trở nên công chính: “Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53,11). Nhờ Đức Giê-su, Tôi Tớ Công Chính, con người được biến đổi từ thân phận nô lệ của các thế lực gian ác thành những người công chính thánh thiện trước nhan Thiên Chúa. Thánh Phao-lô làm rõ điểm này khi viết: “Trước kia anh em làm nô lệ tội lỗi, nhưng nay anh em đã hết lòng vâng theo quy luật đạo lý đã đào tạo anh em. Anh em đã được giải thoát khỏi ách tội lỗi mà trở thành nô lệ sự công chính” (Rm 6,17-18). Trong thư gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh nhân còn giải thích rõ hơn: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5,21). Dưới nhãn quan của thánh Phao-lô, hành động của người nô lệ tội lỗi và người công chính khác nhau: Người nô lệ tội lỗi làm những điều gian ác, còn người công chính làm những điều tốt đẹp.
Tương tự nhãn quan của các ngôn sứ Cựu Ước và cũng như thánh Phao-lô, thánh Phê-rô biện luận rằng Đức Giê-su đã mang lấy gánh nặng tội lỗi của mọi người trong gia đình nhân loại. Người đã hiến tế chính mình cách hoàn hảo hầu cứu độ và giải thoát muôn người (1 Pr 2,21-25). Chúng ta biết rằng trong Cựu Ước, hiến tế của Áp-ra-ham là hiến tế ‘chưa hoàn thành’ bởi vì con trai của Áp-ra-ham là I-xa-ác không bị giết chết, thay vào đó là con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây (St 22,1-19). Tương tự như vậy, hiến tế khởi đầu biến cố vượt qua của dân Do-thái khi còn ở Ai-cập cũng như các hiến tế khác trong lịch sử Cựu Ước là những dấu chỉ hướng về hiến tế Đức Giê-su là Đấng Công Chính. Máu chiên bò đổ ra trong các hình thức tế tự Cựu Ước là dấu chỉ hướng về Máu Đức Giê-su đổ ra để thiết lập Giao Ước Mới và Vĩnh Cửu giữa Thiên Chúa và loài người. Như con cừu chết thay cho I-xa-ác, Đức Giê-su là Đấng Công Chính chết thay cho con cháu của A-đam và E-và, cho mọi người trong gia đình nhân loại từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế.
Trong bài giảng về cuộc phán xét chung, Đức Giê-su đã dùng hình ảnh người mục tử tách biệt chiên và dê (Mt 25,31-46). Chiên đứng bên phải, dê ở bên trái. Bên phải bao gồm những người đã làm ‘những điều phải’, nghĩa là thực thi đức công chính. Họ được mời gọi vào hưởng hạnh phúc Nước Thiên Chúa. Còn bên trái bao gồm những người đã làm ‘những điều trái’, nghĩa là làm những điều bất chính. Họ phải ra đi để chịu cực hình muôn kiếp. Với dụ ngôn này, Đức Giê-su cho mọi người biết rằng Người đến trần gian để thiết lập Nước Thiên Chúa, Nước Công Chính, hầu những ai đón nhận và sống theo những giá trị của Nước này thì được hưởng hạnh phúc dành cho người công chính. Nước Công Chính đang lớn dần giữa lòng thế giới thụ tạo cho đến khi Thiên Chúa quy tụ muôn vật muôn loài trong Đức Giê-su ở thời cánh chung (Lc 13,18-21; Ep 1,9-10). Hôm nay, Đức Giê-su vẫn luôn đồng hành và hướng dẫn các công dân của Nước này. Với Đức Giê-su, công chính là đặc điểm căn bản của Nước Thiên Chúa. Còn thánh Phao-lô, khi đề cập đến Nước Thiên Chúa, một mặt, thánh nhân diễn tả Nước Thiên Chúa như là thực tại nhiệm mầu (1 Cr 4,20; 2 Tm 4,18). Mặt khác, thánh nhân cho biết: “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).
Sự công chính mà Đức Giê-su diễn tả trong hành trình trần thế là ‘sự công chính có hướng’, bởi vì, trong mọi hoàn cảnh, Người luôn quy hướng về Đức Chúa Cha. Đặc biệt, trước khi bước vào cuộc khổ nạn, chịu chết và sống lại để hoàn tất chương trình cứu độ, Đức Giê-su đã thân thưa với Đức Chúa Cha rằng: “Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa” (Ga 17,25-26). Với Đức Giê-su, Đức Chúa Cha là Nguồn Gốc và là Mô Phạm (Paradigm) của các hình thức công chính trong thế giới thụ tạo. Tư tưởng, lời nói và việc làm của Đức Giê-su kiện toàn mặc khải Thiên Chúa trong Cựu Ước: “Ta là Đức Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước” (Is 42,6).
Tác giả sách Tông Đồ Công Vụ kể lại rằng, sau khi thánh Phê-rô và Gio-an chữa một người què từ khi lọt lòng mẹ, thánh Phê-rô đã nói với dân chúng: “Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: Về điều này, chúng tôi xin làm chứng” (Cv 3,14-15). Trong thư thứ nhất, thánh nhân khẳng định: “Chính Đức Ki-tô đã chịu chết một lần vì tội lỗi – Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương- hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh” (1 Pr 3,18). Sự nhận thức của thánh Phê-rô về Đức Giê-su phù hợp với nhãn quan của thánh Gio-an Tẩy Giả khi nói về Đức Giê-su: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Đối với thánh Phê-rô và Gio-an Tẩy Giả, qua Đức Giê-su, Thiên Chúa đã diễn tả sự công chính của Người theo cách thức vượt quá tầm hiểu biết của mọi người từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế.
Trong hành trình loan báo Tin Mừng, thánh Phao-lô đã kể lại sự hoán cải của ngài, từ một người bất chính, tội lỗi, bách hại các Ki-tô hữu trở thành chứng nhân trung thành loan báo Đức Giê-su và Tin Mừng của Người. Ngài kể về việc ông Kha-na-ni-a cho ngài biết chương trình kỳ diệu của Thiên Chúa đối với ngài: “Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã chọn anh để anh được biết ý muốn của Người, được thấy Đấng Công Chính và nghe tiếng từ miệng Đấng ấy phán ra” (Cv 22,14). Thánh nhân đã có kinh nghiệm về Đức Giê-su, Đấng Công Chính và ngài đã sống và chết vì Đấng đó. Đặc biệt, đối với thánh Phao-lô, công chính là chủ đề trung tâm của Kinh Thánh. Trong thư viết cho Ti-mô-thê, thánh nhân khẳng định: “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính” (2 Tm 3,16). Thánh nhân cũng bày tỏ niềm hy vọng vào phần thưởng mà Thiên Chúa dành cho người công chính: “Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện” (2 Tm 4,8). Chủ đề công chính được thánh nhân khai triển cách mạch lạc trong các thư của ngài, nhất là thư gửi tín hữu Rô-ma và thư gửi tín hữu Ga-lát.
So với các tác giả Tân Ước, thánh Phao-lô đề cao tương quan giữa đức tin và công chính, chẳng hạn: “Chỉ có một Thiên Chúa, Đấng làm cho người được cắt bì nên công chính vì họ tin, và làm cho người không được cắt bì nên công chính cũng bởi họ tin” (Rm 3,30) hay: “Kinh Thánh thấy trước rằng Thiên Chúa sẽ làm cho dân ngoại nên công chính nhờ đức tin, nên đã tiên báo cho ông Áp-ra-ham tin mừng này: Nhờ ngươi, muôn dân sẽ được chúc phúc” (Gl 3,8). Điều đáng để chúng ta quan tâm là cần hiểu tư tưởng của ngài khi so sánh giữa đức tin và công chính, đức tin và lề luật, đức tin và lý trí. Thánh Phao-lô không phải là người theo ‘chủ nghĩa duy tín’ (fideism), nghĩa là chỉ có ‘tin’, những điều khác không quan trọng. Ngược lại, tư tưởng của ngài rất quân bình, hòa hợp. Chẳng hạn, trong thư gửi tín hữu Rô-ma, ngài viết: “Người ta được Thiên Chúa coi là công chính, không phải vì nghe biết Lề Luật, nhưng là vì tuân giữ Lề Luật” (Rm 2,13). Khi khuyên dạy Ti-mô-thê, thánh Phao-lô viết: “Anh hãy tránh xa các đam mê của tuổi trẻ, cố gắng trở nên người công chính, giàu lòng tin và lòng mến, ăn ở thuận hòa cùng những ai kêu cầu Chúa với tấm lòng trong sạch” (2 Tm 2,22).
Người công chính diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của mình không chỉ bởi đức tin mà còn hành động nữa. Trong sách Đệ Nhị Luật, Mô-sê nói với dân Do-thái: “Chúng ta sẽ là người công chính, nếu chúng ta lo đem ra thực hành tất cả mệnh lệnh này trước nhan Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, như Người đã truyền cho chúng ta” (Đnl 6,25). Thánh Gia-cô-bê viết: “Ông Áp-ra-ham tổ phụ chúng ta, đã chẳng được nên công chính nhờ hành động, khi ông hiến dâng con mình là I-xa-ác trên bàn thờ đó sao? Bạn thấy đó: Đức tin hợp tác với hành động của ông, và nhờ hành động mà đức tin nên hoàn hảo” (Gc 2,21-22). Đồng thời, thánh nhân cũng viết: “Một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,26). Như vậy, người công chính không chỉ là người đặt niềm tin vào Đức Giê-su cũng như khao khát sống đời công chính mà còn thực thi những điều Đức Giê-su truyền dạy.
Trong Giáo Hội sơ khai, các môn đệ Đức Giê-su tiếp tục diễn tả và làm chứng rằng Người là Đấng Công Chính của Thiên Chúa. Thánh Tê-pha-nô (vị tử đạo đầu tiên của Ki-tô Giáo) đã có bài diễn từ sâu sắc về chương trình của Thiên Chúa đối với dân Do-thái cũng như toàn thể nhân loại (Cv 7,1-60). Với thánh nhân, chương trình đó được trở thành hiện thực nơi Đức Giê-su. Tuy nhiên, nhiều người Do-thái, nhất là giới lãnh đạo, cộng tác với những người cầm quyền Rô-ma đối xử bất chính với Đức Giê-su và đóng đinh Người vào thập giá. Thánh Tê-pha-nô đã làm chứng cho Đức Giê-su trước những người Do-thái rằng: “Có ngôn sứ nào mà cha ông các ông không bắt bớ? Họ đã giết những vị tiên báo Đấng Công Chính sẽ đến; còn các ông, nay đã trở thành những kẻ phản bội và sát hại Đấng ấy. Các ông là những người đã lãnh nhận Lề Luật do các thiên sứ công bố, nhưng lại chẳng tuân giữ” (Cv 7,52-53). Sau đó, họ đã ném đá thánh nhân cho đến chết. Lời cuối cùng của thánh nhân trước khi chết là lời cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho những kẻ giết mình: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (Cv 7,60). Lời này cũng tương tự như lời của Đức Giê-su, Đấng Công Chính, trước khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Mọi người trong gia đình nhân loại được mời gọi lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy để được thánh hóa và trở nên công chính (1 Cr 6,11). Tuy nhiên, bao lâu còn trong hành trình dương thế, con người cần phải hướng về Đức Giê-su, Đấng Công Chính. Bởi vì, sự công chính của con người tại thời điểm nào đó trong cuộc sống không bảo đảm cho toàn bộ hành trình trần thế của mình (LG 40). Lời của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en cho chúng ta biết: “Khi người công chính từ bỏ đường công chính mà làm điều bất chính, nó sẽ phải chết” (Ed 33,18). Đặc biệt, mọi người luôn được mời gọi hoán cải: “Giả Ta nói với kẻ gian ác: Chắc chắn ngươi phải chết, nhưng nếu nó từ bỏ tội lỗi mà trở lại và thực hành điều công minh chính trực… Mọi tội lỗi nó đã phạm, người ta sẽ không còn nhớ đến nữa: Nó đã thi hành lẽ công minh, nó sẽ được sống” (Ed 33,14-16). Bao lâu còn hiện diện giữa ‘nền văn hóa A-đam và E-và’, con người còn phải đương đầu với bao nghịch cảnh và muôn hình thức tội lỗi. Do đó, con người còn phải hoán cải để ‘ngày càng công chính hơn’ như lời thánh Phao-lô trong thư gửi các tín hữu Cô-rin-tô: “Nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5,20-21). Nói cách khác, bao lâu còn sống trên trần gian, bấy lâu con người còn được mời gọi ‘trở nên công chính’ bởi vì sự công chính của con người luôn là thực tại không ngừng lớn lên hay lộ trình tiếp diễn cho đến khi thành tựu viên mãn trong Nước Thiên Chúa.
Đường Công Chính của Đức Giê-su là Đường Thập Giá. Từ thời Giáo Hội sơ khai cho đến hôm nay, nhiều Ki-tô hữu đã ‘bị bách hại vì lẽ công chính’ [δεδιωγμένοι ἕνεκεν δικαιοσύνης] (Mt 5,10). Như vậy, tử đạo hay bách hại vì lẽ công chính không phải là điều bất thường trong lịch sử Giáo Hội mà là ‘điểm chung’ của những ai trung tín với Đức Giê-su và đi Đường của Người. Thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô-khi-a, văn sỹ Te-tu-li-a-nô, thánh Au-gút-ti-nô và nhiều nhân vật nổi bật khác trong lịch sử Giáo Hội đã diễn tả và minh chứng như vậy. Nói cách khác, Đường Công Chính vẫn luôn là Đường Hẹp chứ không phải là đường thênh thang (Lc 13,22-30). Những ai đi trên Đường này cần phải sống đời khiêm hạ, từ bỏ chính mình và vác thập giá mình mà theo Đức Giê-su (Mc 8,34). Người bị bách hại vì sống công chính là người gần gũi với Đức Giê-su nhất bởi vì chính Đức Giê-su đã bị bách hại vì sống công chính. Lời của thánh Phao-lô gần hai ngàn năm trước vẫn còn nguyên giá trị: “Những ai muốn sống đạo đức trong Đức Ki-tô Giê-su, đều sẽ bị bắt bớ” (2 Tm 3,12). Như vậy, điểm chung nhất của các thánh tử đạo trong lịch sử Giáo Hội là các ngài sống đời công chính: Công chính trong đức tin, trong hành động và sẵn lòng thí mạng sống mình theo khuôn mẫu Đức Giê-su, Đường Công Chính.
Giữa lòng thế giới, có vô số con đường để chúng ta đi. Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta biết rằng chúng ta đi đường nào thì sẽ tới đích của đường đó. Trong Cựu Ước, Đức Khôn Ngoan nói: “Ta bước đi trên lối công bình, đi giữa nẻo công minh chính trực” (Cn 8,20). Còn tác giả Thánh Vịnh đã mở đầu tập sách của mình bằng Thánh Vịnh ‘Hai nẻo đường: Nẻo đường chính nhân và nẻo đường ác nhân’ (Tv 1). Sau đó, Thánh Vịnh gia diễn tả niềm tin tưởng vào sự quan tâm săn sóc của Thiên Chúa: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người” (Tv 23,1-3). Thiên Chúa khởi sự nơi chúng ta sự công chính của Người. Đồng thời, Người hằng hướng dẫn chúng ta để chúng ta biết cộng tác với Người trong tiến trình hướng về sự công chính viên mãn (LG 32). Người đi Đường Công Chính của Đức Giê-su không chỉ sống cuộc đời xa lánh tội lỗi mà còn chú tâm làm những điều lành thánh. Chúng ta có thể nói rằng người sống cuộc đời lánh xa tội lỗi đáng để chúng ta cúi đầu kính trọng, nhưng người chú tâm làm điều lành thánh đáng để chúng ta quỳ gối tôn vinh và noi gương bắt chước.
Tính sở hữu là một trong những hệ lụy của Tội Nguyên Tổ, ăn sâu vào tâm khảm của con người. Do đó, con người thường tìm kiếm những gì bảo đảm cho bản thân mình. Tuy nhiên, Đức Giê-su dạy con người phải biết tìm kiếm và chọn lựa những gì phù hợp với phẩm giá của mình. Người nói: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: Ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,33-34). Như vậy, Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người trở thành ‘đối tượng căn bản’ cho sự tìm kiếm của con người chứ không phải là ai đó, hiện tượng nào đó, biến cố nào đó, thực tại nào đó trong thế giới thụ tạo này. Để có thể thực thi giáo huấn của Đức Giê-su, Đấng Công Chính, chúng ta hãy sống theo những giá trị của Nước Thiên Chúa, những giá trị cho phép chúng ta định dạng bản thân theo Đường Công Chính của Người.
Mặc khải Kinh Thánh, đặc biệt giáo huấn của Đức Giê-su và các thánh tông đồ cho chúng ta nhận thức rằng con người không thể tự mình trở nên công chính đúng nghĩa (Rm 3,10-12). Thiên Chúa là Đấng làm cho con người trở nên công chính, đồng thời, nhờ hướng chiều về sự công chính của Người, con người ngày càng được công chính hơn. Như đã được đề cập ở trên, trong Bài Giảng Trên Núi, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng sự công chính của họ phải vượt qua sự công chính của các kinh sư và những người Pha-ri-sêu (Mt 5,20). Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô viết về những người Do-thái như sau: “Họ có lòng nhiệt thành đối với Thiên Chúa, nhưng lòng nhiệt thành đó không được sáng suốt họ không nhận biết rằng chính Thiên Chúa làm cho người ta nên công chính, và họ tìm cách nên công chính tự sức mình. Như vậy là họ không tuân theo đường lối Thiên Chúa làm cho người ta nên công chính” (Rm 10,2-3). Đặc biệt, trong thư gửi Ti-tô, thánh Phao-lô khẳng định: “Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới” (Tt 3,5). Do đó, con người cần cộng tác với Thiên Chúa trong việc công chính hóa bản thân và thực thi đức công chính với sự đồng hành và hướng dẫn của Thần Khí Thiên Chúa.
Con người trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn cần được bao phủ bởi sự công chính để mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm của mình đều diễn tả thánh ý Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, tác giả Thánh Vịnh thân thưa cùng Thiên Chúa: “Ước chi hàng tư tế của Ngài mặc lấy sự công chính, kẻ hiếu trung với Ngài được cất tiếng hò reo” (Tv 132,9). Ông Gióp biện hộ cho chính mình: “Tôi đã mặc lấy đức công chính như áo che thân, lấy lẽ công minh làm mũ đội đầu và áo khoác” (G 29,14). Lời tiên báo về Đấng Mê-si-a trong sách ngôn sứ I-sai-a: “Đai thắt ngang lưng là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành” (Is 11,5). Thấm nhuần tư tưởng Cựu Ước về việc ‘mặc lấy sự công chính’, trong thư gửi tín hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô viết: “Hãy đứng vững: Lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa” (Ep 6,14-17). Như vậy, trong cuộc sống, chúng ta cần luôn đặt câu hỏi cho mình: Chúng ta đang mặc cái gì? Chúng ta đang được bao phủ bởi cái gì? Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy mặc lấy sự công chính của Người và hãy để sự công chính của Người bao phủ hầu chúng ta có thể thực thi đời sống chứng tá cho tình yêu và sự công chính của Người giữa lòng nhân thế.
Mọi người được mời gọi cộng tác với ơn Thiên Chúa để có thể sống đời công chính, đồng thời, biết nhận ra sự cần thiết để sống theo đức công chính mà Thiên Chúa ban tặng, bởi vì: “Đức công chính giữ gìn người sống thanh liêm, còn tội lỗi đưa ác nhân đến chỗ tiêu diệt” (Cn 13,6). Như đã được đề cập ở trên, tự sức mình, con người không thể sống đức công chính cách hoàn hảo trong hành trình trần thế này. Do đó, mọi người được mời gọi quy hướng về Đức Giê-su, trông cậy và phó thác đời sống mình cho Người. Thánh Phao-lô mời gọi các tín hữu Ê-phê-xô xưa kia và chúng ta hôm nay: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,22-24). Như vậy, con người mới với tâm trí mới thấm đượm đức công chính của Thiên Chúa phải là con người mà mỗi người chúng ta cần luôn chú tâm xây dựng.
Trong Cựu Ước, ngôn sứ Đa-ni-en diễn tả một trong những thị kiến thời cánh chung như sau: “Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao” (Đn 12,3). Sứ mệnh làm cho mọi người nên công chính của Đức Giê-su được tiếp tục bởi các môn đệ của Người. Do đó, các Ki-tô hữu cần ý thức rằng họ được mời gọi không ngừng hoán cải hầu có thể trở thành khí cụ của Đức Giê-su, Đường Công Chính, giữa dòng đời. Viết thư cho các tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô căn dặn họ: “Anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa” (Rm 6,13). Đối với thánh Phao-lô, công chính tích hợp các đức tính cao quí khác của các môn đệ Đức Giê-su. Kinh nghiệm của thánh Phao-lô về hoán cải và trở thành chứng nhân của Đức Giê-su, Đường Công Chính, phải là kinh nghiệm của các Ki-tô hữu hôm nay và luôn mãi.
Qua những trình bày ở trên, chúng ta có thể kết luận rằng, theo mặc khải Ki-tô Giáo, con người được Thiên Chúa sáng tạo để sống công chính trước nhan Thiên Chúa nhưng con người đã vô ơn, bất tuân và trở thành nô lệ của bất chính, tội lỗi và sự chết. Dầu vậy, vì yêu thương, Thiên Chúa đã gửi Con của Người là Đức Giê-su đến với con người. Đường của Đức Giê-su trong hành trình trần thế là Đường Công Chính. Giáo huấn về sự công chính mà Người diễn tả có thể tóm lược vào hai điểm sau: (1) Thiên Chúa là Đấng Công Chính và nguồn gốc của các hình thức công chính trong gia đình nhân loại và (2) mọi người được mời gọi sống công chính để được thừa hưởng hoa trái dành cho người công chính trong Nước Thiên Chúa. Là Ki-tô hữu, chúng ta được mời gọi lắng nghe, đón nhận, suy niệm và thực thi giáo huấn về công chính được Đức Giê-su sống và diễn tả trong hành trình trần thế của Người. Theo đó, ưu tiên của cuộc sống chúng ta là tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người. Hôm nay, Đức Giê-su vẫn đang nói với mọi người trong gia đình nhân loại: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng” (Mt 5,6). Ước gì chúng ta luôn kết hợp mật thiết với Đức Giê-su, Đấng Công Chính và đi trên Đường Công Chính của Người, để sau khi hoàn tất hành trình trần thế, chúng ta được đón nhận vào Nước Thiên Chúa: Nước của sự công chính, bình an và hoan lạc trong Chúa Thánh Thần (Rm 14,17).
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.