Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Theo con, việc chúc bình an được đặt ở phần không hề hợp lý của cử hành Thánh Lễ. Con nghĩ là nên đặt lời chúc bình an vào phần đầu lễ, trước phụng vụ Thánh Thể, mới hợp lý. – G. W., Bahamas.
Đáp: Có thể là hơi thái quá khi nói rằng việc chúc bình an được đặt trong phần không hợp lý nhất ủa việc cử hành Thánh Thể, đặc biệt khi nó được đặt ở vị trí hiện tại trong Thánh lễ kể từ Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả (590-604).
Có lẽ các khó khăn của bạn đọc này phát sinh từ sự việc rằng nghi thức chúc bình an đôi khi được thực hiện một cách thức nhầm lẫn, vốn không phải là ý định của Hội Thánh, và không phải là cách thức mà nghi thức đã phát triển trong lịch sử.
Nghi thức chúc bình an hoặc dấu chỉ bình an là một phần của tập tục của Hội Thánh ngay từ thuở đầu, có lẽ được cảm hứng bởi lời mời gọi của Thánh Phaolô cho tín hữu Côrintô: “Anh em hãy chào nhau bằng nụ hôn thánh thiện” (I Cr 16:20).
Nghi thức đã được đề cập trong các nguồn cổ xưa như các “Tông Hiến” và các bài giảng của Thánh Âutinh.
Ban đầu, nghi thức chúc bình an được xem là một sự chuẩn bị quan trọng, và thậm chí bắt buộc nữa, cho những ai sắp Rước Lễ, nhưng sau đó được mở rộng cho tất cả mọi người. Sau năm 1000, việc chúc bình an dần dần trở thành một nghi thức chính thức hơn nhiều, và sau đó là chỉ dành cho hàng giáo sĩ mà thôi, ngoại trừ một số dịp đặc biệt.
Như vậy, dấu chúc bình an, như được miêu tả trong sách lễ hiện nay, đã khôi phục lại nghi thức theo hình thức mà nó đã có trong thời trung cổ, và theo đó tất cả mọi người chúc bình an cho người bên cạnh. Vào thời điểm đó, cử chỉ chúc bình an là dấu hiệu của sự tôn trọng hơn là tình cảm thương mến. Do đó, cử chỉ được thông qua ngày nay nên là những gì mà tập tục địa phương xem như là cử chỉ tôn trọng.
Chúng ta cũng nên xem xét bản chất của việc chúc bình an mà chúng ta đang trao cho nhau. Nghi thức được diễn ra sau lời mời: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em”. Đây vừa là một tín hiệu của nghi thức chúc bình an, vừa là dấu hiệu cho thấy rằng sự bình an, mà chúng ta trao cho nhau, không chỉ là một cảm giác nhân từ đối với người bên cạnh, mà còn là sự bình an đến với chúng ta qua Chúa Kitô, và sự hiệp nhất và hòa hợp vốn bắt nguồn từ việc chia sẻ Bí Tích Thánh Thể.
Sau Thượng Hội Đồng năm 2005, đã có một số thảo luận và tham vấn rộng rãi về khả năng thay đổi thời điểm chúc bình an. Kết quả là phần lớn các chuyên gia đề nghị duy trì vị trí truyền thống của chúc bình an trước Rước lễ.
Cuối cùng, vào ngày 8-6-2014, Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích đã công bố thư luân lưu “Pacem relinquo vobis” (Thầy để lại bình anh cho anh em), về “Việc diễn tả chúc bình an trong Thánh lễ” (Prot. N. 414/14) với kết luận của việc nghiên cứu:
“1. “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”. Khi các môn đệ tụ tập trong nhà Tiệc ly, đó là các lời mà Chúa Giêsu đã hứa ban cho các môn đệ trước khi đi chịu khổ nạn, để cấy vào họ sự chắc chắn vui mừng về sự hiện diện vững chắc của Ngài với họ. Sau khi phục sinh, Chúa làm trọn lời hứa của Ngài bằng cách hiện ra giữa họ trong nơi họ tụ họp vì sợ người Do Thái, và nói rằng: “Bình an cho anh em!”. Sự bình an của Chúa Kitô là hoa quả của sự cứu chuộc, mà Ngài đã đem vào thế gian bởi cái chết và sự phục sinh của Ngài – món quà mà Chúa Phục Sinh tiếp tục ban hiện nay cho Hội Thánh của Ngài, khi Hội Thánh tập hợp để cử hành Bí Tích Thánh Thể, để làm chứng tá cho việc này trong cuộc sống hàng ngày.
“2. Trong truyền thống phụng vụ Rôma, việc chúc bình an cho nhau được đặt trước phần Rước lễ với ý nghĩa thần học đặc biệt của nó. Điểm tham chiếu của nó được tìm thấy trong việc chiêm ngắm Thánh Thể của mầu nhiệm Vượt Qua như là “nụ hôn Phục sinh” của Đức Kitô Phục Sinh hiện diện trên bàn thờ, như là trái ngược với những gì được thực hiện bởi các truyền thống phụng vụ khác, vốn được cảm hứng từ đoạn Tin Mừng của Thánh Matthêu (xem Mt 5:23). Các nghi thức chuẩn bị cho việc Rước lễ tạo ra một sự thống nhất được thể hiện rõ ràng, mà trong đó mỗi yếu tố nghi thức có ý nghĩa riêng biệt, và đóng góp vào chuỗi nghi thức tổng thể của sự tham gia bí tích trong mầu nhiệm đang được cử hành. Vì vậy, nghi thức chúc bình an được đặt giữa Kinh Lạy Cha, vốn chuẩn bị cho lời chúc bình an, và việc bẻ bánh, và trong quá trình này Chiên Thiên Chúa được khẩn cầu để ban bình an cho chúng ta. Với cử chỉ này, “mà chức năng của nó là biểu hiện sự bình an, hiệp thông và bác ái”, Giáo Hội ‘xin bình an và hiệp nhất cho chính mình và cho toàn thể gia đình nhân loại, và các tín hữu biểu lộ cho nhau sự hiệp thông trong Hội Thánh và tình bác ái lẫn nhau, trước khi Hiệp lễ’, tức trước khi Rước Thân Mình Chúa Kitô.
“3. Trong Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum caritatis (Bí tích tình yêu) sau đó, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã ủy thác cho Bộ này thẩm quyền xem xét các vấn đề về việc chúc bình an, để bảo vệ ý nghĩa thánh thiêng của việc cử hành Thánh Thể, và ý nghĩa của mầu nhiệm tại thời điểm Rước lễ: “49. Tự bản chất Bí tích Thánh Thể là Bí tích của sự bình an. Trong Thánh lễ chiều kích này của mầu nhiệm Thánh Thể tìm được cách diễn tả đặc thù trong việc chúc binh an. Chắc chắn cử chỉ này có một giá trị cao đẹp (x. Ga 14, 27). Trong thời đại chúng ta, bị đè nặng bởi những sợ hãi và xung đột, thì cử chỉ này nói lên rất nhiều ý nghĩa, nhất là khi Giáo Hội càng ngày càng ý thức hơn về trách nhiệm phải cầu nguyện không ngừng cho ơn hoà bình và hiệp nhất cho chính mình cũng như cho toàn thể gia đình nhân loại. […] Như thế, chúng ta có thể hiểu được cảm xúc thường cảm nhận được khi chúc bình an trong cử hành phụng vụ. Dẫu vậy, trong khi họp Thượng Hội Đồng Giám Mục, những bàn luận cũng được đưa ra để có một sự giới hạn thích đáng đối với cử chỉ này, nghĩa là nó có thể đi đến hơi quá và gây ra chia trí tong cộng đoàn ngay trước khi rước lễ. Cần ghi nhớ rằng ý nghĩa của nó không hề giảm đi khi việc chúc bình an được thực hiện một cách vừa phải, duy trì trong bầu khí thích hợp của buổi cử hành, chẳng hạn chỉ làm với những người ở gần nhất” (Bản dịch Việt ngữ của Ủy Ban Giáo lý Đức Tin trực thuộc HĐGMVN).
“4. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, thay vì làm sáng tỏ ý nghĩa thực sự của nghi thức và việc chúc bình an, đã nhấn mạnh tầm quan trọng to lớn của nó như là một sự đóng góp của các Kitô hữu, với lời cầu nguyện và chứng tá của họ để làm dịu lại các lo lắng sâu sắc và khuấy động nhất của nhân loại hiện tại. Trong ánh sáng của tất cả những điều này, ngài đã nhắc lại lời kêu gọi rằng nghi thức này phải được duy trì, và cử chỉ phụng vụ này phải được thực hiện với sự nhạy cảm và sự tỉnh thức tôn giáo.
“5. Thánh Bộ, theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, đã tiếp xúc với các Hội Đồng Giám mục vào tháng 5-2008, để tìm kiếm ý kiến của họ về việc có nên duy trì việc chúc bình an trước khi Rước Lễ chăng, nơi mà nó hiện nay được tìm thấy, hoặc liệu có nên di chuyển nó sang một nơi khác chăng, nhằm nâng cao sự hiểu biết và thực hiện cử chỉ này. Sau khi suy tư thêm, người ta thấy rằng nên duy trì việc chúc bình an tại nơi truyền thống của nó trong phụng vụ Rôma, và không đưa ra các thay đổi cấu trúc trong Sách Lễ Rôma. Một số hướng dẫn thực tiễn được trình bày dưới đây để giải thích tốt hơn nội dung của việc chúc bình an, và để kiểm soát các biểu hiện quá mức, vốn làm nảy sinh tình trạng hỗn loạn trong cộng đoàn phụng vụ trước Rước lễ.
“6. Việc xem xét chủ đề này là rất quan trọng. Nếu các tín hữu không hiểu và không bày tỏ, qua cử chỉ của mình, ý nghĩa thực sự của việc chúc bình an, quan niệm Kitô giáo về bình an của họ sẽ trở nên nghèo nàn, và việc tham dự thánh lễ thiếu tính hiệu quả. Do đó, cùng với các suy tư trước đây vốn có thể tạo thành nền tảng cho một huấn giáo thích hợp, bằng cách cung cấp một số hướng dẫn, một số gợi ý thực tế được đề nghị cho các Hội Đồng Giám mục để họ có các sự cân nhắc thận trọng:
“a) Cần phải làm rõ ràng một lần và cho tất cả mọi lần rằng nghi thức chúc bình an đã có ý nghĩa sâu xa của nó về cầu nguyện và trao ban bình an trong bối cảnh Thánh Lễ. Sự chúc bình an cho nhau, được thực hiện một cách hợp lý giữa các người tham dự Thánh Lễ, làm phong phú thêm ý nghĩa của nghi thức và trao cho nó sự diễn tả đầy đủ hơn. Vì vậy, thật là hoàn toàn chính xác khi nói rằng điều này không liên quan đến việc mời gọi tín hữu trao chúc bình an “một cách máy móc”. Nếu người ta dự đoán rằng nó sẽ không diễn ra đúng đắn do hoàn cảnh cụ thể, hoặc nếu người ta thấy là không khôn ngoan về sư phạm để thực hiện nó trong các dịp nhất định, nghi thức có thể được bỏ qua, và đôi khi nên được bỏ qua. Cần nhớ rằng chữ đỏ trong Sách lễ nói: ‘Sau đó, nếu thích hợp, phó tế hoặc linh mục, nói thêm: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”’ (nhấn mạnh thêm).
“b) Trên cơ sở các nhận xét này, có thể thấy rằng, nhân dịp xuất bản bản dịch lần thứ ba của Sách Lễ Rôma ở nước mình, hoặc khi các phiên bản mới của cùng một Sách Lễ được xuất bản trong tương lai, các Hội Đồng Giám mục nên xem xét liệu có thể là không phù hợp chăng để thay đổi cách thức chúc bình an, vốn đã được thiết lập trước đó. Thí dụ, sau các năm thử nghiệm này, ở những nơi mà các cử chỉ đời thường quen thuộc của lời chào chúc đã được chọn trước đó, chúng có thể được thay thế bằng các cử chỉ thích hợp khác.
“c) Trong bất kỳ trường hợp nào, khi chúc bình an, cần phải tránh các lạm dụng, chẳng hạn:
– đưa thêm một ‘bài hát hòa bình’, vốn không hiện hữu trong Nghi lễ Rôma.
– sự di chuyển nơi đang đứng để chúc bình an cho nhau.
– linh mục rời bàn thờ để chúc bình an cho một số tín hữu.
– trong một số hoàn cảnh, chẳng hạn như Lễ trọng Phục Sinh hoặc Lễ Giáng Sinh, hoặc trong các nghi thức như lễ Rửa tội, Rước lễ vỡ lòng, lãnh phép Thêm sức, lễ Cưới, lễ Truyền chức, Khấn Dòng, và lễ an táng, việc chúc bình an là cơ hội diễn tả lời chúc mừng, lời chúc tốt đẹp nhất hoặc lời chia buồn giữa các người hiện diện.
“7. Mối quan hệ thân thiết giữa lex orandi (luật cầu nguyện) và lex credendi (luật đức tin) phải được mở rộng đến lex vivendi (luật đời sống) nữa. Ngày nay, một luật buộc đối với người Công Giáo, trong việc xây dựng một thế giới công bình và hoà bình, được đi kèm với sự hiểu biết sâu sắc hơn về ý nghĩa Kitô giáo của hòa bình, và điều này phụ thuộc phần lớn vào tính nghiêm túc, mà các Giáo Hội địa phương của chúng ta chào đón và khẩn cầu hồng ân hòa bình,và diễn tả nó trong cử hành phụng vụ. Cần phải nhấn mạnh và khuyến khích các bước đi có ích trong vấn đề này, bởi vì chất lượng tham dự Thánh Thể của chúng ta phụ thuộc vào nó, cũng như sự hiệu quả của việc chúng ta tham dự với các người là đại sứ và người xây dựng hoà bình, như đã được diễn tả trong Bát Phúc.
“8. Tóm lại, các Giám mục và dưới sự hướng dẫn của họ, các linh mục được yêu cầu phải xem xét kỹ lưỡng các nhận xét này, và làm sâu sắc hơn ý nghĩa thiêng liêng của nghi thức chúc bình an trong việc cử hành Thánh Lễ, trong việc huấn luyện thiêng liêng và phụng vụ, và trong việc dạy giáo lý thích hợp cho tín hữu. Chúa Kitô là hòa bình của chúng ta, là hòa bình của Thiên Chúa, được các ngôn sứ và các thiên thần loan báo, và Ngài đã đưa hòa bình đến cho thế giới bằng mầu nhiệm vượt qua của Ngài. Sự bình an này của Chúa Phục Sinh được khẩn cầu, thuyết giảng và truyền bá trong việc cử hành Thánh lễ, thậm chí bằng một cử chỉ của con người được nâng lên vào lĩnh vực thánh thiêng”
(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 30-1-2018)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.