Trần Đức Anh, O.P
Hôm 9/2/2021 vừa qua, Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống đã công bố văn kiện tựa đề: “Tuổi già: tương lai của chúng ta. Hoàn cảnh người già thời hậu đại dịch”.
Văn kiện mang chữ ký ngày 2/2/2021 của Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn lâm viện, và Đức ông Renzo Pegorano, chưởng ấn.
Trong văn kiện, Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống nói đến thảm trạng rất nhiều người già trên 65 tuổi đã chết trong cô đơn vì đại dịch Covid-19, nhiều người chết trong các nhà dưỡng lão, trong các khu điều trị khẩn trương vì nguy cơ có thể lan lây virus cho người khác. Theo tổ chức sức khỏe thế giới, số người già chiếm tới một nửa số người chết vì Coronavirus hồi mùa Xuân năm ngoái, (2020), trong các nhà dưỡng lão ở Âu châu. Các nhà này có khoảng 300.000 người hưu dưỡng. Thật là một thảm trạng không thể tưởng tượng được. Điều đáng nói là trong số hơn bảy triệu người già trên 75 tuổi sống tại gia, chỉ có 24% thiệt mạng, vì họ được bảo vệ kỹ lưỡng hơn.
Văn kiện của Hàn lâm viện Tòa Thánh kêu gọi thực hiện một “khúc quanh về văn hóa” để những người già có thể được đồng hành và trợ giúp trong bối cảnh gia đình, giống như ở nhà hơn là ở nhà thương, với sự can dự của những người trẻ, và đặc biệt là các tín hữu. Ý tưởng căn bản là người già không bị và không thể chỉ đối xử với họ trong tình cảnh yếu ớt, mong manh, với những nhu cầu cần được trợ giúp, nhưng như một người còn có khả năng “cho đi”.
Theo tổ chức Sức khỏe thế giới, vào năm 2050 tới đây, trên thế giới sẽ có hai tỷ người trên 60 tuổi, nghĩa là cứ năm người trên trái đất thì có một người già. Có những người coi tuổi già như một bệnh tật, nhưng Đức Giáo hoàng Phanxicô định nghĩa tuổi già là “là một đặc ân! Sự cô đơn có thể là một bệnh tật, nhưng với lòng bác ái, sự gần gũi và an ủi tinh thần, chúng ta có thể chữa trị bệnh cô đơn ấy. Dầu sao, là người già đó thực là một hồng ân của Chúa và là một tài nguyên lớn lao, một sự chinh phục cần được bảo tồn chăm sóc”.
Văn kiện Tòa Thánh kêu gọi nâng đỡ các gia đình, nhất là những gia đình ít con cháu, không thể tự đảm nhận việc săn sóc cho người già, một công việc vốn đòi nhiều cố gắng, phí tổn và năng lực. Cần tái phát minh một hệ thống liên đới rộng rãi hơn, không nhất thiết dựa trên liên hệ họ hàng, ruột thịt, nhưng dựa trên tình cảm, cảm thức chung, lòng quảng đại hỗ tương trong việc đáp ứng nhu cầu của người khác. Vấn đề ở đây là đặt con người ở trung tâm sự chú ý, với những nhu cầu và quyền lợi của họ”.
Văn kiện mới của Tòa Thánh cũng nói đến vai trò của các giáo phận, giáo xứ và cộng đoàn Giáo hội: cần suy tư và quan tâm hơn đến thế giới người già. Trong những thập niên gần đây, các vị Giáo hoàng nhiều lần lên tiếng kêu gọi cảm thức trách nhiệm và săn sóc mục vụ cho người già. Sự hiện diện của họ là một tài nguyên lớn, ví dụ chỉ cần nghĩ đến sự bảo tồn và thông truyền đức tin của các ông bà nội ngoại cho người trẻ tại các nước dưới chế độ độc tài và vô thần. (Rei 9-2-2021)
Nguồn: vietnamese.rvasia
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.