Khốn cho những Kitô hữu giả hình, họ để Chúa ở lại nhà thờ

Đức Thánh Cha đã mời gọi chúng ta suy niệm về thói đạo đức giả của những người công chính, những người sống đời sống Ki-tô như một “thói quen xã hội”, họ không mang Chúa Kitô vào trong đời sống thường ngày, và do đó, họ đuổi Người ra khỏi trái tim mình. Nếu chúng ta làm như thế, chúng ta là những Kitô hữu, nhưng chúng ta sống như những người dân ngoại.

PopeFrancis-05Oct2018-02.jpg

Trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Thánh Marta, khi suy niệm đoạn Tin Mừng thánh Luca và lời quở trách của Chúa Giêsu với dân thành Betsaida, Corazin và Ca-phác-na-um, những người đã không tin ngài dù đã thấy những phép lạ, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hãy hồi tâm, xét mình.

Chúng ta được sinh ra trong một cộng đồng Kitô giáo, và có nguy cơ là chúng ta sống đạo như một thói quen xã hội, với các nghi lễ hình thức bên ngoài, với thói đạo đức giả của những người công chính, những người sợ để chính mình yêu thương. Và sau mỗi thánh lễ, chúng ta để Chúa Giêsu ở lại nhà thờ. Ngài không trở về nhà với chúng ta, trong đời sống thường ngày. Khốn cho chúng ta, vì như thế, chúng ta đuổi Chúa Giêsu ra khỏi trái tim mình: chúng ta là những Kitô hữu mà chúng ta lại sống như những kẻ dân ngoại.

Chúa Giêsu đã đau buồn vì bị từ khước, trong khi những thành phố dân ngoại như Tia và Sidon, khi nhìn thấy những phép lạ, chắn chắn họ sẽ tin. Và Chúa Giêsu đã khóc, bởi vì dân này không có khả năng yêu thương, trong khi Người muốn đến với tất cả mọi tâm hồn, với thông điệp, không phải là thông điệp độc đoán, mà là sứ điệp của tình yêu.

Chúng ta hãy đặt chính mình, chính bản thân tôi vào vị trí của những người dân trong ba thành phố này. Tôi đã nhận rất nhiều từ Thiên Chúa, tôi đã được sinh ra trong một cộng đồng Kitô giáo, tôi biết Chúa Kitô, tôi biết ơn cứu độ, tôi được dạy dỗ về đức tin. Và tôi quên Chúa Giêsu một cách rất dễ dàng. Ngược lại, chúng ta nghe thông tin về một dân tộc khác mà khi nghe sứ điệp của Chúa Giêsu, họ ngay lập tức hoán cải và đi theo Người. Nhưng chúng ta, chúng ta đã quá quen, đã “quá nhàm.”

Và thói quen này không tốt cho ta, vì ta giản lược Tin Mừng thành một thực tại xã hội, thành một thứ xã hội học, chứ không còn là một tương quan cá vị với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói với tôi, nói với bạn và với mỗi người trong chúng ta. Lời giảng dạy của Chúa Giêsu dành cho mỗi người chúng ta. Làm thế nào mà những người dân ngoại này, ngay khi nghe bài giảng của Chúa Giêsu, họ đến với Ngài. Còn tôi, tôi được sinh ra, ở đây, trong một cộng đồng Kitô hữu, tôi thường có thói quen ấy, và cộng đoàn Kitô giống như một thói quen xã hội, một cái áo choàng bên ngoài tôi có thể mặc rồi vứt đi hay không? Và Chúa Giêsu khóc thương, mỗi người trong chúng ta khi chúng ta sống là Kitô hữu một cách hình thức, chứ không thực sự.

Nếu chúng ta làm những điều này, chúng ta có chút gì đó giả hình, sự giả hình của những người công chính.

Có những thói giả hình của những tội nhân, nhưng thói giả hình của những người công chính là sợ tình yêu của Chúa Giêsu, sợ để cho mình yêu thương. Và thực tế, khi chúng ta làm điều này, chúng ta cố gắng kiểm soát tương quan với Chúa Giêsu. Đúng thế, “tôi đi tham dự thánh lễ, nhưng bạn, bạn hãy ở lại trong nhà thờ, còn tôi thì đi về nhà.” Và Chúa Giêsu không cùng trở về nhà với chúng ta, trong gia đình, trong việc giáo dục con cái, trong trường học, và trong tình làng nghĩa xóm.

Và như thế, Chúa Giêsu vẫn ở lại đó, trong nhà thờ, hoặc ở lại nơi thập giá, hoặc nơi những ảnh tượng.

Hôm nay, có thể là một ngày để chúng ta hồi tâm xét mình, với điệp từ: “khốn cho các người,” bởi vì Ta đã ban tặng các con thật nhiều, ban tặng chính Ta, Ta đã chọn con là Kitô hữu, nhưng con thích sống nửa chừng, sống ảo, sống bề mặt, nông cạn: một chút gì đó là Kitô hữu, và nước phép, và không gì khác hơn. Thực vậy, khi chúng ta sống thói đạo đức giả Kitô hữu này, điều mà ta làm chính là đuổi Chúa Giêsu ra khỏi trái tim mình. Chúng ta giả vờ rằng mình có Ngài, nhưng chúng ta lại đuổi Ngài ra ngoài. Chúng ta là những Kitô hữu, tự hào là những Kitô hữu, nhưng chúng ta sống như những người dân ngoại.

Mỗi người chúng ta hãy thử nghĩ: “tôi có phải là người Corazin, tôi có phải là người Betsaida, tôi có phải là người Ca-phác-na-um?” Và nếu Chúa Giêsu khóc thương, thì chúng ta cũng hay xin ơn để biết khóc thương. Với lời nguyện: “lạy Chúa, chúa đã ban cho con thật nhiều. Trái tim con quá cứng cỏi đến nỗi không để Chúa đi vào trong con. Con đã phạm tội vô ơn, con vô ơn, con vô ơn.” Và chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần mở rộng cánh cửa trái tim để Chúa Giêsu có thể bước vào, để chúng ta không chỉ nghe Chúa Giêsu, mà còn lắng nghe sứ điệp cứu độ, và tạ ơn vì tất cả những ơn lành mà ngài đã thực hiện cho mỗi người chúng ta.

Trần Đỉnh, SJ

(VaticanNews 05.10.2018)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi