Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô | Vatican News
Ngày 3/1/2021 vừa qua là kỷ niệm đúng 500 năm, Đức Giáo hoàng Lêô X phạt vạ tuyệt thông Martin Luther. Gia sản của nhà cải cách này là Liên hiệp Tin lành Luther hiện nay, qui tụ 148 Giáo hội tại 99 quốc gia trên thế giới.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, hôm 8/1/2021 vừa qua, Đức Hồng y Koch, người Thụy Sĩ, gọi biến cố phạt vạ tuyệt thông Martin Luther tiếp tục là một vết thương trong lịch sử chia rẽ giữa Công giáo và Luther. 500 năm sau biến cố đó, Tòa Thánh và Liên hiệp các Giáo hội Tin lành Luther đang đứng trước thách đố cần làm sáng tỏ về phương diện đại kết, những vấn đề lịch sử, thần học và giáo luật liên quan đến vạ tuyệt thông này. Công tác đó đã được ủy cho một nhóm chuyên gia đại kết cứu xét và theo Đức Hồng y, trong tương lai gần đây có thể công bố một tuyên ngôn chung.
Trong thời gian qua, nhiều người từ phía Tin lành Luther kêu gọi Tòa Thánh thu hồi vạ tuyệt thông chống Martin Luther, nhưng Tòa Thánh trả lời rằng vạ tuyệt thông đã chấm dứt khi một người bị phạt vạ qua đời.
Đức Hồng y Koch nhắc lại rằng trong câu trả lời sau khi bị phạt vạ tuyệt thông, Luther đã gọi Đức Giáo hoàng là “Anticristo”, nghĩa là Ngụy Kitô, hay cũng được dịch là “Quỷ Vương”.
Đức Hồng y trả lời phỏng vấn của Đài Vatican hôm 8/1, nhân dịp công bố bản dịch cập nhật Tuyên ngôn chung của Công giáo và Tin lành Luther về đạo lý liên quan đến sự công chính hóa, do Hội đồng Tòa Thánh Hiệp nhất các tín hữu Kitô và Liên hiệp các Giáo hội Tin lành Luther ký và công bố năm 1999. Đức Hồng y Koch nói: “Tuyên ngôn này là một bước tiến quan trọng trên con đường hòa giải giữa Công giáo và Luther. Vấn đề chủ yếu trong đời sống Kitô là: làm sao chúng ta đạt được ơn cứu độ và ở lại trong ơn cứu độ, vấn đề này gây tranh luận rất nhiều trong thế kỷ XVI và đưa tới sự chia rẽ Giáo hội. Trong Tuyên ngôn chung, Công giáo và Luther cùng tuyên xưng rằng: “Chỉ nhờ ơn thánh, trong niềm tin nơi công trình cứu độ của Chúa Kitô, chứ không phải vì công trạng nào từ phía chúng ta, chúng ta được Thiên Chúa đón nhận và nhận lãnh Thánh Linh, Đấng đổi mới tâm hồn chúng ta, trong khi trang bị và kêu gọi chúng ta làm việc thiện”.
Đức Hồng y Koch cho biết Tuyên ngôn chung này là song phương giữa Công giáo và Tin lành Luther, nhưng về sau một số Giáo hội Kitô khác cũng ủng hộ và chấp nhận, ví dụ Hội đồng Giáo hội Methodist thế giới, Liên hiệp Anh giáo, và Liên hiệp các Giáo hội Tin lành cải cách.
(CNA, Vatican News 8-1-2021)
G. Trần Đức Anh, O.P.
(vietnamese.rvasia.org 10.01.2021)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.