Mùa Chay bắt đầu từ thứ Tư Lễ Tro. Khi cúi đầu nhận lãnh những hạt tro, ta không chỉ biểu lộ hành vi sám hối, nhưng còn là dịp để nhìn lại thân phận con người được tạo tác từ tro bụi và sẽ trở về với bụi tro. Một thân phận mỏng giòn, mong manh sớm nở chiều tàn:
Như cỏ đồng trổi mọc ban mai,
nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn. (Tv 90)
Chúng ta thường chúc tuổi nhau vào những ngày đầu năm. Thêm tuổi là bớt đi thời gian sống, đó là quy luật vô thường bất biến của vạn vật. Hoa nở rồi tàn, Xuân đến rồi đi… Chẳng có gì bền vững với thời gian. Chẳng có gì là vĩnh cửu mà chỉ là phù vân mong manh sương khói.
Nhưng nhiều khi thời gian sống cũng đột ngột dừng lại không theo quy luật vì những tác nhân bên ngoài như tai nạn hay dịch bệnh. Dịp đầu năm Canh Tý vừa qua, dịch viêm đường hô hấp cấp tính do virus Corona (Covid-19) đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người và lây nhiễm cho mấy chục ngàn người ở nhiều quốc gia.
Dù con người là loài thụ tạo cao nhất được Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh của Người, nhưng vẫn là những thụ tạo có giới hạn, là những tội nhân cần sám hối và hoán cải. Lời Chúa trong ngày đầu mùa Chay kêu gọi con người hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng.
Thánh Phaolô kêu gọi chúng ta hoán cải bằng cách làm hoà với Thiên Chúa: “Thật vậy, trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải. Vì thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Ki-tô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa” (2 Cr 5, 19–20).
Hòa giải không phải chỉ là nỗ lực của con người. Việc chúng ta hòa giải với Thiên Chúa và với anh em mình chỉ có thể thực hiện được nhờ Lòng Thương Xót và Tình Yêu của Chúa Cha, Đấng đã không tiếc ngay cả đến Người Con duy nhất của mình. Nhờ bí tích Giao hòa, con người tha thứ và làm hòa với nhau. Canh tân đời sống thiêng liêng, ra sức làm những việc cần thiết để được giao hòa và hiệp thông với Chúa.
Trong ngày thứ tư lễ tro, Giáo Hội còn mời gọi chúng ta giữ chay (ăn chay) và kiêng thịt. Theo từ điển, ăn chay (trai, ăn lạt) là một chế độ ăn uống chỉ gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, có hoặc không ăn những sản phẩm từ sữa, trứng hoặc mật ong, hoàn toàn không sử dụng các loại thịt (thịt đỏ, thịt gia cầm và hải sản) hoặc kiêng ăn các thực phẩm có được từ quá trình giết mổ.
Đối với người Công giáo, ăn chay là không ăn hoặc ăn uống ít đi, đạm bạc hơn bình thường. Tránh việc ăn vặt trong ngày chay và nếu được chỉ nên ăn một bữa no, còn những bữa khác chỉ nên ăn chút ít để bụng còn đói.
Quan trọng hơn là cảm nghiệm được tính cách bấp bênh của sức lực con người. Ý thức mình lệ thuộc vào Thiên Chúa. Lương thực hàng ngày là do Thiên Chúa ban với sự cộng tác của con người chứ không phải “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”!
Chay tịnh (cùng với việc cầu nguyện và bố thí) là một trong ba hành vi được khuyên làm để biểu lộ lòng ăn năn, sám hối. Thực hành việc chay tịnh là bắt chước Chúa Giêsu “ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày” (Mt 4, 2) và cụ thể hơn: “Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả” (Lc 4, 2).
Mục đích truyền thống của mùa Chay là việc chay tịnh, sám hối, ăn năn tội lỗi, cầu nguyện và thực hành bác ái. Bác ái trước hết là “Phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Eph 4,32). Thứ đến không phải ăn chay là tiết giảm chi tiêu rồi cất tiền vào tủ, nhưng là để làm việc từ thiện chia sẻ cho người nghèo.
Giáo hội Công giáo là Giáo hội của người nghèo, điều này đã được Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: “Nơi những người nghèo và cùng khổ, chúng ta nhìn thấy khuôn mặt Đức Kitô; khi yêu thương và giúp đỡ người nghèo, chúng ta yêu thương và phục vụ chính Đức Kitô”. (Sứ điệp mùa Chay 2014).
Việc từ thiện vẫn được hiểu thông thường là cho đi, là chia sẻ cho kẻ thiếu thốn. Nhưng nếu hiểu xâu xa hơn theo cái nhìn đạo đức Kitô giáo, thì đó là trả lại cho người nghèo những quyền cơ bản về cái ăn, cái mặc và nơi ở xứng đáng mà lẽ ra họ được hưởng. Làm việc bác ái từ thiện là một cách thức trả nợ nhân sinh ngoài việc tích công góp đức.
Hãy để cho lòng thương xót dẫn đưa chúng ta đến với những con người nghèo khổ, bệnh tật, những người bị gạt ra bên lề xã hội và những ai đang đau khổ về tinh thần cũng như thể xác. Như thế, việc chay tịnh sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa và đem lại những lợi ích thiêng liêng cho chúng ta trong mùa Chay Thánh này.
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
Nguồn: Truyền thông HĐGMVN
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.