Chuck Geschke – Cha đẻ của Chế bản điện tử (DTP)

Nếu bạn đã gửi một bản PDF trên máy tính của mình ngày hôm nay, bạn hãy cảm ơn Chuck Geschke. Năm 1980, ông và một đồng nghiệp đã sáng tạo ra cách thức gửi tài liệu kỹ thuật số đến máy in, và thành lập công ty Adobe.

Nhà khoa học máy tính Chuck Geschke vào năm 1989. Adobe, công ty mà ông thành lập cùng với John Warnock, đã trở thành một công ty quan trọng cho sự trỗi dậy của cái gọi là chế bản điện tử (DTP). (Nguồn ảnh: Doug Menuez)

Chuck Geschke, một nhà khoa học máy tính và một doanh nhân, người đã giúp phát triển những cách thức nền tảng để tạo lập, chia sẻ và in ấn tài liệu kỹ thuật số trong những năm đầu của máy tính cá nhân, đặc biệt là định dạng PDF phổ biến hiện nay; ông đã qua đời ở tuổi 81, hôm thứ sáu (16/04) tại nhà riêng ở Los Altos, California.

Bà Nan, vợ ông, cho biết nguyên nhân là do ung thư.

Năm 1980, tại Xerox PARC, một phòng nghiên cứu tại Thung lũng Silicon, Tiến sĩ Geschke và đồng nghiệp của ông là John Warnock đã tạo ra một cách thức gửi tài liệu giữa máy tính và máy in. Cấp trên của họ tại Xerox nói rằng công ty có thể đưa công nghệ này ra thị trường trong khoảng 7 năm nữa. Tiến sĩ Geschke (đọc là GESH-kee) và Tiến sĩ Warnock đã rời Xerox và thành lập công ty riêng của họ, mang tên là Adobe, vì họ tin rằng họ sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn nếu không hành động nhanh hơn.

Họ ngay lập tức bắt tay vào nghiên cứu một công nghệ in ấn mới của họ. Steve Jobs, người đồng sáng lập Apple, đã đến thăm văn phòng nhỏ của họ ở Mountain View, California, vào năm 1983 và nhanh chóng đề nghị mua lại công ty khởi nghiệp này. Tiến sĩ Geschke và Tiến sĩ Warnock đã từ chối, nhưng cuối năm đó, Apple đã đồng ý cấp giấy phép cho công nghệ của họ, công nghệ mang tên là PostScript.

Một tháng sau, Apple công bố Macintosh, được coi là khuôn mẫu cho máy tính để bàn, máy tính xách tay và điện thoại thông minh trong bốn thập kỷ sau này. Máy in của nó, LaserWriter, được công bố vào một năm sau, dựa trên ngôn ngữ PostScript và được xây dựng với sự hợp tác của Adobe. Với Tiến sĩ Geschke là giám đốc điều hành, Adobe đã trở thành một công ty quan trọng cho sự trỗi dậy của cái gọi là chế bản điện tử.

Trước đây, bất kỳ ai muốn in tờ rơi, bản tin, báo cáo kinh doanh hoặc danh mục đều cần đến sự trợ giúp của một cửa hàng in chuyên nghiệp. Nhờ PostScript và các công nghệ khác, các doanh nghiệp hoặc các cá nhân có thể tự xử lý những vấn đề này.

David C. Brock, người phụ trách và giám đốc của Trung tâm Lịch sử Phần mềm tại Bảo tàng Lịch sử Máy tính ở Mountain View, cho biết: “PostScript đã cung cấp một ngôn ngữ cho phép phần mềm máy tính giao tiếp với dòng máy in mới giá rẻ. Nó đã mở ra một không gian mới, nơi mọi người có thể tự in ấn.”

Trong những năm sau đó, Adobe đã cung cấp hàng loạt các công cụ phần mềm khác để tạo lập và in ấn các tài liệu, các đồ họa kỹ thuật số cùng các hình ảnh khác. Nhiều phần mềm đã trở thành một trong những cái tên quen thuộc nhất trên màn hình máy tính, chẳng hạn như Acrobat, Illustrator và Photoshop.

Tiến sĩ Geschke (bên trái), và Tiến sĩ Warnock nhận được Huy chương Quốc gia về Công nghệ và Sáng kiến Đổi mới từ Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng vào năm 2009. (Nguồn: Luke Sharrett, tờ The New York Times)

Sáng kiến có ảnh hưởng nhất của công ty là một phiên bản PostScript dành cho thời đại internet: Định dạng Tài liệu Di động hoặc PDF, giữ nguyên một phương thức cần thiết để gửi và in tài liệu từ hầu hết mọi máy trên internet.

Shantanu Narayen, giám đốc điều hành hiện tại của Adobe, cho biết, Tiến sĩ Geschke đã có cách để “nhìn những gì sắp xảy đến.” Ông nói: “Nền văn minh sẽ là tất cả các tài liệu bằng văn bản. Chuck và John đã đưa điều đó vào kỷ nguyên hiện đại.”

Charles Matthew Geschke sinh tại Cleveland vào ngày 11 tháng 9 năm 1939. Mẹ của ông, Sophia (Krisch) Geschke, làm việc cho tòa án phá sản Cleveland với tư cách là một trợ lý luật sư. Cha của ông, Matthew, là một thợ máy khắc bằng ánh sáng, giúp chuẩn bị các tấm kim loại cần thiết để in báo và tạp chí.

Matthew Geschke thường nói với con trai rằng có hai điều mà ông nên tránh: kinh doanh in ấn và thị trường chứng khoán. Trong một thời gian, Chuck Geschke đã nghe theo lời khuyên của cha mình.

Được lớn lên trong đạo Công giáo Rôma, ông nhập học một trường trung học của Dòng Tên ở Cleveland và gia nhập chủng viện Dòng Tên sau khi tốt nghiệp trung học. Nhưng ông đã bỏ học trước khi kết thúc năm thứ tư của mình. Ông thường nói rằng ông và các tu sĩ Dòng Tên đã cùng có chung một quyết định: chức linh mục không dành cho ông.

Dựa trên những năm học tiếng Latinh ở trường trung học và chủng viện, ông đăng ký vào Đại học Xavier ở Cincinnati và tốt nghiệp với bằng về văn học cổ điển. Sau đó, ông tiếp tục lấy bằng thạc sĩ toán học, trước khi làm giáo sư toán học tại Đại học John Carroll, một trường đại học Công giáo nhỏ ở Cleveland.

Cuộc đời của ông đã rẽ sang một hướng khác vào giữa những năm 1960, khi ông nói với một sinh viên đang gặp rắc rối nên rời khỏi trường đại học. Năm sau, sinh viên đó quay lại, nói với ông rằng: “Điều tốt nhất thầy từng làm là đuổi em ra khỏi trường.” Chàng sinh viên đã tìm được một công việc lương cao nhờ bán máy tính cho General Electric, và anh ta đã sớm dạy cho giáo sư cũ của mình cách viết một chương trình máy tính trên những chiếc máy tính lớn thời đó.

Trong số các chương trình đơn giản mà Chuck Geschke đã viết vào mùa hè năm đó là cách in phong bì để thông báo về sự chào đời của con gái ông. Không lâu sau, ông trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Phân khoa Khoa học máy tính mới ở Đại học Carnegie Mellon, Pittsburgh, một trong những nghiên cứu sinh đầu tiên của đất nước.

Ông nhận bằng tiến sĩ năm 1972 và gia nhập Xerox PARC cùng năm đó. Năm năm sau, khi đang thành lập một nhóm nghiên cứu mới dành riêng cho “khoa học hình ảnh”, ông đã thuê Tiến sĩ Warnock. Kết quả là đã tạo ra một ngôn ngữ mới cho phép máy tính tạo lập tài liệu cho máy in.

Những người khác tại PARC đã phát triển một máy tính cá nhân được gọi là Alto, có giao diện đồ họa rất phù hợp với kiểu in kỹ thuật số mà Tiến sĩ Geschke và Tiến sĩ Warnock đã hình dung. Sau khi ông Jobs đến thăm PARC vào năm 1979, Alto đã giúp truyền cảm hứng cho Macintosh. Không có gì lấy làm lạ khi ông tiếp cận những người sáng lập Adobe.

Một năm sau sự xuất hiện của máy in Apple LaserWriter, công ty Adobe chính thức ra mắt công chúng. Bất chấp lời khuyên của cha mình, Tiến sĩ Geschke đã tham gia cả lĩnh vực kinh doanh in ấn lẫn thị trường chứng khoán. Ngày nay, Adobe là một trong những công ty phần mềm lớn nhất thế giới, với giá trị thị trường là 245 tỷ đô la.

Tiến sĩ Geschke trong một bức ảnh không rõ ngày tháng. Adobe hiện là một trong những công ty phần mềm lớn nhất thế giới, với giá trị thị trường là 245 tỷ đô la. (Nguồn ảnh: Adobe, Associated Press)

Nhưng sự phát triển nhanh chóng của công ty luôn đi kèm với những cam go riêng. Vào năm 1992, hai người đàn ông dùng súng, đã bắt cóc Tiến sĩ Geschke trong bãi đậu xe tại trụ sở Adobe và trói ông trong vòng 4 ngày tại một ngôi nhà thuê ở Hollister, California. Gia đình ông đồng ý trả khoản tiền chuộc là 650.000 đô la, nhưng sau khi Kathy, con gái của ông, để tiền tại một địa điểm được chỉ định, thì các đặc vụ FBI đã bắt được những kẻ bắt cóc và giải cứu được Tiến sĩ Geschke.

Ông là giám đốc điều hành của Adobe trong hai năm nữa, và vẫn là chủ tịch của công ty cho đến năm 2000, đồng thời là đồng chủ tịch Hội đồng quản trị cho đến năm 2017. Ông cũng phục vụ trong các hội đồng: San Francisco Symphony, Commonwealth Club of California và Nantucket Boys and Girls Club ở Massachusetts, và là chủ tịch Hội đồng quản trị của Đại học San Francisco.

Tổng thống Barack Obama đã trao tặng ông và Tiến sĩ Warnock Huy chương Quốc gia về Công nghệ và Sáng kiến Đổi mới vào năm 2009.

Ngoài vợ và con gái, Tiến sĩ Geschke còn có hai người con trai, Peter và John, và bảy đứa cháu.

Mặc dù đã thành lập một trong những công ty giàu nhất thế giới, nhưng Tiến sĩ Geschke không coi mình là một doanh nhân. Ông thích nói rằng ông chưa bao giờ học kinh doanh và chỉ đọc một cuốn sách về lĩnh vực này.

Đúng hơn, ông xem mình như một kỹ sư. Trong suốt một sự kiện tại Bảo tàng Lịch sử Máy tính vào năm 2017, ông chia sẻ: “Các kỹ sư mơ ước tạo ra một thứ gì đó mà hàng triệu người sẽ sử dụng; đó là mục tiêu tối thượng của họ. Tôi không nghĩ rằng nhiều kỹ sư bị thúc đẩy bởi tiền. Đúng hơn họ được thúc đẩy bởi việc tạo ra một ảnh hưởng.”

Tác giả: Cade Metz
Chuyển ngữ: Anthony Lai & Ngọc Cẩn
Từ: nytimes.com (20.04.2021)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi