Lễ hôm nay không phải là ngày tử đạo của hai vị thánh Tông Đồ, nhưng có lẽ là ngày di chuyển hài cốt của hai vị vào hang toại đạo trên đường Vua Appia, gần nhà thờ San Sebastianô ngày hôm nay. Người ta gặp thánh lễ này lần đầu tiên trong lịch của thành phố Rôma vào năm 354.
Simon, anh (hay em?) của thánh Anrê, xuất thân từ Betsaida miền Galilê, làm nghề đánh cá, có gia đình. Tất cả đều bình thường cho đến ngày Đức Giêsu thành Nadarét gọi để theo và phục vụ Người. Đức Giêsu đã ban cho ông tên mới là Kêphát, theo nghĩa Do Thái là Đá (từ đó dịch sang Ngữ là Petrus : Phêrô). Tên mới này nói lên sứ vụ trong tương lai của ông (Mt 16.13-20). Phêrô luôn đứng đầu trong danh sách Mười Hai Tông Đồ.
Sau khi Chúa Giêsu về trời, Phêrô lãnh đạo cộng đoàn tại Giêrusalem. Ông đón nhận những người ngoại giáo đầu tiên gia nhập vào Hội Thánh (Cv 10,11). Lịch sử minh chứng ngài đã dừng chân tại Rôma và tử đạo dưới thời hoàng đế Nêrô (khoảng năm 64-67).
Thánh Phaolô tử đạo vào năm 67. Xưa Hội thánh lấy ngày 30.6, sau ngày kính trọng thể Phêrô-Phaolô, để kính nhớ đặc biệt thánh Phaolô, nhưng lịch mới 1970 không còn nữa, ngược lại Hội Thánh nâng lễ “Thánh Phaolô trở lại” tháng Giêng lên bậc cao hơn.
Thánh Phêrô, tính tình ông nóng bỏng, bộc trực và đôi lúc hơi liều lĩnh. Nói về ông người ta không thể không nhắc đến cái vết thật đen trong cuộc đời của Ông. Đó là việc ông đã chối Chúa. Alain một nhà tư tưởng lớn của Pháp đã viết những lời như thế thật chua cay về cái biến cố này: “Tôi hình dung ra ông ta đang ở trên Thiên đàng, đầu đội triều thiên hào quang sáng chói nhưng mỗi khi nhớ đến ‘dzụ’ ấy, chắc ông còn phải đỏ mặt” Lý do, ông viết tiếp: “Tông đồ Phêrô trong hoàn cảnh lúc đó đã lẩn trốn như thỏ hay như chuột” Lời nhận định hơi chua chát một chút nhưng nó cho chúng ta thấy tính cách nghiêm trọng của vấn đề. Vì Phêrô là Thủ lãnh các tông đồ, thủ lãnh nhóm 12 và nhất là trước đó Chúa đã cảnh cáo ông.
Tuy nhiên bên cạnh những cái không tốt đó chúng ta lại thấy nơi Phêrô có nhiều đức tính đáng nể phục. Chính những đức tính sáng chói này sẽ làm lu mờ đi những cái tầm thường nơi con người của ông để rồi qua đó ông đã xứng đáng với sự tín nhiệm của Chúa khi Chúa đã đặt ông làm nền tảng Giáo Hội.
Đầu tiên chúng ta phải nói về lòng quảng đại. Tin Mừng ghi thật rõ, vừa khi được Chúa gọi ông nhanh nhẹn bỏ điều mà sau này ông ‘kể công’ với Chúa là tất cả mọi sự. Bên cạnh lòng quảng đại chúng ta còn thấy ở nơi Ông một đức tin chân thành. Đàng khác trên con đường theo Chúa ông còn có một đức tính hiếm hoi này mà những người khác ít ai có được đó là lòng gắn bó keo sơn với Chúa. Sau Phép lạ bánh hóa nhiều, Chúa có giảng một bài giảng về bánh hằng sống. Bài giảng đó đã đánh dấu một khúc quặt mới trong cuộc đời công khai của Chúa. “Lạy thầy, bỏ thầy chúng con biết theo ai vì Thầy có lời ban sự sống đời đời.
Nhưng đức tính đáng cảm phục nhất trong cuộc đời của Ông đó là lòng khiêm nhường. Sách Tu đức gọi đức Khiêm nhường là nền tảng mọi nhân đức. Đôi khi người ta cũng còn gọi đức khiêm nhường là mẹ các nhân đức.
Về Thánh Phaolô, Tin Mừng không nói một câu nào về Ông. Chúng ta chỉ được biết về ông sau khi Chúa Giêsu đã về trời. Xét về con người của ông thì chúng ta thấy ông có nhiều điểm hơn hẳn Phêrô. Ông là một con người có học thức. Là học trò của Giáo sư Kinh Thánh nổi tiếng Gamaliel. Gia đình ông thuộc loại khác giả. Đặc biệt ông là người có tước Công dân La mã
Ông không thuộc nhóm 12. Ông là một tông đồ sinh sau đẻ muộn nhưng là một tông đồ đặc biệt.
Ông xuất hiện không như một người về phe với Chúa, nhưng như một kẻ đối đầu. Tệ hơn, như một kẻ thù: Chúng ta còn nhớ thật rõ câu truyện ông tình nguyện đi Đamas để lùng bắt và tiêu diệt những người mang danh Kitô hữu. Thế nhưng cũng chính từ cuộc lùng bắt những người Kitô hữu này Chúa đã chinh phục ông. Cuộc chinh phục rất đột xuất làm cho nhiều người cảm thấy như không thể tin được. Thế nhưng đó lại là công việc của Chúa. Chúa chọn ông để sai ông đi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại.
Noi gương hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, chúng ta xin Chúa ơn sống khiêm tốn. Hãy để cho Chúa bước vào và làm chủ cuộc đời mình, để Thánh Ý Chúa được nên trọn qua đời sống của ta.
(tổng hợp)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.