Giáo hội Philippines Độc lập
Giáo hội Philippines Độc lập ra đời trong một giai đoạn lịch sử phức tạp của Philippines. Công giáo bắt đầu được truyền giảng đến Philippines vào năm 1565 khi các nhà truyền giáo dòng thánh Augustinô đặt chân đến nước này cùng với quân đội Tây Ban Nha. Trong vòng vài năm, hầu hết dân số đã được rửa tội. Giáo hội nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu của chính quyền thuộc địa. Đã có những trường hợp phản đối và nổi dậy chống lại các tu sĩ Tây Ban Nha trong thế kỷ 17 và 18, nhưng đến thế kỷ 19 mới chứng kiến sự nổi dậy của cuộc đấu tranh có tổ chức trong Giáo hội Philippines.
Cuộc tử đạo của ba linh mục Philippines năm 1872 đã nâng cao ý thức dân tộc chủ nghĩa và điều này đạt đến đỉnh điểm trong cuộc Cách mạng Philippines năm 1896. Năm 1898 Philippines tuyên bố độc lập. Cùng năm đó, người Mỹ đánh bại người Tây Ban Nha và chiếm Philippines làm thuộc địa. Chiến tranh Philippines-Mỹ kết thúc vào năm 1902. Chính trong bối cảnh đó, Giáo hội Philippines Độc lập đã ra đời vào năm 1902, xuất phát từ khát vọng của người dân Philippines về nền Độc lập thực sự, dân chủ và cuộc sống trọn vẹn.
Một phần vì sự hấp dẫn của chủ nghĩa dân tộc, Giáo hội mới này đã thu hút khoảng hai triệu thành viên của Giáo hội Công giáo Roma trở thành thành viên của mình. Nhưng vào năm 1906, tòa án tối cao đã phán quyết rằng tất cả các nhà thờ họ đang sử dụng phải được trả lại cho Giáo hội Công giáo. Điều này khiến Giáo hội mới này suy yếu nghiêm trọng.
Hiệp thông với các Giáo hội Ki-tô khác
Dưới sự lãnh đạo thần học của Giám mục Gregorio Aglipay, Giáo hội Philippines Độc lập đã theo lập trường Nhất thể, loại bỏ giáo lý về Chúa Ba Ngôi. Nhưng sau khi Giám mục Gregorio Aglipay qua đời vào năm 1941, Giáo hội Philippines Độc lập đã trở lại lập trường Công giáo hơn và vào năm 1961, Giáo hội này có sự hiệp thông với Giáo hội Tin Lành Episcopal ở Philippines. Hiện nay họ có chung một chủng viện. Mối quan hệ bền chặt đã được phát triển với các Giáo hội Anh giáo khác trên thế giới và với các Giáo hội Công giáo Cổ, kết quả cuối cùng dẫn đến sự hiệp thông trọn vẹn với Liên hiệp Anh giáo và Liên minh Công giáo Cũ của Utrecht. Giáo hội Philippines Độc lập và Giáo hội thống nhất của Chúa Kitô ở Philippines đã ký hiệp ước hợp tác vào năm 1999.
Lịch sử, sứ mạng và sứ vụ
Tuyên bố sứ mạng của Giáo hội Philippines Độc lập nói rằng với tư cách là một cộng đồng có đức tin thấm nhuần lịch sử dân tộc và cuộc đấu tranh của công nhân ở Philippines, Giáo hội này khẳng định sự dấn thân của mình đối với sứ mạng và sứ vụ lịch sử của mình trong việc trao quyền cho người nghèo, người bị thiếu thốn và bị áp bức thông qua nền giáo dục giải phóng, tổ chức và vận động người dân Philippines theo đuổi cuộc sống trọn vẹn. Giáo hội này mong muốn một quốc gia Philippines không bị ngoại bang thống trị, nơi công lý và hòa bình ngự trị, và dân tộc của họ đoàn kết để làm chứng tích cực cho tình yêu của Thiên Chúa trên thế giới.
Giáo hội Philippines Độc lập hiện có hai trường cao đẳng ở Manila và ở Nam Leyte, ba chủng viện thần học, 14 trường tiểu học và trung học, và nhiều trường mẫu giáo. Giáo hội tham gia nhiều vào sứ vụ xây dựng hòa bình, vận động nhân quyền và dân chủ và các mối liên kết đại kết. Giáo hội theo đuổi nền giáo dục Ki-tô giáo và quản lý tốt hơn; chương trình hành động của Giáo hội là đào tạo nhiều linh mục tận tụy hơn và các chiến dịch tích cực hơn chống lại mọi hình thức nghèo đói. Trong số các mục tiêu chương trình của mình, Giáo hội này tìm cách thông báo đầy đủ cho các thành viên về lịch sử, sứ mạng và sứ vụ của mình, để tăng cường sự tương tác giữa các cấp quốc gia, giáo phận và địa phương, nhằm thiết lập các công cụ hữu hiệu để thực hiện các hoạt động của mình và đạt được sự công nhận là một trụ cột của xã hội Philippines.
Cơ cấu tổ chức
Philippines là quốc gia có đông Ki-tô hữu nhất châu Á. Giáo hội Philippines Độc lập là Giáo hội Ki-tô lớn thứ hai tại Philippines, sau Giáo hội Công giáo Roma, và chiếm khoảng 6,7% tổng dân số cả nước. Giáo hội Philippines Độc lập được lãnh đạo bởi một giám mục tối cao, tương tự như những giám mục lãnh đạo của các hệ phái Ki-tô khác. Hiện tại Giáo hội này có 47 giáo phận, bao gồm cả các giáo phận Đông và Tây của Hoa Kỳ và Canada, với khoảng 8 triệu thành viên.
Tuyên ngôn chung giữa Giáo hội Công giáo Philippines và Giáo hội Philippines Độc lập
Tha thứ và chữa lành các vết thương quá khứ
Trong tuyên ngôn chung, các nhà lãnh đạo của Giáo hội Công giáo và Giáo hội Philippines Độc lập nói rằng họ cùng nhau cầu xin và cầu nguyện xin ơn tha thứ cho bất kỳ thương tổn nào đã gây ra trong quá khứ, và sẽ phấn đấu để chữa lành và thanh tẩy ký ức giữa các thành viên của họ.
Giáo hội Philippines Độc lập không chống lại Giáo hội Công giáo Philippines
Tài liệu giải thích rằng Giáo hội Philippines Độc lập chính thức tách khỏi Giáo hội Công giáo Roma và tuyên bố mình là một Giáo hội dân tộc chủ nghĩa vào năm 1902, “giữa thời kỳ hỗn loạn của cuộc đấu tranh giành Độc lập của người dân Philippines, chống lại sự thống trị của thực dân Tây Ban Nha và Hoa Kỳ.”
Các nhà lãnh đạo của hai Giáo hội xác định rõ rằng “Giáo hội Philippines Độc lập được thành lập không phải để chống lại Giáo hội Công giáo, nhưng để chống lại sự thống trị liên tục của các giám mục và linh mục Tây Ban Nha trong các giáo phận và giáo xứ của thuộc địa”.
Các ngài giải thích thêm rằng “là một phần của cuộc cách mạng theo chủ nghĩa dân tộc, việc thành lập Giáo hội Philippines Độc lập cũng có nghĩa là một ‘cuộc cách mạng tôn giáo’ nhằm thu hút tình cảm yêu nước của người dân, những người khao khát sự ra đời của một quốc gia”.
Hơn nữa, các nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo và Giáo hội Philippines Độc lập tuyên bố rằng từ thời thuộc địa của Mỹ đến nay, Ki-tô giáo ở Philippines đã phát triển với nhiều truyền thống khác nhau.
Giáo hội Công giáo đã phát triển ở Philippines nhờ vào việc bổ nhiệm nhiều giám mục Philippines và vai trò giảm dần của các nhà truyền giáo nước ngoài. Qua nhiều năm, Giáo hội Công giáo đã mở rộng cửa để hiệp thông đại kết với các giáo hội Ki-tô khác.
Năm 1991, Hội đồng Toàn thể lần thứ hai của Philippines đã tán thành “giá trị đích thực của đại kết […] trong lĩnh vực đức tin, công lý, hòa bình và phát triển […] đối với giáo dân, giáo sĩ và tu sĩ”.
Công nhận bí tích rửa tội của nhau
Trong tuyên bố hôm 3/8/2021, các lãnh đạo hai Giáo hội Công giáo và Giáo hội Philippines Độc lập cũng kêu gọi “công nhận các phép rửa” giữa Giáo hội Philippines Độc lập và Giáo hội Công giáo. Công thức rửa tội Ba Ngôi của Giáo hội Philippines Độc lập đã được Giáo hội Công giáo công nhận trong danh sách các phép rửa tội hợp lệ được cử hành bởi các Giáo hội Ki-tô khác.
Tuyên bố của các lãnh đạo các Giáo hội nói: “Chúng tôi nhìn nhận món quà đức tin vào Thiên Chúa, Đấng là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, như được trình bày trong Kinh Tin Kính các Tông Đồ và Kinh Tin Kính Công đồng Ni-xê-a. Chúng tôi chia sẻ cùng một Bí tích Rửa tội, sử dụng công thức Chúa Ba Ngôi”. Các ngài nói thêm rằng bí tích khai tâm này kết hợp tất cả chúng ta vào trong một Thân thể duy nhất của Chúa Kitô.
Lòng sùng kính Đức Trinh nữ Maria
Trong tuyên bố này, các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng lưu ý rằng “cả hai Giáo hội đều bày tỏ lòng sùng kính nhiệt thành đối với Đức Trinh Nữ Maria, và sự cầu bầu hiền mẫu của Mẹ để tất cả con cái của Mẹ cùng nhau bảo vệ phẩm giá của phụ nữ”.
Điều quan trọng là hai giám mục Tin Lành Episcopal cũng đã ký vào bản tuyên bố với tư cách là nhân chứng. Năm 1980, Giáo hội Tin Lành Episcopal của Philippines đã ký một văn bản khẳng định sự công nhận lẫn nhau về Bí tích Rửa tội với Giáo hội Công giáo. Giáo hội Philippines Độc lập đã hiệp thông đầy đủ với Giáo hội Tin Lành Episcopal vào năm 1961.
Kiến tạo những mối quan hệ đại kết của tình huynh đệ và hành động chung
Ngoài ra, trong tuyên bố chung, Giáo hội Công giáo và Giáo hội Philippines Độc lập kêu gọi các tín hữu kiến tạo “những mối quan hệ đại kết của tình huynh đệ và hành động chung”, thông qua các cộng đoàn địa phương, giáo xứ, trường học và chủng viện. Các nhà lãnh đạo tuyên hứa rằng thông qua “đại kết tâm linh”, họ sẽ thúc đẩy các hoạt động chung trong các buổi lễ cầu nguyện chẳng hạn như cử hành Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất các Ki-tô hữu, Đàng Thánh giá trong các cuộc rước Mùa Chay và Tuần Thánh, và đọc Kinh Thánh vào Chúa Nhật Phục sinh và các ngày lễ quan trọng khác.
Cộng tác trong hoạt động xã hội
Tuyên bố của hai Giáo hội kết luận: “Các thành viên của cả hai Giáo hội cũng có thể đoàn kết trong các sứ vụ hoạt động xã hội như bảo vệ nhân quyền và phẩm giá của người nghèo, người di cư, phụ nữ và trẻ em, dân tộc bản địa, quan tâm đến môi trường và xây dựng hòa bình”.
Hồng Thủy – Vatican News
Nguồn: vaticannews.va/vi
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.