Các câu chuyện thời Trung cổ tìm ý nghĩa thiêng liêng nối kết sự sa ngã của con người và công cụ cứu độ.
Có lẽ ngày nay không còn nhiều người chú ý đến vấn đề này nữa, nhưng vào nhiều thời điểm khác nhau trong lịch sử Kitô giáo, người ta đã tìm cách cắt nghĩa đâu là thập giá đích thực của Chúa Kitô. Một số truyền thuyết mang tính tưởng tượng được nêu lên, và nó thường mang thêm ý nghĩa tâm linh liên quan đến lịch sử cứu độ.
Vào năm 1910, James Charles Wall, một nhà giáo hội học người Anh, đã sưu tập một số truyền thuyết kiểu này trong cuốn sách Relics Of The Passion (Di tích cuộc Khổ nạn) của ông. “Khi thế giới rộn lên với thông tin Thập Giá đã được tìm thấy, và nhiều người muốn được biết thêm các thông tin chi tiết của Thập giá, tùy theo suy nghĩ của mỗi người mà có những câu hỏi đã được đặt ra như: Thánh Giá được làm bằng gỗ gì? Nó đã được trồng và phát triển ở đâu…?”
Một trong những truyền thuyết hấp dẫn nhất có liên quan đến mối liên hệ trực tiếp giữa sự sa ngã của con người và cuộc khổ nạn mà chính Chúa Kitô đã phải chịu vì tội lỗi của Adam. Seth, một trong những con trai của Adam và Eva, đã muốn giúp Adam bớt đau đớn khi ông đau ốm. Seth bèn đi xin vài giọt dầu từ cây sự sống nhưng bị từ chối, thay vào đó Seth nhận được một cành của cây sự sống đó. Khi Adam qua đời, Seth đã trồng cành cây đó trên mộ của Adam. Nhiều thế kỷ sau, từ cây này đã được đẽo thành phần thẳng đứng của cây Thập Giá.
Wall viết: “Thanh ngang của cây Thập Giá được làm bằng gỗ bách, phần để chân được làm từ gỗ cây cọ, và dòng chữ được viết trên một miếng gỗ ô liu.”
Cũng có một truyền thuyết khác tương tự cho rằng, Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, đấng đã không cho ông Seth dầu từ cây Sự Sống, nhưng đã đưa cho ông ba hạt từ cây biết điều lành điều dữ (Adam và Eva đã ăn trái của cây này) để ông đặt bên dưới lưỡi của Adam khi chôn ông. Vị thiên sứ ấy đã hứa rằng từ những hạt giống này sẽ mọc lên một cây, và sinh hoa trái, và từ đó Adam sẽ được cứu và sống lại.
Wall viết: “Từ ba hạt mọc ra một bộ ba cây gồm ba loại gỗ riêng biệt; tuyết tùng, bách và thông, mặc dù chúng chung một thân cây. “Từ cây này, ông Môsê lấy làm cây gậy cho mình. Cây này cũng được vua Đavít trồng ở bên hồ nước gần Giêrusalem, và bên dưới những cành lá của nó, ông đã ngồi sáng tác các bài Thánh Vịnh.”
Vua Solomon đã chặt cây này để làm cột trong Đền thờ của ông, nhưng thân cây quá ngắn, nên nó đã bị loại bỏ và được bắc qua một con suối để làm cầu. Nữ hoàng Sheba khi đến thăm Solomon, đã từ chối đi qua thân cây cầu này, và tuyên bố rằng một ngày nào đó nó sẽ là duyên cớ tiêu diệt người Do Thái. Nhà vua đã ra lệnh gỡ bỏ và chôn cây đi. Nó đã được chôn bên cạnh hồ Bethesda, vào thời điểm đó các tính chất của gỗ lập tức được truyền vào dòng nước. Sau khi Chúa bị kết án, người ta thấy nó nổi trên mặt hồ và người Do Thái đã lấy làm cây đà chính yếu của Thập Giá.
Từ lâu đã có truyền thống cho rằng Thập Giá được tạo thành từ một số loại gỗ khác nhau – thường là ba, để tôn vinh Chúa Ba Ngôi, nhưng đôi khi nhiều hơn. “Một truyền thuyết cũ nói rằng Thập Giá được làm từ ‘Cành Cọ Chiến Thắng,‘ Cây Tuyết Tùng Bất Tử’, và ‘Dầu Ô liu của Hoàng Gia và Dầu Xức cho Các Tư Tế.’’
Chúng tôi đã đọc được trong một câu bằng tiếng Latinh: Chân Thập Giá là gỗ cây Tuyết Tùng, Gỗ Cây Cọ làm thành hai cánh tay, gỗ Cây Bách cao lớn làm thân mình, Gỗ Ô liu được niềm vui khắc dòng chữ.
Câu hỏi về việc nguồn gốc của cây Thạp Giá đã làm nảy sinh ra các truyền thống dẫn đến các công trình kiến trúc trong Giáo Hội để tưởng nhớ vị trí được cho là nơi đã mọc lên những loại cây dùng làm Thập Giá. Ngài John Mandeville đã nói vào khoảng năm 1360: “Có một ngôi nhà thờ đẹp ở phía Tây Giêrusalem, là nơi cây làm Thập giá đã mọc lên”.
Khi mô tả về một tu viện Hy Lạp mà ông đã đến thăm cách Giêrusalem khoảng nửa giờ đồng hồ, ông Henry Maundrell (1665-1701) đã nói: “Điều đáng được lưu ý nhất về tu viện đó chính là lý do đặt tên và sự hình thành của tu viện đó. Chính vì có đất đã nuôi dưỡng gốc rễ, đã sinh ra cây, đã sinh ra gỗ, đã tạo nên Thập Giá. Dưới bàn thờ cao, bạn có thể nhìn thấy một cái lỗ trên mặt đất, nơi đó có gốc cây.”
Wall xác định đây chính là tu viện Chính Thống Giáo Hy Lạp kính nhớ Thập Giá Chúa, cách Giêrusalem một hoặc hai dặm về phía Tây. Tu viện này được thành lập không lâu sau khi Thánh Helena tìm thấy Thập Giá.
John Burger (Aleteia) / Lệ Hương chuyển ngữ
(tgpsaigon.net 04.10.2020)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.