Lễ nổi bật trong tháng Chín là lễ Đức Mẹ Sầu Bi. Tất cả những nỗi buồn của Mẹ Maria (lời tiên tri của Simeon, ba ngày mất Con v.v…) được hòa vào trong nỗi thống khổ tột cùng của Mẹ dưới chân Thập giá.
Ý cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng
Ý cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng cho tháng Chín năm 2020: Tôn trọng những nguồn tài nguyên của địa cầu.
Chúng ta hãy cầu xin cho các nguồn tài nguyên của địa cầu sẽ không bị cướp đoạt, nhưng được chia sẻ một cách công bằng và trân trọng.
Ý nghĩa phụng vụ nổi bật
Tháng Chín nằm trong mùa Thường Niên, được thể hiện bằng màu xanh lá cây, màu của niềm hy vọng gặt hái được mùa màng vĩnh cửu trên trời.
Vì nằm trong mùa Thường Niên, Phụng vụ tháng này không tập trung vào một mầu nhiệm cụ thể nào của Chúa Kitô, nhưng chiêm ngắm cuộc đời Chúa Kitô trong mọi khía cạnh. Chúng ta dõi theo bước chân Đức Kitô được kể lại trong các sách Tin Mừng, tập trung vào những lời dạy và dụ ngôn của Ngài, đồng thời ngắm nhìn các Thánh để noi gương mà trở thành môn đệ trung thành của Đức Kitô.
Trong tháng này, chúng ta đặc biệt mừng các lễ: Thánh Têrêsa Calcutta (5.9), Sinh nhật Đức Mẹ (8.9), Đức Mẹ Sầu Bi (15.9), Suy tôn Thánh Giá (14.9), Thánh Anrê Kim và các bạn tử đạo (20.9), Thánh Matthêu (21.9), Thánh Cosma và Thánh Damiano (26.9), Thánh Pio (23.9), Thánh Vinh Sơn Phaolô (27.9), Các Tổng lãnh Thiên thần Michael, Gabriel và Raphael (29.9) và Thánh Giêrônimô (30 tháng 9).
Từ thế kỷ 16 đã có truyền thống: Lòng sùng mộ cho cả tháng sẽ dựa vào một lễ nào đó nổi bật trong tháng. Lễ nổi bật trong tháng Chín là lễ Đức Mẹ Sầu Bi. Tất cả những nỗi buồn của Mẹ Maria (lời tiên tri của Simeon, ba ngày mất Con v.v…) được hòa vào trong nỗi thống khổ tột cùng của Mẹ dưới chân Thập giá.
“Khi chúng con kính nhớ tình yêu đau khổ của Đức Trinh Nữ Maria, xin cho chúng con biết dùng đời sống mình để bù đắp những gì còn đang thiếu sót trong những đau khổ của Chúa Kitô để mưu ích cho Hội Thánh” (Lời nguyện Hiệp lễ ngày 15-09).
Hướng về Mẹ Sầu Bi trong cơn đại dịch
Đức Thánh Cha Phanxicô đã theo truyền thống tâm linh lâu đời của Giáo Hội để luôn hướng lòng về Đức Trinh Nữ Maria, đặc biệt trong những lúc khó khăn. Ngài hằng đại diện Giáo Hội nài xin sự chuyển cầu của Đức Maria và kêu gọi dân Chúa lần chuỗi Mân Côi, cũng như đọc những kinh đặc biệt để cầu xin với Mẹ trong đại dịch Covid-19. Ngài quy tụ tín hữu lại để cùng nhau cảm nhận sự hiện diện đầy yêu thương của Mẹ Maria, vì Mẹ luôn là dấu chỉ về sự chăm sóc quan phòng tuyệt vời của Thiên Chúa dành cho dân Ngài.
Khi dâng Thánh lễ tại nhà nguyện Thánh Martha vào ngày 3-4-2020, trong bối cảnh của đại dịch, ĐTC đặc biệt nói về việc tôn kính Đức Mẹ Sầu Bi và liệt kê “bảy nỗi buồn” của Mẹ: “Hôm nay chúng ta nên dừng lại một chút và nghĩ về những nỗi đau và nỗi buồn của Đức Mẹ là Mẹ chúng ta”[1].
Vâng, để vượt qua những thử thách đau thương trong cơn đại dịch Covid-19 này, nhân loại cần đặc biệt đến với Mẹ Sầu Bi để ngắm nhìn những trải nghiệm khổ đau của Đức Maria trong suốt đời Mẹ, nhờ đó mà hiểu được những đồng cảm, những chỉ dẫn và nâng đỡ tuyệt vời của Mẹ.
Mẹ đã trải qua đau khổ từ thời điểm Truyền Tin – một mầu nhiệm của mùa Vui Mân Côi, nhưng cũng là một khoảnh khắc đấu tranh nội tâm dữ dội khi Mẹ cần phải ôm lấy một tương lai hoàn toàn mờ mịt và còn phải im lặng trước sự bối rối đáng thương của vị hôn phu Giuse đang hoang mang không thể hiểu được vì sao lại có bào thai trong cung lòng Mẹ.
Mẹ đã đau khổ khi sinh con, vì các thế lực thù địch đang muốn giết Con Mẹ nên Mẹ phải bỏ trốn biệt xứ.
Mẹ đã phải cố tìm hiểu ý nghĩa những lời của ông Simeon khi Mẹ dâng con trong đền thờ: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu trái tim Bà…”
Một lần khác, cũng trong đền thờ, Mẹ đã phải vất vả suy nghĩ tìm hiểu ý nghĩa của một biến cố gây hốt hoảng, khi tìm thấy đứa con 12 tuổi – sau ba ngày bị thất lạc – đang ngồi giữa các tiến sĩ luật.
Mẹ đã đau khổ dữ dội dưới chân thập tự giá, chứng kiến con mình chết đau đớn và oan ức.
Tất cả những đau khổ của Mẹ cuối cùng được kết hợp lại trong hình ảnh của bức tượng Pietà – một người mẹ ôm đứa con trai đã chết trong tay mình.
Như vậy, Mẹ Maria biết rõ những buồn sầu đau khổ của loài người. Mẹ cũng chỉ ra được những cách ứng phó với nỗi đau tất yếu hằn lên đời người. Mẹ không bị động trước đau khổ. Mẹ luôn tích cực dấn thân đấu tranh, khi ôm con chạy trốn thế lực thù địch, hoặc những khi nhất định không thụ động cam chịu, quyết tâm không bỏ cuộc trước bao thử thách.
Mẹ cũng ở bên những người đang gặp khó khăn túng quẫn, như khi ở tiệc cưới Cana. Mẹ đặc biệt ở với Con Mẹ trong cuộc thương khó. Sự hiện diện của Mẹ luôn là sự đồng cảm tuyệt vời.
Và khi bản thân Mẹ phải đau khổ, Mẹ luôn tránh được cơn cám dỗ chỉ nhìn vào nỗi đau của riêng mình. Mẹ không làm như thế. Trong đau khổ, Mẹ vẫn mở rộng tầm nhìn và quan tâm đến người khác. Trong đau khổ tận cùng dưới chân thập giá, Mẹ vẫn giang rộng đôi tay đón nhận người môn đệ yêu dấu làm con của mình, để sẵng sàng hết lòng che chở nâng đỡ người con mới nhận lãnh này.
Cuối cùng, khi gặp đau khổ, Mẹ luôn phó thác mọi sự cho Chúa, và trả lời với Chúa như khi Mẹ nói với thiên sứ Gabriel: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.
Đấy là một số cung cách phản ứng của Mẹ trước đau khổ và nỗi buồn: tích cực đấu tranh, hiện diện, đồng cảm, mở rộng vòng tay và tin tưởng làm theo ý Chúa. Những cách phản ứng tuyệt vời ấy của Mẹ sẽ hướng dẫn hành động của chúng ta khi ta phải cố gắng tìm cách vượt qua đau khổ.
Có người từng nhận xét rằng Đức Maria là người mẹ sầu bi, nhưng không phải là người mẹ trầm cảm. Có một sự khác biệt lớn giữa sầu bi và trầm cảm. Khi gặp đau khổ, Mẹ không chỉ đơn giản buồn bã, chán nản đến mức phải trầm cảm. Bên cạnh nỗi buồn do khổ đau gây ra, Mẹ luôn có niềm tin, hy vọng và tình yêu. Nhờ thế, Mẹ luôn có thể đến với Chúa ngay trong những đau khổ dữ dội, và mở ra một con đường tươi sáng cho chúng ta.
Trong thời gian thử thách vì đại dịch hôm nay, Người Mẹ Sầu Bi ấy đang biểu lộ cho con cái Mẹ trên trần gian thấy sự hiện diện đầy quyền năng của Mẹ. Mẹ đồng cảm và kết nối với chúng ta, như Mẹ đã từng đồng cảm và hiệp nhất với Chúa Giêsu Con Mẹ trong cuộc thương khó. Mẹ an ủi chúng ta và động viên chúng ta. Mẹ đang tỏa sáng niềm hy vọng.
Đức Maria vừa là Mẹ Mông Triệu về trời chia sẻ sự sống lại trọn vẹn của Con Mẹ, vừa là Mẹ Sầu Bi chia sẻ nỗi đau khổ của chúng ta trên mặt đất. Chính vì thế, văn kiện “Lumen Gentium” của Công đồng Vatican II đã khẳng định rằng: Mẹ luôn là “dấu chỉ của niềm hy vọng và là niềm an ủi chắc chắn cho dân Chúa đang vất vả lữ hành dưới thế”.
Vi Hữu / Nhịp Sống Tin Mừng 9.2020 / Nguồn: WGPSG
[1] Pope Francis: Reflect on the seven sorrows of Mary, our Mother
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.