Một số điểm chính trong Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Người nghèo năm 2021

Trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Người nghèo năm 2021, được cử hành vào ngày 14/11 năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mạnh mẽ kêu gọi các Kitô hữu và các chính phủ trên toàn thế giới can thiệp khẩn cấp và theo một cách thức mới bởi vì số người nghèo, do đại dịch, cũng “đã gia tăng nhanh”. Chúng ta cần thay đổi lối sống, vì chính sự ích kỷ là nguyên nhân dẫn đến nghèo đói.

Chủ đề của Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ V là “Người nghèo lúc nào anh em cũng có ngay bên cạnh”, trích từ Tin Mừng thánh Marco 14,7. Đây là những lời Chúa Giêsu đã nói trong một bữa ăn ở Betania, tại nhà của người phong cùi tên Simon, một vài ngày trước Lễ Vượt Qua. Một người phụ nữ bước vào với một bình cẩm thạch đựng dầu thơm quý giá và xức lên đầu Chúa Giêsu. Hành động này khiến những người hiện diện rất kinh ngạc và có hai cách giải thích về hành động này.

Theo Đức Thánh Cha, cách giải thích thứ nhất là sự phẫn nộ. Xem xét giá trị của dầu thơm, một số người có mặt, bao gồm cả các môn đệ, cảm thấy đáng lẽ nó phải được bán và số tiền thu được dành cho người nghèo. Đặc biệt, Giuđa lên tiếng, “không phải vì anh ta quan tâm đến người nghèo, mà vì anh ta là một tên trộm” và muốn lấy những gì có trong thùng tiền.

Cách giải thích thứ hai là của Chúa Giêsu và cách này giúp chúng ta đánh giá cao ý nghĩa hành động của người phụ nữ. Chúa yêu cầu họ để chị làm việc đó vì Người nhìn thấy trong hành động của chị “một điều báo trước về việc xức dầu cho thi hài của Chúa trước khi đặt vào lăng mộ.”

Phụ nữ là nhân vật chính trong lịch sử mặc khải

Đức Thánh Cha nhận xét, “Vượt ngoài sự tưởng tượng của mọi người, Chúa Giêsu đang nhắc nhở họ rằng, ngài là người đầu tiên trong số những người nghèo, người nghèo nhất trong những người nghèo, vì ngài đại diện cho tất cả họ. Cũng chính vì lợi ích của người nghèo, người cô đơn, bị thiệt thòi và nạn nhân của sự phân biệt đối xử, Con Thiên Chúa đã chấp nhận cử chỉ của người phụ nữ.”

Theo Đức Thánh Cha, người phụ nữ vô danh, có nghĩa là chị đại diện cho tất cả phụ nữ của mọi thời, “những người phải im lặng và chịu đựng bạo lực”. Ngài lưu ý rằng phụ nữ thường giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử mặc khải. Chính Chúa Giêsu đã liên kết chị với sứ mệnh loan báo Tin Mừng cao cả: “Thầy nói thật với anh em: Hễ Tin Mừng được loan báo đến đâu trong khắp thiên hạ, thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ tới cô” (Mc 14,9).

Đức Thánh Cha nhận xét: “Sự đồng cảm được thiết lập giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ, cách giải thích của Ngài về việc xức dầu của chị trái ngược với sự phẫn nộ của Giuđa và các môn đệ khác, “có thể giúp suy tư hữu ích về mối liên hệ không thể tách rời giữa Chúa Giêsu, người nghèo và việc loan báo Tin Mừng.”

Người nghèo loan báo Tin Mừng cho chúng ta

“Người nghèo trong mọi hoàn cảnh và mọi nơi chốn đều loan báo Tin Mừng cho chúng ta, bởi vì họ giúp chúng ta khám phá lại những nét chân thật nhất trên khuôn mặt của Chúa Cha theo cách luôn mới mẻ”. Đức Thánh Cha giải thích: “Họ có rất nhiều điều để dạy cho chúng ta. Ngoài việc tham gia với đức tin, họ biết Chúa Kitô đau khổ qua những đau khổ của chính mình. Điều cần thiết là tất cả chúng ta để cho mình được họ loan báo Tin Mừng. Việc tái loan báo Tin Mừng là một lời mời gọi nhận ra sức mạnh cứu độ trong cuộc sống của họ và đặt họ ở trung tâm hành trình của Giáo hội. Chúng ta được mời gọi để khám phá Chúa Kitô nơi họ, để lên tiếng nói bênh vực cho họ, nhưng cũng là bạn của họ, lắng nghe, hiểu và chào đón sự khôn ngoan mầu nhiệm mà Thiên Chúa muốn truyền đạt cho chúng ta qua họ. Sự dấn thân của chúng ta không chỉ bao gồm các hành động hoặc chương trình thăng tiến và hỗ trợ; điều mà Chúa Thánh Thần hướng dẫn không phải là sự hoạt động thái quá, mà trước hết là sự chú ý đến người khác, xem họ như một người cùng với chúng ta. Sự quan tâm yêu thương này là khởi đầu của một sự quan tâm thực sự dành cho con người của họ, điều truyền cảm hứng cho tôi thực sự tìm kiếm điều tốt đẹp của họ.”

Nghèo khó không phải là kết quả của số phận

Đức Thánh Cha nhận định: “Tất cả những việc làm của Chúa Giêsu khẳng định rằng, nghèo khó không phải là kết quả của số phận, nhưng là một dấu hiệu cụ thể về sự hiện diện của Người ở giữa chúng ta. Chúng ta không tìm thấy Người ở nơi và khi nào chúng ta muốn, nhưng chúng ta nhận ra Người trong cuộc đời của người nghèo, trong sự đau khổ và nhu cầu của họ, trong những điều kiện đôi khi vô nhân đạo mà họ buộc phải sống. Tôi không bao giờ mệt mỏi khi nhắc lại rằng, người nghèo là những người loan báo Tin Mừng thực sự bởi vì họ là những người đầu tiên được loan báo Tin Mừng và được kêu gọi để chia sẻ niềm vui và Vương quốc của Chúa”.

Người nghèo không phải là người bên ngoài cộng đoàn

“Chúa Giêsu không chỉ ở bên cạnh người nghèo; Người còn chia sẻ rất nhiều với họ.” Đức Thánh Cha nhận xét: “Đây là một bài học kinh nghiệm cho các môn đệ của Chúa ở mọi thời đại. Đây là ý nghĩa của câu nói của Chúa, “người nghèo anh em luôn có ở bên cạnh”. Người nghèo sẽ luôn ở bên chúng ta, nhưng điều đó không nên khiến chúng ta thờ ơ, nhưng thay vào đó, mời gọi chúng ta chia sẻ cuộc sống hỗ tương.” Đức Thánh Cha khẳng định: “Người nghèo không phải là những người “bên ngoài” cộng đồng của chúng ta, nhưng là những anh chị em mà chúng ta nên chia sẻ những đau khổ của họ, trong nỗ lực giảm bớt khó khăn và thiệt thòi của họ, khôi phục phẩm giá đã mất của họ và đảm bảo sự hòa nhập xã hội cần thiết của họ.”

Đức Thánh Cha nhận xét rằng, trong khi một hành động bác ái thì có người cho và người nhận, còn chia sẻ tạo nên tình huynh đệ. Bố thí là việc thỉnh thoảng làm, còn chia sẻ thì kéo dài.

Chứng tá của cha Damien – tông đồ người phong cùi

Đức Thánh Cha nhắc rằng, có rất nhiều vị thánh đã chia sẻ với người nghèo dự án cuộc đời của họ. Trong số đó có cha Damien, tông đồ của người phong cùi. Đức Thánh Cha viết: “Với lòng quảng đại cao cả, ngài đã đáp lại lời kêu gọi đi đến hòn đảo Molokai, nơi đã trở thành một khu ổ chuột chỉ dành cho những người phong cùi, để sống chết với họ. Ngài đã xắn tay áo và làm mọi cách để cải thiện cuộc sống của những người nghèo khổ, bệnh tật và bị ruồng bỏ. Ngài vừa là bác sĩ vừa là y tá, không màng đến những rủi ro, và mang ánh sáng của tình yêu đến “thuộc địa của sự chết”, như tên gọi của hòn đảo lúc bấy giờ. Bản thân ngài cũng mắc bệnh phong cùi, chứng bệnh này đã trở thành dấu hiệu cho thấy sự chia sẻ hoàn toàn của ngài đối với rất nhiều anh chị em mà ngài đã hy sinh sự sống cho họ. Chứng tá của ngài hợp thời nhất trong thời đại của chúng ta, với dấu ấn của đại dịch virus corona. Ân sủng  của Thiên Chúa chắc chắn đang hoạt động trong trái tim của tất cả những người, không phô trương, hy sinh chính mình cho những người nghèo nhất, chia sẻ với họ bằng những cách cụ thể.”

Hoán cải

Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện lời kêu gọi của Chúa Giêsu: “Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Ngài nói thêm rằng, sự hoán cải này bao gồm việc “mở rộng lòng chúng ta để nhận ra nhiều hình thức nghèo khó khác nhau và biểu lộ Nước Thiên Chúa qua một lối sống phù hợp với đức tin mà chúng ta tuyên xưng.”

Đức Thánh Cha giải thích thêm rằng, việc là môn đệ Chúa Kitô đòi hỏi quyết định không tích lũy các của cải trần gian, những thứ gây ảo tưởng về sự an toàn, nhưng là chấp nhận thái độ sẵn sàng “được giải thoát khỏi tất cả những gì ngăn cản chúng ta đạt được hạnh phúc và hạnh phúc đích thực, để nhận ra điều gì tồn tại, không thể bị phá hủy bởi bất cứ ai hay bất cứ điều gì.”

Về vấn đề này, Đức Thánh Cha nói: “Tin Mừng của Chúa Kitô kêu gọi chúng ta bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với người nghèo và nhận ra những hình thức rối loạn đạo đức và xã hội đa dạng và quá mức đang tạo ra những hình thức nghèo đói mới”. Ngài nói thêm rằng, chúng ta đang thấy việc tạo ra những cái bẫy đói nghèo và loại trừ mới “được đặt ra bởi các tác nhân kinh tế và tài chính vô đạo đức, thiếu ý thức nhân đạo và trách nhiệm xã hội.”

Hành động cụ thể

Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Làm thế nào chúng ta có thể đưa ra một câu trả lời rõ ràng cho hàng triệu người nghèo, những người thường xuyên gặp phải sự thờ ơ, nếu không là sự phẫn uất? Con đường công lý nào phải được thực hiện để những bất bình đẳng xã hội có thể được khắc phục và nhân phẩm, thường bị chà đạp, có thể được phục hồi?”

Đề xuất các bước cụ thể, Đức Thánh Cha nói rằng, cần phải tạo ra “các quá trình phát triển, trong đó khả năng của tất cả mọi người đều được đánh giá cao để sự bổ sung của các kỹ năng và sự đa dạng của các vai trò có thể dẫn đến một nguồn lực chung của sự tham gia hỗ tương” bởi vì “nghèo đói không phải là kết quả của số phận nhưng đó là kết quả của sự ích kỷ” và “lối sống chủ nghĩa cá nhân đồng lõa với việc tạo ra đói nghèo, và thường khiến người nghèo phải chịu trách nhiệm về tình trạng của họ ”.

Cần có cách tiếp cận với nghèo đói thúc đẩy chúng ta “lập kế hoạch sáng tạo, nhằm tăng cường sự tự do cần thiết để sống một cuộc sống viên mãn tùy theo khả năng của mỗi người,” thay vì nói về người nghèo cách trừu tượng và trong những con số thống kê. Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng, sự trợ giúp ngay lập tức để đáp ứng nhu cầu của người nghèo không được ngăn cản chúng ta bày tỏ tầm nhìn xa trong việc thực hiện những dấu chỉ mới của tình yêu và lòng bác ái Kitô giáo như một phản ứng trước những hình thức nghèo đói mới mà nhân loại đang trải qua ngày nay.

Tiếp cận và loan báo Tin Mừng cho người nghèo

Cuối sứ điệp, Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng rằng, Ngày Thế giới Người nghèo sẽ phát triển tại các Giáo hội địa phương và “truyền cảm hứng cho một phong trào loan truyền Phúc âm đến từng người nghèo dù họ ở bất cứ nơi đâu”. Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người đừng đợi người nghèo gõ cửa nhà chúng ta, nhưng hãy khẩn trương tiếp cận họ trong nhà, ở bệnh viện, trên đường phố…

Nguồn: vaticannews.va/vi/

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi