15.10.2018
THỨ HAI TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
Thánh Têrêsa Trinh nữ, tiến sĩ Hội thánh
Lc 11,29-32
Lời Chúa:
“Ông Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.” (Lc 11,30).
Câu chuyện minh hoạ:
Một người lạ mặt đến gõ cửa nhà của một bà goá nghèo để xin ăn, nhưng bà goá cho biết trong nhà bà không còn gì để ăn cả.
Người lạ mặt nói:
– Bà đừng lo, tôi đã mang theo một cục đá. Cục đá này có thể biến nước sôi thành cháo đựợc. Vậy bây giờ xin bà cho tôi mượn một cái nồi lớn, để tôi nấu cháo.
Thấy người lạ mặt đề nghị nghiêm chỉnh, nên bà goá vào buồng lấy ra một nồi lớn, bác lên bếp, rồi đổ nước vào nồi nấu.
Làm xong công việc trên, người đàn bà goá chạy qua các nhà bên cạnh, báo cho họ biết về một việc lạ lùng mà một người đang làm ở nhà bà, đó là nấu đá mà thành cháo.
Nghe nói về một việc lạ lùng như thế, người ta tuốn đến nhà bà goá để coi. Trước những cặp mắt ngạc nhiên của mọi người, người lạ mặt móc ra từ trong bị của ông ta một cục đá, bỏ vào nồi nước sôi, rồi dùng một cây đũa lớn để khuấy cục đá trong nồi nước sôi. Một lát sau, người lạ mặt lấy muôi, múc ra từ trong nồi một ít nước, rồi đưa lên miệng nếm thử. Ông vừa nếm ông vừa hít hà. Ông nói:
– Thực là tuyệt vời, nhưng giá có thêm một ít khoai thì còn tuyệt hơn nhiều.
Nghe người lạ mặt nói thế, một bà đang có mặt ở đó lên tiếng:
– Ở nhà tôi còn một ít khoai.
Nói rồi, bà ta chạy thẳng về nhà lấy khoai mang tới. Người lạ mặt đổ những miếng khoai đã được gọt sạch và xắt nhỏ vào nồi, rồi tiếp tục khuấy nồi cháo. Một lát sau, ông lại lấy muôi múc cháo ra để nếm thử. Ông nói:
– Tuyệt vời. Nhưng gíá có một ít thịt thì sẽ không thể chê vào đâu được nữa.
Trong đám đông những người đang đứng xem nồi cháo đá, có một bà bán thịt heo. Bà này lên tiếng:
– Để tôi về lấy mấy miếng xương còn ế không bán được.
Thế rồi xương heo cũng đã được đem đến và cho vào nồi cháo đá. Người lạ mặt cũng làm những cử chỉ như hai lần trước. Lần này, sau khi nếm, người lạ mặt nói:
– Bây giờ thì bà con có thể thưởng thức nồi cháo đá này rồi. Nhưng nếu có thêm một ít rau rơ, hành tiêu thì chắc là ăn sẽ không bao giờ chán.
Thế rồi người ta cũng đã đem rau, đem tiêu, hành, tới để cho vào nồi cháo. Khi nồi cháo đã ngon lành rồi, người lạ mặt đề nghị với bà con, về nhà lấy chén bát mang tới để thưởng thức cháo đá.
Trong khi mọi người đang tươi cười cầm chén cháo trên tay để thưởng thức, thì người lạ mặt lẻn đi mất. Ông ra đi để lại một cục đá với những ấn tượng sâu xa, đầy ý nghĩa.
Suy niệm:
Tin Mừng hôm nay Chúa cảnh cáo những ai cứng lòng tin và cố chấp không nghe theo Lời Chúa để canh tân và thánh hóa bản thân. “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na” (Lc 11,29). Thật thế, dân chúng muốn xem dấu lạ, hay phép lạ do Đức Giê-su làm không phải vì lòng yêu mến Chúa, hay vì lòng tin, nhưng họ muốn thấy dấu lạ do bởi sự hiếu kỳ. Nên dù Chúa Giêsu có làm phép lạ đi chăng nữa thì cũng không đem lại ích lợi gì cho họ.
Lạy Chúa, xin mở mắt chúng con để chúng con nhìn thấy sự hiện diện và lòng yêu thương của Chúa đã thực hiện cho nhân loại và cho từng người chúng con. Amen.
16.10.2018
THỨ BA TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
Lc 11,37-41
Lời Chúa:
“Hãy bố thí thì mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.” (Lc 11,41)
Câu chuyện minh hoạ:
Trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Brasil thuộc Châu Mỹ Latinh vào năm 1980, Đức Gioan Phaolô 2 tỏ ý muốn đến viếng thăm một vùng ngoại ô nghèo nàn của thành phố Rio de Janeiro.
Khi đến nơi, nhìn thấy tận mắt sự khốn cực của dân chúng tại đây, Đức Thánh Cha đã vô cùng cảm kích, và Ngài càng cảm kích hơn nữa, trước mối thịnh tình của họ dành cho Ngài.
Trong lúc xúc động, Ngài đã không biết làm gì hơn là, tháo chiếc nhẫn vàng Ngài đang đeo ở tay ra, tặng cho họ.
Sau chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, dân chúng trong khu ngoại ô nói trên, đã họp nhau lại để xem phải xử lý như thế nào về chiếc nhẫn vàng Đức Thánh Cha trao tặng.
Một số người đề nghị bán chiếc nhẫn rồi lấy tiền phân phát cho dân chúng. Họ lý luận rằng, đây là sự trợ giúp của Đức Thánh Cha, vì ngài thấy dân chúng ở đây quá nghèo khổ.
Nhưng một số người thì lại nghĩ khác. Theo đó thì xem ra như người nghèo không chỉ cần tiền bạc, mà họ còn cần một cái gì khác nữa. Đây, chúng ta hãy nghe một cụ già phát biểu:
“Nếu chúng ta đã có thể chiến đấu với cảnh nghèo, để sống còn cho đến hôm nay, thì tại sao chúng ta lại không có thể tiếp tục sống còn được, mà phải bán chiếc nhẫn kia đi, để lấy tiền mà sống? Tôi đề nghị, hãy cất chiếc nhẫn vàng của Đức Thánh Cha trao tặng chúng ta đi, và chúng ta hãy coi đó như một gia tài mà chúng ta sẽ để lại cho con cháu chúng ta.” Thế là chiếc nhẫn đã được cất giữ trong một ngôi nhà nguyện nhỏ ở trong vùng.
Trước sự việc trên đây, có người đã phiền trách Đức Thánh Cha là không thực tế một tí nào cả. Họ nói, tại sao Ngài không trao tặng những người dân nghèo, một số tiền mặt, để họ phân chia cho nhau, hầu xoa dịu bớt nỗi khổ đau vì nghèo túng, mà lại trao tặng một báu vật tượng trưng? Những người khác thì lại chê trách quyết định của dân nghèo, về việc giữ lại chiếc nhẫn. Họ cho rằng, đó là một quyết định “khảnh”, thiếu thực tế.
Chúng ta không phê phán về những nhận định trên đây, mà chúng ta chỉ muốn nói lên rằng, việc làm của Đức Thánh Cha, cũng như quyết định của nhóm dân nghèo ở vùng ngoại ô của Rio de Janeiro có một sự ăn khớp, một sự thống nhất giữa ý hướng và hành động.
Thực vậy, khi tháo chiếc nhẫn vàng Giáo Hoàng ra, để trao tặng cho đám dân nghèo, Đức Gioan Phaolô 2 không muốn trình diễn, nhưng đó là một việc làm đột xuất, bắt nguồn từ một cảm xúc, trước nỗi thống khổ của người dân, mà Ngài được thấy tận mắt.
Cũng thế, quyết định giữ chiếc nhẫn lại chứ không đem bán, lấy tiền chia cho nhau, của những người dân nghèo ở vùng ngoại ô của Rio de Janeiro, đó cũng là một quyết định bắt nguồn từ tấm lòng chân thành yêu mến của những người nghèo ở đây đối với Đức Thánh Cha. Họ nghèo thật, họ cần tiền thật, nhưng họ cũng còn cần một cái gì khác nữa hơn là tiền.
Như vậy thì điều quan trọng không phải là thế này hay thế khác, mà là sự ăn khớp, sự thống nhất giữa ý hướng và hành động.
Suy niệm:
Tin Mừng thánh Luca thuật lại việc Chúa Giêsu đến nhà người Pharisêu dùng bữa mà không rửa tay trước khi ăn theo luật thanh sạch của người Do Thái. Tại sao Đức Giê-su không giữ luật này?
Bởi vì Chúa Giêsu muốn dạy cho họ một điều hết sức quan trọng, đó là: sự trong sạch không phải ở hình thức bên ngoài như tắm rửa hay do ăn mặc chỉnh tề, nhưng do chính tâm hồn, nơi một lương tâm trong sạch của con người.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con giữ đạo không chỉ nơi hình thức bên ngoài ở các lễ nghi, nhưng điều quan trọng hơn là lòng yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân. Amen.
17.10.2018
THỨ TƯ TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
Thánh Ignatiô Antiôkhia, giám mục, tử đạo
Lc 11,42-46
Lời Chúa:
“Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu! Khốn cho cả các ngươi nữa, hỡi các nhà thông luật.” (Lc 11,42.46)
Câu chuyện minh hoạ:
Vào khoảng năm 1883, dưới sự lãnh đạo của một thanh niên là Ozanam, 8 sinh viên công giáo ở Paris, đã thường họp nhau lại hàng tuần, để thảo luận về một chiến thuật, hầu bảo vệ Giáo Hội, vì lúc đó Giáo Hội đang bị tấn công tứ phía.
Những buổi thảo luận suông đã diễn ra trong một năm trời, mà không đi đến một hành động cụ thể nào.
Tình cờ, 8 sinh viên này, đã nghe được một lời thách thức của một người chống phá Giáo Hội như sau:
“Các anh thì lúc nào cũng nói đến công lao của Giáo Hội các anh trong quá khứ. Điều đó chẳng lợi ích gì cả. Lúc này, Giáo Hội của các anh đã chết rồi. Còn nếu các anh nói là Giáo Hội của các anh còn sống, thì các anh hãy chứng minh đi. Một năm qua, chúng tôi chỉ nghe các anh thảo luận, tranh cãi với nhau bằng môi, bằng mép thôi, mà không thấy có một hành động cụ thể nào cả…”
Lời thách thức trên đây, đã được 8 sinh viên kia đón nhận như một bài học quí giá.
Ngay buổi chiều hôm đó, thay vì ngồi thảo luận với nhau như mọi khi, họ đã hành động. Hành động cụ thể đầu tiên của họ, đó là gom góp củi, rồi đem đến cho một người nghèo, lại ốm yếu, đang rét run, vì không có đủ tiền để mua chất đốt mà sưởi.
Buổi chiều hôm đó là chiều khai sinh hội Bác ái Thánh Vinh sơn, một hội chuyên giúp đỡ người nghèo theo tinh thần của Thánh Vinh Sơn Phaolô.
Sở dĩ hội Bác Ái Thánh Vinh Sơn đã ra đời, vì những người tiên phong của hội hiểu rằng, người Kitô hữu không thể bênh vực Giáo Hội chỉ bằng những lời nói suông, mà còn phải bằng những hành động cụ thể, và nếu cần, bằng cả mạng sống nữa.
Suy niệm:
Lời nói dù có hay đến đâu thì cũng không thu hút người khác cho bằng những việc làm cụ thể. Sau khi lên tiếng khiển trách những người Pha-ri-sêu và các luật sĩ về tội vụ luật và hình thức, Chúa Giê-su đã vạch ra tội giả hình của họ là chỉ biết chất lên vai kẻ khác gánh nặng, còn họ thì không giữ, nên Chúa Giêsu đã nói rất nặng: “khốn cho các ngươi”. Đây là lời khiển trách những con người chỉ biết sống theo hình thức bên ngoài, còn tâm hồn thì đầy những xấu xa và tội lỗi.
Chúng ta đừng coi thường những lời Chúa khiển trách những biệt phái và Pharisêu, nhưng qua đó chúng ta kiểm điểm lại đời sống của mỗi người qua việc làm, lời nói, hành vi và cách xử sự của chúng ta, để mỗi ngày chúng ta điều chỉnh lối sống của mình cho phù hợp với Tin mừng hơn.
Lạy Chúa, xin cho chúng con có một trái tim hiền hoà, nhân hậu và khiêm tốn của Chúa Giê-su, để chúng con sống đúng phẩm giá người con như lòng Chúa mong ước. Amen.
18.10.2018
THỨ NĂM TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
Thánh Luca, tác giả sách Tin mừng
Lc 10,1-9
Lời Chúa:
“Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.” (Lc 10,3).
Câu chuyện minh hoạ:
Có một linh mục người Mỹ thuộc dòng Tên, giảng dạy tại một trường đại học Công giáo nổi tiếng tại Phi Luật Tân. Ngày kia, tình cờ vị linh mục này đi vào một khu xóm lao động nghèo nàn và gặp một tu sĩ Tiểu đệ người Bỉ. Sau một hồi trao đổi, linh mục người Mỹ đã hỏi tu sĩ người Bỉ như sau: Anh ở đây làm gì vậy. Tu sĩ người Bỉ trả lời: Tôi đi chợ, nấu ăn, giặt giũ quần áo, tôi sống với những người anh em nghèo trong khu xóm lao động này. Nghe thế vị giáo sư người Mỹ có lẽ như tiếc rẻ cho sự hy sinh lãng phí ấy, nên mới nói về mình như sau: Tôi sang đây là để dạy học và thuyết trình, tôi đi đây đi đó, tôi đào tạo những con người hữu ích cho xã hội.
Suy niệm:
Vị linh mục trong câu chuyện trên là một điển hình cho những nhà truyền giáo, mỗi người trong vai trò và trong khả năng của mình, dù hăng say phục vụ hay âm thầm sống chứng nhân nhưng nơi họ có điểm chung là loan báo Tin mừng Chúa Kitô. Và đó cũng là đòi hỏi căn bản của các môn đệ và của mỗi Kitô hữu. Chúa muốn những môn đệ của Ngài phải là những người siêu thoát về vật chất: không mang túi tiền, bao bị, áo quần, giày dép và đừng chào hỏi ai dọc đường…, nhưng mang theo sự bình an, tình yêu thương, chia sẻ, cảm thông… để trao ban. Sống nghèo để ta cậy dựa vào sức mạnh của Chúa, và chính Ngài sẽ làm cho việc truyền giáo trở nên hiệu quả hơn. Và hành trang cần thiết của người môn đệ là đời sống cầu nguyện, vì cầu nguyện là nền tảng của việc truyền giáo, và cầu nguyện chính là làm việc truyền giáo.
Lạy Chúa, xin cho con biết sống tinh thần nghèo khó như Chúa đã dạy, để con luôn phó thác và trông cậy vào tình thương Chúa mà thôi.
19.10.2018
THỨ SÁU TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
Lc 12,1-7
Lời Chúa:
“Tóc trên đầu anh em cũng đã được đếm cả rồi”. (Lc 12,7)
Câu chuyện minh hoạ:
Có một phụ nữ trẻ đã từ bỏ Giáo hội 12 năm. Cô và chồng của cô dời đến một trường đại học. Từ đó, hai người đã trở thành những người say mê đọc sách, vì ở đó có hàng tá thùng sách vẫn chưa được đóng gói. Một đêm nọ, cô ta ngồi đọc lại cuốn “The Robe”, trong đó đề cập một người lính Rôma trở thành Kitô hữu sau khi chứng kiến Chúa Giêsu chết. Điều ấy làm cô nhớ lại cuốn sách “Mere Christianity” mà cô đã được tặng cách đây nhiều năm. Cô ta được thôi thúc cách lạ lùng để đọc nó ngay lúc bấy giờ. Cuốn sách ấy hoá ra là cuốn đầu tiên ở trong hộp đầu tiên mà cô ta mở ra, và nó chứa đựng chính xác những gì cô ta cần. Và ngay hôm sau, cô ta quyết định trở lại với Giáo hội.
Suy niệm:
Trong đời sống thường ngày, lòng chân thành và sự thật luôn luôn được người đời quí chuộng. Trái lại, tính giả hình và sự giả dối luôn bị chê trách. Chính Chúa Giê-su đã cảnh giác các môn đệ phải biết tránh lối sống giả hình, vụ hình thức của người Pha-ri-sêu.
Vì thế, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải biết đặt trọn niềm tin, luôn can đảm sống lời Chúa và làm chứng cho Tin mừng của Chúa ngay trong đời sống thường ngày. Bởi vì, Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta, Ngài luôn đồng hành và chia sẻ với chúng ta.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con can đảm dứt khoát loại trừ những thói hư tật xấu, sự giả hình, dối trá; để tâm hồn chúng con luôn có Chúa hiện diện, giúp chúng con sống trong chân lý và rao giảng cho chân lý. Amen.
20.10.2018
THỨ BẢY TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
Lc 12,8-12
Lời Chúa:
“Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.” (Lc 12,8)
Câu chuyện minh hoạ:
Trong khi thánh Bonaventura đang nổi tiếng với việc ngài dạy thần học ở Paris, và trong khi mọi người đang khâm phục, kính trọng ngày bỏ dở các tác phẩm của ngài, thánh Tôma Aquina đến thăm ngài và xin ngài chỉ cho xem các cuốn sách ngài dùng để giảng dạy và học hỏi. Thánh Bonaventura mới dẫn Tôma vào trong căn phòng nhỏ bé của ngài và chỉ cho Tôma xem vài cuốn sách rất tầm thường ở trên bàn làm việc. Nhưng thánh Tôma bảo ngài ước ao xem những cuốn sách khác, những cuốn sách mà từ đó Bonaventura đã rút tỉa được những điều kỳ diệu. Lúc đó, vị thánh mới chỉ cho Tôma nhà nguyện nhỏ, ở đó chỉ có một cây thánh giá.
– Thưa cha, – Bonaventura nói – đây là tất cả các cuốn sách của con. Cuốn này là cuốn chính, từ đó con rút tỉa ra được tất cả những gì con giảng dạy và tất cả những gì con viết. Vâng, chính khi con phủ phục dưới cây thánh giá này, chính khi con cầu xin cây thánh giá này làm sáng tỏ các nghi ngờ của con, chính khi tham dự thánh lễ, mà con đạt được những tiến bộ trong khoa học và đắc thủ được những ánh sáng đích thực mà con không thể nào có được khi đọc bất cứ cuốn sách nào khác.”
Suy niệm:
Lòng tin của chúng ta cần phải được tuyên xưng ra bên ngoài bằng những hành động cụ thể. Ngày nay có nhiều cách để chúng ta chối bỏ Chúa; chúng ta viện đủ lý do để không cầu nguyện, không đến nhà thờ đôi khi chỉ vì miếng cơm manh áo. Nhưng không vì thế mà Chúa bỏ mặc chúng ta, Ngài vẫn luôn chờ đợi chúng ta từng giây phút. Hơn thế nữa, Ngài còn dùng sức mạnh của Chúa Thánh Thần để cảm hóa mỗi người chúng ta. Còn nếu ai cố chấp không lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần thì chính họ tự kết án chính mình.
Lạy Chúa, xin cho con biết khôn ngoan để lắng nghe lời dạy của Chúa Thánh Thần để nhờ đó, con được hưởng sự sống đời đời.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.