Vatican giới hạn thời gian của các lãnh đạo của các Hiệp hội giáo dân quốc tế

Đức Thánh Cha và các thành viên của Phong Trào Canh tân Đặc sủng (Vatican Media)

VATICAN GIỚI HẠN THỜI GIAN CỦA CÁC LÃNH ĐẠO
CỦA CÁC HIỆP HỘI GIÁO DÂN QUỐC TẾ

 Hồng Thủy

Ngày 11/6/2021, được Đức Thánh Cha phê chuẩn cụ thể, Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống đã ban hành sắc luật, có giá trị như luật, quy định về thời gian và số nhiệm kỳ của các chức vụ quản trị trong các Hiệp hội giáo dân quốc tế. Sắc luật sẽ có hiệu lực sau 3 tháng.

Mục đích của Sắc luật là thúc đẩy “một sự thay đổi lành mạnh” trong các trách nhiệm điều hành, để quyền lực đó được thực hiện như một sứ vụ đích thực, được thể hiện trong sự hiệp thông của Giáo hội.

Sắc luật sẽ có tính ràng buộc đối với tất cả các Hiệp hội giáo dân và các thực thể được Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống nhìn nhận hay thành lập. Theo cha Ulrich Rhode, khoa trưởng Phân khoa Giáo luật của Đại học Giáo hoàng Gregoriana và cố vấn của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, ngoài 109 thực thể được Bộ nhìn nhận và thành lập, Nghị định còn áp dụng cho cả các thực thể khác chịu sự giám sát của Bộ, bao gồm Con đường Tân Dự tòng, Tổ chức Quốc tế về Hệ thống Giáo xứ Tái Loan báo Tin Mừng, Tổ chức Thế giới Cursillos de Cristiandad và Phong trào Công giáo Canh tân Đặc sủng (CHARIS).

Thời gian tối đa 10 năm liên tiếp

Sắc luật của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống quy định thời gian và số nhiệm kỳ (tối đa là 10 năm liên tiếp) trong các hiệp hội giáo dân quốc tế, tư cũng như công, và sự đại diện cần có của các thành viên trong tiến trình bầu cử của các cơ quan quản trị quốc tế.

Những tiêu cực của việc không giới hạn về nhiệm kỳ lãnh đạo

Trong tài liệu giải thích được công bố cùng với sắc luật, Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống nhận định rằng, nhiều khi “việc không giới hạn về nhiệm kỳ lãnh đạo sẽ tạo điều kiện cho các hình thức chiếm đoạt đặc sủng, cá nhân hóa, tập trung quyền và tự quy chiếu, gây ra những vi phạm nghiêm trọng về phẩm giá và tự do cá nhân, và thậm chí là những lạm dụng thực sự. Hơn nữa, việc điều hành yếu kém chắc chắn sẽ tạo ra xung đột và căng thẳng làm tổn thương sự hiệp thông và làm suy yếu tính năng động truyền giáo.”

Lợi ích tích cực của sự thay đổi

Ngược lại, kinh nghiệm cho thấy “sự thay đổi thế hệ các cơ quan điều hành thông qua việc luân chuyển trách nhiệm trực tiếp, mang lại những lợi ích to lớn cho sức sống của hiệp hội: đó là cơ hội để phát triển sự sáng tạo và là động lực để đầu tư đào tạo; nó làm tươi mới lòng trung thành với đặc sủng; mang lại hơi thở và hiệu quả cho việc giải thích các dấu hiệu của thời đại; nó khuyến khích những cách thức hoạt động truyền giáo mới và hợp thời”.

Miễn chuẩn cho các vị sáng lập

Nhìn nhận vai trò chính yếu của các vị sáng lập, Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống có quyền miễn chuẩn cho họ khỏi các giới hạn về nhiệm kỳ (điều 5 của sắc luật), nhưng chỉ “nếu việc này phù hợp với sự phát triển và ổn định của hiệp hội hoặc tổ chức, và nếu việc miễn chuẩn này phù hợp ý muốn rõ ràng của cơ quan quản trị trung ương.”  (CSR_4274_2021)

 Nguồn: vaticannews.va/vi

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi