Một nữ tu muốn vừa là luật sư vừa muốn sống ơn gọi tu trì. Có thể không? Đó là trường hợp của sơ Francesca, 27 tuổi, dòng Phan Sinh. Sơ đã được khấn dòng và sau đó tốt nghiệp dân luật với luận án về luật hình sự, đã được báo Người đưa tin chiều của Ý kể lại. Sơ muốn làm luật sư để phục vụ người nghèo.
Bài báo không đưa ra nhiều chi tiết về sơ Francesca, nhưng có vẻ sơ đã yêu thích nghiên cứu về luật trước khi trở thành nữ tu và đã từ bỏ điều yêu thích để gia nhập dòng. Sau đó, sơ nhận ra rằng, là một nữ tu và làm một luật sư là hai điều tương thích với nhau. Sơ chia sẻ: “Khi đó tôi kết hợp đời sống tu trì với tài năng mà Chúa đã ban cho tôi, đó là niềm đam mê của tôi đối với luật pháp”.
Sơ Francesca không sử dụng Facebook hay Instagram. Chia sẻ với báo Người đưa tin chiều của Ý, sơ cho biết rằng, sơ không muốn nói về mình nhưng sơ được bề trên cho phép thuật lại câu chuyện của sơ, vì nó phản ánh một sự thật quan trọng về Giáo hội và các thành viên của các dòng tu: Họ hiện diện trong cuộc sống hàng ngày và để phục vụ những người khốn khổ nhất. Các tu sĩ luôn luôn hiện diện trong mọi giai tầng của xã hội.
Không lâu nữa, sơ Francesca sẽ hiện diện tại các phòng xử án, với chiếc khăn choàng của luật sư trên vai và chiếc lúp trên đầu, thực hiện một vai trò quan trọng: là luật sư tình nguyện tại tòa án Roma, để bào chữa cho những người yếu thế nhất. Lý do sơ muốn trở thành luật sư chính là vì thánh Phanxicô Assisi đã yêu cầu sống nghèo khó. Sơ giải thích rằng, đối với thánh nhân, sống nghèo có nghĩa là làm việc bằng chính đôi tay của mình để sống nghèo giữa những người nghèo. Sơ nói: “Ngày nay, đối với hầu hết mọi người, có một phiên tòa đang chờ xử lý là trở thành những người nghèo của thời đại chúng ta”.
Kể từ tháng 4 năm nay, sơ Francesca đã thường xuyên đến tòa án, với sự âm thầm không muốn gây chú ý, tham dự các phiên điều trần cần thiết để hoàn thành khóa thực tập và tham gia kỳ thi cấp nhà nước với tư cách là luật sư. Khi sơ được cho phép hiện diện trong phòng xử án, các thẩm phán đã kinh ngạc khi thấy một nữ tu trước mặt họ. Họ nghĩ, có lẽ sơ là một nhân chứng, chứ không nghĩ rằng sơ là một thực tập viên. Và họ rất vui được thảo luận cùng sơ trong phòng xử án. Sơ nghiên cứu kỹ càng hàng giờ, chính xác từng chi tiết của hồ sơ. Đối với sơ Francesca, sự hiện diện của sơ ở tòa án là để phục vụ người nghèo.
Trong 15 tháng nữa, khi hoàn thành kỳ thi, sơ Francesca sẽ đánh dấu một hành trình đã được bắt đầu khi sơ cảm thấy lời mời gọi đến với ơn gọi thứ hai của mình, đó là trở thành một luật sư.
Sau khi tuyên khấn lần đầu, sơ bắt đầu con đường học tập. Rời thành phố Salerno ở miền Nam nước Ý, sơ Francesca đến Roma để theo đuổi niềm đam mê. Tại đây, sơ phải phân chia thời gian của mình, chạy qua chạy lại giữa tu viện và các bài thi luật học. Sơ nhớ lại: “Con đường tốt nghiệp của tôi đầy thử thách. Nhưng tôi sẽ không nói nó vất vả, mệt mỏi… vì tôi thực sự thích những gì tôi đang học”.
Sơ Francesca đã tốt nghiệp ngành luật với số điểm 105/110. Luận án của sơ về triết học của luật pháp, tập trung các lập luận xung quanh phiên tòa hình sự. Đó là chủ đề yêu thích của sơ, như luật sư đỡ đầu thực tập của sơ đã nói: “Sơ ấy biết về lĩnh vực này nhiều hơn tôi!”
Luật sư đỡ đầu của sơ Francesca luôn nhắc rằng, ông muốn sơ nhìn vào môi trường pháp lý với đôi mắt nhân đạo, không bị vấy bẩn bởi tham vọng và lòng tham không kiềm chế. Và luôn nhắc rằng: sơ thực sự sẽ phục vụ người nghèo.
Hồng Thủy
Nguồn: vaticannews.va/vi/
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.