“Nếu các ngươi không ăn năn hối cải,
thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca:
Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”.
Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi”.
Sứ điệp:
Thử thách, đổ vỡ và cả những sa ngã…, tất cả như là những dấu chỉ mời gọi chúng ta ý thức đến thân phận mỏng manh yếu đuối của con người. Vì thế, mỗi người luôn phải biết sám hối để canh tân cuộc sống của mình.
- Ghi nhớ: “Tôi nói cho các ông biết, nếu các ông không sám hối thì các ông cũng sẽ chết y như vậy” . (Lc 13, 3)
- Suy niệm: Lối phán đoán rất phổ biến của người Do Thái trong thời Chúa Giêsu là những tai nạn và những bất hạnh xảy đến đều là sự trừng phạt của Thiên Chúa. Đây là một cách nhìn đầy tự mãn, nếu tôi an lành nghĩa là tôi không có tội. Chúa Giêsu đã phá đổ cái lý luận tự mãn ấy và khuyên chúng ta không ngừng sám hối. Đây chính là nội dung đích thực của lòng sám hối: ai cũng là tội nhân nên mọi người cần phải sám hối ăn năn để luôn sống đúng với phẩm giá của mình. Sám hối trước tiên là nhìn vào thân phận yếu đuối của mình trước những biến cố của cuộc sống, và chính điều này khiến con người luôn biết nhìn vào các biến cố của cuộc sống hằng ngày bằng niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa. Đó là cái nhìn mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mặc lấy nó.
- Sống Lời Chúa: Luôn tin tưởng vào tình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa.
- Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thắp sáng lên trong đôi mắt chúng con cái nhìn của Chúa, để dù chúng con có trải qua những thử thách và đau khổ, chúng con vẫn nhận ra ý nghĩa của cuộc sống. Amen.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, dù chỉ là một phút hồi tâm và đặt mình trước mặt Chúa, con đã có thể cảm nghiệm được những cay đắng, thất bại, tội lỗi của con trong cuộc đời. Không chỉ là một lần mà biết bao nhiêu lần con đã ăn năn, quyết tâm chừa bỏ những sai lỗi, để rồi với thời gian, con lại bất lực trước những cám dỗ của tiền tài, danh vọng, lạc thú. Con bị cuốn hút vào đó mà sức con vô phương cưỡng lại.
Lạy Chúa, dù vậy, chúa vẫn ban ơn cho con lớn lên, Chúa vẫn dẫn con đi thêm một đoạn đường mới. Con nhận ra rằng những biến cố đời con là những lời mời gọi âm thầm của Chúa, để thức tỉnh con và dẫn đưa con đến với Chúa là Đấng đầy Lòng Thương Xót.
Lạy Chúa, xin tha thứ cho con về tất cả những vong ân bội nghĩa trước tình yêu của Chúa. Xin Chúa đừng để con bao giờ chán nản thất vọng và đóng kín mình trong tội lỗi, nhưng biết sám hối, biết mở lòng hướng nhìn lên Chúa. Xin cho con biết thường xuyên điều chỉnh cách nghĩ và lối sống, để con biết loại ra khỏi cuộc đời những kiểu sống vô tâm, vô trách nhiệm trong cuộc sống cộng đoàn gia đình, giáo xứ và xã hội.
Lạy Chúa, ước gì con biết hy sinh sống cho Chúa, ước gì con biết nhận ra Thánh Ya Chúa nơi những gì xảy đến cho con, để cuộc sống con được sinh hoa kết trái, hoa trái cho tình yêu Thiên Chúa. Amen.
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.