Thánh MARTINÔ PORRES, tu sĩ
(1579 – 1639)
Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta tụ họp lại đây để mừng ngày sinh nhật trên trời của một vị thánh đã sống cách xa chúng ta tới 4 thế kỷ nhưng cuộc sống Ngài đã sống lại vẫn còn rất gần gũi với chúng ta.
A- Vài sự kiện đáng lưu ý
Lúc còn sống ở trên đời, vì khiêm nhường Ngài vẫn tự xưng mình là “tên tiểu tốt” hay một “con chó lai”, nhưng từ ngày Ngài qua đời đến nay danh tiếng nhân đức và quyền uy của Ngài càng ngày càng được phổ cập trên khắp bốn bể năm châu. Ngày 8-9-1837 Ngài được Đức Grêgôriô XVI tuyên lên hàng chân phước. Ngày 10-6-1955 Đức Pio XII đặt Ngài làm bổn mạng các tổ chức Xã hội tại nước Cộng Hòa Péru.
Ngày 6-5-1962 Đức Gioan XXII suy tôn Ngài lên hàng hiển thánh.
Ngày 20-7-1966 Đức Phaolô VI đặt Ngài làm bổn mạng những thợ hớt tóc và uốn tóc tại nước Ý.
Và ngày 25-4-1973 Ngài được dặt làm bổn mạng Hội Liên hiệp các Công đoàn tại Tây Ban Nha.
Trong Lịch sử của Giáo Hội ít có vị thánh nào được nhiều người, nhiều tổ chức nhận làm bổn mạng như thế. Đây là một sự kiện hiếm có trong Giáo Hội và có thể nói là cả trong Lịch sử của Thế giới nữa.
B- Nhưng Ngài là một con người như thế nào mà lại được nhiều người quí chuộng đến như thế?
Chúng ta không có nhiều thời giờ để nói hết về cuộc đời của Ngài, chúng ta chỉ lược qua một ít điểm có tính cách đặc trưng mà thôi.
Ngài được sinh ra vào ngày 9-12-1579 với cái tên Martinô de Porres tại Lima thủ đô nước Cộng Hòa Péru do một cuộc tình duyên lén lút giữa một chàng Hiệp sĩ tên là Don Juan de Porres và một thiếu nữ da đen người Panama tên là Ana Velasquez.
Lúc đầu cuộc tình duyên ấy tưởng sẽ mãi mãi bền chặt nhưng không dè đâu sau khi Ana sinh được người con thứ hai thì Don Juan đã tàn nhẫn bỏ cả ba mẹ con mà ra đi. Lý do ông ra đi là vì ông thấy nước da của con có nhiều phần giống mẹ hơn giống cha.
Từ đó ba mẹ con phải sống một cuộc sống vô cùng cực khổ. Cuộc sống thiếu thốn về mọi mặt, cả tinh thần lẫn vật chất
Rất may, Ana là một người đàn bà, một người mẹ biết thương con và lại có tinh thần trách nhiệm cho nên mặc dầu phải sống trong một hoàn cảnh rất khắc nghiệt như thế, bà vẫn để tâm giáo dục các con, cố gắng làm sao để cho các nhân đức được bén rễ vào tâm hồn của các con trước khi những thói hư tật xấu xâm nhập chiếm hữu, làm băng hoại tâm hồn trong trắng của những người con của mình.
Năm Martinô lên 8 tuổi, Don Juan hối hận – nghĩ lại mối tình cũ, ông chính thức nhìn nhận những đứa trẻ do Ana sinh ra là con của mình. Ông đưa chúng về Santiago de Guagaquil, nơi ông công cán, phụng mệnh vua Tây Ban Nha. Tại đây Martino được học khai tâm tại trường sơ cấp.
Thế nhưng thời gian này chẳng được bao lâu. Hai năm sau, khi ông được đổi đi nhận trọng chức ở Panama, những đứa trẻ bất hạnh lại được trao hoàn về cho người mẹ nghèo khó của chúng.
Về lại Lima, Martino được tiếp tục học văn hóa và học nghề. Nhờ trí thông minh tuyệt vời mà chỉ trong một thời gian ngắn, Martino đã trở thành một người thợ thành thạo như một nhà chuyên nghiệp thời ấy.
Năm 15 tuổi, Martino ao ước được nên trọn lành hơn, nên xin mẹ cho anh được vào tu trong dòng anh em Thuyết giáo. Nhà dòng sẵn sàng đón nhận anh. Sau 7 năm tu luyện Martino được khấn trọng thể trong bậc trợ sĩ tại Tu viện Mân côi ở thành Lima. Từ đó Martino coi Tu viện như một thao trường để anh tập luyện các nhân đức. Martino chu toàn mọi bổn phận một cách mau mắn cho dù nhiều lúc thầy phải làm những việc thật vụn vặt và hèn mọn.
Đây là những nhân đức nổi bất nhất mà thầy đã ra công tập luyện: Đứng đầu là khiêm nhường rồi đến nhẫn nại – hãm mình – vâng lời – đặc biệt là lòng mến Chúa yêu người. Hiếm có một người nào mà lại tập luyện cho mình được nhiều đức tính tốt lành như thế.
Lòng mến Chúa luôn đi đôi với yêu người. Martino coi lòng mến Chúa như động lực thúc đẩy Thầy thực hiện việc yêu người .
Hôm nay trong giới hạn của một buổi lễ, tôi xin tạm được bỏ qua không nói về lòng mến Chúa của Martino mà chỉ nói đến tấm lòng nhân ái của Ngài.
Thầy dành tình yêu nhiều hơn cho những người xấu số phải sống trong những hoàn cảnh hẩm hiu về cả vật chất lẫn tinh thần.
a- Đối với những người nghèo khó: Martino dành cho họ nhiều ưu ái hơn:
– Hồi còn nhỏ khi đi chợ gặp những người nghèo ở dọc đường nhiều lần Thầy đã chia sẻ cho họ tất cả những gì mình đang có.
– Suốt 45 năm trời ở trong nhà dòng mỗi ngày, Thầy lo cho khoảng 200 người được ăn uống cho đủ sống, bằng tiền lao động cũng như quyên góp do những nhà hảo tâm ban tặng.
– Có lần Thầy đã phải bán cả mũ nón quần áo đi để giúp đỡ họ.
– Tu viện mắc nợ, Thầy xin bề trên bán luôn Thầy để trả nợ.
b- Đối với những người bệnh tật.
Phương pháp: cầu nguyện – cho thuốc – đặt tay trên bệnh nhân và phương pháp nào cũng hữu hiệu cả.
– Thầy tận tay săn sóc bệnh nhân;
– Lúc nào Martino cũng mang thuốc trong mình để sẵn sàng ứng phó trong mọi hoàn cảnh. Nhiều khi bệnh nhân quá đông, Thầy sẵn sàng nhường cả phòng riêng của Thầy cho họ: “Lòng từ bi quí hơn sự sạch sẽ bên ngoài – Với một chút thuốc tôi có thể giặt giũ chăn nệm một cách dễ dàng. Nhưng có mất từng suối nước mắt cũng khó mà giặt rửa được những vết nhơ do lòng cứng cỏi để lại trong linh hồn”;
– Với những người bậnh trầm trọng, Martino trao họ cho Chúa.
c- Với những người khó tính: Luôn kiên nhẫn chịu đựng: “Hôm nay em được chịu tro trước thứ tư mùa chay. Thân phận của con chó lai đáng như thế”
d- Đối với những người trắc nết và bụi đời: Thầy lập ra các trung tâm:
Đức Gioan XXIII đã nói về việc này như sau: “Về điều này thì ta phải lưu ý rằng: Ngài đã theo những đường lối và kế hoạch mà chúng ta thấy là hoàn toàn mới mẻ đối với thời ấy…việc này như là việc đi tiên phong cho cả thời đại chúng ta hôm nay”.
Anh chị em thân mến,
Chúng ta không có nhiều thời gian để nói hết về cuộc đời của con người đặc biệt này.
Cứ lướt qua những nơi bán ảnh tượng, chúng ta sẽ thấy không chỗ nào mà không có hình ảnh của Ngài. Rồi bao nhiêu bàn thờ của Ngài, lúc nào cũng tràn đầy hoa nến khói hương – chúng thay cho lòng người để nói lên lòng biết ơn với những gì họ đã nhận được qua sự bầu cử đẹp lòng Chúa của Ngài trên trời.
Hình ảnh của Ngài đã trở thành thân thương nơi bao cõi lòng của con người. Có nhiều người không biết tên thật của Ngài nhưng vẫn gọi được tên mà ai cũng hiểu: “Ông Thánh đen”.
Vâng “Ông Thánh đen” mới thân thương làm sao. Ông thánh đen mới huyền nhiệm làm sao. Nhờ Ông mà loài người bớt được bao lầm than đau khổ. Chúng con xin Chúa cho loài người chúng con hôm nay có được nhiều người giống như ông thánh đen như thế. Amen.
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.