(Suy niệm lễ Các Thánh Nam Nữ 1/11)
Có một đứa trẻ kia một hôm được mẹ dẫn đến nhà thờ. Bà mẹ thắp nến rồi đi ngắm đàng thánh giá. Đứa trẻ đi loanh quanh trong nhà thờ, chạy chỗ này, nhìn chỗ khác. Một lúc sau, bà mẹ gọi con, nhưng không nghe tiếng đáp. Bà rảo mắt tìm và thấy con mình đang trên gian cung thánh, chắm chú nhìn những cửa sổ kính màu.
Ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua các sửa sổ kính màu. Đứa trẻ thích thú đưa tay quờ quạng, bắt những tia sáng màu sắc rực rỡ đang chiếu vào mặt nó, tay chân và quần áo của nó. Bà mẹ gọi: “Đến đây nào.”
khi trở lại với mẹ, đứa trẻ nhìn thấy một bức tượng gần đó và hỏi: “Ai vậy mẹ?”
Người mẹ đáp: “Chúa đấy.”
Đứa trẻ chỉ một bức tượng khác và hỏi: “Còn ai đây hả mẹ?”
Người mẹ trả lời: “Đức Mẹ đấy.”
Đứa trẻ chỉ lên những cửa sổ kính màu và hỏi: “Còn trên kia là những ai vậy?”
Người mẹ mỉm cười: “Các vị thánh đấy.”
Hôm sau, đứa trẻ đi học. Cô giáo đề cập đến các thánh và đặt một câu hỏi cho các học trò: “Các thánh là ai?”
Đứa trẻ giơ tay trả lời: “Đó là những vị để cho ánh sáng chiếu xuyên qua.”
Kính thưa,
Mầu nhiệm các thánh thông công mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính sẽ được diễn ta rất cụ thể trong ngay đầu tháng 11: ngày 1/11, chúng ta mừng kính các thánh trên trời. Nơi đây các ngài đang được hưởng tôn nhan Chúa và các ngài có nhiệm vụ chuyển cầu cùng Chúa mọi ước nguyện cho chúng ta, là con cháu của các ngài. Mầu nhiệm các thánh thông công là mầu nhiệm có tính liên đới giữa những người lữ hành là chúng ta đang sống trên trần thế, với các thánh ở trên trời và với các linh hồn nơi luyện ngục mà chúng ta sẽ cử hành lễ các đẳng linh hồn vào ngày 2/11. Như vậy, chúng ta sống ở trần gian này không bị cô đơn và riêng lẻ nhưng có sự bao bọc chở che của các thánh và nối kết với các linh hồn nơi luyện hình.
1/ Các Thánh là ai?
Là người như bao người khác, các thánh cũng được sinh ra trong một gia đình, cũng phải trải qua thời gian, không gian và địa lý, cũng được học hành, làm việc, lao động, lăn lộn với cuộc sống, cũng phải bôn ba và bon chen để mưu sinh, đã không ít lần sa ngã – thất bại mà không thiếu thành công trong đường đời,…Các ngài cũng bị bắt bớ vì đạo Chúa, vì đức tin, vì sự công chính. Các ngài đã mạnh dạn, can đảm và sẵn sàng hy sinh bản thân vì Chúa cũng như vì công lý hoà bình. Các ngài đã không ngần ngại và sợ hãi trước cái chết về thể xác để cứu sự sống đời đời, cứu lấy linh hồn mình.
Có thể nói, con đường nên thánh của các ngài là Tám Mối phúc thật, 8 con đường nên thánh mà Đức Giê-su đã chỉ dạy cho những ai muốn chiếm hữu Nước Trời. Do đó, để trở thành thánh nhân, các ngài đã phải chấp nhận nhiều thiệt thòi trong đời sống dương thế là chấp nhận sống khó nghèo để chiếm được Nước Trời; là sống hiền lành để được Nước Trời làm cơ nghiệp; chấp nhận đau buồn để được ủi an; biết nhận ra đói khát sự công chính để rồi được no thỏa; biết xót thương người để được xót thương; chấp nhận giữ lòng trong sạch, để được nhìn xem Thiên Chúa; biết ăn ở thuận hòa, để được gọi là con Thiên Chúa; đặc biệt là biết chấp nhận bị bách hại vì lẽ công chính, tức là chấp nhận chết vì đạo để làm chứng cho Chúa để chiếm trọn Nước Trời là phần thưởng. Đây là con đường mà chính Chúa Giê-su đã sống, đã trải qua như là mẫu gương cho tất cả mọi người chúng ta. Nay các thánh đã bước theo Đức Giê-su vầ đã sẵn sàng đón nhận tất cả những thua thiệt ở đời này để hướng đến hạnh phúc thiên đàng mai sau, đó là sở hữu Nước Thiên Chúa.
Quả thật, ai đó đã nói: “không có thánh nhân nào mà không có quá khứ, không có tội nhân nào mà không có tương lai”. Có nhiều người trước khi trở thành thánh, họ đã có những giai đoạn cuộc đời không mấy sáng sủa, tốt đẹp không muốn nói là đầy dẫy những tội lỗi. Thế nhưng mà, họ đã khiêm tốn nhận ra được cái yếu đuối của bản thân, chấp nhận để Chúa biến đổi và sửa chữa, họ đã đón nhận được ánh mắt nhân từ và tha thứ của Thiên Chúa Tình Yêu. Cho nên đừng nghĩ rằng các thánh là những người trong sáng, tốt lành ngay từ lúc mới sinh. Các ngài cũng đã phải trải qua nhiều chông gai và thử thách lớn lao mới tới đích theo thánh ý của Thiên Chúa.
Nơi bài đọc I, tác giả sách Khải Huyền cho chúng ta biết về các thánh: đoàn người đông đảo không thể đếm được, thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế. ….Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”.
2/ Noi gương các thánh, chúng ta cũng được mời gọi nên thánh mỗi ngày
Để được gọi là thánh, là những bậc đáng kính trước mặt Thiên Chúa, các ngài đã phải cố gắng và nỗ lực mỗi ngày trong đời sống thường ngày. Dẫu không thể tránh nổi những cám dỗ của thế gian, xác thịt và ma quỷ, nhưng các ngài đã không cậy vào sức của bản thân để chiến đấu và vượt qua, thay vào đó là tin tưởng và phó thác vào sức mạnh của Chúa. Nhờ đó, mỗi lần sa ngã, mỗi lần phạm tội, các ngài đã khiêm tốn quay trở về để làm hoà với Thiên Chúa, với tha nhân, với chính mình và với thiên nhiên vũ trụ: Một Thánh Phê-rô đã biết hối cải và trở về với lòng xót thương của Đức Giê-su sau khi chối thầy ba lần; Một Augustino đã lang thang phiêu bạt, đã phạm đủ thứ tội, nhưng với ơn Chúa giúp và nhờ sự khuyên bảo cũng như lời cầu nguyện của bà Monica, ngài đã trở về; một Maria Madala, người tội lỗi, nhưng sau khi gặp Đức Giê-su, cô đã hoàn sinh và trở nên thánh để chúng ta noi theo.
Nơi các thánh, chúng ta không chỉ học biết sống khiêm nhường để nhận ra những cái sai, cái lỗi, cái tội để được Chúa xót thương, chúng ta còn phải biết hy sinh quên mình để phục vụ Chúa và tha nhân, nhất là những người nghèo. Quả thật, đức ái là dấu chỉ cũng như hành trang mang theo vào thiên đàng. Đời sống các thánh đã lột tả được gương mặt từ bi, nhân hậu và bác ái của Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô. Chúng ta cần noi gương bắt chước các nhân đức của các ngài để nhờ đó, chúng ta cũng dễ dàng trở nên thánh trong bổn phận của mình bằng những việc nhỏ bé nhưng mang vị ngọt tình yêu.
Mừng lễ các thánh nam nữ hôm nay, chúng ta chân thành xin các ngài cầu cùng Chúa cho mỗi người chúng ta có đủ niềm tin, đủ 7 ơn cả của Chúa Thánh Thần để sống đạo một cách thực tế nơi gia đình, làng xóm, chợ búa, trường học, công ty,…Chúng ta phải nỗ lực sống đạo thay vì chỉ giữ đạo, tuyên xưng đạo thay vì âm thầm sợ hãi, làm chứng cho Chúa hơn là nhút nhát trong bổn phận cho mọi người ở mọi nơi, mọi lúc ngõ hầu khi Chúa gọi chúng ta ra khỏi nhà tạm trần gian này, chúng ta cùng với các thánh hưởng kiến tôn nhan trên quê hương đích thực của chúng ta, là Nước Chúa vĩnh cửu.
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.