Đại dịch tạm qua đi, cơn bão dịch bệnh đã tan dần. Thông thường, khi cơn bão đi qua, tàn dư của nó là đống đổ nát hoang tàn: Nhà cửa sụp đổ, cây cao gãy cành nghiêng ngả, người chết chóc, chia ly, thất lạc, phân tán…
Còn bão dịch bệnh lướt qua, dư chấn của nó là: Có kẻ vĩnh viễn nằm yên bất động, có người người đứng dậy đầy những thương tích. Kẻ nằm yên bất động, vì thân xác được vùi chôn vào lòng đất, linh hồn rời bỏ thân xác mà trở về trình diện trước Nhan Thánh Chúa. Người người đứng dậy đầy những thương tích trên thân thể, do bởi di chứng của dịch bệnh để lại.
Nhưng đau thương hơn, là những xan chấn thương tổn về tinh thần: Nỗi buồn chán, vì dịch bệnh đã cướp đi người thân của họ. Sợ hãi vẫn còn hằn sâu trong tâm trí, bởi những ngày phải thở bằng máy, ăn cơm bằng ống, uống nước bằng bơm tiêm, di chuyển bằng băng ca cấp cứu.
Những ánh mắt trẻ thơ, dõi nhìn ra đầu ngõ mong mỏi mẹ cha trở về, nhưng chúng nào có biết, các ngài đã mãi nằm yên trong nấm mồ với hai nhúm tro tàn.
Kỷ niệm đau thương của những ngày phải ở yên trong nhà nhiều tháng liền, không phải để nghỉ ngơi nhưng là để lo sợ.
Những quảng trường, những con đường, phố thị tấp nập trở nên vắng lặng đến lạ thường. Đúng là sự bình yên của chết chóc.
Tiếng rít của xe cứu thương mài bánh trên những con đường, để lại sau lưng tiếng còi hụ hối hả như báo hiệu: Lại có một người nữa đang cố hít sâu, thở mạnh để níu kéo, để giành lại từng giây, từng phút của sự sống, trước cái chết đang gần kề.
Ai sẽ chữa lành những thương tích cho chúng ta? Ai sẽ xoa dịu những nỗi đau mất mát này? Ai sẽ kéo chúng ta chỗi dậy từ những nấm mộ? Và ai sẽ tiếp tục đưa tay dẫn đoàn người đầy thương tích bởi dịch bệnh, để đi tiếp cho hết những đoạn đường của cuộc sống gian truân, giữa trần gian này?
Không ai khác hơn ngoài Chúa Giêsu. Chỉ duy nhất Chúa Giêsu làm được. Người chữa lành những thương tích, bằng cách cho phép chúng ta đặt những đau đớn thân xác và tinh thần, bên cạnh những vết thương mà Chúa đã phải chịu vì chúng ta trong cuộc thương khó năm xưa.
Và giây phút này, Chúa Giêsu tiếp tục mời từng người dâng cho Chúa những thương tích, nỗi buồn, niềm đau, thất bại, chán nản, những sai phạm, thiếu sót và cả tội lỗi… Như là của lễ đẹp nhất dâng lên Chúa Cha trong mỗi Thánh lễ chúng ta tham dự hằng ngày. Và thế là, chúng ta được an ủi, được chữa lành, được xoa dịu, được băng bó, được nghỉ ngơi, được bồi dưỡng trong quyền năng siêu phàm của Chúa.
Dịch bệnh đi qua, biết bao gia đình phải nhìn cảnh người thân của mình nay không còn nữa. Vĩnh viễn nằm yên trong lòng đất? Mãi mãi chia ly tan tác? Không! Không bao giờ. Chính Chúa Giêsu sẽ kéo người thân chúng ta ra khỏi những nấm mộ. Bởi vì, Chúa đã hứa và chính Chúa đã tự thân làm được điều đó. Người thân yêu nằm xuống, không phải là ra đi mãi mãi, cũng chẳng phải yên nghỉ bất động ngàn đời. Nhưng để gieo vào lòng người ở lại niềm hy vọng. Hy vọng được đoàn tụ cùng nhau trong vương quốc của Chúa Giêsu.
Phần chúng ta, những người đang mang thương tích và tổn thương bởi dịch bệnh, tiếp tục bước đi cho cuộc sống mưu sinh giữa trần gian. Nhưng đừng sợ, Chúa Giêsu vẫn đang vác từng người trên vai, bằng cách ban ơn phù trợ của Người cho chúng ta.
Chúa Giêsu đang dẫn mỗi người bước đi giữa trần gian, không phải là cầm tay dắt lối chỉ đường. Nhưng dìu đưa bằng cách soi trí mở lòng, mỗi khi phải đương đầu hay đối diện với nghịch cảnh gian truân khốn khó.
Lạy Chúa chúng con tin: Kẻ nằm yên, Chúa cho chỗi dậy; người đứng lên, Chúa tiếp tục dẫn đường.
Lm. Phêrô Trần Trọng Khương
Nguồn: giaophanmytho.net
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.