Thánh Phanxicô Xaviê Nguyễn Cần, tử đạo ngày 20 tháng 11

Thánh

PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN CẦN

Thầy giảng (1803 – 1837)

NGÀY TỬ ĐẠO: 20 THÁNG 11

“Trung thần vô tư nhị tâm, cảm ơn lòng quan lớn, xin cứ phép mà làm.”

WHĐ (19.11.2020) – Thầy giảng Phanxicô Xaviê Nguyễn Cần sinh năm 1803, người làng Sơn Miêng, phủ Ứng Hoà, Hà Nội. Cha mẹ thầy là thường dân, có lòng đạo tốt. Ông bà sinh được năm người con, thầy Cần là con thứ hai.

Từ nhỏ, thầy Cần đã có ý muốn dâng mình cho Chúa nhưng mẹ thầy, vì quá yêu con, đã không bằng lòng để thầy đi. Thầy nài xin nhiều lần nhưng mẹ vẫn từ chối, cho đến lúc thầy bày tỏ quyết tâm: “Nếu mẹ chẳng cho ở với cha xứ ở đây, con sẽ trốn mà đi ở với cha xứ nơi khác”. Mẹ thầy đành phải để thầy vào ở với cha Nghi, chánh xứ Sơn Miêng. Sau đó, thầy được vào chủng viện và trở thành thầy giảng. Thầy Cần được cử đi giúp Đức cha Jean Marie Havard – Du, Giám mục Tây Đàng Ngoài, tiếp đến là cha Retord – Liêu, về sau cha Liêu là Giám mục Tây Đàng Ngoài.

Trong lúc thầy giúp việc cho các đấng, ai cũng khen thầy Cần là người đạo đức, thật thà trung trực, chịu khó làm việc, thương kẻ khó khăn, năng giúp kẻ đi đàng tội lỗi ăn năn trở lại.

Ngày 05-3-1836, khi tới gần đình làng Kẻ Vác, thầy Cần bị tổng hào Tít lấy mấy mẫu ảnh tượng Thánh bỏ vào khăn gói của thầy để lấy cớ bắt giam và đánh đập. Sáng ngày 06-3-1836, quan sai lính điệu thầy lên huyện Thanh Oai. Ở đây, thầy bị tra tấn ba lần, cứ ba ngày một lần:

Lần thứ nhất, quan huyện hỏi tên tuổi, quê quán và giục bước qua thập giá. Thầy xưng mình là Cần, người làng Sơn Miêng, và thưa rằng: “Chúng tôi vốn thờ một Chúa Trời Đất sinh ra ta, tôi chẳng dám bước qua ảnh Người. Quan tha tôi được sống, quan chém thì tôi chịu”.

Lần thứ hai, quan huyện lại khuyên bước qua thập giá, song thầy chỉ lặng thinh. Khi đầy tớ bưng cơm cho thầy, người quỳ xuống, to tiếng đọc kinh. Quan hỏi: “Mày làm dấu gì đấy?” Người thưa rằng: “Ăn cơm xong, chúng tôi tạ ơn, vì đã được dùng của nuôi thân xác để sống và được thờ phượng Thiên Chúa”.

Khi dùng cơm xong, thầy đọc kinh cám ơn. Quan lại hỏi, thầy thưa rằng: “Ăn cơm xong, chúng tôi tạ ơn, vì đã được dùng của nuôi thân xác để sống và được thờ phượng Thiên Chúa”.

 Quan lại bảo đọc kinh bên đạo, người đọc kinh Mười Điều Răn Đức Chúa Trời, kinh Sáu Điều Răn của Hội thánh, cùng cắt nghĩa cách lần hạt năm chục.

Lần thứ ba, quan cũng khuyên bước qua thập giá, song thầy từ chối như hai lần trước.

Thầy Cần bị giam và chịu tra tấn tại huyện Thanh Oai trong tám tháng. Có một lần mẹ già đến thăm, thầy yên ủi mẹ rằng: “Mẹ đừng lo gì về con, cứ việc giữ đạo cho nên, về phần con việc này là việc con ước ao đã lâu mà bây giờ mới được”.

Ngày 20-11-1837, các quan thấy chẳng khuyên bảo được đành đem người đi hành quyết. Đến nơi xử đặt ở gần cửa ô Cầu Giấy, quan giám sát nói: “Thầy bước qua thập giá thì tôi cho thầy về”. Người thưa rằng: “Trung thần vô tư nhị tâm, cảm ơn lòng quan lớn, xin cứ phép mà làm”. Quan giám sát ra hiệu, lính hai bên kéo dây xử giảo thầy. Khi thầy đã chết, quan giám sát sợ rằng ba ngày sau sẽ sống lại nên truyền cắt cổ thầy.

Thi hài vị chứng nhân đức tin được an táng tại Chân Sơn, sau cải táng về thánh đường giáo xứ Sơn Miêng. Về sau, Đức cha Retord – Liêu chuyển một phần thi hài của ngài về Đại chủng viện và Tòa giám mục giáo phận Lyon.

Để kết thúc, xin mượn lời Đức cha Jean Marie Havard – Du đã nói về thầy Cần rằng: “Chẳng ngờ là kẻ khi trước ở với chúng tôi giữ phép tắc đạo đức bình thường, mà khi vào đám can trường có một mình với Đức Chúa Trời mà thôi, chưa có gương nào trước cho mình được soi, mà vững vàng chắc chắn trong các cơn tra hỏi mà làm cho sáng danh Đức Chúa Trời thể ấy”.

Thầy giảng Phanxicô Xaviê Nguyễn Cần được suy tôn lên bậc chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

Trích sách “Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi