Tác giả: Cha Ed Broom, OMV
Chuyển ngữ và biên tập Phêrô Phạm Văn Trung
Từ: catholicexchange.com
Ngày: 24.11.2020
WHĐ (27.11.2020) – Hàng năm, chúng ta có cơ hội đặc biệt để chào đón Chúa Giêsu vào lòng với Mùa Vọng, đỉnh điểm là vào Ngày Giáng Sinh — Ngày Sinh Nhật của Chúa và Đấng Cứu Độ chúng ta là Chúa Giêsu Kitô.
Thật ra, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy gẫm về ba lần đến của Chúa Giêsu. Thật vậy, đây là một bài suy gẫm có thể mang lại hoa trái. Thế thì, ba lần đến của Chúa Giêsu là gì?
- Lần đến đầu tiên của Chúa Giêsu
Chúa Giêsu đã đến, sinh ra trong xác phàm khoảng 2000 năm trước bởi Đức Trinh Nữ Maria trong chuồng bò ở Bêlem. Thánh Gioan, trong Lời mở đầu, nhắc nhở chúng ta bằng những lời này: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta…” (Gioan 1:14)
- Lần đến thứ hai của Chúa Giêsu
Chúa Giêsu sẽ trở lại, và điều đó sẽ xẩy đến khi tận cùng thời gian. Cả ngày, giờ, thời điểm và hoàn cảnh chúng ta đều không được biết. Ý muốn của Thiên Chúa, của Chúa Cha, sẽ quyết định những ngày giờ đó. Chúa Giêsu liên tục nhắc nhở chúng ta: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (Mt. 25:13) “Vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm” (1 Thessalônica 5:2)
- Sự hiện diện đang diễn ra của Chúa Giêsu
Lần đến thứ ba của Chúa Giêsu thực sự là lúc này, ngày mai và liên tục, theo một cách rất khác nhưng lại rất thực. Chúa Giêsu đến qua ân sủng. Thiên Chúa yêu thương và rộng lượng đến nỗi Ngài đến qua ân sủng theo nhiều cách và với cường độ khác nhau. Sau đây là những lần đến của Chúa Giêsu qua ơn ban: trong lời cầu nguyện, qua việc bác ái và bố thí:
“Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han… Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy… Những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 25: 34-46).
Chúa Giêsu đến qua ơn ban trong sự ăn năn đền tội:
“Tôi bảo các ông: Cũng vậy, trên trời sẽ có vui mừng vì một người tội lỗi hối cải, hơn là vì chín mươi chín người công chính, những kẻ không cần phải ăn năn!” (Luca 15: 7), và hy sinh, “Vậy hỡi anh em, nhân vì lòng thương xót của Thiên Chúa, tôi khuyên anh em: hãy hiến dâng thân mình anh em là lễ tế sống, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. dâng lên Thiên Chúa để hoán cải tội nhân” (Rôma 12:1).
Hơn nữa, và một cách mạnh mẽ hơn nhiều, ân sủng được thông ban qua việc lãnh nhận các Bí tích một cách xứng đáng. Bí tích là một dấu chỉ bên ngoài do Chúa Kitô thiết lập để ban ân sủng. Đặc biệt nhất, ân sủng tuôn đổ dồi dào qua việc thường xuyên và nhiệt thành lãnh nhận Bí tích Giải tội và Bí tích Mình Thánh Chúa, “Chúng ta tìm được nguồn mạch và của nuôi dưỡng cho lòng hoán cải và thống hối hằng ngày nơi bí tích Thánh Thể, vì đây là hy tế của Đức Kitô, Đấng giao hoà chúng ta với Thiên Chúa. Bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng và tăng sức cho những người sống bằng sự sống của Đức Kitô: Bí tích này là “phương thuốc cứu chúng ta khỏi tội lỗi hằng ngày và gìn giữ chúng ta khỏi tội trọng” (CĐ Trentô: DS 1638)” (Giáo lý Công giáo, số 950).
Năm cách để chuẩn bị trái tim của bạn
Bây giờ chúng ta đã hiểu được Chúa Giêsu đã đến và sẽ đến lúc tận cùng thời gian theo ba cung cách khác nhau, vậy thì chúng ta hãy cố gắng chuẩn bị tâm hồn của mình để Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem vào ngày Lễ Giáng sinh. Tuy nhiên, chính khát khao cháy bỏng nhất của chúng ta lại là Chúa Giêsu được sinh ra trong chính tâm hồn chúng ta vào mùa Giáng sinh này. Từ Bêlem có nghĩa là Nhà Cơm Bánh. Xin cho tâm hồn chúng ta trở thành một Bêlem đích thực – Nhà Cơm Bánh – nơi Chúa Giêsu có thể sinh ra.
Chúng ta đưa ra năm cách thực hành đơn giản nhưng hiệu quả để dốc hết tâm hồn chào đón Emmanuel — Thiên Chúa ở cùng chúng tôi!
- Xưng thú tội lỗi.
Tất cả chúng ta hãy nương nhờ đến Bí tích Giải tội trong Mùa Vọng Thánh này. Chúng ta hãy dọn sạch sẽ Hang Đá nội tâm của mình khỏi bụi bẩn, giăng mắc, mạng nhện, mùi hôi – không phải của súc vật – mà là của tội lỗi, “Trong đời sống hằng ngày, việc hoán cải được thể hiện qua những hành vi giao hoà, lo lắng cho người nghèo, thực thi cũng như bảo vệ công lý và công bình (Amos 5,24; Isaia 1,17) bằng việc thú tội, sửa lỗi cho nhau, xét lại cách sống, xét mình, linh hướng, chấp nhận đau khổ, kiên trì khi bị bách hại vì lẽ công chính. Vác thánh giá mỗi ngày và bước theo Chúa Giêsu là con đường thống hối chắc chắn nhất (Lc 9,23)” (Giáo lý Công giáo 1435). Theo lời của Thánh Phaolô, ước gì chúng ta là hương thơm của Chúa Kitô! “… Đức Kitô, tạ ơn Người là Đấng đã dùng chúng tôi mà làm cho sự nhận biết Đức Kitô, như hương thơm, lan toả khắp nơi”(2 Côrintô 2:14).
- Lời Chúa
Thánh Giêrônimô đã nói một cách sâu sắc: “Thiếu hiểu biết về Sách Thánh là thiếu hiểu biết về Chúa Kitô”. Hãy tìm một nơi yên tĩnh và thời gian tốt trong ngày, với nhiều thiện chí, để gặp gỡ Chúa trong Lời của Ngài. Sống theo Cha của chúng ta: “Hãy ban cho chúng ta ngày này Bánh hằng ngày của chúng ta!” Bánh hằng ngày này là Lời Chúa. Chúa Giêsu đã tuyên bố điều này rất rõ ràng bằng cách từ chối sự cám dỗ của ma quỷ: “Người ta sống không chỉ nhờ bánh, nhưng là nhờ vào mọi lời xuất từ miệng Thiên Chúa” (Mt. 4: 4).
- Cầu nguyện nhiều hơn
Đây là câu hỏi Mùa Vọng dành cho bạn: những từ này có nghĩa là gì? CSCT? Tại sao không tẩy rửa lối suy nghĩ trần tục xuất hiện trong tâm trí bạn – càng sớm càng tốt, hãy cầu nguyện luôn! Đây thực sự là một Mùa mà chúng ta phải phối hợp các nỗ lực để cầu nguyện nhiều hơn và ít phạm tội hơn!
Trên thực tế, cuộc sống tội lỗi và đời sống cầu nguyện sâu sắc hoàn toàn trái ngược nhau, như cố gắng trộn xăng dầu với giấm, hoặc trộn lửa với vòi chữa cháy, hoặc kết hợp ánh sáng với bóng tối. Càng cầu nguyện thường xuyên và nhiệt thành, chúng ta càng tránh xa được những thực tế gây tội lỗi.
- Nhịn ăn, đặc biệt là nhịn nói
Chúng ta có thể thực hành chay tịnh bằng nhiều cách, và gia vị của cuộc sống thì đa dạng. Ăn ít hơn hoặc thậm chí nhịn ăn có thể rất có lợi. Chúa Giêsu nói: “Giống quỉ này không chịu xuất ra nếu không có cầu nguyện và ăn chay” (Mt 17:21) Tuy nhiên, chúng ta phải thêm việc kiêng nói vào hình thức kiêng ăn phần xác, để khỏi phạm tội bằng lời nói.
Bao nhiêu lần chúng ta đã phạm tội bằng miệng lưỡi của chúng ta, xúc phạm Thiên Chúa và xúc phạm người lân cận, thường xuyên nhất là xúc phạm các thành viên trong gia đình chúng ta? Những lời lẽ thô tục, những lời nói bộc phát, những lời mỉa mai cay đắng và chế nhạo, những lời nói dối trắng trợn, những cơn giận dữ la lối om sòm, và cũng cần phải được nói đến: ngồi lê đôi mách, ngồi lê buôn chuyện, và rồi lại, ngồi lê lắm chuyện!
Tại sao không bước vào Mùa Vọng bằng cách đọc chương thứ ba thư thánh Giacôbê, một chương nổi tiếng về Tội lỗi đến từ miệng lưỡi!:
“Ai không sa ngã trong lời nói, kẻ ấy hẳn là người trọn lành, có đủ sức gò hãm được cả toàn thân… lưỡi chỉ là phần mình cỏn con, mà vinh vang được nhiều điều vĩ đại. Kìa, tàn lửa nhỏ bé thế mà đốt cháy đám rừng lớn thế! Lưỡi là lửa! Thế giới chứa đựng bất lương, đích thị cái lưỡi đặt giữa phần mình của ta; nó làm hoen ố toàn thân… Còn cái lưỡi, không ai trong loài người có thể trị nổi, một họa tai vô phương trấn tĩnh, nó đầy những nọc độc giết người. Nhờ nó ta chúc tụng Chúa và là Cha, và nhờ nó ta chúc dữ người ta đã được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Cùng bởi một miệng mà phát xuất ra vừa lời chúc tụng, vừa lời chúc dữ. Hỡi anh em, để xảy ra như thế là không được! Há mạch nước do cũng một lỗ, lại phun ra cả nước ngọt lẫn nước mặn sao? Há cây vả lại có thể sinh trái dầu, hỡi anh em, hay cây nho sinh trái vả sao? Và nước muối không thể làm ra nước ngọt!” (Giacôbê 3: 2-11).
Tốt hơn, hãy đọc một cách cá nhân, nhưng cũng nên đọc chung trong gia đình. Thực hiện cam kết này, theo lời khuyên của Thánh Bênađô, chúng ta nên mở miệng ba lần:
1) Ca ngợi Chúa,
2) Để cáo mình về lỗi lầm của chúng ta, và
3) Để soi sáng cho hàng xóm của chúng ta!
Nếu điều này được sống trong gia đình, sẽ chan chứa biết bao phúc lành!!!
- Maria cogita, Maria invoca
Một trong những đặc tính nổi bật nhất về diện mạo của Tu hội Hiến sĩ Đức Trinh Nữ Maria (tác giả của bài viết này thuộc về Tu hội này) là tình yêu dịu dàng và tin tưởng dành cho Đức Trinh Nữ Maria Đầy Ơn Phúc. Điều thiết yếu tiếp theo trong đặc sủng của Tu hội Hiến sĩ là câu nói: Nunc Coepi – Hãy bắt đầu lại – nghĩa là, tôi sẽ bắt đầu lại sau khi tôi sa ngã phạm tội lỗi, cho dù một nghìn lần một ngày!
Tuy nhiên, Hiến sĩ sống trong bầu không khí linh thiêng hay cảnh giới của Đức Maria – hít vào và thở ra Maria cogita, Maria invoca – nghĩa là: Hãy nghĩ về Đức Maria, Hãy kêu cầu Đức Maria. Trung thành với tinh thần của Mùa Vọng, chúng ta đồng hành với Đức Maria, Đấng vô cùng vui mừng và mong đợi sự ra đời của Chúa Giêsu Con Mẹ, Chúa Giêsu Anh Cả của chúng ta, Chúa Giêsu Cứu Thế nhân gian!
Sự thành công của ngày Lễ tỷ lệ thuận với việc chuẩn bị trước ngày Lễ. Khái niệm này cũng đúng như vậy khi liên quan đến lễ Phục sinh hoặc Giáng sinh. Tâm hồn chúng ta càng quảng đại dâng mình cho Thiên Chúa trước Lễ Giáng Sinh, thì chính ngày Lễ sẽ càng vui tươi và phấn khởi.
Ước gì tình yêu và lòng đại lượng của Thiên Chúa dành cho chúng ta khích lệ chúng ta trở nên hết sức quảng đại bắt đầu ngay từ bây giờ!
Lạy Chúa, chúng con tôn thờ Chúa vì Chúa đã đến với chúng con trong quá khứ.
Chúa đã nói với chúng con trong Lề Luật của Israel.
Chúa đã thách thức chúng con tuân theo lời của các tiên tri.
Chúa đã cho chúng con thấy Chúa thực sự như thế nào trong Chúa Giêsu.
Lạy Chúa, chúng con tôn thờ Chúa vì Chúa vẫn đến với chúng con.
Chúa đến với chúng con qua những người khác cũng như tình yêu và sự quan tâm của họ dành cho chúng con.
Chúa đến với chúng con qua những người đàn ông và phụ nữ cần chúng con giúp đỡ.
Chúa đến với chúng con khi chúng con thờ phượng Chúa cùng với dân Chúa.
Lạy Chúa, chúng con tôn thờ Chúa vì cuối cùng Chúa sẽ đến với chúng con.
Chúa sẽ ở bên chúng con vào giờ sau hết.
Chúa vẫn sẽ trị vì tối cao khi mọi thể chế của con người thất bại.
Chúa vẫn sẽ là Chúa khi lịch sử của chúng con vẫn đang tiếp diễn.
Chúng con đón mừng Chúa đang đến.
Xin hãy đến với chúng con ngay bây giờ trong quyền năng của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
(Caryl Micklem, “Những lời cầu nguyện dành cho việc thờ phượng hiện nay trong cộng đoàn”).
Chú thích:
Cha Ed Broom, OMV, là một Hiến sĩ của Dòng Trinh Nữ Maria ( Oblates of the Virgin Mary) và là tác giả cuốn Tận hiến qua các mầu nhiệm Mân Côi và Từ Buồn tẻ đến Thánh thiện. Cha thường xuyên viết blog Fr. Broom’s Blog. Hiến sĩ (tu sĩ thuộc một số Dòng nam nữ không có lời khấn long trọng, như Dòng O.M.I, Dòng Phanxicô thành Salê, v.v…); hoặc là giáo dân tự hiến cho Thiên Chúa để phục vụ tu viện; giáo dân dòng ba.
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.