Đức Hồng y Tổng giám mục giáo phận Koeln cảnh giác về nguy cơ ly giáo tại Đức

Đức Hồng y Rainer Maria Woelki, Tổng giám mục giáo phận Koeln, cảnh giác rằng “Con đường Công nghị” đối thoại để cải tổ Giáo hội tại Đức có thể dẫn đến một “Giáo hội quốc gia Đức”.


Đức Hồng y Rainer Maria Woelki | ANSA

Tuyên bố với hãng tin Công giáo Đức KNA, hôm 16/9/2020 vừa qua, Đức Hồng y Woelki nói: “Kết quả tệ hại nhất, là khi Con đường Công nghị đưa tới sự phân rẽ, và Giáo hội tại Đức ra khỏi tình hiệp thông với Giáo hội Công giáo hoàn vũ. Điều tệ nhất là từ đó nảy sinh một Giáo hội quốc gia Đức.”

Đồng thời, Đức Hồng y Woelki cũng đánh giá tích cực những cuộc thảo luận mới đây trong tiến trình công nghị, vì đại dịch, được chia làm năm diễn đàn, tại năm vùng khác nhau. Cuộc thảo luận trong những nhóm nhỏ hơn làm cho các tham dự viên có thể trao đổi những lý luận dễ hơn so với trường hợp đại hội đồng, với sự hiện diện của hơn 200 người.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng y Tổng giám mục giáo phận Koeln mạnh mẽ cảnh giác rằng về đề tài truyền chức linh mục cho phụ nữ, Con đường Công nghị sẽ khơi lên những hy vọng không thể đạt được, từ đó dẫn đến sự bất mãn, vì vấn đề Giáo hội không thể truyền chức linh mục cho phụ nữ đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phán quyết chung kết. Đức Hồng y nói: “Tôi không thể bàn về vấn đề này như thể đó vẫn còn là một vấn đề mở ngỏ. Vì thế, cuộc thảo luận diễn ra ngoài đạo lý của Giáo hội”.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng y Woelki phê bình trình độ thần học của một số văn kiện làm việc trong Con đường Công nghị và nói: “Toàn thể thế giới hiện đang nhìn vào Giáo hội tại Đức và Con đường Công nghị này, vì thế chúng ta không thể để cho mình bị nhạo cười về thần học do sự thơ ngây.” Đức Hồng y kêu gọi các nhà thần học nam nữ, trong và ngoài công nghị, tham gia vào các cuộc thảo luận.

Đồng thời, Đức Hồng y Woelki bày tỏ hy vọng Con đường Công nghị thực sự đạt tới một cuộc cải tổ mà Giáo hội đang cần: cuộc cải tổ này phải loại bỏ tất cả những hình ảnh bề ngoài và thực tại, khiến cho Giáo hội xa lìa yếu tính của mình. Vấn để ở đây là đừng hiểu Giáo hội như một cơ cấu xã hội học thuần túy, nhưng là hiểu Giáo hội là một công trình của Thiên Chúa. Mục đích của mỗi cuộc cải tổ phải là làm sao đưa con người đến gần Chúa Kitô và sứ điệp của Ngài”.

Đức Hồng y Tổng giám mục giáo phận Koeln than rằng, “nhiều tín hữu Công giáo ở Đức không còn biết Chúa Kitô là ai, Giáo hội là gì, họ không còn biết bí tích là gì, đâu là cơ cấu bí tích của Giáo hội.”

(KNA 16-9-2020)

Trần Đức Anh, O.P.

(vietnamese.rvasia.org 19.09.2020)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi