Sư huynh Daniel-Marie, Dòng Phan Sinh của đan viện Thánh Anôn ở thành phố Bruxelles, (Bỉ) kể kinh nghiệm của một đức tin được nhận qua một đức tin được sống.
Cũng như Thánh Phanxicô Axixi, sư huynh dò dẫm từng bước trước khi tìm được con đường đúng. Tu sĩ Dòng Phan Sinh năm nay 61 tuổi ở đan viện Thánh Antôn trung tâm thành phố Bruxelles. Sư huynh người gốc thành phố Lyon nước Pháp, lớn lên trong một gia đình công giáo giữ đạo. Rất sớm sư huynh đã nghe tiếng gọi chức thánh, nghe, nhưng không biết cách nào đáp tra; tiếng gọi của Chúa không có tiếng vang trong lòng sư huynh. Năm 14 tuổi, khao khát đi tìm một lý tưởng, thanh niên tuổi vị thành niên từ bỏ nhà thờ và trở thành chiến sĩ chiến đấu trong phong trào… trốt-kít. Luôn mang trong lòng một giấc mơ cho công chính, nhưng các ảo tưởng rơi rụng dần: một nền công chính cho mọi người mà sư huynh mong muốn không thể thực hiện được. Lý tưởng thế giới sống trong tình huynh đệ của sư huynh bay theo mây khói để lại trong lòng sư huynh “một chút cay đắng”. Theo gương Thánh Phanxicô Axixi ở Ý vào thế kỷ 13, ngài cũng mơ một đời sống huynh đệ nhưng rụng rời thấy các nhà buôn xâm chiếm quyền lực, người thanh niên trẻ rất thất vọng. Chán nản, sư huynh buông trôi, nếm thử ma túy và mùi phạm pháp, thậm chí còn là tác giả của một vài vụ cướp của tống tiền. Sư huynh cho biết, “năm 21 tuổi, tôi là người ngoài luật pháp.”
Được Lời Chúa soi sáng
Bị luật pháp theo dõi, lâm vào cảnh khốn cùng, sư huynh rời nước Pháp. Bắt đầu một giai đoạn dài lâu tái xây dựng lại cuộc sống nội tâm, cũng phải mất cả mười mấy năm. Lúc đó sư huynh ở Ý và chính ở đó Chúa đã tóm được sư huynh. Giữa lô sách bí truyền đủ loại có quyển Thánh Kinh. Một ngày nọ, sư huynh nhắm mắt mở một trang. Nhưng Chúa thì không nhắm mắt. Ngài gởi cho sư huynh một câu ‘ngay mặt’: Ta là Đường, là Sự thật và là Sự sống” (Ga 4, 6). Sư huynh Daniel-Marie cho biết, câu này đã đánh động mình. Sư huynh bắt đầu đi lễ và bắt đầu được Lời Chúa nuôi dưỡng. Rồi nhờ một cô bạn coi chiêm tinh giới thiệu, cô là người không thích các giáo sĩ, sư huynh lên đường đi Axixi, tại đây sư huynh gặp cộng đoàn Dòng Phan Sinh. Theo sư huynh, “đây là dấu chỉ của “sức mạnh và tính hài hước của Chúa”. Điều gì nơi Thánh Phanxicô Axixi đã lôi cuốn sư huynh? Niềm vui, tinh thần anh em và ơn tận hiến đời sống của ngài. Được biến đổi, sư huynh Daniel-Marie đi từ “đức tin được nhận qua đức tin được sống”.
“Chúng ta là dấu chỉ thường trực”
Bây giờ sư huynh tu trong một đan viện ở Bỉ cùng với ba sư huynh khác trong khu vực của người hồi giáo. Sư huynh giải thích: “Chúng tôi thể hiện một cách hữu hình sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa dòng đời. Đời sống tu hành, đó là sự hữu hình của Chúa và của Nước Trời. Chúng tôi là dấu chỉ thường trực.” Các tu sĩ chọn con đường đi theo Thánh Phanxicô Axixi: khó nghèo, ca ngợi và quan tâm đến người nghèo, đó là các chỉ tiêu của họ. Sư huynh cho biết: “Chúng tôi có ít phương tiện. Người dân giúp chúng tôi trong cuộc sống hàng ngày.” Các sư huynh ca ngợi Chúa qua nhóm nhạc Feel God, nhóm quy tự các sư huynh và các giáo dân trẻ. Sư huynh cho biết: “Đặc sủng của Thánh Phanxicô Axixi đã giúp chúng tôi rất nhiều.” Mỗi “ngày thứ ba Thánh Phanxicô Axixi”, các tu sĩ phát thực phẩm cho các người gặp khó khăn. Một cuộc sống trao ban như nhà sáng lập Dòng của họ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
(phanxico.vn 16.10.2018/ fr.aleteia.org, Domitille Farret d’Astiès, 2018-10-03)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.