Những câu hát trên cứ trở đi trở lại, vang vọng tâm trí tôi trong những ngày làn sóng dịch Covid tái bùng phát ở Việt Nam lần này. Thủ đô Hà Nội, nơi tôi đang tu tập và mục vụ cũng phải rùng mình bước vào đợt giãn cách nghiêm ngặt và có biết bao điều hiện lên trong suy nghĩ của tôi.
Ngày mỗi ngày, thông tin về số ca nhiễm bệnh lại tăng lên, phá dần các kỷ lục, từ hàng trăm rồi đến hàng nghìn và nhiều nghìn người đã lây nhiễm thứ virus quái ác. Sài Gòn và nhiều tỉnh phía Nam đã rơi vào tê liệt cả tháng nay. Tôi tự hỏi: Liệu Hà Nội thân yêu của chúng ta có rơi vào tình trạng như Sài Gòn không? Liệu có đến một ngày mọi người phải thốt lên: “Thương lắm Hà Nội ơi!” như nhiều người đã và đang thốt lên “Thương lắm Sài Gòn ơi” không?
Tôi ở tận ngoài Hà Nội, cách Sài Gòn cả ngàn cây số nhưng cũng cảm thấy khắc khoải và lo âu, khi cả nước và nhất là thủ đô Hà Nội đang từng ngày, từng giờ đối diện với cơn đại dịch khủng khiếp. Đâu đó trong các bản tin thời sự, trong những cuộc nói chuyện, chúng tôi cảm thấy lòng mình quặn đau khi nghe những lời chia sẻ của các sơ, các thầy trong TGP Sài Gòn đang có sứ mạng phục vụ những bệnh nhân bị nhiễm Covid tại khu cách ly, những người bệnh phải đau đớn và đang giành giật từng giây phút để có được sự sống, để có lại những nhịp thở bình thường. Các thầy các sơ phục vụ các bệnh nhân là một sự hy sinh và dâng hiến lớn lao, bởi họ phải đánh đổi chính sự an toàn và sinh mạng của mình trong một môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao nhất ở các khu cách ly. Sự sống của họ cũng thật mong manh, và họ cũng có thể trở thành bệnh nhân bất cứ lúc nào.
Ở tận ngoài này, tôi chưa được xông pha tới những bệnh viện hay những khu cách ly (vì dịch bệnh chưa đến mức ngặt nghèo như Sài Gòn). Nhưng tôi cảm thấy mình có một sứ mạng lớn lao, đòi buộc người tu sĩ phải thực thi liên lỉ, đó là “Cầu nguyện”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khẳng định trong bài giảng tại Vatican ngày 04/11/2020: “Cầu nguyện là bánh lái hướng dẫn cuộc đời chúng ta”. Và Thánh Phanxicô Salêsiô đã viết: “Chúng ta sẽ vượt qua giông tố, bao lâu niềm tin của chúng ta còn gắn chặt vào Thiên Chúa”.
Covid là loại virus vô cùng bé nhỏ, nhưng nó lại có sức tàn phá dữ dội. Nó làm đảo lộn cuộc sống cả thế giới, làm ngưng trệ mọi dự định và kế hoạch của con người. Nó cướp đi biết bao sinh linh, làm cho bao em thơ phải mồ côi, đẩy bao người rơi vào cảnh đói nghèo, đau khổ. Trong hoàn cảnh đầy khó khăn, cộng đoàn cũng phải đối diện với biết bao thử thách. Nhiều dự tính và hoạch định của cộng đoàn phải tạm gác lại, không thể chạy đua với thời gian và các hoạt động náo nhiệt bên ngoài như trước nữa. Các chị em đi mục vụ tại các giáo xứ trong nội thành Hà Nội cũng được tạm hoãn các chương trình. Vậy nên, chị em có nhiều thời gian hiện diện với nhau, chia sẻ thân tình với nhau trong các bữa ăn, các giờ làm việc chung. Khi đời sống ít bị xáo trộn và chi phối, tôi có thêm nhiều thời gian trở về với cõi lòng mình, tìm lại và sống căn tính của mình là một Nữ tu Mến Thánh Giá.
Khi dịch bệnh lan rộng, để đảm bảo an toàn cho cộng đồng và các nhà thờ, các thánh lễ chỉ được phát trực tuyến hoặc hạn chế giáo dân tham dự, mọi sinh hoạt trong giáo xứ tạm thời dừng lại. Biết bao tâm hồn khao khát được đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ, khao khát được đón rước Mình Máu Thánh Chúa.
Dịch bệnh làm cho con người ý thức về sự mỏng dòn yếu đuối của chính mình. Đã có lúc chúng ta thấy tự mãn khi khống chế được dịch bệnh, nhưng rồi dịch bệnh lại bùng lên, khiến con người càng cảm thấy sự bất lực nơi bản thân mình. Khi đó, con người mới thấy cần đến Thiên Chúa biết bao! Điều mà ai cũng khát mong lúc này, đó là một cuộc sống bình an. Tín thác vào tình thương của Chúa, các bạn hãy cùng tôi dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa trong từng giây phút sống của cuộc đời, vì chỉ nhờ bàn tay yêu thương và quan phòng của Thiên Chúa, dịch bệnh mới được đẩy lùi, hạnh phúc và bình an mới trở lại. Chúng ta cũng hãy nhớ đến những y bác sĩ, các tình nguyện viên cùng hết thảy những ai đang hy sinh, cống hiến sức lực, đánh đổi cuộc sống yên ổn và cả mạng sống của mình để phục vụ cho các bệnh nhân. Xin Chúa gia tăng sức mạnh để họ có thể giúp các bệnh nhân vượt qua những khó khăn, đau đớn của căn bệnh. Trong tháng kính Trái Tim Mẹ Maria, chúng ta phó thác bước đường tương lai với đầy khó khăn thử thách, để được Mẹ bảo bọc chở che và đồng hành.
Thanh Tin Yêu
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org/
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.