Năm 1930, họ đạo Sơn Đốc – Bàu Dơi, sau này, (năm 1949) được đổi tên thành họ đạo La Mã, đã được phúc đón nhận bức ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp về với đoàn con cái. Kể từ giờ ấy, Mẹ đã không ngừng hiện diện, đồng hành với con cái Mẹ bất kể lương giáo, suốt dòng lịch sử của 1 vùng quê nghèo đầy khói lửa chiến tranh, bom đạn, bách hại, lánh nạn, tản cư.
Vào đầu tháng 02.1950, có cuộc giao tranh và bách hại đạo xảy ra trong vùng khá khốc liệt và tàn bạo, dân chúng tản cư tán loạn. Ảnh Mẹ chịu chung số phận. Kể từ ngày ấy, bức ảnh Mẹ bị mất tích. Con cái Mẹ đã không biết Mẹ đi đâu, về đâu!!
Tri ân Thiên Chúa quan phòng, tạ ơn tình mẫu tử của Mẹ. Ngày 05.05.1950, ảnh Mẹ đã được tìm thấy và được vớt lên sau 3 tháng nằm im, chôn vùi trong lòng con rạch sình lầy. Bà Sáu Liềng, người phụ nữ chân quê, đôn hậu là người đầu tiên chạm đến khung ảnh Mẹ. Bức ảnh chỉ còn là khung gỗ lồng kiếng. Hình ảnh Mẹ đã phai mờ và giấy ảnh đã dính chặt vào kiếng. Nhưng vì lòng mến, ông trùm Hạt vẫn đem khung ảnh về nhà và đặt nơi trang trọng.
Ngày 07 tháng 10 năm 1950, chiến sự lại nổ ra nơi đây, ông trùm Hạt cùng người con út không kịp chạy trốn, phải núp dưới tủ thờ chờ cho qua cơn lửa đạn. Lúc im tiếng súng, căn nhà ông đã bị tan nát vì súng đạn, chỉ trừ nơi tủ thờ ông núp là còn nguyên vẹn. Cả gia đình nhìn lên ảnh Đức Mẹ để dâng lời tạ ơn, thì ôi lạ lùng biết bao, bức ảnh phai mờ trước kia, nay đã sáng rõ mọi nét tự lúc nào. Đức Mẹ đã chẳng những cứu hai cha con ông trong cơn nguy khốn, lại còn hiển linh trên bức ảnh phai mờ mà trước nay ông hằng tôn kính và hết niềm cậy tin.
Ngày 15 tháng 08 năm 1951, nhân dịp lễ Đức Mẹ Lên Trời, được trọng kính lần đầu tiên kể từ khi Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, với sự chuẩn y của ĐGM Giáo phận Vĩnh Long là Đức cha Phêrô Ngô Đình Thục, cha sở Họ đạo Cái Sơn – kiêm Họ đạo La Mã – là cha Phêrô Dư, đã tổ chức cung nghinh ảnh Mẹ từ La Mã đến Họ đạo Cái Sơn.
Trong dịp này hàng ngàn người có mặt đã chứng kiến một sự kiện lạ lùng: Mũ Triều thiên trên đầu Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng hiện ra thật rõ ràng. Thêm điều lạ nữa là trước đó, khi bức ảnh được vớt lên, giấy ảnh gắn chặt vào kiếng, nhăn nhúm ố vàng và có nhiều lỗ thủng, bây giờ thì chân dung Mẹ hiện ra rất xinh đẹp, còn các lỗ thủng đã biến mất.
Từ đó, tin Đức Mẹ làm phép lạ đồn ra khắp nơi và người ta tuôn đến La Mã cầu xin Đức Mẹ ngày càng đông. Nhiều người đã tuyên bố mình đã được phép lạ tỏ tường.
Trước lòng cậy trông và sùng kính của dân chúng, Đức Giám Mục Vĩnh Long đã ban một tâm thư huấn dụ như sau:
“Dù Bề Trên chưa đoán định hư thật thế nào, Toà Ta không cấm bổn đạo đến viếng nhà thờ ấy, miễn là sẵn lòng vâng phục lý đoán Hội Thánh sẽ ra, sau khi đã truy cứu rõ ràng cẩn thận, và miễn là hằng nhớ mình đến viếng nơi thánh ấy cho được cầu nguyện và hãm mình, không phải đi du lịch, ăn chơi sung sướng. Cho nên Ta khuyên lơn ai đi đến nơi ấy- từ hàng Giáo sĩ cho đến bổn đạo thường – như không ăn chay được thì ít ra kiêng thịt và không dùng các thứ rượu.
Nếu không thức được trót đêm cầu nguyện thì it là thức một giờ làm giờ thánh hay là lần hạt Mần Côi.
Nếu không thinh lặng được thì nói nhỏ tiếng, không nên ồ ạt, cợt giỡn vì là nơi thánh.
Nam nữ không nên trà trộn, nhất là nhựt một chiều rồi. Người nữ phải ăn mặc nết na kín đáo, không nên lòe loẹt son phấn.
Ta khuyên ai nấy đừng lợi dụng chốn thánh mà buôn bán kiếm lời hoặc phổ khuyến xin khất gì.
Muốn cho ai nấy dễ bề chịu các phép Bí Tích thì Ta ban cho các cha đã có quyền giải tội trong Địa phận mình cũng được giải tội ở La Mã.
Sau hết Ta ước ao cho những kẻ tưởng mình đã được ơn riêng Đức Mẹ ban ở La Mã, thì trình bày việc ấy cho Cha Bổn sở, tốt hơn là xin giấy chứng minh lương y trước khi đi La Mã và sau khi nghĩ mình được ơn riêng Đức Mẹ cho thuyên giảm bệnh tật rồi, gửi giấy má ấy đến tay cha Sở Lạ Mã.
Làm huấn lệnh này tại Vĩnh Lòng ngày 11 tháng 2 năm 1952 cũng là ngày Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức.
Ký tên
+ Phêrô Ngô Đình Thục
Giám Mục Vĩnh Long
Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Mã – Bến Tre
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.