Mẹ là nhà truyền giáo không thể thay thế trong gia đình

Trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 14/02/2007, Đức Thánh cha Biển Đức XVI đã nói: Anh chị em thân mến, vào cuối lộ trình tìm hiểu các chứng nhân thời Kitô giáo khai sinh, chúng ta hãy dừng lại nơi vài gương mặt nữ giới đã nắm giữ một vai trò quý báu trong việc loan báo Tin mừng. Nhiều người đã hoạt động trong khung cảnh sứ mệnh của Chúa Giêsu. Trước hết và một cách đặc biệt là Đức Trinh Nữ Maria, nhưng cũng có nhiều phụ nữ khác theo Chúa Giêsu như các bà Giovanna, Suzanna, Marta và Maria là chị và em gái của Ladarô, và Maria Madalena là người có một thế đứng đặc biệt, vì là nhân chứng đầu tiên của Chúa Kitô phục sinh. Bà được thánh Tôma thành Aquino gọi là “tông đồ của các tông đồ”. Đức Thánh cha kết luận bài huấn dụ: lịch sử Kitô giáo đã kết thúc một cách khác nếu đã không có nhiều chị em phụ nữ quảng đại góp phần. Vì thế như Đức Gioan Phaolô II vị tiền nhiệm đáng kính của tôi đã viết trong tông thư Phẩm giá phụ nữ: “Giáo hội cảm tạ Chúa vì tất cả các phụ nữ và vì từng người một… Giáo hội cảm ơn vì tất cả những biểu lộ của “hiên tài nữ giới” xuất hiện trong dòng lịch sử, giữa tất cả mọi dân tộc và quốc gia; Giáo hội cảm ơn vì tất cả các đặc sủng Chúa Thánh Thần rộng ban cho các chị em phụ nữ trong lịch sử dân Chúa, vì tất cả những chiến thắng mà Giáo hội có được nhờ lòng tin lòng cậy và lòng mến của nữ giới; Giáo hội cảm ơn vì tất cả mọi hoa trái thánh thiện của nữ giới” (s. 31). Như chúng ta thấy lời ca tụng liên quan tới các phụ nữ trong dòng lịch sử Giáo hội và được nói lên nhân danh toàn Giáo hội. Chúng ta cũng kết hiệp với lời qúy trọng ấy và cảm tạ Chúa vì Người hướng dẫn Giáo hội từ đời này sang đời nọ, bằng cách sử dụng các người nam nữ không phân biệt ai, những người biết sinh hoa trái lòng tin và bí tích rửa tội cho thiện ích của toàn thân mình Giáo hội để cho danh Chúa được cả sáng hơn.

Từ góc cạnh đó, một mặt Giáo hội luôn nhấn mạnh đến phẩm giá ngang nhau giữa người nam và người nữ (x. Familiaris consortio, số 22), cả hai đều được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa; đàng khác Giáo hội đặc biệt quan tâm đến vai trò người vợ và người mẹ trong gia đình của người nữ. Giáo hội luôn khẳng định đến tầm quan trọng của thiên chức làm mẹ, ơn gọi làm mẹ là ơn gọi cao quý không thể thay thế (x. Mulieris dignitatem, số 18). Giáo hội mời gọi các người mẹ Kitô hữu ý thức được vai trò thánh thiêng của người mẹ: “chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến việc làm rất quan trọng của các người phụ nữ, những người mẹ trong lòng gia đình… Lòng mong ước hợp lý đóng góp bằng những khả năng của mình chi thiện ích chung, và chính bối cảnh xã hội, kinh tế thường đưa người phụ nữ đến một hoạt động nghề nghiệp. Tuy nhiên cần tránh cho gia đình và nhân loại phải chịu một sự mất mát và nghèo nàn hơn, bởi vì người phụ nữ không thể thay thế trong việc sinh sản và giáo dục con cái. Bởi vậy, các chính quyền cần phải đưa ra những luật lệ thuận lợi cho việc thăng tiến nghề nghiệp của người phụ nữ và đồng thời bảo vệ cho ơn gọi làm mẹ và làm nhà giáo dục của họ” (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, huấn từ ngày 19.03.1994, số 3).

Với thiên chức làm mẹ, người phụ nữ được giao phó trọng trách loan báo Tin mừng cách đặc biệt qua việc giáo dục con cái. Thật vậy “trong việc giáo dục con cái, người mẹ có một vai trò ưu việt nhất. Vì mối tương quan đặc biệt nối kết nàng với đứa con, nhất là trong những năm đầu đời… mối tương quan nguyên thủy giữa mẹ và con này còn có một giá trị giáo dục đặc biệt trên lãnh vực tôn giáo, bởi vì nó giúp hướng trí lòng con cái về Thiên Chúa rất sớm, cả trước khi chính thức bắt đầu việc giáo dục con cái” (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp ngày Hòa bình Thế giới lần XXVIII. 01/01/1995).

Việc loan báo Tin mừng trước tiên chính là chuyển giáo đức tin và giáo dục đức tin cho con cái. “những bậc làm cha mẹ, những kẻ tham dự vào tình phụ tử của Thiên Chúa, là những kẻ đầu tiên chịu trách nhiệm giáo dục con cái và là những kẻ đầu tiên rao giảng đức tin cho con cái. Cha mẹ có bổn phận yêu thương và tôn trọng con cái như là những nhân vị và như là những con cái của Thiên Chúa. Ðặc biệt, các ngài có sứ mạng giáo dục chúng sống đức tin Kitô” (Đức Bênêđictô XVI, diễn văn bế mạc Đại hội Gia đình Thế giới lần V, tại Valencia, Tây Ban Nha, 09/7/2006).

Việc chuyển giao đức tin không chỉ đơn thuần là xin con cái được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, nhưng còn trao ban cho con cái mẫu gương sống đạo của người mẹ. Người mẹ định hình đời sống đức tin cho con cái qua đời sống đức tin của chính mình. Vì vậy người mẹ luôn nỗ lực tự hoàn thiện chính mình để thực sự trở thành khuôn mẫu hoàn hảo nắn đúc đời sống đạo đức cho con cái. Trên hết mọi sự người mẹ phải là người mang lại nụ cười hạnh phúc trong gia đình. Đời sống đức tin không chỉ đóng khung trong những thói quen đạo đức như đọc kinh đi lễ, nhưng đức tin cần phải là nguồn mạch tuôn chảy niềm vui trong gia đình.

Vì vậy trong việc sống đức tin, người mẹ cần vượt thắng những khó khăn trong đời để nụ cười luôn nở trên môi. Đối diện với những âu lo buồn bực trên khuôn mặt người mẹ vẫn thể hiện nét tươi sáng. Nụ cười của người mẹ là nụ cười của sự tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa. Đó là bài học đầu tiên cho con cái về đức tin. “Nếu con cái nhìn thấy rằng cha mẹ của mình – và cách chung những người lớn xung quanh – sống cuộc đời cách vui tươi và hăng say, cả khi gặp những khó khăn, thì con cái sẽ dễ dàng tăng triển niềm vui sống sâu xa; và niềm vui sống này sẽ giúp cho con cái thành công vượt qua được những trở ngại có thể và vượt qua được những nghịch cảnh của đời sống con người” (Đức Bênêđictô XVI, diễn văn bế mạc Đại hội Gia đình Thế giới lần V, tại Valencia, Tây Ban Nha, 09/7/2006). Một người mẹ tâm sự: “Tần tảo sớm hôm lo miếng ăn, vừa phải giữ con, thu xếp công việc nhà trong một ngày quả là quá sức nhưng tôi quyết không kêu than, vì biết mình là trụ cột chính phải đứng vững cho chồng con yên lòng”, và quả thật với nụ cười trên môi bà đã giáo dục 10 đứa con thành công, các người con của bà hiện nay là bác sĩ, hiệu trưởng, kỹ sư… (Kiều Chinh, Gánh Ve Chai Nuôi Con Thành Tài, báo Phụ Nữ Chủ Nhật, số 35, ngày 09/2006, tr.4).

Niềm vui tín thác của người mẹ dìu dắt người con hiểu được tầm quan trọng của ơn Chúa trong cuộc đời. Chính người mẹ sẽ dạy cho con cái hiểu mọi khả năng trong cuộc sống đều là ân huệ của Thiên Chúa, không có ơn Chúa con người không làm được gì. Từ bài học này người con sẽ thể hiện được đời sống khiêm nhường biết tôn trọng người khác, không khinh chê hoặc tỏ thái độ cao ngạo với những người chung quanh.

Việc chuyển giao đức tin cho con cái con được người mẹ thực hiện qua những câu chuyện kể về Kinh Thánh. Việc kể chuyện có thể được thực hiện trong những lúc mẹ con nằm bên nhau. Những mẫu chuyện “ngày xửa ngày xưa, có cô công chúa…” được thay thế bằng những câu chuyện trong Cựu ước như việc tạo dựng, lụt đại hồng thủy…, hay trong Tân ước, như chuyện về người Samaritanô nhân từ… Những câu chuyện Thánh Kinh là những bài học dạy về đức tin, về luân lý và đức ái Kitô giáo. Qua những mẫu chuyện Kinh Thánh người mẹ gieo vào mảnh đất đơn sơ của trẻ nhỏ những tâm tình tôn giáo. Không cần những kiến thức thần học cao sâu, nhưng chỉ cần nghe những lời êm ái dịu dàng của mẹ trong lúc kể chuyện, chắc chắn nội dung câu chuyện sẽ khắc ghi sâu đậm trong tâm khảm người con.

Những giờ kinh tối trong gia đình chính là phương thế hữu hiệu cho việc giáo dục đức tin cho con cái. Thế nhưng phương thế này đang bị các gia đình công giáo lãng quên và thay thế vào đó bằng những phương thế giải trí: phim ảnh, truyền hình, computer… Bởi đó để củng cố đức tin cho con cái cần phải tái lập lại những giờ kinh tối trong gia đình, và chính người mẹ đóng vai trò quyết định cho vấn đề này. Dầu sao đi nữa cũng phải nhìn thấy tiếng nói quan trọng của người mẹ trong đời sống gia đình Việt Nam. Do đó người mẹ công giáo Việt Nam nên tận dụng lợi thế này trong công việc giáo dục đức tin cho con cái. Những lời kinh đơn sơ cùng đọc với cha với mẹ, người con cảm nhận được sự hiệp thông trong mái ấm gia đình. Chính trong giây phút này các thành viên trong gia đình sẽ khám phá ra gia đình là mái ấm chứ không là quán trọ. Và điều quan trọng hơn hết, qua việc qui tụ này sự hiện diện của Chúa như là bảo chứng cho sự hiệp nhất trong gia đình. Những giờ kinh tối trong gia đình là những lời tuyên xưng đức tin, và như Đức Bênêđictô XVI. đã xác quyết “ngôn ngữ của đức tin được học thuộc trong mái ấm gia đình nơi mà đức tin này được lớn lên và được củng cố nhờ qua lời cầu nguyện và việc thực hành đạo” (Đức Bênêđictô XVI, diễn văn bế mạc Đại hội Gia đình Thế giới lần V, tại Valencia, Tây Ban Nha, 09/7/2006).

“Phúc đức tại Mẫu” là một quan niệm được hình thành trong nền văn hóa Việt Nam nói lên tầm quan trọng của người mẹ trong gia đình. Và như thế cũng có thể khẳng định đời sống đức tin của con cái lệ thuộc vào người mẹ rất nhiều. Nhìn vào lịch sử của Giáo hội, có biết bao vị thánh, bao vị Giáo hoàng và Giám mục thánh thiện đều nhờ đến công lao giáo dục của các bà mẹ; những tấm lòng quảng đại dấn thân phục vụ cho Giáo hội trong ơn gọi linh mục, tu sĩ đều nhờ đến lòng đạo đức, sự giáo dục và khích lệ của các bà mẹ. Do đó Giáo hội luôn cậy nhờ đến sự dấn thân của các bà mẹ trong việc chuyển giao đức tin và giáo dục đức tin cho con cái, nhất là trong thời đại hôm nay, nhằm xây dựng một nhân loại yêu thương và hòa bình, một nhân loại không hận thù và biết tôn trọng sự sống, một nhân loại biết nhìn nhận chủ quyền tối cao của Đấng Tạo Hóa và biết tuân phục tiếng nói của lương tâm ngay thẳng.

Linh mục Antôn Hà Văn Minh
Ủy ban Giáo dân / HĐGMVN

(Trích trong: Tài liệu thường huấn tháng 6/2021 dành cho giáo dân của Ban nghiên huấn Uỷ ban giáo dân trực thuộc HĐGMVN)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi