Không được đi dự lễ vì covid-19: một hy sinh lớn lao của người Công giáo Mỹ

Rất may là cho đến lúc này ở Việt Nam, những giáo dân khỏe mạnh vẫn có thể đi tham dự thánh lễ, cho dù phải đeo khẩu trang, phải ngồi xa nhau… Nhưng ở Mỹ hiện nay thì khác. Covid-19 bùng phát cách đáng sợ: trách nhiệm của người Mỹ là phải ở nhà và hy sinh không tham dự thánh lễ. Đây là sự mất mát đáng buồn nhất cho các tín hữu Công giáo Mỹ. Đây cũng là cái giá họ phải trả để có thể chu toàn trách nhiệm đối với nhau. 

– Mọi người đang ở đâu cả rồi? Hình như tôi đang gặp nguy hiểm thì phải! 
– Thưa, họ đang phải… ở nhà để bảo vệ an toàn cho cụ đấy! 

Đó là những lời trao đổi giữa một giáo dân lớn tuổi với một cha sở trong giáo phận của tôi vào thứ Bảy tuần trước. Đây là ngày cuối tuần đầu tiên mà vị giám mục của chúng tôi đã miễn chuẩn cho các tín hữu khỏi phải đi lễ Chúa nhật vì sự bùng phát của virus corona chủng mới. Nhiều giáo phận khác trên khắp nước Mỹ và toàn thế giới cũng đã ngưng các thánh lễ cộng đồng. Giáo phận của chúng tôi cũng làm theo yêu cầu đó. 

Khi tôi nghe biết vị giám mục của chúng tôi ra quyết định miễn chuẩn thánh lễ Chúa nhật, tôi đã rất lo lắng. Đó không phải là nỗi lo về con virus; mà lo rằng, chỉ vài ngày nữa thôi, tôi sẽ phải lựa chọn có nên đi dự lễ với gia đình nữa hay không. 

Đây là một tình huống lý tưởng cho người Công giáo phạm tội: Chúng ta có thể đi dự lễ, vậy mà lại không đi. Nhưng không thể biết chắc được con virus đang có ở đây hay không, và nó đang ẩn mình như thế nào, nên tất nhiên tôi phải lo lắng cho vợ con của tôi, và lo lắng cho chính bản thân mình nữa.

Cuối cùng tôi đã quyết định rõ ràng rằng sẽ không dự lễ Chúa nhật ở giáo xứ, không phải vì nghĩ đến gia đình, nhưng chính là vì nghĩ đến những người như vị giáo dân lớn tuổi kia. Chúng ta có thể là những người mang mầm bệnh- tôi có thể là người mang mầm bệnh- và đặt những người xung quanh vào tình trạng nguy hiểm khi đến với đám đông. 

Đó là một suy nghĩ nghiêm túc. Đó cũng là một suy nghĩ mang xã hội tính. Đây là một thách đố lớn cho hầu hết chúng ta trong cơn đại dịch: nghĩ đến tập thể thay vì chỉ nghĩ đến cá nhân mình. Tôi có thể đi dự lễ hoặc muốn đi dự lễ, nhưng tôi sẽ phải chịu trách nhiệm, không chỉ vì gây nguy hiểm cho bản thân và gia đình mình, mà còn cho những người khác nữa. Chúng ta đều có trách nhiệm đối với nhau. 

Vào thời điểm tôi viết bài này, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh ở Mỹ đã hối thúc người dân hạn chế hoặc hủy bỏ việc tụ tập trên 50 người vì sự lây lan nhanh chóng của virus corona chủng mới – sẽ có thể gây nên tình trạng quá tải cho bệnh viện và các nguồn y tế, tạo ra khủng hoảng xã hội trầm trọng như nước Ý đã phải đối mặt rồi. 

Không lâu sau đó, đã có khuyến cáo toàn quốc Hoa Kỳ nhắc nhở không tụ tập đám đông từ 10 người trở lên. Điều này có nghĩa là sự miễn chuẩn đi lễ Chúa nhật – như vị giám mục của chúng tôi đã loan báo cuối tuần qua – đã sớm trở thành sự tạm ngưng hoàn toàn mọi thánh lễ cộng đồng trong hầu hết – nếu không phải là tất cả mọi giáo phận – như đã xảy ra nơi giáo phận chúng tôi. 

Thánh lễ vẫn được cử hành – ngay cả cho chúng ta – nhưng chúng ta sẽ không có mặt ở đó. Đây là sự mất mát đáng buồn nhất cho các tín hữu Công giáo Mỹ. Đây cũng là cái giá phải trả để có thể chu toàn trách nhiệm đối với nhau. 

Nhiều người Công giáo mà tôi ngưỡng mộ và tôn trọng đã chống đối việc tạm ngưng Thánh lễ cộng đồng. Tôi cảm nhận được sự thất vọng và nỗi buồn của họ, nhưng tôi không đồng ý với họ. 

Phải, chính Chúa Kitô là nguồn sức mạnh và hy vọng của chúng ta, Ngài đã ban chính Ngài cho chúng ta trong Thánh lễ. Và phải rồi, bổn phận và niềm vui của chúng ta chính là được kết hợp bản thân mình với hy tế của Ngài trong phụng vụ Chúa nhật – quả thật, đó là nghĩa vụ của chúng ta. 

Nhưng nếu chúng ta đến dâng lễ trong phụng vụ Chúa nhật mà xúc phạm đến người lân cận, thì ta phải đi giải hòa cùng người đó trước khi đến gần bàn thờ. 

Hoặc trên đường đi lễ, trông thấy ai đó túng thiếu, ta không được bỏ đi lối khác mà phải bước xuống chăm sóc vết thương cho họ. 

Cũng vậy, nếu việc tề tựu trong Thánh lễ Chúa nhật có thể làm ai đó trong cộng đoàn thành nạn nhân của dịch bệnh hoặc gây đau đớn cho những người khác trong cộng đoàn, thì trách nhiệm của chúng ta là phải ngưng thực hiện các nghĩa vụ thông thường này. Đây không chỉ là trách nhiệm công dân mà còn là nghĩa vụ tôn giáo. 

Tôi chợt nhớ đến cuốn tiểu thuyết ‘Im Lặng’ đầy ám ảnh của nhà văn Shusaku Endo, bởi vì câu hỏi quan trọng nằm ở trọng tâm cốt truyện không phải là về hạnh phúc của riêng mình, mà là hạnh phúc của người khác. Nhà truyền giáo Dòng Tên đã nhất định không chối đạo cho dù bị kẻ bắt đạo hành hạ đau đớn. Tuy nhiên, kẻ bắt đạo thâm hiểm đã không đưa ra cho nhà truyền giáo những suy tính về hạnh phúc bản thân mình, thay vào đó, hắn bắt nhà truyền giáo phải chọn lựa: ‘giải thoát’ hay ‘kéo dài’ nỗi đau đớn của những người khác. Nếu nhà truyền giáo từ chối dẫm lên mặt của Chúa Kitô trong bức ảnh, những người khác sẽ bị tra tấn và bị giết chết. Vâng lời Chúa Kitô, nhà truyền giáo đã chối Chúa để cứu người khác, chối Chúa để đi theo Chúa, hoặc ít nhất đó là những gì còn đọng lại để suy nghĩ khi đọc xong cuốn tiểu thuyết. 

Chúng ta không nói về việc chối đạo ở đây. Chúng ta nói về việc hy sinh không tham dự thánh lễ. Quả thật, chúng ta đang nói về đặc quyền được tham dự thánh lễ với nhau và được rước lễ. Chúng ta nói về việc hy sinh những đặc quyền đó vì lợi ích của anh em mình. Chúng ta nói về việc hy sinh sở thích cá nhân và xã hội vì sự an toàn của những người lớn tuổi và những người dễ bị tổn thương xung quanh chúng ta. Chúng ta nói về sự hy sinh vì sức khỏe của các chuyên viên y tế, những người sẽ phải chăm sóc cho bệnh nhân trong những ngày tháng sắp đến, ngay cả khi bệnh viện và nguồn cung cấp y tế bị quá tải. 

Việc tạm ngưng Thánh lễ cộng đồng hoặc ngay cả việc quan tâm miễn chuẩn dự lễ, một cách nào đó, là một đáp ứng quá mức ở cấp độ cá nhân. Nguy cơ nhiễm bệnh cho cá nhân vẫn còn khá thấp. Nhưng hệ thống phòng ngừa bệnh trong giai đoạn đầu của đại dịch như vậy không chỉ là biện pháp tốt nhất, mà còn là một mệnh lệnh đạo đức. Nó liên quan đến hành động cộng tác tập thể nhằm cứu người khác và cổ võ thiện ích xã hội. Hành động tập thể đòi hỏi sự hy sinh của cá nhân. Đối với người Công giáo được mời gọi tạm ngưng dự lễ thì quả là cả một hy sinh to lớn, và đây có thể là sự hy sinh thánh thiện nhất mà chúng ta có thể làm được vào lúc này. 

“Mọi người đâu cả rồi?” 
“Thưa, họ đang phải ở nhà, để bảo vệ cho bạn đấy!” 

Leonard J. DeLorenzo (Aleteia) / Lệ Hương chuyển ngữ / Nguồn: WGPSG

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi