Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi 1: Con được biết rằng một số linh mục trong giáo phận đã ra lệnh cho các người giúp lễ mang áo các phép (surplice) màu xanh hoặc màu đỏ. Con tin rằng điều đó là không đúng với biểu tượng và sự phát triển lịch sử của áo các phép. Vậy xin cha cung cấp cho chúng con một lời giải thích rõ ràng về lý do tại sao áo các phép phải luôn là màu trắng. – J. D., thành phố Caloocan, Philippines.
Đáp: Theo Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma:
“336. Phẩm phục cho mọi thừa tác viên có chức thánh hay có thừa tác vụ thuộc bất cứ cấp bậc nào là áo trắng dài (alba) có dây thắt lưng, ngoại trừ áo được may dính liền với thân thể nên không cần dây. Trước khi mặc áo alba, nếu nó không che kín áo thường xung quanh cổ, thì dùng khăn vai. Không được thay thế áo alba bằng áo các phép, cũng không được mặc một áo dài tới gót thay cho áo alba, khi phải mặc áo lễ hay áo phó tế, hoặc, theo luật, chỉ mang có dây stola mà không có áo lễ hay áo phó tế.
“339. Thầy giúp lễ, đọc sách, và các người giúp giáo dân khác có thể mặc áo alba hay áo nào khác được Hội Ðồng Giám Mục chấp thuận hợp pháp cho từng miền (xem số 390)” (Bản dịch Việt ngữ của linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).
Đây là quy tắc chung cho giáo sĩ và thừa tác viên có chức thánh.
Mặc dù các sách phụng vụ xác định khi nào một áo trắng dài hoặc áo lễ phải được sử dụng, nhưng sách không thực sự định nghĩa hoặc thậm chí mô tả áo như thế nào. Có vẻ như luật giả định rằng mọi người biết áo trắng dài là gì và áo các phép là gì, hình thức nào của chúng là truyền thống và hình thức nào là không truyền thống.
Đối với giáo sĩ và các thừa tác viên có chức thánh, áo trắng dài là luôn màu trắng, như được nêu ra bởi tên của nó từ tiếng Latinh là màu trắng: albus, alba, album (trắng).
Áo các phép có lẽ có nguồn gốc thời Trung cổ ở Pháp, tại đó trong mùa đông khắc nghiệt, các ca viên ca đoàn thường chống rét bằng mang thêm da động vật. Bởi vì điều này là ít thanh lịch, nên một chiếc áo rộng đã được phát triển, mang choàng trên da (từ Pháp cổ sourpelis, từ tiếng Latinh Trung cổ superpellicium, từ chữ super ‘trên’ và pellicia ‘áo da thú’). Theo thời gian, chiếc áo rộng này, mặc ngoài áo dòng, được phép thay thế cho áo trắng dài, trong các buổi lễ không đòi hỏi phải mặc áo lễ hoặc áo phó tế. Vì vậy, nó đã trở nên khá phổ biến trong các dịp Rửa tội hoặc chầu Thánh Thể. Vì nó thay thế cho áo trắng dài, nên áo các phép luôn là màu trắng.
Đã có nhiều thay đổi về kiểu cách qua các thế kỷ, và trong khi vẫn là trắng hoặc trắng nhạt, cả áo trắng dài và áo các phép đều được trang trí với các hình ren và thêu thùa khác nhau.
Đối với các người giúp lễ, đặc biệt là trẻ em, các tập tục về áo các phép hoặc áo dòng (cassock) của ngưởi giúp lễ đã phần nào là linh hoạt hơn, và cho phép một số màu sắc và hình thức khác nhau. Thí dụ, ở Ý, một số nơi sử dụng “áo Tarcissian”. Đây là một loại áo trắng dài nhạt, với hai sọc đỏ chạy từ trên vai xuống sát đất, do đó gợi lên chiếc áo khoác thời Rôma cổ đại. Áo này không đi kèm với áo các phép.
Ngoài ra, ở một số quốc gia Bắc Âu, như Ba Lan và các nước vùng Baltic, áo các phép màu trắng được mang bên ngoài y phục thông thường, không có áo dòng, thường được xem như một lễ phục thích hợp cho các người giúp lễ.
Ở các nơi khác, ít nhất là trong các dịp lễ trọng, một tấm vải màu choàng vai cũng được dùng trên chiếc áo dòng, có thêm hoặc không có áo các phép màu trắng.
Các qui định chính thức, ở nơi nào chúng tồn tại, có xu hướng đưa ra các nguyên tắc chung, và không đưa ra chi tiết quá mức.
Do đó, Ủy ban Phụng vụ của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã ban hành các qui định như sau:
“1. Mặc dù việc thiết định thừa tác viên Giúp lễ được dành riêng cho phái nam, Giám mục giáo phận có thể cho phép các chức năng phụng vụ của thừa tác viên Giúp lễ được thực hiện bởi các người giúp lễ, đàn ông hay đàn bà, thiếu niên nam hay thiếu nữ. Những người như vậy có thể thực hiện tất cả các chức năng được liệt kê ở số 100 (trừ việc cho Rước Lễ), các số 187-190, và số 193 của Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma.
“Việc xác định rằng phụ nữ và thiếu nữ có thể hoạt động như người giúp lễ trong phụng vụ nên được thực hiện bởi Giám mục ở cấp giáo phận, để có thể có một chính sách giáo phận đồng nhất.
“2. Không có sự phân biệt giữa các chức năng được thực hiện trong khu vực cung thánh bởi đàn ông và thiếu niên nam, và các chức năng bởi phụ nữ và thiếu nữ. Thuật ngữ “người giúp lễ” nên được sử dụng cho các người thực hiện chức năng của thừa tác viên Giúp lễ.
“3. Các người giúp lễ nên đủ chín chắn để hiểu được trách nhiệm của mình, và thực hiện chúng thật tốt và với sự kính trọng hợp lý. Họ cần là người đã rước lễ lần đầu, và thường Rước lễ mỗi khi họ tham dự phụng vụ.
“6. Các thừa tác viên Giúp lễ, người giúp lễ, người đọc sách, và các thừa tác viên giáo dân khác có thể mang áo trắng dài, hoặc lễ phục phù hợp, hoặc y phục thích đáng hoặc trang nghiêm khác. (Qui chế tổng quát Sách Lễ Rôma, số 339). Tất cả các ngưởi giúp lễ mang lễ phục phụng vụ tương tự”.
Các điều này đã được phản ánh trong các hướng dẫn của một số Giám mục địa phương. Chúng tôi xin cung cấp bốn thí dụ từ các khu vực khác nhau của Hoa Kỳ:
– “Y phục: Trong các hoàn cảnh bình thường, các người giúp lễ nên mang y phục. Điều này là nằm trong truyền thống của Giáo Hội, và ngăn ngừa các khó khăn liên quan đến lễ phục phù hợp cho các thừa tác viên này. Lễ phục thích hợp cho các người giúp lễ là áo trắng dài, tốt nhất là màu trắng. (Trong các giáo xứ nào mà người giúp lễ mang áo dòng và áo các phép, các hướng dẫn này không ngụ ý rằng giáo xứ ấy phải ngay lập tức thay thế áo dòng và áo các phép bằng áo trắng dài. Tuy nhiên, khi nào trang phục hiện tại cần được thay thế, lễ phục thích hợp là vải màu trắng)”.
– “Lễ phục – Tại các giáo xứ sử dụng lễ phục, một áo trắng dài đơn giản phản ánh gốc rễ rửa tội của mọi thừa tác. Nó nên được sạch sẽ, vừa khít, với vớ phù hợp và giày nên được mang. Áo dòng vả áo các phép, gợi nhớ bậc giáo sĩ, không nên được mang bởi các thừa tác viên giáo dân. Tất cả các ngưởi giúp lễ nên mang lễ phục giống nhau”.
– “Các giáo xứ có thể xem xét một số kiểu áo trắng dài nhạt để sử dụng cho các người giúp lễ, hoặc họ có thể mang áo dòng và áo các phép. Phong cách doanh nhân của y phục có thể được coi là thích hợp cho các người lớn giúp lễ, nhưng tất cả mọi người nên xem là cần thiết để ăn mặc nghiêm chỉnh xứng đáng, vốn là phù hợp với cử hành Thánh Thể. Tại tất cả các buổi lễ, các người giúp lễ phải là gọn gàng, sạch sẽ, và ăn mặc đơn giản để không thu hút sự chú ý vào họ”.
– “Các người lớn giúp lễ nên có trang phục phù hợp với việc cử hành Thánh lễ. Một phong cách ăn mặc chuyên nghiệp là thích hợp, hoặc có thể mang một áo trắng dài. Nếu cả người lớn và thiếu niên cùng giúp lễ, tất cả đều nên có trang phục giống nhau, phù hợp với thừa tác này. Thiếu niên Giúp lễ nên mặc áo trắng dài hoặc áo dòng, và áo các phép. Cho dù lựa chọn là như thế nào, cần phải có nhiều kích cở của áo, để mọi người giúp lễ có y phục phù hợp với mình cho bất cứ buổi phụng vụ nào. Tại tất cả các buổi lễ, các người giúp lễ phải là gọn gàng, sạch sẽ và ăn mặc đơn giản”.
Một giáo phận lớn của Mêxicô có qui định sau đây.
“Về người giúp lễ, y phục của họ nên là khác biệt với lễ phục phụng vụ. Đúng là phải có áo dài tới chân và có màu khác với áo dòng đen của giáo sĩ, phù hợp với truyền thống, vốn đề xuất việc sử dụng áo dòng màu đỏ, với áo các phép cho các người giúp lễ trẻ tuổi. Đối với người trưởng thành giúp lễ, họ chỉ cần ăn mặc một cách trang nghiêm, sao cho phù hợp với sự tham gia của họ trong việc cử hành phụng vụ. Điều này cũng áp dụng cho các ca viên, người xướng Thánh vịnh và các thừa tác viên giáo dân”.
Tôi đã không có điều kiện để tìm thấy các qui chế đặc biệt ở Philippines.
Từ những gì chúng ta đã thấy, có một số nguyên tắc tổng thể vốn cung cấp sự linh hoạt rộng rãi. Tuy nhiên, chúng tôi không thể nêu ra bất kỳ qui định chính thức nào, vốn có thể nói rằng áo các phép màu sắc là bị cấm.
Chúng ta có thể khẳng định với sự tự tin rằng màu trắng hoặc trắng nhạt là màu thích hợp, vì áo các phép thay thế áo trắng dài.
Tương tự như vậy, chúng ta có thể nói rằng về mặt lịch sử, cho dù người giúp lễ mang áo dòng màu sắc nào cũng được, nhưng áo các phép luôn là màu trắng.
Do đó, việc giới thiệu áo các phép màu sắc là một sự đổi mới, nhưng trong khi không có luật phổ quát nào cấm dùng nó, việc này không có nền tảng trong truyền thống phụng vụ Công Giáo, và phải được coi là một thứ mốt nhất thời, hay sự mới lạ.
Hỏi 2: Sau khi tôi trả lời về việc lưu giữ Bánh Thánh, trong bài ngày 5-7-2017, một độc giả từ Birmingham, Anh Quốc, viết: “Câu trả lời của cha khiến cho con đặt câu hỏi khác. Con nhận thấy rằng nhiều linh mục, để làm điều này, các ngài lưu giữ Bánh Thánh được truyền phép trong Thánh lễ hôm nay, vả cho giáo dân Rước Mình Thánh được truyền phép trong Thánh lễ ngày trước đó. Thưa cha, có luật nào nói về việc này không, bởi vì con cảm thấy rằng mọi người nên rước Mình Thánh được truyền phép trong Thánh lễ mà họ đang tham dự? Vấn đề là rằng một số Bánh Thánh, thường là nhiều, có thể được lưu giữ trong nhà tạm lâu hơn hai tuần, mà cha đã đề cập đến.
Đáp: Tôi sẽ nói ngay rằng có lẽ không có giải pháp nào là hoàn hảo cả. Ngay cả ở những nơi như các tu viện, nơi mà số người Rước Lễ được biết khá chính xác, sẽ luôn cần ít nhất một số Bánh Thánh để dành cho của ăn đàng, hoặc Bánh Thánh lớn để chầu Thánh Thể.
Cách thức thích hợp nhất để đổi mới Bánh Thánh là cho tín hữu Rước Bánh Thánh đã được lưu giữ.
Do đó, mặc dù lý tưởng là Rước Bánh Thánh được truyền phép trong cùng một Thánh Lễ, sẽ luôn có một số dịp mà các tín hữu sẽ Rước Bánh Thánh được truyền phép trong Thánh lễ trước. Mặc dù là kém hoàn hảo về quan điểm của dấu hiệu, không có sự khác biệt nào trong sự hiện diện của Chúa Kitô, và mỗi sự Rước lễ lả sự tham dự vào hy tế của Chúa Kitô.
Trong hoàn cảnh giáo xứ, một nỗ lực cần làm là khuyến khích thành thói quen cho càng nhiều người Rước lễ trong cùng một Thánh lễ, tính toán lượng Bánh lễ cao hơn thực tế một chút là tốt nhất.
Số lượng Bánh Thánh được lưu giữ cần phải tương ứng với nhu cầu của người bệnh, nhưng không nhiều quá mức. Bằng cách này, có thể đổi mới Bánh Thánh thường xuyên, bằng cách cho tín hữu Rước Bánh Thánh từ nhà tạm vào một số ngày nào đó, không đều đặn mỗi ngày, và không cho mọi tín hữu trong một ngày.
(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 1-8-2017)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.