Vài suy nghĩ về việc chăm sóc mục vụ cho người cao niên

VÀI SUY NGHĨ VỀ VIỆC CHĂM SÓC MỤC VỤ CHO NGƯỜI CAO NIÊN

Tác giả: Aug. Trần Cao Khải

WHĐ (12.11.2020) – Theo một bản tin cuối tháng 01-2020, trang Vatican News cho hay sáng thứ sáu ngày 31-01-2020, ĐTC Phan-xi-cô đã tiếp các tham dự viên Hội nghị Quốc tế đầu tiên về Chăm sóc Mục vụ cho người Cao niên. Hội nghị do Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống tổ chức, có chủ đề “Sự phong phú của tuổi già”.[1]

Trong dịp này, ĐTC đã giải thích về chủ đề của Hội nghị “Sự phong phú của tuổi già”, theo đó sự phong phú của tuổi già là sự giàu có của mỗi người có được sau nhiều năm sống, với những kinh nghiệm và lịch sử, là kho báu được hình thành trong cuộc sống của mỗi người, bất kể nguồn gốc, tình trạng kinh tế xã hội. Vì cuộc sống là một hồng ân, và khi một người trường thọ thì đó luôn là một hồng ân cho chính họ và cho người khác.

Thêm vào đó, ngài lưu ý về tình trạng của người cao tuổi trong xã hội ngày nay đã thay đổi, con số người lớn tuổi đã gia tăng so với thế kỷ trước, trong khi tình trạng sức khỏe giảm sút, cần sự trợ giúp của xã hội, và đây cũng là khởi đầu của một thời gian dài được hưởng phúc lợi về thể chất và tâm lý, được tự do không bị công việc ràng buộc.

Đặc biệt, ĐTC đã nhấn mạnh đến hoạt động mục vụ phải có người lớn tuổi. Ngài hoan nghênh sáng kiến của Hội nghị, đó là tập trung vào việc chăm sóc mục vụ cho người cao niên, cụ thể nơi giáo xứ và xã hội. ĐTC cũng nhắc nhở các tham dự viên là “đừng để sáng kiến này trở thành một sáng kiến biệt lập, nhưng nó phải là dấu chỉ của một sự khởi đầu cho một con đường đào sâu và phân định mục vụ. Chúng ta phải thay đổi thói quen mục vụ để có thể đáp ứng sự hiện diện của nhiều người già trong các gia đình và trong các cộng đoàn”.

Với quan điểm cho rằng Giáo hội là nơi chia sẻ của các thế hệ về kế hoạch tình yêu Chúa, ĐTC bày tỏ như sau: “Nhận thức được vai trò không thể thay thế được của người già, Giáo hội phải là nơi để các thế hệ được mời gọi chia sẻ kế hoạch tình yêu Thiên Chúa. Sự chia sẻ giữa các thế hệ này, buộc chúng ta phải thay đổi cái nhìn đối với người già, để cùng với người già học cách nhìn về tương lai. Vì thế khi nói về người già, chúng ta không chỉ nói về quá khứ của họ. Hôm nay, tôi muốn nói với anh chị em rằng người già cũng là hiện tại và tương lai của Giáo hội. Vâng, cùng với người trẻ, người già là lời ngôn sứ và giấc mơ.

Được biết cách đây hơn 4 năm, đúng vào Ngày Quốc tế người cao tuổi 01-10-2016, trên trang báo điện tử Công giáo và Dân tộc, LM Giuse-Têrêsa Trần Anh Thụ, TGP Saigon, đã có một bài viết tựa đề “Tìm một đường hướng mục vụ cho người cao tuổi”. Trong bài viết này, tác giả đã đề cập đến “Huấn thị của Giáo hội về người già”, tóm lược như sau:

“Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II quan tâm nhiều tới những người già. Theo ngài, tuổi già là thời gian đặc biệt của sự khôn ngoan, thời của những thành quả bởi những kinh nghiệm. Các người cao tuổi giúp chúng ta nhìn vào những thăng trầm của trần thế với sự khôn ngoan hơn. Chính những thăng trầm đã làm cho họ trở thành những người kinh nghiệm và trưởng thành. Người cao niên tìm thấy trong Lời Chúa một sự an ủi lớn lao, đến độ tuổi thọ được coi như dấu hiệu của lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Tuổi già, vì thế, theo giáo huấn và ngữ vựng riêng của Thánh Kinh, được đề nghị như thời gian thuận tiện cho việc hoàn tất cuộc mạo hiểm của con người.”

“Trong Tông huấn về những bổn phận gia đình Ki-tô (Familiaris Consortio) số 27, ĐTC Gio-an Phao-lô II viết: Cộng đồng Kitô có thể lãnh nhận nhiều điều từ nơi sự hiện diện bình thản của những ai đang tiến đến tuổi già. Hoạt động mục vụ của Hội Thánh cần phải khuyến khích mỗi người biết khám phá và coi trọng vai trò của những người già trong cộng đồng dân sự và Hội Thánh, và cách riêng trong gia đình. Thật ra, cuộc sống của những người già giúp chúng ta thấy rõ bậc thang các giá trị nhân bản, nó cho thấy sự tiếp nối các thế hệ và là một bằng chứng tuyệt diệu về sự tùy thuộc lẫn nhau trong Dân Thiên Chúa. Những người cao niên thường có đặc sủng để lấp đầy những hố phân cách giữa các thế hệ trước khi những hố sâu ấy được đào ra: biết bao trẻ em đã gặp được sự thông cảm và tình thương trong đôi mắt, trong những lời nói và những âu yếm của những lời sách thánh này: Triều thiên của ông bà chính là con cháu của họ (Cn 17,6).”[2]

Như vậy, ta thấy rằng, ngoài xã hội cũng như trong Hội thánh, người cao niên vẫn luôn là đối tượng cần được quan tâm nâng đỡ, chăm sóc và ưu ái về mọi phương diện, nhất là việc chăm sóc mục vụ đối với Ki-tô hữu lớn tuổi.

Sau đây, chúng tôi sẽ bàn qua về vài số liệu hiện nay của người cao tuổi, đồng thời đề cập đến các đặc điểm tâm sinh lý và những nhu cầu của người cao tuổi, để dựa vào đó đưa ra một vài góp ý về công tác mục vụ đối với người cao tuổi.

I.- VÀI SỐ LIỆU VỀ NGƯỜI CAO TUỔI

Hiện nay, người ta sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau để chỉ người cao tuổi. Chẳng hạn, có người nói “Người cao niên”, người khác nhấn mạnh “Người già”, nhiều người dùng cách nói “Người lớn tuổi” hay “Người có tuổi”, nhưng đa số chuộng cách nói “Người cao tuổi” hơn. Ví dụ, người ta đã chọn ngày 01-10 hàng năm gọi là Ngày Quốc tế người cao tuổi.

Một chuyên gia đã giải thích khái niệm về “Người cao tuổi”, như sau:

“Khái niệm người cao tuổi: Có rất nhiều khái niệm khác nhau về người cao tuổi. Trước đây, người ta thường dùng thuật ngữ “người già” để chỉ những người có tuổi, nhưng hiện nay cách nói “người cao tuổi” ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Hai thuật ngữ này tuy không khác nhau về mặt khoa học song về tâm lý, “người cao tuổi” là thuật ngữ mang tính tích cực và thể hiện thái độ tôn trọng.

“Theo quan điểm y học: Người cao tuổi là người ở giai đoạn già hóa gắn liền với việc suy giảm các chức năng của cơ thể. Về mặt pháp luật: Luật Người cao tuổi Việt Nam năm 2010 quy định: Người cao tuổi là Tất cả các công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên.

“Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì người cao tuổi phải từ 70 tuổi trở lên. Một số nước phát triển như Đức, Hoa Kỳ… lại quy định người cao tuổi là những người từ 65 tuổi trở lên. Quy định ở mỗi nước có sự khác biệt là do sự khác nhau về lứa tuổi có các biểu hiện về già của người dân ở các nước đó khác nhau. Những nước có hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe tốt thì tuổi thọ và sức khỏe của người dân cũng được nâng cao. Do đó, các biểu hiện của tuổi già thường đến muộn hơn, nên việc quy định về tuổi của các nước đó cũng khác nhau.

“Chúng ta biết rằng: Người cao tuổi chiếm tới gần 10% dân số, người cao tuổi là một lực lượng xã hội đông đảo và có vai trò quan trọng trong xã hội Việt Nam hiện nay. Với kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình lao động, cống hiến; với những giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ, người cao tuổi được coi là một nguồn lực quan trọng trong các hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước.”[3]

Theo tài liệu chính thống thì hiện nay, ở nước ta, người ta phân biệt người cao tuổi và người già. Theo Luật người cao tuổi năm 2009 thì người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên, trong khi đó thì người già lại được phân chia hai độ tuổi. Theo Bộ luật hình sự năm 1999, người già từ 70 tuổi trở lên, trong khi theo Bộ luật hình sự năm 2015, người già từ đủ 75 tuổi trở lên.[4]

 Theo kết quả Tổng điều tra dân số ngày 01-4-2019, tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người, trong đó, số người từ 60 tuổi trở lên là 11,409 triệu người và số người từ 65 tuổi trở lên là 7,417 triệu người. Theo số liệu của Tổng cục thống kê dân số trung bình năm 2019 là 96,484 triệu người, tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên theo Tổng điều tra dân số là 11,8%, tỷ lệ người 65 tuổi trở lên là 7,7%.

Kết quả Tổng điều tra dân số 2019 cho biết, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi trong khi tuổi thọ bình quân của dân số thế giới là 72,0 tuổi. Như vậy, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cao hơn tuổi thọ bình quân của thế giới 1,6 tuổi, nếu cũng tính theo mức tăng tuổi thọ bình quân cao nhất là 0,1 tuổi/năm thì dân số Việt Nam đã già hóa dân số hơn dân số thế giới khoảng 16 năm. Như vậy tổng thời gian dân số Việt Nam già hóa nhanh so với mức chung của Thế giới là khoảng 96 năm.[5]

Con người, dù không muốn già, cũng phải gánh lấy tuổi già theo năm tháng của cuộc đời này. Tuổi già có những đặc điểm mà những lứa tuổi khác không có được. Đó vừa là niềm hạnh phúc an nhiên nhưng cũng là niềm khắc khoải âu lo, vì tuổi già vừa là ân huệ, đồng thời cũng là một thử thách đáng sợ.

II.- ĐẶC ĐIỂM TÂM SINH LÝ NGƯỜI CAO TUỔI

Cũng như các lứa tuổi khác, người cao tuổi cũng có những đặc điểm riêng về tâm lý cũng như thể lý.

Chúng ta biết rằng, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011. Theo tờ The Economist ngày 8-11-2018 thì ở Việt Nam hiện nay, lớp người trên 60 tuổi đang chiếm tỷ lệ khoảng 12% dân số, và tỷ lệ này được dự báo sẽ tăng lên mức 21% vào năm 2040, một trong những tỷ lệ tăng nhanh trên thế giới.

Người cao tuổi là tài sản quý của xã hội vì trong quá trình sống và làm việc, họ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm phong phú. Tuy nhiên khi tuổi cao, họ lại có những sự thay đổi về tâm, sinh lý để thích nghi và có nếp sống thích hợp hơn với lứa tuổi. Trạng thái tâm lý và sức khỏe của người cao tuổi không chỉ phụ thuộc vào nội lực của bản thân mà còn phụ thuộc vào môi trường xã hội, đặc biệt là môi trường văn hóa – tình cảm và quan trọng nhất là môi trường gia đình.[6]

2.1. Về tâm lý

Xét về mặt tâm lý, người cao tuổi thường có những biểu hiện sau:

– Lo lắng và sợ hãi: Có thể nói, lo lắng và lo sợ là dấu hiệu đặc trưng của tuổi già. Khi còn trẻ người ta vô tư trước mọi biến chuyển, mọi thay đổi, mọi khó khăn trong cuộc sống. Nhưng về già, xem ra cái gì chúng ta cũng sợ hãi, lo lắng. Lo lắng chuyện mưa nắng, giông bão, lũ lụt. Lo lắng chuyện cơm ăn áo mặc. Lo lắng chuyện ốm đau, bệnh tật. Lo lắng chuyện của con cháu. Lo lắng chuyện thời thế, chính trị v.v.

Bên cạnh tâm trạng lo lắng linh tinh, người già còn dễ rơi vào tình trạng lo sợ vu vơ nữa. Lo sợ đi máy bay vì máy bay rớt. Lo sợ đi xe đò vì có thể bị đụng xe. Lo sợ đi một mình vì lạc. Lo sợ nhiều nhất vẫn là lo cho sức khỏe của mình vì cảm thấy gần đất xa trời. Thường xuyên bị ám ảnh bởi cái chết, người già thường sống trong bất an. Phải chăng thân phận của lứa tuổi gần đất xa trời là như vậy!?

– Mặc cảm: Người lớn tuổi thường mang mặc cảm tự ti và tỏ ra thiếu tự tin là vì tuổi già sức yếu, họ không còn khả năng làm những việc mà khi còn trẻ họ đã làm một cách dễ dàng, hiệu quả. Chẳng hạn, khi trẻ họ có thể chạy xe gắn máy cả trăm cây số mà không mệt, bây giờ thì chào thua. Ngày trước, người ta có thể leo trèo, chạy bộ, lao động chân tay hàng giờ mà không mỏi mệt, nhưng bây giờ thì vô phương. Thậm chí đi lên xuống cầu thang trong nhà cũng phải đứng lại nghỉ mệt, hơi thở thì hổn hển.

Quả đúng như câu nói, “Lực bất tòng tâm”. Ngạn ngữ Pháp cũng có câu nói tỏ ra tiếc nuối cho tuổi già, nói lên sự bất lực của tuổi già, “Si jeunesse savait, Si vieillesse pouvait!” (Nghĩa là: Ước gì tuổi trẻ giàu kiến thức và ước gì tuổi già giàu năng lực). Đúng thế, tuổi trẻ thiếu kinh nghiệm, non kiến thức và tuổi già thừa kinh nghiệm, giàu hiểu biết, nhưng sức lực thì đã quá hao mòn theo ngày tháng … “Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!”.

– Cô đơn và trầm cảm: Cô đơn là trạng thái tâm lý người lớn tuổi dễ mắc phải. Có người cô đơn vì hoàn cảnh riêng phải sống lủi thủi một mình, không người thân hay con cháu bên cạnh. Người ta gọi đó là tình trạng người già neo đơn. Cũng có trường hợp, cha mẹ lớn tuổi có điều kiện ở chung với con cháu nhưng họ vẫn cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Do hoàn cảnh kinh tế, xã hội, con cháu phải đi làm, thường xuyên vắng nhà, còn ông bà / cha mẹ thì chỉ biết lủi thủi trong nhà, nên cảm thấy như bị bỏ rơi, bị giam lỏng. Những lúc gia đình đoàn tụ, như trong bữa cơm tối chẳng hạn, thì người trẻ say mê nói chuyện làm ăn, buôn bán, trong khi người già cảm thấy lạc lõng, dường như họ thuộc về một thế giới khác, khó hòa nhập được. Họ sống khép kín và thu mình. Từ đó phát sinh tâm trạng tủi thân, rồi cũng vì thế người già dễ dàng mắc chứng trầm cảm.

Bà Caroline Abrahams, giám đốc tổ chức “Người cao tuổi” của Anh cho biết: “Sự cô đơn có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự hạnh phúc của người già. Điều này có thể nhìn thấy rõ về mặt tinh thần khi tình trạng trầm cảm ở người già thường trở nên nghiêm trọng hơn vì cô đơn”. Như vậy, sự cô đơn sẽ có nguy cơ đẩy người già vào tình trạng đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Họ dễ mắc những chứng bệnh nguy hiểm về tim mạch, tiêu hóa, thần kinh, hô hấp. Các bệnh này thường trở nên mãn tính, khiến người già phải chịu đựng suốt đời.

Những người cô đơn cũng có rủi ro mắc các bệnh liên quan đến khả năng nhận thức cao hơn tới 64%. Tác hại không chỉ dừng lại ở đó, cảm giác cô đơn làm tăng nguy cơ béo phì, cao huyết áp dẫn đến tử vong sớm lên tới 26%. Con số này cũng tương đương với rủi ro khi hút tới 15 điếu thuốc/ngày. Một số bác sĩ cũng đưa ra lời cảnh báo rằng, cảm giác cô đơn còn khiến con người ta “cố tình” mắc bệnh. Tức là, họ muốn đến gặp bác sĩ nhiều hơn để có cảm giác được quan tâm, chăm sóc, và điều này vô tình tạo áp lực cho ngành y.[7]

– Nóng nảy: Theo các chuyên gia thì các vị cao tuổi thường khá nóng tính và dễ tự ái, dễ tự ti, hay suy nghĩ tiêu cực nên tâm lý cũng hay nóng nảy. Vị trí xã hội thay đổi, từ người chăm sóc gia đình, trở thành người được con cháu chăm sóc. Người già thấy họ đã bị mất đi địa vị vốn có nên rất dễ bị tác động và khả năng kiềm chế cũng không cao, dễ sinh sự với những điều nhỏ nhặt. Những vị sau khi nghỉ hưu rất hay phiền muộn, mất ngủ nên tinh thần họ bị tuột dốc và thường xuyên bị stress. Ngoài stress thì người lớn tuổi cũng dễ mắc các bệnh lý khác, nên chú ý quan tâm để tránh rơi vào các tình trạng tiêu cực.

– Bi quan và chán nản: Đây là căn bệnh tâm lý mà hầu hết các người cao tuổi đều mắc phải. Khi sức lực cạn kiệt, khả năng thích nghi hạn chế, cơ thể không còn sinh lực do bệnh tật triền miên, khi thường xuyên rơi vào trạng thái cô đơn, lạc lõng trong một thế giới sôi động, chuyển biến không ngừng, người cao tuổi sẽ cảm thấy dễ dàng bi quan và chán nản. Họ chán nản vì nghĩ rằng mình trở nên “vô tích sự” đối với gia đình, xã hội. Họ bi quan vì mình không còn làm được gì giúp ích nữa, trái lại mang mặc cảm “ăn bám” con cái, sống nhờ vào tiền lương hưu hay tiền trợ cấp xã hội.

Ngoài ra, người cao tuổi thường xuyên lo lắng bi quan là vì họ rất lo cho sức khỏe của mình nên luôn có tâm lý lo sợ “gần đất xa trời”, sợ chết. Họ trở nên chậm chạp, yếu ớt nên phải lệ thuộc nhờ vả vào người khác, khiến họ lo âu, sợ bị bỏ rơi nhất là khi càng mang nhiều bệnh tật tâm lý càng trở nên nặng nề hơn. Họ hay bận tâm lo lắng về những việc chưa làm được, luôn suy nghĩ về con cái, thậm chí phỏng đoán chủ quan bắt con cái làm theo ý mình.

2.2. Về thể lý

Khi bắt đầu tuổi 60, cơ thể lão hóa dần dần, các bệnh tật ồ ạt kéo tới. Tuổi này bắt đầu gọi là tuổi già hay tuổi cao niên và khi qua đời người quá cố sẽ được phong cho hai chữ “Hưởng thọ”.

Thực vậy, ở tuổi này, cả cơ thể và tinh thần đều thay đổi, da nhăn, tóc bạc, đi đứng cũng chậm chạp, mắt mờ, tai lãng, sức yếu cùng với xuất hiện những tâm lý cô đơn, bi quan, nóng nảy, đa nghi… Những khủng hoảng tâm lý càng ngày càng tăng lên theo tuổi tác rõ nét nhất là khoảng 80 tuổi. Người về già cũng như một em bé, thân thể yếu đi, phản ứng chậm, người già cần một thời gian lâu để ghi nhớ dữ kiện, suy nghĩ và thời gian trả lời lâu hơn. Đặc biệt con người càng về già trí nhớ suy giảm rất hay quên, thiếu sự chú ý, dễ mắc hội chứng Alzheimer, không nhớ để đồ dùng ở đâu. Xương cốt yếu đi, hay đau nhức xương, đi đứng chậm chạp, dễ té ngã vì thế trong phòng tắm cần có biện pháp phòng ngừa trơn trợt vv.

Các nhà chuyên môn đã làm một danh sách dài về những “tật” và “bệnh” mà người cao tuổi thường dễ mắc phải. Nói về “tật”, thì có thể kể ra:

Trước hết, thấy rõ nhất là đi đứng khó khăn, vận động chậm chạp, không vững vàng như tuổi trẻ, nên nhiều trường hợp phải dùng đến cây gậy, như là cái chân thứ ba để trợ giúp. Tiếp theo là về con mắt và lỗ tai. Nghe kém, nhìn kém. Trong nhiều trường hợp, các cụ phải dùng kính để xem cho rõ và dùng máy trợ thính để nghe rõ hơn. Thông thường thì cả thính lực và thị lực đều giảm sút đáng kể. Đó là cái bất tiện khá lớn của tuổi già.

Rồi về giấc ngủ, tuổi già sẽ không bao giờ ngủ sâu và ngủ lâu như tuổi trẻ. Thường thì có được giấc ngủ ngắn vào lúc khuya và chập chờn cho tới sáng. Rồi cái tật đặc trưng của người già thuộc về trí nhớ. Dường như vấn đề trí nhớ của các cụ thường bị xuống cấp trầm trọng. Có cụ nói trước quên sau. Có cụ chuyện cũ xưa thì nhớ và kể lại vanh vách, còn chuyện mới xảy ra thì chẳng còn nhớ gì. Mới nghe xong mà cứ hỏi đi hỏi lại như chưa nói gì…

Còn một yếu nữa của tuổi già, đó là vấn đề ăn uống. Người già thường than thân trách phận là, lúc còn trẻ ăn được thì không được ăn, đến khi về già thì được ăn nhưng lại không ăn được. Đó là sự thật hiển nhiên. Vì khi đã lớn tuổi, việc ăn uống trở nên khó khăn. Răng thì rụng dần, nếu còn lại cái nào thì cũng lung lay, tê buốt. Có cụ không còn cái răng nào, gọi là móm, có cụ còn vài cái nhưng vấn đề nhai, nuốt trở nên khó khăn. Thậm chí việc uống nước hay các chất lỏng khác có khi cũng còn bị sặc. Do đó, người già thường ăn uống được ít, dẫn đến cơ thể suy kiệt và bệnh tật gia tăng.

Đó là nói về “tật”, còn về “bệnh” thì nhiều vô kể. Chẳng hạn, người cao tuổi hay mắc phải những bệnh (mãn tính) như:

Bệnh về hệ thần kinh trung ương: hầu hết người cao tuổi do hệ thần kinh trung ương bị lão hóa dần nên làm cho trí nhớ kém, hay quên, cá biệt mắc một số bệnh như: Parkinson hoặc Alzheimer.

Bệnh về hệ thống tuần hoàn: trong số các bệnh về tim mạch ở người cao tuổi thì bệnh xơ vữa động mạch, bệnh thiểu năng mạch vành, bệnh tăng huyết áp…chiếm một tỷ lệ đáng kể.

Bệnh về hệ hô hấp: bệnh viêm họng, viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, tâm phế mạn tính, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là những bệnh gặp khá nhiều ở người cao tuổi, nhất là ở những người có tiền sử hoặc đang hút thuốc lá, thuốc lào, những người sống trong tình trạng thiếu dưỡng khí như: nhà chật hẹp, thiếu ánh sáng, khói bếp nhiều…

Bệnh về hệ xương khớp: đau xương, khớp, thoái hóa khớp nhất là đốt sống thắt lưng, khớp gối hoặc bệnh gút làm cho người bệnh đau đớn, lo lắng, buồn chán, nhất là khi thay đổi thời tiết.

Bệnh về đường tiêu hóa: Người cao tuổi rất dễ mắc bệnh rối loạn tiêu hóa như: ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng, táo bón hoặc tiêu chảy. Người cao tuổi cũng có thể mắc bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng, trào ngược thực quản hoặc viêm đại tràng mãn tính. Các loại bệnh dạng này thường làm cho người cao tuổi rất khó chịu, gây lo lắng, ăn không ngon, ngủ không ngon giấc hoặc kém ngủ, mất ngủ kéo dài. Mất ngủ lại làm cho nhiều bệnh tật phát sinh.

Bệnh về hệ tiết niệu – sinh dục: Người cao tuổi cũng rất dễ mắc các bệnh về hệ tiết niệu – sinh dục, đặc biệt là u xơ tiền liệt tuyến hoặc ung thư tiền liệt tuyến. Những bệnh về sinh dục – tiết niệu thường có hiện tượng đi tiểu nhiều lần, tiểu rắt, tiểu són, nhất là vào ban đêm gây nhiều phiền toái cho người già.

Ngoài ra, ở người cao tuổi cũng thường bị rối loạn một số chỉ số về mỡ máu (cholesterol, triglycerid), rối loạn về chức năng gan (SGOT, SGPT), tiểu đường vv.

Khi bắt đầu tuổi già, đó là lúc người ta phải tập đón nhận đủ thứ bệnh và tật, giống như phải “sống chung với lũ” vậy.

ĐTC Bê-nê-đic-tô XVI cũng đã nhắn nhủ người già là đừng nhìn lại quá khứ để thương tiếc trong sự sầu muộn, để rồi coi giai đoạn sống hiện nay như thời xế chiều. Ngài nhấn mạnh rằng: “Thật là đẹp ở trong tuổi già! Trong mỗi lứa tuổi, ta cần biết khám phá sự hiện diện và phúc lành của Chúa và những phong phú mà lứa tuổi ấy chứa đựng. Đừng bao giờ để cho mình bị khép kín trong sầu muộn! Chúng ta đã lãnh nhận hồng ân sống lâu. Sống, thật là điều tốt đẹp, kể cả với lứa tuổi chúng ta, mặc dù có một số khó khăn và giới hạn. Ước gì trên khuôn mặt chúng ta, luôn có niềm vui vì cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu thương và không bao giờ buồn sầu.[8]

III.- MẤY GÓP Ý VỀ VIỆC CHĂM SÓC MỤC VỤ CHO NGƯỜI CAO TUỔI

Ở trên chúng ta đã đề cập khá nhiều chi tiết liên quan thân phận người cao tuổi. Từ những con số thống kê, cho đến những đặc điểm tâm sinh lý của lớp người cao tuổi trong xã hội, ta thấy rằng họ thuộc về một thành phần đáng kính, đáng thương, đáng trân trọng, đáng quan tâm, đáng được hưởng sự chăm sóc của cả xã hội lẫn Hội thánh. Sự chăm sóc về vật chất, về tinh thần và nhất là về tâm linh.

Tuy nhiên, trên thực tế sự quan tâm của xã hội nói chung và của Hội thánh nói riêng, hiện nay xem ra còn khá khiêm tốn.

Ngoài xã hội, ta thấy ở cấp thấp nhất như khu phố (ấp) đến cấp phường (xã) đều có Hội người cao tuổi. Hàng tháng có phát tiền bồi dưỡng cho các cụ trên 80, hàng năm có tổ chức phát quà cho quý cụ trên 70. Thỉnh thoảng cũng có tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các cụ nào có nhu cầu… Một vài địa phương, chính quyền và các nhà hảo tâm có sáng kiến chung tay xây dựng các cơ sở nuôi dưỡng và chăm sóc người già. Các cụ đến đây sống và sinh hoạt như nhà của mình, nhờ đó họ thoát cảnh cô đơn lẻ loi.

Nhìn chung, sự quan tâm nêu trên cũng rất hạn chế so với nhu cầu to lớn của bộ phận người cao tuổi.

Trong bài viết “Tìm một đường hướng mục vụ cho người cao tuổi” [2] LM Giuse – Têrêsa Trần Anh Thụ, TGP Saigon đã mở đầu ngắn gọn như sau: “Ngày nay, mọi người vẫn quan tâm nhiều đến mục vụ cho thiếu nhi, giới trẻ, gia đình và cả người di dân…Tuy nhiên, có thể nói, còn nhiều thiếu sót trong việc quan tâm mục vụ đến người cao tuổi”.

Thực vậy, trong phạm vi giáo xứ, thử hỏi có mấy nơi có Ban Mục vụ người cao tuổi? Có mấy nơi cha xứ quan tâm tới giới người cao tuổi như ngài quan tâm tới thiếu nhi, giáo lý viên, giới trẻ, ca đoàn…Dường như giới già đang bị bỏ quên? Hay ta quan niệm tuổi già thì bất khả, bất lực, bất tài?

ĐGM GB. Bùi Tuần, trong bài viết “Sự cộng tác của những vị cao niên trong chương trình Chúa Thánh Linh”, đã chia sẻ: “Từ ít lâu nay, tôi hay nghĩ về tuổi già. Tôi tin rằng: Những người cao tuổi, tuy sức khỏe và nhiều khả năng bị xuống cấp, nhưng vẫn có thể cộng tác với Chúa một cách đắc lực trong việc cứu độ và xây dựng ích chung. Ích chung của gia đình xóm ngõ, ích chung của địa phương đất nước, ích chung của giáo xứ và Hội thánh .[9]

Nhân đây, chúng tôi xin mạn phép đưa ra vài góp ý như sau:

3.1. Về tổ chức:

– Ban Mục vụ người cao tuổi: Giáo xứ nên có một ban chuyên trách mục vụ cho người cao tuổi. Trưởng ban là thành phần của Hội đồng Mục vụ giáo xứ. Nếu căn cứ thống kê số người cao tuổi chiếm tỷ lệ 10% thì trong một cộng đoàn có 3.000 tín hữu, số người cao tuổi sẽ có khoảng 300 vị. Một con số không phải nhỏ.

– Ngoại trừ một số vị cao niên già yếu, bệnh hoạn, thì những người tuy tuổi cao nhưng còn khỏe mạnh, minh mẫn, nhanh nhẹn có thể được mời tham gia vào các hội-đoàn-nhóm thích hợp, như Hội đồng MVGX, Hội Legio Mariae, Ban Caritas, Ban Truyền thông, ca đoàn, giáo lý viên vv.

– Những người cao niên thường được xem là những người khôn ngoan, có nhiều kinh nghiệm sống, có vốn tích lũy từ nhiều ngành nghề khác nhau, có thể tham gia ban Cố vấn cho cha xứ hay cho Hội đồng MVGX.

3.2. Về sinh hoạt:

– Ban Mục vụ người cao tuổi là cầu nối giữa giáo xứ và những thành phần giáo dân lớn tuổi trong cộng đoàn. Nhờ có ban Mục vụ người cao tuổi mà cha xứ, Hội đồng MVGX và cộng đoàn biết những nhu cầu, ước muốn, nguyện vọng của giới cao niên, để từ đó đưa ra các hình thức sinh hoạt cụ thể. Trong giáo xứ, thường những người lớn tuổi chăm đi lễ, siêng đọc kinh, sốt sắng tham gia các lễ nghi Phụng vụ. Họ cũng là những người khá rảnh rỗi nên thường xuyên có thì giờ xem sách báo, gặp gỡ bạn bè, tham gia các sinh hoạt đạo đức, văn hóa, nghệ thuật…

– Nếu hoàn cảnh thuận tiện, giáo xứ nên tổ chức Thánh lễ riêng cho giới cao tuổi, vào các dịp lễ đặc biệt, đảm bảo ít nhất một năm cũng vài lần. Thánh lễ nên được lồng ghép trong giờ Phụng vụ cộng đoàn để mọi người cùng hiệp thông.

– Giáo xứ nên tổ chức lớp giáo lý và lớp học hỏi Thánh Kinh cho người cao tuổi. Đây là một việc làm rất cần thiết và rất có ý nghĩa. Các ngài là những người luôn có những thao thức về phần rỗi của mình, về việc sống đạo, về truyền giáo, về những hiểu biết về đạo, nên những hình thức lớp học này xem ra rất hữu ích và luôn là điều các cụ mong mỏi.

– Nơi nào hoàn cảnh cho phép, giáo xứ nên tổ chức cho người lớn tuổi tham gia các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao v.v. Nhờ đó các ngài cảm yêu đời, quên đi những đớn đau bệnh tật và vui sống hơn.

– Thăm viếng mục vụ: Cha xứ và Hội đồng MVGX nên có kế hoạch đi thăm viếng mục vụ tất cả các người cao tuổi trong cộng đoàn. Ưu tiên là những cụ già yếu bệnh tật, những cụ có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn, các cụ khô khan nguội lạnh, các cụ có nhu cầu muốn gặp gỡ mục tử để chia vui sẻ buồn…

3.3. Về chăm sóc sức khỏe:

– Khám chữa bệnh: Nhiều nơi giáo xứ đã thực hiện việc này thông qua ban Caritas chẳng hạn. Hơn ai hết, các người cao tuổi luôn có nhu cầu khám chữa bệnh thường xuyên và định kỳ, khám tổng quát cũng chuyên khoa, khám tại chỗ cũng như được giới thiệu lên cơ sở y khoa hay bệnh viện ở tuyến cao hơn. Họ là những người gần đất xa trời, nên việc khám bệnh và theo dõi bệnh luôn là một công việc cực kỳ khẩn thiết.

– Mỗi năm vào dịp lễ tết, giáo xứ cũng nên tổ chức phát quà cho các người cao niên. Đây vừa có ý nghĩa của việc quan tâm chăm sóc, vừa mang lại niềm vui và an ủi cho các cụ. Vật chất chỉ là tượng trưng nhưng tấm lòng của mục tử và của cộng đoàn luôn là điều mang lại hạnh phúc cho lứa tuổi cần được sự chăm sóc và nâng đỡ đặc biệt.

Thay lời kết:

ĐTC Phan-xi-cô trong Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm vui Tình yêu) số 191 đã viết: “Đừng vứt bỏ con lúc tuổi già; đừng bỏ rơi con lúc con đã lực tàn sức yếu” (Tv 71:9). Đó là lời van xin của người cao niên, sợ bị quên lãng và từ bỏ. Như Thiên Chúa đã yêu cầu ta trở thành phương thế để Người nghe thấy tiếng than của người nghèo thế nào, Người cũng muốn ta nghe tiếng kêu của người cao niên như vậy. Điều này nói lên một thách đố cho các gia đình và cộng đồng, vì “Giáo Hội không thể và không muốn sống theo não trạng nôn nóng, nhất là não trạng dửng dưng và khinh miệt, đối với tuổi già. Ta phải đánh thức một lần nữa cảm thức biết ơn, biết đánh giá cao, biết hiếu khách một cách tập thể nhằm làm cho người cao niên cảm thấy như đang là thành phần sống động của cộng đồng. Các người cao niên của chúng ta đều là những người đàn ông đàn bà, những người cha người mẹ, đến trước chúng ta trên chính con đường ta đang đi, trong chính căn nhà ta đang ở, trong cuộc đấu tranh hàng ngày của ta để có được một cuộc sống đáng sống”. Thực thế, “Tôi sẽ yêu thương xiết bao một Giáo Hội biết thách thức nền văn hóa vứt bỏ bằng một niềm vui tràn trề của cái ôm mới giữa người trẻ và người già!”[10] ./.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi