Vị linh mục 30 tuổi cũng là một lính cứu hỏa tình nguyện

Vị cha sở này còn phục vụ thêm với vai trò là một người lính cứu hỏa tình nguyện, ngài làm cả hai công việc với lòng can đảm và sự cống hiến.

Từ trạm cứu hỏa Joué-lès-Tours đến giáo xứ Saint Marc của ngài, ở Indre-et-Loire (vùng trung-tây nước Pháp), chỉ là một quãng đường ngắn đối với Pierre Fouquier, một vị cha sở giáo xứ và lính cứu hỏa tình nguyện trong ba năm qua. Giữa các ca làm việc thường xuyên, theo tuần trực và thực hành diễn tập tại trạm cứu hỏa, ngài còn dành gần 75 giờ mỗi tháng cho bổn phận tình nguyện của mình.

Bạn phải quay trở lại thời thơ ấu để xem ơn gọi của vị linh mục này bắt nguồn từ đâu.

“Chắc là nghề chữa cháy đã cuốn hút tôi vào khoảng năm 10 tuổi,” cha Fouquier bắt đầu. Tại ngôi làng Saint-Épain của mình, cậu bé đã nhìn thấy những người lính cứu hỏa bước đi trong các cuộc diễu hành hoặc trong các buổi lễ tưởng niệm với ánh mắt đầy ngưỡng mộ. “Những chiếc xe tải màu đỏ, đồng phục: tất cả những điều đó đã cuốn hút tôi.”

Cùng lúc đó, vẻ đẹp của một ơn gọi thứ hai đã đánh gục cậu bé Fouquier. “Mẹ tôi đã kể với tôi rằng, vào năm 7 tuổi, tôi đã từng nói rằng mình muốn trở thành một linh mục,” ngài chia sẻ với một nụ cười. “Tôi lớn lên trong một gia đình Công giáo, đó là mảnh đất làm cho những ơn gọi nảy mầm sớm. Sau đó, nó đến và đi như nó đã xảy ra đối với những bạn bè khác.”

Ngài đã gặp các linh mục trung thành và vui vẻ trong sứ vụ của họ và đã ý thức được về một lời mời gọi mà ngài nhận thấy ngày càng rõ ràng hơn. Những điều này đã đưa ngài đến chủng viện sau khi được đào tạo về kỹ thuật dân dụng.

Sống Giáo Hội trong thế giới

Trong hai năm đầu tiên ở chủng viện, chàng trai vốn đã gia nhập đội lính cứu hỏa trẻ khi mới 15 tuổi lại tiếp tục dấn thân. “Nhiều vị Giám mục liên tiếp đã rất nhân từ. Và nhờ vào những lịch trình phù hợp mà tôi đã có thể trở thành một người lính cứu hỏa tình nguyện trong một năm rưỡi ở những ngôi làng gần đó.”

Trong khi chàng thanh niên đã quen với cuộc sống của trạm cứu hoả, thì cuộc hành trình của anh trong chủng viện đã khiến bạn bè của anh tò mò. “Nó đã khơi mào cho một số cuộc trò chuyện sôi nổi!”

Họ đã đặt cho anh những câu hỏi về đời sống độc thân hay sự hữu ích của các linh mục, nhưng những cuộc trò chuyện này đặc biệt cho phép họ chia sẻ về ý nghĩa của sứ mạng linh mục.

Họ đã nghĩ đến lời nói sáo rỗng của một linh mục ở một mình trong ngôi nhà thờ tối tăm, như trong bộ phim The Exorcist (Quỷ ám). Tôi rất bất ngờ khi những hình ảnh như thế đã quay trở lại, nhưng nhiều người chỉ có vậy! Và nó khiến tôi đặt ra vấn đề về cái cách mà Giáo Hội đang sống trong thế giới.

Ngài được thụ phong linh mục vào năm 2018. Ngay khi khoác lên mình bộ đồng phục, cha Pierre lại trở thành một người lính cứu hỏa như bao người khác. Nhưng đôi lúc trong khi làm việc, ngài lại gợi lên ơn gọi làm linh mục của mình.

Một số người biết sự khác biệt giữa lính cứu hỏa chuyên nghiệp và lính cứu hỏa tình nguyện. Và trong những khoảnh khắc đó, họ có hỏi tôi về những gì tôi làm vào những lúc khác, khi tôi không có nhiệm vụ.

Dưới bộ đồng phục là trái tim của một linh mục

Phương châm của những người lính cứu hỏa (“lòng dũng cảm và sự cống hiến”) tóm tắt lại cường độ mà cha Fouquier sống hai bổn phận của mình. Không bao giờ đánh mất năng khiếu của bản thân trong các nhiệm vụ chữa cháy của mình, ngài luôn cẩn thận để duy trì sự ổn định và cân bằng của mình. “Tôi chú ý đến đời sống huynh đệ, tôi tham gia vào các cuộc họp trong giáo phận của mình, và tôi cũng giữ liên lạc với các linh mục trẻ khác,” ngài nói.

Mặc dù ngài dành hết những ngày Chúa nhật cho sứ mạng duy nhất của mình với tư cách là một linh mục, nhưng cũng đã có lúc công việc cứu hỏa khiến ngài không thể chuyển đổi liền mạch từ một hoạt động này sang một hoạt động khác.

Gần đây, tôi đã ở hiện trường đám cháy trong sáu hoặc bảy giờ và khi tôi về nhà, tắm rửa và chuẩn bị sẵn sàng, thì tôi đã đến muộn đối với Thánh lễ trong tuần.

Hai ơn gọi của cha Fouquier nêu bật và định hình con người của cha ngày nay. Cha nhìn thấy một phương diện khác của cuộc sống với tư cách là một người lính cứu hỏa hơn khi là một linh mục.

Khi tiếp đãi một linh mục, bạn dọn dẹp nhà cửa để chào đón. Trong tư cách là một người lính cứu hỏa, tôi đi đến nhiều nơi và gặp được nhiều người trong những tình thế vô cùng bấp bênh, những hoàn cảnh khó khăn.

Ơn gọi linh mục của ngài cũng làm cho ngài trở thành một người lính cứu hỏa tốt hơn. “Hầu hết các công việc của những người lính cứu hỏa là những sự can thiệp mang tính xã hội. Việc trở thành một người lính cứu hỏa cũng là một công việc của sự lắng nghe,” ngài giải thích. Sau đó, ngài có thể dựa vào phương diện “đào tạo con người” đã được trang bị tại chủng viện.

Bổn phận của ngài dưới tư cách là một người lính cứu hỏa đã đưa ngài đến việc tiếp xúc với những thực tế khác nhau. Kết quả là, ngài gặp được “những người có lẽ không bao giờ đặt chân đến nhà thờ”.

Cha Pierre dâng lên Chúa những niềm vui và lao nhọc trong cuộc sống bận rộn hàng ngày như thế. “Tôi thích mang theo cả thế giới khi cử hành các việc phụng vụ. Tôi thấy rõ những hạn chế của mình và tôi dâng lên Chúa tất cả những gì tôi không thể tự mình gánh vác.”

Nếu ngài gia nhập một giáo xứ mới vào mùa thu, thì ngài sẽ lên kế hoạch để có thể tiếp tục bổn phận của mình ở trạm cứu hoả. Nơi đó, cùng với hàng trăm người lính làm nên trạm cứu hỏa, ngài sẽ tiếp tục mang đến sự hỗ trợ mình. “Thái độ chủ động của những người lính cứu hỏa đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều. Chúng tôi không tập trung vào những gì chúng tôi không thể làm một mình mà vào những gì chúng tôi có thể làm cùng nhau.”

Tác giả: Lauriane Vofo Kana
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
 Từ: aleteia.org (15/9/2021)

Nguồn: giaophanvinhlong.net

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi