Đức Hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh Pietro Parolin đã có hai bài phát biểu tại Hội nghị liên chính phủ kéo dài hai ngày về vấn đề Di cư, đang diễn ra tại thành phố Marrakesh, Maroc để thông qua Hiệp ước Toàn cầu về Di cư an toàn, trật tự và thông thường.
Hôm thứ Hai 10/12 vừa qua, hơn 160 quốc gia đã đồng ý về một thoả thuận di cư không ràng buộc của Liên hiệp quốc nhằm tìm cách bảo đảm cho việc di cư của mọi người trên khắp thế giới được an toàn, trật tự và nhân đạo. Tòa Thánh và các đại biểu chính phủ cấp cao, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã ủng hộ Hiệp ước Toàn cầu về Di dân của Liên hiệp quốc.
Phát biểu tại Hội nghị, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh Pietro Parolin nói rằng việc thông qua Hiệp ước Toàn cầu về Di cư diễn ra vào thời điểm hết sức quan trọng trong lịch sử. ĐHY Parolin chỉ ra rằng Hiệp ước này “nhằm trợ giúp cộng đồng quốc tế ngăn chặn khủng hoảng và các thảm cảnh. Đồng thời, Hiệp ước cũng tìm cách cải thiện việc kiểm soát di cư, vốn chắc chắn sẽ gia tăng một khi ccộng đồng quốc tế gắn kết với nhau hơn về mặt kinh tế, xã hội và chính trị. Để đạt được những mục tiêu này, ngài nói thêm, Hiệp ước Toàn cầu về Di dân, mặc dù không ràng buộc về mặt pháp lý, sẽ bao gồm một khuôn khổ toàn diện để áp dụng trong thực tế và những chính sách nhằm tăng cường hợp tác quốc tế và chia sẻ trách nhiệm trong việc kiểm soát di cư trong mọi khía cạnh”.
Đức giáo hoàng Phanxicô và người di dân
ĐHY Parolin nêu rõ rằng Đức giáo hoàng Phanxicô đã dành phần lớn thời gian khi làm giáo hoàng để nâng cao nhận thức về hoàn cảnh của người di dân, cũng như sự khẩn thiết về mặt đạo đức trong việc chăm lo cho những người phải tản cư và giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của sự việc. Đức giáo hoàng cũng “đã nhấn mạnh rằng một đáp ứng nghiêm túc đối với làn sóng di cư phải hợp lý, các Chính phủ phải cẩn trọng xác định năng lực thực sự của di dân trong việc hội nhập một cách ý nghĩa”. Trong vai trò của người đứng đầu phái đoàn Tòa Thánh tham gia các cuộc hội đàm này, ĐHY Quốc vụ khanh Toà Thánh kêu gọi các Chính phủ và toàn thể cộng đồng quốc tế “tạo điều kiện cho các cộng đồng và cá nhân được sống trong an toàn và phẩm giá ở ngay trên quê hương của họ”.
Cam kết của Tòa Thánh
ĐHY Parolin lưu ý rằng, Tòa Thánh đã lập tiến trình để tìm ra những phương cách hiệu quả nhất mà các tổ chức của Giáo hội Công giáo và các tổ chức lấy cảm hứng từ Công giáo trên khắp thế giới có thể sử dụng bản tóm tắt các khuyến nghị và thực hành tốt nhất của Hiệp ước Toàn cầu nhằm đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân.
Trong bài phát biểu thứ hai trong ngày, dành cho việc đẩy mạnh hoạt động đối với các cam kết của Hiệp ước Toàn cầu về Di cư an toàn, có trật tự và thông thường, Đức hồng y nói rằng Tòa Thánh muốn tập trung đặc biệt vào hai trong các cam kết đó.
Hòa bình và phát triển
ĐHY Parolin nhấn mạnh, cam kết thứ nhất là hòa bình và phát triển, đồng thời, “chúng ta phải cùng nhau nỗ lực tạo điều kiện để các cộng đồng và các cá nhân có thể sống trong sự an toàn và nhân phẩm ở chính đất nước của họ”.
Hội nhập
Cam kết thứ hai, Đức Hồng y nói, là hội nhập. “Người di dân”, ngài nhấn mạnh, “phải được đón nhận và đối xử xứng đáng với nhân phẩm của họ, ngay cả khi sau đó có quyết định buộc họ hồi hương trong an toàn”. ĐHY Parolin nhấn mạnh rằng, “hai mục tiêu này đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải đáp ứng một cách cấp bách. Vì di cư, cả di cư hàng loạt, rất có thể sẽ tiếp diễn trong những năm tới”, và ngài tiếp tục, “chúng tôi cho rằng cần phải mở rộng các tuyến di cư thông thường và đảm bảo thông qua các chính sách quảng đại và có trách nhiệm, thúc đẩy bởi sự liên đới và chia sẻ trách nhiệm.
(Vatican News, 11/12/2018)
Minh Đức
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.