Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư phụng vụ tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: “Chủ nhật Thăng Thiên” có được tính vào số Chủ nhật của Mùa Thường niên không? Tôi cho rằng Chủ Nhật Hiện Xuống nên được đồng thời xem là ngày nối lại Mùa Thường niên. Lý do của tôi là để cho mùa Phục Sinh có đủ 50 ngày. – A.A., tỉnh Isabela, Philippines
Đáp: Trên thực tế, Chủ nhật Thăng Thiên (hoặc thứ năm Thăng Thiên) không hề là một yếu tố để tính vào số các chủ nhật Mùa Thường niên. Trong các quốc gia chuyển lễ Thăng Thiên từ ngày thứ năm truyền thống vào Chủ nhật kế tiếp, lễ bị mất là Chúa Nhật thứ 7 mùa Phục Sinh, chứ không phải một Chủ nhật Mùa Thường niên. Số lượng ngày cho mùa Phục Sinh vẫn giữ nguyên: nó luôn luôn có 50 ngày, kể từ Chủ Nhật Phục Sinh đến Chủ Nhật Hiện Xuống.
Lý do tại sao Mùa Thường niên đôi khi có 33 tuần và đôi khi có 34 tuần là dựa vào các yếu tố khác.
Trong Giáo Hội Công Giáo, Mùa Thường niên bắt đầu vào ngày tiếp sau lễ Chúa chịu phép rửa.
Giáo Hội thường cử hành lễ này vào ngày Chủ Nhật sau lễ trọng Hiển Linh (ngày 6-1). Tuy nhiên, một số quốc gia luôn cử hành Lễ Hiển Linh vào ngày Chủ Nhật sau Lễ trọng Mẹ Thiên Chúa (ngày 1-1). Trong trường hợp thứ hai này, nếu lễ Hiển Linh rơi vào ngày Chủ nhật, ngày 7 hoặc 8-1, các quốc gia này chuyển lễ Chúa chịu phép rửa vào ngày thứ Hai kế tiếp, ngày 8 hay 9-1, và tuần 1 cùa Mùa Thường niên bắt đầu từ ngày thứ ba ngay sau đó, ngày 9 hay 10-1.
Có tuần 1 Mùa Thường niên nhưng không có Chủ nhật thứ nhất Mùa Thường niên. Chủ nhật sau lễ Chúa chịu phép rửa luôn luôn là Chúa Nhật thứ 2 Mùa Thường niên.
Mùa Thường niên tiếp tục cho đến ngày trước Thứ tư Lễ Tro, vốn rơi vào khoảng giữa ngày 4-2 đến ngày 10-3, và đánh dấu sự khởi đầu của mùa Chay. Do đó, Mùa Thường niên giữa mùa Giáng sinh và mùa Chay có thể kết thúc giữa tuần thứ 4, tuần thứ 5, tuần thứ 6, tuần thứ 7, tuần thứ 8 hoặc tuần thứ 9 của Mùa Thường niên.
Mùa Thường niên sẽ trở lại vào ngày thứ hai sau Chủ Nhật Hiện Xuống, vốn có thể rơi vào giữa ngày 10-5 và 13-6, và kết thúc vào chiều thứ Bảy trước Chủ Nhật thứ nhất Mùa Vọng (khoảng giữa ngày 28-11 và 3-12). Như vậy, Mùa Thường niên luôn bao trùm các tháng Bảy, Tám, Chín và Mười, và phần lớn hoặc toàn bộ tháng Sáu và tháng Mười Một. Trong một số năm, Mùa Thường niên bao gồm một phần tháng Năm, một ngày hay hai ngày đầu tháng Mười Hai, hoặc cả hai. Lễ Chúa Kitô Vua được cử hành vào Chủ nhật cuối cùng của Mùa Thường niên.
Chiều dài của mùa Vọng thay đổi giữa ba đến bốn tuần lễ, tùy thuộc vào ngày lễ Chúa Giáng sinh. Tuy nhiên, Giáo Hội muốn đảm bảo rằng các bài đọc trong tuần 34 của Mùa Thường niên luôn được đọc. Để đạt được điều này, Giáo Hội thường bỏ qua tuần lễ vốn thường đi trước sự trở lại của Mùa Thường niên sau Chủ Nhật Hiện Xuống.
Vì lý do này, số lượng thực tế của các tuần lễ đầy đủ hoặc không đầy đủ của Mùa Thường niên trong bất cứ năm nào là đa số 33 tuần, và thỉnh thoảng 34 tuần. Ví dụ, trong năm 2012, Chủ Nhật trước thứ Tư Lễ Tro là Chủ nhật thứ 7 Mùa Thường niên, và ngày sau ngày Chủ nhật Hiện Xuống bắt đầu tuần thứ 8 trong Mùa Thường niên, và do đó chúng ta sẽ có 34 tuần của Mùa Thường niên.
Tuy nhiên, trong năm 2013, tuần lễ trước Thứ Tư Lễ Tro sẽ là tuần lễ thứ 5, trong khi tuần lễ thứ 7 sẽ bắt đầu sau lễ Hiện Xuống, bỏ qua tuần lễ thứ 6.
Nguyễn Trọng Đa
(Vietcatholic 18.7.2012/ Zenit.org 17.7.2012)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.