Tên của Tổng Giám mục Wilton Gregory, giáo phận Washington trong danh sách các tân hồng y công bố vào ngày 25 tháng 10 năm 2020 có lẽ là tên được chú ý nhiều nhất trong danh sách. Trong một Giáo hội Hoa Kỳ đầy tổn thương và chia rẽ, sự lựa chọn giám mục có nhân cách đối thoại này mang một tầm mức quan trọng.
Giáo hội công giáo Hoa Kỳ được đánh dấu với cuộc bầu cử ở Mỹ và vài tháng trước đó với vụ ông George Floyd bị giết chết, chọn lựa nâng Tổng Giám mục Washington lên hồng y – lần đầu tiên trong lịch sử với một người Mỹ gốc Phi – được nhiều người xem là một biểu tượng.
Khi nội tình nước Mỹ bị tổn thương vì các vụ bê bối lạm dụng, đặc biệt là vụ McCarrick, người tiền nhiệm của Đức Giám mục Gregory ở Washington, và bị chia rẽ bởi các vấn đề xã hội và chính trị, việc bổ nhiệm giám mục gắn bó với đối thoại và dấn thân xoa dịu xã hội được xem là quan trọng dưới nhiều khía cạnh.
Đức Giám mục Wilton Gregory sinh năm 1947 trong gia đình người Mỹ gốc Phi không có đạo công giáo ở khu vực bình dân ở Chicago. Sau khi cha mẹ ly dị, ngài được mẹ và bà ngoại nuôi dưỡng và đã cho ngài vào học trường công giáo. Quyết định đơn giản này đã làm đảo lộn đời sống của ngài: sáu tuần sau, cậu bé muốn trở thành linh mục, một quyết định ở mãi trong đầu ngài. Sự trở lại ở tuổi 11 này là triệt để và tuyệt đẹp, ngài xin rửa tội năm 1959 và ngài chịu chức ngày 9 tháng 5 năm 1973 khi ngài 25 tuổi.
Sau khi chịu chức, Cha Gregory đặc biệt nghiên cứu phụng vụ, mới đầu ở Chicago và sau đó ở Rôma. Trong thời gian phục vụ đầu tiên, ngài làm việc ở các giáo dân, dưới sự bảo vệ của một nhân vật quan trọng, Hồng y Joseph Bernardin, Tổng Giám mục Chicago từ năm 1982 đến năm 1996. Có lẽ do hồng y thôi thúc mà Đức Gioan-Phaolô II đã phong giám mục cho ngài năm 1993.
Ở tuyến đầu đối diện với các vụ lạm dụng tình dục
Giáo phận Illinois gần St. Louis, nổi tiếng với các vụ lạm dụng tình dục rất nghiêm trọng, giáo phận đã kiên trì chiến đấu. Trong khi Giáo hội Mỹ trải qua cuộc khủng hoảng kinh hoàng trong lãnh vực này, khả năng giải quyết vấn đề trực diện của tân hồng y không phải là không được chú ý. Dù sao cũng không mới lạ gì với ngài, vì năm 2001 ngài đã là giám mục người Mỹ gốc Phi đầu tiên đứng đầu Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ. Trong thời gian này, ngài đã giúp hình thành cái gọi là chính sách “không khoan nhượng” để đối phó với nhiều vụ bê bối lạm dụng tình dục.
Được các đồng nghiệp và hệ thống phẩm trật của ngài thừa nhận, Đức Phanxicô đã phong cho ngài chức hồng y danh giá và thường thường dành cho Tổng Giám mục giáo phận Washington. Một tổng giáo phận được ngài phục hồi sau khi người tiền nhiệm là hồng y Donald Wuerl từ chức, vì bị bồi thẩm đoàn Pennsylvania cáo buộc đã che đậy các hành vi lạm dụng, và bóng mây của vụ hồng y Theodore McCarrick bao phủ. Cựu hồng y McCarrick ở giáo phận Washington từ năm 2000 đến năm 2006, bị kết tội lạm dụng các chủng sinh trẻ và đã bị giáng chức năm 2019.
Khi đọc bản báo cáo gần đây của Vatican về vụ McCarrick, Giám mục Gregory đã chia sẻ sự xấu hổ, buồn bã và tức giận của mình, đồng thời ngài kêu gọi nâng đỡ việc chữa lành cho những người bị tổn thương. Ngài cũng nhận ra con đường vẫn còn phải đi: “Đây là một bước đi dài và kiên trì khi phải đối diện với vô số người mà chúng tôi đã làm họ thất vọng!”
Đối thoại với những người thiểu số
Nhân vật của đối thoại, năm 2004 ngài được Đức Gioan-Phaolô II bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Atlanta, Georgia. Tại địa bàn, ngài nổi bật với sự quan tâm đáng kể dành cho cộng đồng các người đồng tính nam nữ, song tính và chuyển giới, LGBT, như báo New York Times đã đưa tin. Ngài công khai tuyên bố: “Những người đàn ông và phụ nữ này là con trai và con gái của Giáo hội, nhưng trong quá nhiều trường hợp, họ không cảm nhận mình được chào đón hoặc tôn trọng.”
Sống ở Washington trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, ngài chứng kiến một nước Mỹ bị chia rẽ về các vấn đề chủng tộc. Từ đó, ngài đưa ra nhiều lời kêu gọi nhằm xoa dịu căng thẳng ở đất nước mà căng thẳng ngày càng gia tăng, đặc biệt là tháng 6 năm 2020 sau cái chết của George Floyd, một người Mỹ da đen bị các cảnh sát giết chết.
Một vài tuần sau, trong buổi lễ tưởng niệm “Đi trên Washington” của mục sư Martin Luther King năm 1963 – trong đó mục sư đã tuyên bố câu nổi tiếng “Tôi có một giấc mơ” – Đức Giám mục Gregory đã đưa ra lời cầu xin để được hiệp nhất: “Chúng ta có nhiệm vụ và đặc ân trong việc thúc đẩy các mục tiêu đã được thể hiện một cách hùng hồn cách đây 57 năm. Đàn ông, phụ nữ, người trẻ, người lớn tuổi thuộc mọi thành phần chủng tộc và dân tộc là thiết yếu trong nỗ lực này.”
Một hồng y cho thời hậu-Trump?
Mối quan hệ giữa Đức Tổng Giám mục Gregory và Tổng thống Donald Trump thường xuyên căng thẳng. Vào tháng 6, ngài chỉ trích Tổng thống đã lợi dụng chuyến thăm đến nhà thờ quốc gia Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, một ngày sau cuộc biểu tình lớn của nhóm Black Lives Matter trước dinh tổng thống. Ngài lấy làm tiếc: “Thật đáng trách và lo ngại khi một thể chế công giáo để mình bị lạm dụng và thao túng theo cách vi phạm các nguyên tắc tôn giáo của chúng ta.”
Sau cuộc bầu cử vào chức vị tổng thống nước Mỹ của ứng viên công giáo Joe Biden, Tổng Giám mục giáo phận Washington đã hòa giải hơn, ngài nhấn mạnh ở nhiều điểm, tổng thống của Đảng Dân chủ đã có ý kiến khác nhau về giáo huấn công giáo. Trong cuộc phỏng vấn với trang web Dòng Tên America, ngài nhấn mạnh: “Có những lãnh vực mà chúng ta sẽ không đồng ý”, đặc biệt về vấn đề phá thai. Ngài giải thích: “Tôi hy vọng đây sẽ là một đối thoại đích thực, vì tôi nghĩ câu thần chú của Đức Phanxicô – chúng ta phải là một Giáo hội của đối thoại, dù với những người chúng ta có các bất đồng nghiêm trọng.” Phê phán nhưng cởi mở để thảo luận, đó là con đường mà tân hồng y Washington sẽ dấn thân.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
(phanxico.vn 28.11.2020/ cath.ch, I. Media, 2020-11-27)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.