ĐHY Parolin gửi sứ điệp video đến khóa họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hiệp quốc

Ngày 21/9, Đức Hồng y Parolin Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã gửi một sứ điệp video đến khóa họp cấp cao của Liên Hiệp quốc nhân kỷ niệm 75 năm thành lập của tổ chức này, đề cao vai trò và các hoạt động của Tổ chức này.

Trong sứ điệp, Đức Hồng y Parolin khẳng định sự ủng hộ của Tòa Thánh đối với Liên Hiệp quốc và đề cao vai trò của Tổ chức này. Ngài nhấn mạnh rằng trong 75 năm qua, Liên Hiệp quốc được các dân tộc trên thế giới xem như “nguồn hy vọng cho hòa bình thế giới và hòa hợp giữa các quốc gia”.

Theo Đức Hồng y, những mong ước của các nước về việc “chấm dứt chiến tranh và xung đột, tôn trọng hơn phẩm giá con người, giảm bớt nghèo đói và sự tiến bộ của công lý” là biểu hiện sự kỳ vọng rằng Liên Hiệp quốc không chỉ khẳng định những lý tưởng trên đó nó được thành lập, mà còn làm việc với quyết tâm ngày càng cao hơn để biến những lý tưởng này thành hiện thực trong cuộc sống của mọi người.

Liên Hiệp quốc như nhà của các gia đình

Kể từ khi được nhìn nhận là Quốc gia Quan sát viên vào năm 1964, Tòa Thánh luôn ủng hộ và thể hiện vai trò tích cực của mình tại Liên Hiệp quốc. Đức Hồng y nhắc lại rằng các vị giáo hoàng kế tiếp nhau đến phát biểu tại Tổ chức này và kêu gọi nó trở thành “trung tâm đạo đức”, nơi mọi quốc gia cảm thấy như nhà của mình, nơi các gia đình được tụ họp và nơi cộng đồng quốc tế, trong tinh thần huynh đệ và liên đới, cùng nhau phát triển các giải pháp đa phương cho các thách đố toàn cầu.

Hoạt động vì công lý, nhân đạo và đối thoại

Đức Hồng y đề cao các hoạt động phục vụ của Liên Hiệp quốc trong các lĩnh vực thăng tiến luật pháp và công lý, cứu trợ nghèo đói, bảo vệ ngôi nhà chung và phát triển một thế giới phát triển con người toàn diện, bảo vệ nhân quyền, bao gồm quyền sống và tự do tôn giáo, chấm dứt chiến tranh và hàn gắn bạo lực. Tuy nhiên, ngài cũng lưu ý rằng Liên Hiệp quốc vẫn còn những thách đố cũng như những thất bại khi không thực hiện lý tưởng của mình, khi để lợi riêng thắng vượt ích chung. Do đó, tổ chức này cũng luôn cần làm sống lại tinh thần nguyên thủy để biến các nguyên tắc và mục đích của Hiến chương trở thành của mình, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi. (CSR_6791_2020)

Hồng Thủy

(vaticannews.va 22.09.2020)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi