“Fratelli Tutti”, để Tin Mừng đi vào cuộc sống

Andrea Tornielli

Được ký tại Assisi cách đây đúng một năm, ngày 3/10/2020, thông điệp gần đây nhất của Đức Giáo hoàng Phanxicô về tình huynh đệ và tình bạn xã hội không phải chỉ là một văn kiện trả lời cho những vấn đề thời sự. Nó nằm trong phạm vi lâu dài, đề nghị một con đường đích thực để đưa nhân loại thoát khỏi vực thẳm hận thù.

Một năm sau khi được công bố, vẫn còn quá sớm để xác thực liệu hiệu quả của thông điệp Fratelli tutti sẽ tương tự với hiệu quả của thông điệp Laudato si’, một văn kiện lớn khác của Đức Giáo hoàng Phanxicô, được ban hành năm 2015 hay không, mà – chưa bao giờ như trước đây – đã thu hút được sự quan tâm của những người ở xa Giáo hội, tạo ra những sáng kiến và dấn thân cụ thể khởi từ nền tảng.

Fratelli tutti cũng như Laudato si’ thuộc về huấn quyền xã hội của Giáo hội, và chúng ta phải tránh nguy cơ « chủ nghĩa giản lược », như thể đó là những văn kiện bàn về những trường hợp khẩn cấp và những vấn đề ngẫu nhiên, đề nghị những con đường cũng ngẫu nhiên. Việc bảo vệ sự sống, bảo vệ công trình tạo dựng được giao phó cho chúng ta, nền sinh thái nhân bản và  toàn diện không phải là những gợi ý có thể bàn cãi và thứ yếu cho thời gian hiện tại, nhưng tìm thấy nguồn gốc và nền tảng của chúng nơi Lời Chúa. Cũng thế, lời mời gọi về tình huynh đệ, coi tha nhân – dù họ là ai và từ đâu đến – không phải như « người khác » nhưng như một người anh em trong chừng mực họ là con cái của Thiên Chúa, không phải chỉ là một điều ngẫu nhiên hay mối quan tâm đặc biệt về một mùa trong đời sống của Giáo hội, nhưng là một viễn cảnh Tin Mừng sâu xa.

Tính liên tục với Laudato si’

Cách đây sáu năm, với Laudato si’, Đức Phanxicô đã cho chúng ta hiểu mối liên hệ giữa khủng hoảng môi trường, xã hội, chiến tranh, di dân, nghèo đói. Ngài đã kêu gọi xây dựng một hệ thống kinh tế và xã hội công bằng và tôn trọng công trình tạo dựng hơn, với con người ở trung tâm của nó chứ không phải ngẫu tượng tiền bạc. Cách đây một năm, với Fratelli tutti, Đức Giáo hoàng đã chỉ ra con đường phải theo để đạt tới mục đích này : chúng ta nhìn nhận nhau như là anh chị em, như là những người gìn giữ nhau. Đó không gì khác hơn là Tin Mừng, như dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu dạy chúng ta, vốn rất quấy rầy chứ không chiếu lệ, và đồng thời vẫn còn ít được hiểu và sống như thế. Người Kitô hữu nhận ra khuôn mặt của Chúa Giêsu « trong mỗi con người, để thấy Ngài bị đóng đinh nơi nỗi lo âu khắc khoải của những người bị bỏ rơi và bị lãng quên của thế giới này, và được phục sinh nơi mỗi người anh em chỗi dậy ». Nhưng ngay cả những người chưa nhận được ân huệ đức tin Kitô giáo cũng hiểu được sứ điệp tình huynh đệ, là phương thuốc duy nhất cho cuộc chạy đua tự hủy diệt đến vực thẳm hận thù, chiến tranh, ích kỷ và cuồng tín.

Một nâng đỡ cho những người tìm kiếm sự trợ lực

Nếu vẫn còn quá sớm để xác thực những hoa trái của thông điệp được công bố cách đây một năm, thì không thiếu những dấu hiệu và những hạt giống hy vọng. Những ngày vừa qua, tôi đã có duyên trải qua vài giờ với Dale Recinella,  một cựu luật sư tài chính người Mỹ ở Phố Wall, mà, từ nhiều năm qua, cùng với Susan vợ của ông, đã dành cả cuộc đời để đồng hành với các tù nhân đang chờ hành quyết ở hành lang chết chóc của Florida. Nhiều người trong số họ, nhờ tình bạn của ông, đã đối diện với đao phủ bằng cách hòa giải với Thiên Chúa. Dale đã nhận ra Chúa Giêsu nơi các anh chị em này và vì lý do này, bất chấp những khó khăn và những hiểu lầm vây quanh mình, cần đến họ như họ cần đến ông. Đôi mắt ướt đẫm nước mắt, ông đã giải thích cho tôi rằng sứ điệp của thông điệp Fratelli tutti, cũng như mỗi lời nói và mỗi cử chỉ của Đức Phanxicô, đối với ông, như là « một sự truyền máu, giúp sống và tiến bước ». Nhiều người trên thế giới, không quan tâm đến các ống kính của các phương tiện truyền thông và những buổi cử hành tưởng niệm, đã hiến dâng mạng sống cho Tin Mừng khi họ đón nhận chứng tá của đấng kế vị thánh Phêrô theo cách này.

Tý Linh chuyển ngữ từ vaticannews.va/fr/

Nguồn: xuanbichvietnam.net (04.10.2021) 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi