Hồng Thủy
Trong cuộc tiếp kiến dành cho các tham dự viên của Hội nghị Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống, sáng thứ Hai 27/9/2021, Đức Thánh Cha lưu ý về sự bất bình đẳng tạo nên bởi những khác biệt trong việc tôn trọng sự sống đối với mọi người và trong vấn đề bảo vệ sức khỏe của mọi người. Ngài kêu gọi một nền quản trị toàn cầu vì sức khỏe của mọi cư dân và tôn trọng sự sống. Ngài cũng lên án thói quen giết chết qua việc phá thai và an tử.
Hội nghị của Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống có chủ đề “Sức khoẻ cộng đồng trong viễn tượng toàn cầu” diễn ra từ ngày 27-29/9/2021. Hội nghị lần cuối của Hàn lâm viện diễn ra 18 tháng trước, với hơn một ngàn người tham dự ký vào Lời kêu gọi về Đạo đức Trí tuệ nhân tạo. Lần này số người tham dự trực tiếp ít hơn, nhưng theo Đức Tổng Giám mục Paglia, nó cho thấy mong ước kiên quyết nối lại hành trình và gặp gỡ nhau.
Lắng nghe tiếng kêu
Theo Đức Thánh Cha, chủ đề của Hội nghị là một đề tài thực tế trong bối cảnh khủng hoảng đại dịch vẫn làm vang lên mạnh mẽ “tiếng kêu của trái đất cũng như tiếng khóc của người nghèo” (Laudato Si’ 49). Ngài nói: “Chúng ta không thể câm điếc trước hai tiếng kêu than này, chúng ta phải thật lắng nghe”.
Cần sự kết hợp
Đức Thánh Cha nhận xét rằng, các xã hội của chúng ta đang có xu hướng quên đi sự liên kết, phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng ta và giữa gia đình nhân loại và ngôi nhà chung, và chúng ta đang gánh chịu hậu quả cay đắng. Để đảo ngược xu hướng này, cần kết hợp giữa các khoa học khác nhau cũng như cần xác định các tiêu chí công nghệ, chính trị và đạo đức cho hành động liên quan đến hệ thống y tế, gia đình, công việc và môi trường.
Những bất công
Đức Thánh Cha nhận định: “Việc xem xét sức khỏe ở nhiều khía cạnh và ở cấp độ toàn cầu giúp thấu hiểu và đảm nhận một cách có trách nhiệm các mối liên hệ giữa các hiện tượng. Và do đó, chúng ta cũng quan sát tốt hơn về tác động của các điều kiện sống, là kết quả của các lựa chọn chính trị, xã hội và môi trường, đối với sức khỏe của con người. Nếu chúng ta xem xét tuổi thọ – và cuộc sống lành mạnh – ở các quốc gia khác nhau và trong các nhóm xã hội khác nhau, thì chúng ta phát hiện ra sự bất bình đẳng rất lớn. Chúng phụ thuộc vào các thông số như mức lương, trình độ học vấn, khu vực cư trú trong cùng một thành phố. Chúng ta khẳng định rằng, sự sống và sức khỏe là những giá trị cơ bản như nhau cho tất cả mọi người, dựa trên phẩm giá bất khả xâm phạm của con người. Nhưng, nếu tuyên bố này không đi kèm với những dấn thân đầy đủ để khắc phục tình trạng bất bình đẳng, thì chúng ta phải chấp nhận một thực tế đau lòng rằng: không phải tất cả sự sống đều giống nhau và sức khỏe không được bảo vệ cho tất cả mọi người theo cách giống nhau”.
Phá thai và an tử – văn hóa vất bỏ
Đức Thánh Cha kêu gọi ủng hộ các sáng kiến quốc tế và chung, như sáng kiến của G20 nhằm mục đích tạo ra nền quản trị toàn cầu vì sức khỏe của tất cả cư dân trên hành tinh. Về vấn đề này, Hàn lâm viện Giáo hoàng về Sự sống cũng có thể đưa ra một đóng góp có giá trị, ví dụ như trong các cuộc tranh luận công khai, mà không “giảm nhẹ” đề xuất nhân chủng học Kitô giáo được cảm hứng từ Mặc khải, cũng có thể giúp những con người ngày nay khám phá lại tính ưu việt của quyền sống từ khi thụ thai cho đến khi kết thúc tự nhiên.
Ngài than thở về văn hóa vất bỏ hiện nay giết chết trẻ sơ sinh trực tiếp bằng cách phá thai. Đây đã trở thành một thói quen “bình thường”, vô cùng tồi tệ và “thực sự là một vụ giết người”. Về vấn đề này, Đức Thánh Cha đặt một câu hỏi kép: “Có đúng không khi loại bỏ, lấy mạng người để giải quyết một vấn đề? Có đúng không khi thuê một sát thủ để giải quyết một vấn đề? Phá thai là vậy đó ”.
Đức Thánh Cha cũng nói về những người cao tuổi, những người bị coi là “đồ phế thải” vì không còn ích lợi gì … Nhưng họ là cội nguồn của sự khôn ngoan, điều mà nền văn minh này loại bỏ. Ngài tố cáo điều mà ngài mô tả là luật an tử “thầm kín”, vốn rút ngắn tuổi thọ của những người cao tuổi khi chỉ được cung cấp một nửa số thuốc, vì chúng đắt tiền. Ngài nói, các học viện, trường đại học và bệnh viện Công giáo không thể đi theo con đường của văn hóa “vất bỏ”. (CSR_6497_2021)
Nguồn: vaticannews.va/vi/
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.